Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

NHỚ MÙA CÁ NƯỚC LỤT


                                                                                     Nguyễn Hải Triều                                                                                                                                                                                                                                                                     
        Làng tôi nằm ở bờ bắc sông Vu Gia. Bên kia cánh đồng là sông Con. Có một nhà thơ nổi tiếng khi đến quê tôi đã viết: “Trước nhà em sông Vu Gia/ Sau nhà em cũng lại là dòng sông/ Anh đi giữa một cánh đồng/ Ngóng trông bên nọ ngóng trông bên này…” (*). Những câu thơ ấy đã đi vào tâm thức của người dân quê tôi một thời mưa bom bão đạn và mãi cho đến bây chừ. Hai nhánh sông ấy như hai cánh tay vòng qua ôm lấy làng tôi như mẹ ôm con rồi chảy ra Ba Bến, nơi có Đầu Vòm và con đò cũ càng trăm năm đong đầy ký ức quê kiểng và xuôi về phía biển xa xa. Mùa nắng nước hai sông hiền hòa trong mát, xanh như dải lụa mềm. Ghe thuyền ngược xuôi tấp nập trên các bến sông nhộn nhịp, đông vui. Đến giữa thu, khoảng tháng bảy, tháng tám; những cơn mưa dầm dai dẳng ướt sũng con đường quê; làm cho đồng bãi ngập ngụa, lênh láng; sông duyềnh lên con nước đục ngầu bèo bọt, sóng to gió lớn. Lũ trên nguồn đổ về ào ạt báo hiệu mùa bão gió, lụt lội trên quê tôi.

Những trận ngập lụt hằng năm; nỗi lo ngay ngáy của người dân quê về những tổn thất mùa màng nếu như đồng lúa tháng tám chưa thu hoạch kịp. Bão gió dập duềnh làm trôi nhà trôi cửa, của cải mất mát, gia súc tổn hao… nhưng bao đời nay vẫn thế nên người dân quê tôi đã quen và họ luôn có sự chuẩn bị chu đáo để đối phó. Cái được của mùa lụt là khi nước tràn lên đồng làm chết chuột bọ, côn trùng, những thứ gây hại cho mùa màng. Lụt còn đem phù sa bồi đắp cho cánh đồng quê tôi thêm tươi tốt quanh năm. Đã vậy, mỗi mùa lụt về, người dân quê tôi tự tạo cho mình những thú vui quê xứ nhớ đời, trong đó có việc đi bắt cá nước lụt.
Nơi có sông dài, đồng rộng, biền bãi mênh mông thì ai từng sinh ra lớn lên trên miền quê này mà chẳng một lần biết đi bắt cá mùa nước lụt? Ở cái tuổi mười hai, mười ba; tôi và lũ bạn hàng xóm chủ yếu “ăn theo” người lớn mỗi lần đi bắt cá. Thuở ấy, nhà nào trong làng cũng có đủ thứ ngư cụ tự làm lấy. Ông nội tôi là một thợ tre lành nghề nên trong nhà chẳng thiếu thứ gì nào nơm, đuộc, lờ, trủ, vó, rúc…. Cha tôi là người say mê thú bắt cá đồng nên ngay từ những ngày trời chuyển mùa là cha đã kiểm tra các loại ngư cụ chuẩn bị cho việc bắt cá.
Rồi mùa mưa đến. Bắt đầu những cơn “mưa như cầm chỉnh đổ”. Mưa suốt ba bốn ngày không ngớt. Nước trên nguồn đổ về trên hai con sông ào ào kèm theo bèo bọt, rều rác, gỗ mục trắng sông. Nước dâng từng lúc từng lúc rồi tràn lên đồng. Nước từ Bãi Dù, Đồng An chảy qua Bàu Cá Gáy; Nước ngấp nghé Ruộng Su băng vào Lung Ngõ. Nước quanh làng. Khi nước lụt bắt đầu thâu bàu cắt ngang lối ra bến sông thì cũng là lúc cả làng tôi nhộn nhịp hẳn lên, ở mỗi nhà, người thì dọn lụt, tiếng heo kêu, gà quác, trẻ con khóc, người gọi nhau í ới…nhà nào dọn lụt xong, lúa thóc, của cải, đồ đạc chuyển lên chồ; để phụ nữ ở nhà, còn các ông thì vác trủ, vó ra rìa làng để “đứng cá”. Có người vác nơm lên Bàu Cá Gáy để bắt cá ức nước. Những khi ấy, tôi và lũ chúng bạn trong xóm cũng lăng xăng theo người lớn, xâu lờ trên tay, có đứa thì vài ba cái đuộc, chạy đi tìm các ngõ nước vừa ý ở ngoài đồng để đặt lờ đơm cá. Cả làng như ngày hội. Việc ai nấy làm, mưa gió nhưng vui hết chỗ nói.
Có năm tôi theo cha và bác Ba lên Bàu Cá Gáy. Nghe người lớn kể lại trước đây Bàu Cá Gáy là một cái bàu nhưng khi tôi biết về nó thì chỉ là một lung đất trủng thấp nằm dọc sông Con. Gọi là Bàu Cá Gáy vì mỗi mùa nước lụt tràn về, từng đàn cá gáy cứ theo nước trôi, từ ngoài sông lóc vào trủng để tìm chỗ để trứng. Chờ thời cơ như vậy những đàn ông trong làng tôi, mỗi người hai tay cầm nơm, những chiếc nơm to có đường kính hơn nửa mét đứng phục sẵn. Cá bơi vào trong cỏ vượt nước nghe rào rào, róc róc, lòi cả vây lưng. Chỉ chờ có vậy, mỗi người đón đầu một lối, thấy cỏ rung chỗ nào thì sấn nơm xuống chỗ đó, có khi chụp một lúc hai nơm đều được hai con, con nào con nấy bề ngang to bằng bàn tay xòe của người lớn. Úp nơm khoảng vài tiếng đồng hồ đến khi nước ngang thắt lưng thì mọi người về lại làng với vốn liếng mỗi người cả chục con cá gáy, phải gánh chứ xách, mang không xuể.
Lúc bấy giờ làng tôi như một ốc đảo giữa biển nước mênh mông. Xung quanh rìa làng toàn nước lụt bao quanh, Nhà nào có ghe thì đi vớt củi, bắt dế. Kẻ thì đem trủ vó ra dọc bờ mương Đồng An để đứng cá trôi. Người lớn đứng cá, trẻ con chạy lăng xăng đặt lờ, đặt đuộc cá nước lên trong các khu ruộng rộc. Cá ức nước bơi hàng bầy, dở mỗi chiếc lờ lên, nào cá diếc, cá rô, cá trê…long lóc, nặng trịch; dỡ mỗi chiếc đuộc lên thì đầy cá nhét, lươn chui vào, kêu ché ché nghe sướng tai. Tiếng la hét dậy vui cả một góc làng mỗi khi chiếc vó, chiếc trủ ai đó vừa vào được một con cá lớn.
Rồi nước lụt cũng tràn vào làng, mọi người nhanh chóng thu dọn các thứ ngư cụ để về làng trú lụt. Nước tràn lên các ngõ đường thôn, chảy vào vườn; nước vào sân, vào nhà. Cầm chừng khoảng một buổi hay một ngày rồi mưa tạnh, gió êm. Khi nước từ từ rút ra ven đồng cũng là lúc cả làng tôi vừa dọn bùn non, vệ sinh nhà cửa vườn tược, vừa chuẩn bị cho việc đi bắt cá nước “giựt”.
Năm nào cũng vậy, nước lớn thì rất nhanh, cứ ào ạt tràn về thác lũ, nhưng đến khi giựt ra thì chậm rãi, từ tốn như người già chống gậy đi trên đường trơn. Lúc nước ra khỏi làng, còn loanh quanh đồng bãi thì ngoài việc don dẹp nhà cửa, bùn non, cây đổ trên đường, rác rều nơi ngõ xóm,…mọi người sau khi rảnh tay lại là trủ, vó, nơm, lờ… ra đồng đặt cá. Những cửa nước tháo dọc các bờ ruộng trên Lung Ngõ, Đồng An, Ruộng Su, được lũ trẻ chúng tôi chiếm lĩnh để đặt lờ, đuộc đơm cá nước giựt. Các bàu quanh làng thì nhiều người giăng lưới, bủa câu. Dọc bờ sông Cái, sông Con, người lớn sắp hàng đứng trủ, cất vó…nhìn xa, khi hàng vó, trủ cả mấy chục cái lần lượt cất lên đặt xuống đều đặn, xa trông như một bức tranh thủy mặc dưới trời chiều bão gió quê nhà, ai đó sau này dù có đi xa lắc bao năm thì làm sao mà chẳng nhớ?
Trận lụt đầu tiên của năm qua đi, rồi khoảng vài chục ngày sau thì trận lụt khác lại về. Làng tôi lại như hội hè đi bắt cá, nhưng lần này có thêm chuyện đi bắt cá “rầm”. Cá rầm là những bầy cá con do cá gáy, cá trảnh trong mùa lụt trước trôi về lên đồng đẻ trứng đã nở ra. Mùa lụt này chúng theo sông ngược nước về nguồn. Chúng lớn chừng ngón tay út nhưng nhiều vô kể, đi từng đàn dọc các con lạch quanh đồng; dọc các dòng sông. Để bắt cá rầm, người làng tôi dùng trủ để kéo, mỗi mặt lưới nếu đúng nơi cá đi, khi kéo lên có cả tô đầy. Có nơi người ta bắt cá rầm bằng “nhá”, một loại ngư cụ làm bằng ống tre, có hom, xâu thành dây dài hàng trăm ống, bỏ mồi bằng cám rang hoặc trùn vào đó để nhử. Món cá rầm kho lá nghệ ở quê tôi thì không chê vào đâu được.
Tuổi thơ đi qua những mùa cá nước lụt mà giờ đã hóa thành nỗi nhớ. Mỗi năm có bao nhiêu trận lụt là có bấy nhiêu lần lưới, câu, đuộc, lờ, xênh xang đồng bãi. Đã mấy chục năm rồi, màu tóc lấm tấm sương chiều từ lâu, nhưng những ký ức về bao mùa cá nước lụt trên miền quê nắng bụi mưa bùn ngày ấy vẫn cứ âm âm trong dòng chảy kỷ niệm êm đềm như chuyện mới hôm qua…

                                                                     Quê nhà, mùa lụt 2014




(*)Thơ Thanh Quế
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét