Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

AI VỀ NHẮN VỚI BẠN NGUỒN

            Nguyễn Hải Triều
           
Con đò ấy tôi vẫn thỉnh thoảng qua về mỗi khi có công việc cần đi Duy Xuyên. Ấy vậy mà sáng nay trong tôi lại có cảm giác bồi hồi khi bước lên chiếc thuyền chênh chao xe người khi qua sông rời bến Giao Thủy.
            Ừ thì bồi hồi. Thời khắc cuối thu, gió làm dập duyềnh ngọn sóng sông quê. Mây trắng bàng bạc cuối trời.
Đò đi qua chớn nước rẻ đôi hai bờ trong đục. “…Từ phía nguồn mít non về xuôi/ Bên nớ Vân Ly mây chia Giao Thủy/ Gõ ván thuyền ca bài nhân nghĩa/ Chín mùa tằm chín mùa nhớ nhau…” (Thơ NHT). Tôi thương sông phía bờ Vu Gia luôn đục ngầu màu đất, cứ chảy xuôi. Người ta nói nơi thượng nguồn bị ngăn nhiều tầng nhiều lớp để làm thủy điện; rồi tình trạng khai thác vàng trái phép, đào bới loang lỗ các ngách sông thì làm sao còn giữ được dòng trong? Phía Thu Bồn khác với Vu Gia còn giữ được dòng xanh mát rượi. Nhìn ngược lên những bến bờ xa tít tắp phía tây, nơi Duy Hòa, Duy Thu, Phú Đa bờ nam; Phú Thuận, Bến Dầu bờ bắc; chẳng biết con bến nào ngày xưa những chiếc ghe bầu ngược xuôi biển -  nguồn thường ghé lại, nhận ân tình của đất, của sông rồi ra đi mang theo câu hát: “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên…” và con bến nào những năm kháng chiến máu lửa, có bà mẹ Đại Thắng, Duy Thu chèo thuyền đưa bộ đội sang sông giữa đêm mưa gió chập chùng, trong tiếng đạn pháo gầm rú trên đồn thù An Hòa, Đức Dục; và câu chuyện ấy được kể lại như huyền tích của thi ca.
Thu Bồn – còn là dòng sông bây chừ có đôi bờ xôn xao lễ hội hằng năm khi mùa xuân về ngan ngát hương hoa: “Trăng rót đầy ghe lời sông triền miên/ Điệu hò chèo thuyền trôi về Cửa Đại/ Chờ lễ hội Bà người khoe áo mới/ Thu Bồn mênh mang không lời ...”. Lễ hội Bà Thu Bồn (còn gọi Bà Bô Bô), một nữ thần người Chăm được Việt hóa. Vùng đất từ xa xưa đã có sự giao thoa văn hóa Chăm Việt làm nên bản sắc riêng của đất và người đôi bờ sông Thu. Bên kia Thu Bồn có lễ hội Bà Thu Bồn thì bên ni Vu Gia có lễ hội Bà Phường Chào. Hai lễ hội cách nhau chỉ mấy ngày và hình thức cúng tế  và phần hội gần giống nhau. Người ta còn truyền miệng rằng bà Thu Bồn (Bô Bô) và bà Phường Chào là hai chị em và sinh thời đều diệt ác cứu người, bốc thuốc chữa bệnh cho dân lành. Có câu ca trong dân gian: “Bô Bô nói với Phường Chào/ Xem tôi với chị bên nào hiền hơn”.
Đò cập bến Duy Xuyên. Tôi lên bờ, đi qua bãi cát Kiểm Lâm còn vương dấu tích của một chiếc cầu xưa đã gãy. Người ta đồn đoán rằng chiếc cầu sẽ được xây dựng lại trong thời gian gần đây cho thông tuyến đường Duy Xuyên – Đại Lộc. Nếu việc xây cầu trở thành hiện thực thì ngoài việc giao thông đường bộ hai bờ sông Thu được thông suốt; người dân hai bờ qua lại trao đổi hàng hóa; giao lưu văn hóa, thăm hỏi nhau dễ dàng, không còn trắc trở bởi những chuyến đò ngang, thì tuyến đường du lịch Đà Nẵng – Mỹ Sơn sẽ gần lại, sẽ thu hút một lượng khách đáng kể hằng năm đến với một địa chỉ văn hóa xứng tầm Di sản văn hóa thế giới.
Đường lên thánh địa Mỹ Sơn, khu di tích với những cổ tháp ngàn năm, ẩn chứa biết bao câu chuyện sử thi, truyền thuyết, giai thoại về một vùng đất, con người nơi đây. Đường về xuôi, qua La Tháp, Chiêm Sơn…mỗi tên núi tên làng như nhắc ta nhớ về những ngày xa xưa nhiều trăm năm trước, đâu dấu chân cha ông từng nếm mật nằm gai thời “mang gươm mở cõi”? Đâu tiếng vó ngựa, gươm khua của tháng năm đất, người là phên giậu biên thùy?
Tôi đi qua Trà Kiệu, xứ Đạo mùa hành hương chật nức bóng người. Chợt nhớ về một kỷ niệm khó quên trong đời: Khoảng tháng Tám của năm Bảy mươi tư, sau khi Thượng Đức được giải phóng. Chúng tôi là những thanh niên trong khu dồn Hà Tân, được Cách mạng đưa đi học tại trường Quân Chính của tỉnh đóng ở Thạnh Mỹ (Nam Giang bây giờ). Sau khóa học 7 ngày, mỗi chúng tôi được các ban ngành của tỉnh đến tuyển lựa về tham gia công tác Cách mạng. Tuổi trẻ háo hức được cống hiến. Ngoài những ban ngành dân chính tuyển quân, anh em chúng tôi được bổ sung vào đơn vị D1, bộ đội chủ lực tỉnh Quảng Đà. Sau thời gian huấn luyện tại căn cứ, chúng tôi cùng với đơn vị được điều động về cắm chân án ngữ vùng tây Duy Xuyên, tạo thế phòng thủ bảo vệ vùng tự do và sẵn sàng đợi lệnh cấp trên tiến xuống giải phóng đồng bằng. Những ngày tháng ấy thật đáng nhớ với mỗi chúng tôi, những anh tân binh. Mới ngày nào còn là những cậu học sinh trung học Thường Đức, Đại Lộc, Trần Quý Cáp (Hội An), bỗng sau một thời gian ngắn lại trở thành anh giải phóng quân mũ tai bèo, súng AK, trèo đèo lội suối, nếm trải gian khó hiểm nguy trận mạc. Chiều chiều, đứng trên đỉnh núi Xuyên Trà nhìn xuống đồng bằng, nhìn qua Trà Kiệu, sông Thu như dãi lụa xanh trải dài xuôi về Vĩnh Điện, Hội An mà lòng nghe da diết nhớ; nhớ về thuở học trò mới đó, mới đây với những kỷ niệm không thể nào nguôi quên; nhớ quê mẹ, con đường làng, cô bé hàng xóm…nỗi nhớ thiêu cháy tâm can, và…nếu không vững vàng, chỉ cần vượt qua một đoạn đồi ngắn là có thể trở lại “phía bên kia”. Ấy vậy mà mỗi chúng tôi tự dằn lòng mình, tự nhủ mình đừng bao giờ bị cám dỗ bởi những suy nghĩ dại dột. Rồi chiến trận cũng đến. Tuyến phòng thủ của đơn vị bị lộ. Địch tấn công trận địa khi đơn vị chưa kịp phòng bị kỹ càng. Để bảo tồn lực lượng, cấp trên lệnh cho tiểu đoàn phải rút đi trong đêm. Trận đánh mở đường diễn ra nhanh chóng và chúng tôi phải chịu tổn hao quân số. Trong số người hy sinh hôm ấy có thằng bạn tôi, nó nhập ngũ cùng ngày ở Thượng Đức. Bây giờ nhớ lại thương nó biết chừng nào!
Dòng suy nghĩ miên man, tôi đi qua Cầu Chìm ghé về Nam Phước. Gọi Cầu Chìm là của ngày xưa, chứ còn bây giờ “cầu cao  ai bắc để ta nhớ mình” rồi. Cầu đã thênh thang nối con đường lớn khi đất đai ở đây đã trở thành phố thị của Duy Xuyên. Không còn cảnh như ngày xưa, chỉ cần mùa lũ trời mưa vài ngày là nước đã ngập cầu rồi; người qua lại phải đò giang khẳm khênh lăm lắm muộn phiền. Nghe nói ngày khởi công xây cầu, những công nhân khi đào móng đã phát hiện ra hố chôn nhiều hài cốt liệt sĩ của một trận đánh năm xưa. Cũng chẵng lạ lẫm gì khi trên mảnh đất anh hùng lửa máu này, “mỗi tấc đất là mỗi một cuộc đời” để cho chúng ta hôm nay được trọn vẹn niềm vui trong hòa bình, độc lập!
Nam Phước. Qua Cầu Chìm tôi về làng cũ Mã Châu thăm người bạn. Dấu tích làng nghề dệt lụa xửa xưa, bây giờ chẳng ai nhận ra khi đường sá thênh thang, nhà cửa cao tầng nguy nga bày biện trước mắt. Trong tôi chợt ngân vang câu hát dân ca trong bài “Quảng nam tung cánh chim bằng” mà bất cứ ai yêu dân ca trên miền quê xứ Quảng chẳng đã từng nghe một lần: “…Ta giành lại đất trời cây cỏ/ Đường tương lai rộng mở thênh thang/ Cho Mã châu đẹp sợi tơ vàng/ Thuyền xuôi về phố Hội An thuận dòng…”. Mã Châu ngày xưa với nong tằm cái kén, những khung cửi quay tơ nhịp nhàng, cho sợi chỉ vàng óng dệt thành lụa là vải vóc nổi tiếng vùng đất Duy Xuyên. Quê kiểng khi đi xa mới nhớ, mới đằm thắm một tình yêu muôn thuở, rồi dệt nên thành những câu thơ, những bài hát bất tử đi vào lòng người. Để khi về Mã Châu, tôi nhớ “Bài thơ quê lụa” của Vũ Đức Sao Biển. Bài hát cứ ngân nga trong tôi, rồi chợt nhận ra những yêu thương dù nơi đây không phải là chốn chôn nhau cắt rốn của mình: “ Đây Duy Xuyên quê lụa dịu dàng/ Xuôi theo con sông biếc mơ màng/ Về mà xem ruộng vườn xanh ngát/ Về mà nghe hố hụi hò khoan…”. Mã Châu bây giờ có những nhà máy dệt với máy móc hiện đại. Phát huy truyền thống làng nghề, các doanh nghiệp ở đây đã đầu tư công sức, tiền của để hình thành nên một làng nghề với nhiều tổ hợp dệt, không chỉ dệt lụa mà còn sản xuất nhiều mặt hàng vải vóc có giá trị cao về kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường cả nước. Người bạn của tôi, ngày xong nghĩa vụ quân sự (anh cũng là bộ đội tình nguyện ở Kampuchia) trở về làng, chỉ đôi bàn tay trắng. Rồi cùng gia đình ươm tơ dệt lụa. Hàng tuần với chiếc xe đạp cà tàng, anh cần mẫn thu gom những ký kén tơ của nhiều hộ trong làng, rồi đạp xe lên tận nhà máy ươm tơ Giao Thủy cách hàng hai mươi cây số cân cho nhà máy lấy lời. Ấy vậy mà cho đến bây giờ sau bao năm mài miệt, anh trở thành một doanh nghiệp thành đạt, có tổ hợp dệt riêng với mấy chục công nhân. Hàng hóa cung cấp tận trong nam, ngoài bắc. Không chỉ riêng anh, mà có rất nhiều người trong làng Mã Châu, thị trấn Nam Phước cũng giàu lên từ con đường ươm dệt.
Chia tay làng Mã Châu, tôi ghé lại Trung tâm Văn hóa huyện thăm người bạn đang làm phó giám đốc ở đó. Anh quê Duy Hòa và là cháu trong họ gọi thi sĩ Bùi Giáng bằng ông nội chú. Từ chối lời mời ở lại, tôi rời Nam Phước, Duy Xuyên; nơi có Mỹ Sơn thánh địa là di sản văn hóa của thế giới; có sông Thu như dãi lụa mềm trăm năm chở đầy huyền tích thi ca; Mã Châu, vùng đất tơ tằm nổi tiếng. Tôi theo con đường xuôi qua Vĩnh Điện trở về Đại Lộc trong ánh chiều vàng. Dừng lại trên cầu Câu Lâu nhìn về phía ngược dòng sông, đầu óc  tôi chợt lan man một điều xa xôi: Trong bao chiếc thuyền đang ngược xuôi trên cửa ngõ Thu Bồn này, còn có chiếc ghe bầu nào không? Chiếc ghe bầu trong bao nhiêu chiếc ngày xưa từng chở mắm, vải lên nguồn rồi có lần ghé lại một bến sông nào đó trên quê tôi, để khi về xuôi còn mang theo câu hát:
Ai về nhắn với bạn nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên…


                                                                          Quê nhà, giữa thu 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét