Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

NGƯỜI ĐÁNH CỜ MỘT MÌNH


                                                                              Nguyễn Hải Triều
Xếp thứ tự những quan chức có quyền thế trong cái huyện trung du này thì ông là nhân vật “dưới một trên muôn”. Ngày còn đương quyền, nhà ông chẳng lúc nào vắng khách.. Hết giờ làm việc, về đến cổng là ông đã thấy có người tới xin gặp rồi. Họ đến quà cáp, biếu xén để nhờ vả; cất nhắc. Tính ông chỉn chu “nghĩa tình”; ban phát đúng chỗ nên mọi việc được ông sắp xếp xong ro theo kiểu có qua có lại.Vợ ông đôi lúc phàn nàn: “Cứ kiểu ni thì phải kiếm thêm người nấu nước pha trà để ông tiếp khách?”. Ông cười, tay vo vê mấy sợi râu đặc chủng hiếm hoi dưới cằm, nhỏ nhẹ: “Họ đem lộc cho mình, chỉ tốn miếng nước lạt mà bà cũng tiếc à?”. Nghe có lý, bà chỉ biết im lặng và tuân lệnh.

So với đám bạn cùng thời, đường hoạn lộ của ông thuận buồm xuôi gió nhất. Nhớ thuở hàn vi, ngày cưới vợ, tối động phòng không được cái giường nằm cho tử tế. Bạn bè kê giúp tấm ván ọp ẹp làm chỗ ngủ trong khu nhà tập thể. Suốt mùa đông năm ấy, hai người lạnh thấu xương vì chiếc chăn mỏng duy nhất cũng bị rách tả tơi. Thời ấy sao con người lại thương yêu nhau đến vậy? Khi có được chức quyền, nghĩ lại ông tự thấy mình tệ bạc với người “ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu” ngày xưa. Nhưng rồi ông lại nhủ: “ Hơi đâu! cờ vô tay ai nấy phất. Bọn hắn kém tài thì phải chấp nhận thế thôi! Ai yêu mình bằng mình?”. Mà đúng là ông lắm tài thật. Thời trẻ, tuy vóc dáng khiêm tốn, mặt mày đen đủi, không điển trai như chúng bạn. Nhưng bù lại cho ông cái nói năng lưu loát, khôn khéo, biết lấy lòng; đặc biệt sở hữu một giọng nói người nghe như rót mật vào tai. Thêm tí chút tài vặt học lóm, ông luôn là linh hồn của mọi cuộc chơi.  Với những ưu thế trên, hoạn lộ đời ông như diều gặp gió. Từ một nhân viên quèn, ông nhanh chóng trở thành phó phòng, rồi trưởng phòng. Được cử đi học chuyên tu, tại chức. Những vị trí quan trọng của các ngành ưu thế trong huyện, cấp trên đều phân công ông cầm chịch. Lương tăng, bổng lộc nhiều, ông nhanh chóng trở thành người khá giả và quyền thế.
Vốn mê cờ tướng từ hồi còn để chỏm. Nó thuộc gien di truyền thì phải; bởi cha ông cũng một tay chơi cờ có tiếng cả vùng Lộc Thượng với biệt danh “Độc Cô cầu bại”, chưa hề biết thua trước đối thủ nào. Ông thầm biết ơn cha đã dạy cách đánh cờ cho mình. Ngày chân ướt chân ráo mới về cơ quan, gặp sếp cũng là tay ghiền cờ. Thế là ông trở thành người hầu cờ cho sếp không kể sáng trưa chiều tối. Khi cần có ngay. Biết sếp non cờ lại máu ăn thua, ông tìm cách làm sếp vừa lòng. Chơi thắng một ván lại để thua hai ba ván. Ông chiếm được tình cảm của vị thủ trưởng. Đùng một phát, sếp lên vị trí lãnh đạo cao nhất huyện. Ông nghiễm nhiên được cất nhắc chức trưởng phòng, rồi cứ thế quan quyền đến tay như gió bốn mùa.
Hồi còn tại vị, ông có một đội quân hầu cờ như ngày xưa ông từng hầu cờ sếp. Nhấc điện thoại a lô là có vài chú đến bày sẵn bàn cờ đợi ông tỉ thí. Đến độ phải chia phiên để họ khỏi đụng hàng. Theo cách “suy bụng ta ra bụng người” , ông biết chúng chẳng thật lòng chi với mình, chẳng qua…. Và thực tế, nhận định của ông đã đúng. Từ khi nghỉ hưu, bao kẻ thân cận, tâm phúc ngày xưa, chẳng mấy ai thèm đến thăm. Ông tự an ủi: “Không đến thì đỡ tốn nước. Cái phường bội bạc ấy chả cần quan tâm cho mệt óc. Nhà cao cửa rộng, con cái đình huỳnh, lương hưu đầy đảy… Nếu không có đứa đến thì ta đánh cờ…một mình, có sao đâu?”. Nói rồi làm. Mấy bữa đầu, bà vợ nhìn ông trái khoáy hơi ngạc nhiên, thấy thương cho ông; bà nghĩ, nếu đánh được cờ tướng để hầu chồng thì hay biết chừng nào!
Chơi cờ một mình của ông trở thành thói quen như thú vui mỗi ngày. Chiều. Mưa ngồi trong hiên, nắng ra sân, trên bộ bàn ghế chạm trổ công phu của một thằng đệ tặng ông cách đây mấy năm, dưới gốc cây lộc vừng cổ thụ có giá hàng trăm triệu đồng (cây cũng của người ta biếu). Ông lý sự: đánh cờ một mình, người chơi được dịp thể hiện trình độ phân tâm tối ưu. Đầu óc suy nghĩ độc lập mà không bị chi phối bởi tác động ngoại vi. Mỗi nước cờ, còn có dịp hồi tưởng từng chặng đường đi trong cuộc đời một cách thú vị. Những kỷ niệm, sự phán xét của lương tâm về hành vi trong quá khứ và tìm ra sự đúng sai ở mỗi ván cờ đời. Tài năng ấy quả hiếm hoi! Ông thán phục bản thân mình. Ông biết ơn cha mẹ đã sinh ra ông.
Chiều nay, bày biện các con cờ trên chiếc bàn “độc nhất vô nhị”. Chiêu hớp trà móc câu hảo hạng từ ấm trà bà vợ già pha sẵn. Dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp con pháo xanh đầu tiên mở thế sang sông. Bên kia, cái tôi còn lại cho quân đỏ lên chốt…Rít hơi thuốc thơm, miệng nhả ra những vòng khói tròn “hồi xuân”, ông bắt đầu dòng hồi ức…
Trước mắt ông là con sông tuổi thơ xanh ngắt. Cái miền quê nắng bụi mưa bùn quanh năm kham khổ. Thằng cu Nhẹm (tên tộc của ông thời thơ ấu), sáng chiều bắt ốc hái rau dọc triền Thu Bồn giúp mẹ chạy gạo qua ngày. Dải cát làm bỏng rát đôi chân non nớt mỗi buổi trưa hè chang chang cùng lũ bạn chăn trâu cắt cỏ. Mùi nước đái trâu ngai ngái trộn với mùi hăng hắc của làn da đen nhẻm cháy nắng chẳng thể nào quên. Cái làng ven sông, trận lụt năm Thìn gây tang tóc bao nhiêu cuộc đời khiến cho nhiều người phải tha hương cầu thực.
Xanh lên mã kiền…Đỏ xuất xe…
Trường làng. Ông giáo già nghiêm nghị hay phạt cu Nhẹm “dê-rô” vì tội sử lũ bạn trốn học đi tắm sông chơi trò “trồng chuối bẻ búp”. Bữa theo thầy Trãi bỏ làng biệt xứ vào tận miền Nam tránh bom đạn, nương nhờ cửa chùa, mơ ước ngày về nên danh phận. Thằng cu Nhẹm trong ông nhớ hoài bước chân dùng dằng đi, ở của lần ly hương ấy. May có ngày giải phóng năm Bảy Lăm để ông cởi bỏ áo chú tiểu trở về quê quán, rồi thuận buồm xuôi gió trên nẻo hoạn lộ quan san, chứ cứ mãi vậy cho đến bây giờ chẳng biết số phận đời ông sẽ ra sao? Cũng có thể ông đã trở thành một chức sắc trong nhà Phật như đại đức hay thượng tọa, ăn chay, niệm nam mô và đang trụ trì một ngôi chùa nào đó.
Đỏ thúc tốt….Xanh vô pháo đầu!
Ông xử sự như một kẻ bất nghĩa. Ngày đưa quan tài người thầy cũ về an táng tại quê, ông không đến thắp một nén hương. Người thầy đã từng đùm bọc, cưu mang, dạy dỗ ông nên người trong những năm tha hương cầu thực. Rồi sau này có lần gặp lại, ông chối bỏ không dám nhận mối quan hệ thầy trò vì sợ liên lụy đến sự nghiệp công danh của mình. Nghĩa tử là nghĩa tận nhưng cũng đành mang tiếng là đồ đốn mạt thôi. Chắc rồi hương hồn của thầy cũng cảm thông mà tha thứ cho ông, vì tính thầy luôn độ lượng mà!
Đỏ mã lên kiền…Xanh xuất tượng!
Ừ, chuyện nghĩa nhân trên đời này cũng chỉ là một thứ giáo điều! Mấy ai hiểu hết ngọn nguồn? Vậy thì thánh thần cả chứ làm chi có người phàm? Tiếng ra tiếng vào đôi khi cũng nghe, rằng ông là kẻ ích kỷ chỉ biết cho riêng mình, bất nghĩa với bạn bè, thầy học, với người đã từng đùm bọc ông trong những tháng ngày gian khó sống chết. Hơi đâu chấp chúng nó chứ! Đôi dép còn có số. Cái hồi “hột muối cắn đôi, bát cơm sẻ nửa” ông có đám bạn tốt thiệt, luôn chơi hết mình với ông. Những gương mặt thân thiết như Truyền, Ánh, Đồng…; những bữa cơm tập thể cà muối, cá khô nhưng thắm đượm nghĩa tình. Từ ngày chức trọng quyền cao, tình cảm bạn bè dần dần nhạt nhẽo trong ông. Có khi ông nghĩ: “Thì công việc chi phối, chúng nó chẳng trách đâu!”. Lần được phân công trở về làm sếp cơ quan cũ, thực ra ông thấy mình cũng tệ với thằng Nam. Ông bà dạy “gà ghét nhau tiếng gáy”. Ai bảo nó tài hoa hơn và hiểu những mặt xấu của ông quá tường tận? Lại hay nói châm nói chĩa nữa chứ! Ông quyết định làm cho thân bại danh liệt thì đường công danh của ông mới được an toàn. Vì bản thân mình nên mang tiếng bất nghĩa cũng là lẽ thường thôi. Tào Tháo có câu “thà ta phụ người chứ không để người phụ ta”, đúng là một câu nói tuy hơi bất nhân một chút nhưng hợp với hoàn cảnh ông vô cùng.
Đỏ sang xe… Chiếu tướng! Xanh nống sĩ!
Xe thụt ra, sĩ thụt vào; xe thụt vào, sĩ thụt ra!
Nàng thật yểu điệu thướt tha. Đôi mắt lá răm buồn buồn muốn hút hồn thiên hạ. Nước da trắng, làn môi gợi tình, cặp đùi tròn lẳng…thân hình cân đối luôn được gói trong bộ váy đầm hàng xịn mỗi khi đến cơ quan. Ông nhớ hoài cái ngày mới về nhậm chức, trong buổi liên hoan gặp mặt, chẳng hiểu vô tình hay cố ý mà nàng lại ngồi bên cạnh. Tay nàng gắp thức ăn bỏ vào chén cho ông, miệng chủm chỉm. Hai cái lúm đồng tiền xoáy đi xoáy lại dẻo quẹo trông dễ ghét. Nàng ý tứ để làn da của cánh tay trần khẽ chạm vào tay ông. Chao ôi! Cảm giác như muốn nổi da gà… Nàng lại cười thật tươi. Ông thầm nghĩ, nụ cười của Bao Tự ngày xưa cũng chỉ đẹp cỡ ấy là cùng! Rồi những tháng ngày sau đó là mối tình thầm kín của ông đầy “thiên thu trắc ẩn”, mà cho đến bây chừ nhớ lại, ông nghĩ rằng mình đã từng sống ở cõi thiên thai như hai chàng Lưu Nguyễn. Tuy dối trá bất nghĩa với bà vợ già thì cũng sao đâu? Khối thằng bây chừ bồ to, bồ nhỏ. Có người tình thời buổi này là mốt thời thượng mà!
Chiếu tướng! Chiếu !...Chiếu! Chiếu!!!..
Ông lơ mơ,  rồi chìm vào giấc ngủ ngồi lúc nào chẳng biết. Nghe tiếng “gừ gừ…ực ực…trước sân, bà vợ đang nấu ăn sau bếp ngạc nhiên không biết chuyện chi nên chạy ra xem thử. Bà thấy ông đang trong tư thế ngồi trước bàn cờ dưới gốc cây vừng. Mắt nhắm nghiền, toàn thân giật giật như xác lên đồng. Trái khế nơi cổ họng cứ chạy lên chạy xuống giống con thoi đứt sợi, vang lên tiếng “cà ặc…cà ặc…” khó nghe. Hai tay ông quơ ngang quơ dọc, bốc từng nắm con cờ cho vào miệng nhai sồn sột một cách vô thức. Máu lưỡi, máu răng chảy đầy ra hai bên khóe mép trông thật dễ sợ. Hoảng hốt, bà vừa khóc vừa réo: “ Dậy, dậy ông ơi! Đánh cờ mà răng lại ngủ ngày ri hè? Ông thấy ác mộng chi mà ghê dữ rứa? Dậy đi ông! Hu hu…
Phải đến hơn một phút sau, bà mới kéo ông ra khỏi cơn ác mộng giữa ngày. Ông mở mắt thẩn thờ nhìn quanh như tìm kiếm vật chi, rồi buộc miệng nói một mình: “ Mẹ cha hắn! Đứa mô  phun nước miếng vô mặt tau, đứa mô?”. Ông trừng cặp mắt đỏ lòm nhìn bà vợ vẻ nghi ngờ. Bà vợ hỏi về giấc chiêm bao thì ông lắc đầu, đưa ngón trỏ lên miệng ra dấu im lặng một cách bí ẩn. Rồi ông lại nói một mình: “Mẹ cha hắn! Đứa mô…?”.
Đoán chồng mình bị “xung”, ông bà quở mắng. Bà đi xem bói, coi thầy, hốt thuốc về chữa trị cho ông suốt mấy tháng trời. Căn bệnh mười phần bớt đi được bảy, tám. Kể từ đó, cứ vài ba buổi chiều, dân làng Phiếm Mỹ lại thấy bóng dáng một người đàn ông thâm thấp, tóc hoa râm ngồi trên xe máy, chở theo người vợ tay xách hương đèn hoa quả đi về hướng ngôi chùa phía núi. Họ nói hai vợ chồng đến chùa để ăn chay niệm Phật. Chi tiết về giấc chiêm bao chiều hôm ấy đến bây giờ vẫn chưa ai biết được điều gì!







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét