Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

PHƯƠNG NGỮ ĐẠI LỘC TRONG KHO TÀNG PHƯƠNG NGỮ QUẢNG NAM

  Nguyễn Hải Triều     
Khảo sát nghiên cứu về giọng nói, phương ngữ của một vùng đất là những công trình lớn cần có sự đóng góp của nhiều người, nhiều giới. Không riêng gì Quảng Nam có những thổ ngữ hoặc cách phát âm khiến nhiều người khác khó nghe, khó hiểu, các địa phương khác cũng có những trường hợp tương tự như vậy.
Nhưng đó lại chính là hồn quê xứ của mỗi địa phương. Chỉ cần nghe giọng nói, là người ta nhận ra bóng dáng của quê nhà: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Tiên Phước… Trong bài viết ngắn này, nói về phương ngữ Quảng Nam nói chung, bản thân người viết không dám đề cập những ấn đề lớn, chỉ xin được góp lời bổ sung một số nội dung có tính phổ biến thấy được trong ngôn ngữ của vùng đất Đại Lộc, một miền quê trong cộng đồng những miền quê xứ Quảng…

Vài nét về cội nguồn…
Từ thuở khởi nguyên, Đại Lộc ngày nay thuộc huyện Điện Bàn miền núi, trực thuộc phủ Triệu Phong (Thuận Châu) rồi thuộc Hóa Châu. Năm 1471, Thừa Tuyên Quảng Nam ra đời nhưng phần đất bắc Quảng Nam ngày nay vẫn còn thuộc thừa tuyên Thuận Hóa. Mãi đến năm 1604, phủ Điện Bàn mới được thành lập và cùng với phủ Thăng Hoa nó hợp thành Thăng Điện làm nên tỉnh Quảng Nam ngày nay. Năm 1899 (Thành Thái thứ 11), Huyện Đại Lộc chính thức được thành lập và cái tên Đại Lộc có từ đây. Lúc bấy giờ, huyện Đại Lộc bao gồm cả Hiên, Giằng tức là ba huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang với 5 tổng, 109 xã, thôn, phường, châu.
Tổ tiên của vùng đất này ngoài những người Chăm bản địa, cư dân Việt hầu hết là đến từ các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bô và vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những lưu dân Việt đầu tiên đến vùng đất này là những binh lính trấn ải biên thùy, một số khác bị tội lưu đày. Nhưng cũng có giả thiết nói rằng họ chính là những người đã tháp tùng, phục dịch cho lễ đưa cô dâu Công chúa Huyền Trân về quê chồng. Sau đó, thấy vùng đất này cây cối tươi tốt, đất đai phì nhiêu nên ở lại đây lập nghiệp. Dù họ là ai, tổ tiên của chúng ta vẫn là những con người đầy bản lĩnh, dám chấp nhận đương đầu với những khó khăn của một vùng đất mới, lúc bấy giờ còn là những cánh rừng hoang dại, lắm thú dữ, đầy rẫy những mối đe dọa từ thiên nhiên.
Đại Lộc là vùng đất đã được các cư dân cổ chọn làm địa bàn sinh sống từ lâu đời. Trong lòng đất Đại Lộc ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của người xưa. Các cuộc khảo cổ trong những năm qua cho thấy, đã từng tồn tại nền văn hóa Sa Huỳnh với hơn 3000 năm tuổi.
Kể từ cái mốc năm 1306, và nhất là sau các cuộc di dân ào ạt từ khi Quảng Nam dinh ra đời, những lưu dân Đại Việt tiếp quản vùng đất này đã có một sự cộng cư với người Chăm bản địa. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, sau khi hai châu Ô, Lý về với Đại Việt, những làng mạc người Chăm vẫn  ở lại, sinh sống bên cạnh những người Việt mới đến. Hai nền văn hóa với nhiều nét khác biệt: một bên là người Việt mang theo trong mình cội nguồn văn hóa đồng bằng Bắc bộ và vùng Thanh Nghệ, chịu ảnh hưởng nhiều của luân lý Nho giáo, Trung Hoa; một bên là người Chiêm với một nền văn minh không hề thua kém và chịu ảnh hưởng đậm nét văn hóa Ấn Độ đã va chạm nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, thâm nhập vào nhau trong suốt mấy trăm năm.
Vì vậy, vùng đất này có điều kiện giao lưu tiếp xúc với các sắc thái văn hóa từ nhiều nguồn, kể cả văn hóa Phương Tây qua thương cảng Hội An. Tất cả các yếu tố đó đã định hình nên một bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo của vùng đất Đại Lộc ngày nay, trong đó có sự giao thoa để hình thành một loại phương tiện giao tiếp  độc đáo, trong đó có phương ngữ, giọng nói…
Quảng Nam nói chung, Đại Lộc nói riêng, đất đai phần lớn là rừng núi và vùng bán sơn địa, nhiều sông suối đèo dốc nên địa hình khá hiểm trở. Tổ tiên của người Quảng Nam phần lớn là người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo chân những người mở cõi, họ về phương Nam khai phá đất đai, lập làng mới. Những người đến trước thường chiếm vùng đồng bằng ven biển bởi đất đai ở đây dễ khai phá hơn. Những người đến sau phải đi dần lên vùng bán sơn địa và miền núi. Đa số gia phả tộc họ ở Đại Lộc đều có phát tích từ Bắc, nhưng một số tộc họ lại từ Gò Nổi, Vĩnh Điện, Điện Phương (Điện Bàn); Nam Phước (Duy Xuyên) di cư lên Đại Lộc. Lịch sử của con người nói chung và của con người Quảng Nam nói riêng là phát triển từ Đông sang Tây. Đông là hướng biển, Tây là hướng rừng núi Trường Sơn.
            Trở lại vấn đề nghiên cứu phương ngữ của các vùng miền, các nhà nghiên cứu Phan Thanh Minh, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Bạt Tụy, Huỳnh Công Tín… đống quan điểm chia tiếng Việt thành 5 vùng phương ngữ. Có ý kiến chia tiếng Việt thành 4 vùng phương ngữ  (Nguyễn Kim Thản…); lại có ý kiến chia tiếng Việt thành thành 3 vùng phương ngữ (Hoàng Thị Châu, Võ Xuân Trang…); riêng M. Gordina và nhà ngữ học Hoàng Phê thì cho rằng tiếng Việt chỉ có 2 vùng phương ngữ; và có ý kiến nêu không nên chia tiếng Việt ra thành các vùng phương ngữ vì những khác biệt của chúng là không rõ ràng…
            Và như chúng ta đã thấy, tiếng Quảng Nam nằm phía cực Bắc của phương ngữ Nam (cách phân chia theo chiều ngang từ Bắc đến Nam của bản đồ, hay nói cách khác là chia theo vĩ tuyến). Qua nhiều chuyến điền dã, PGS ngôn ngữ học Vương Hữu Lễ (Đại học Khoa học Huế) đã nhận diện khái quát cái gọi chung là “giọng Quảng” không phải qua khỏi đèo Hải Vân trên con đường từ Bắc vào Nam. Ở  rải rác trong các tỉnh từ Thừa Thiên ra đến Thanh Hóa đều có những làng, xã nói “giọng Quảng Nam”  (Sở Văn hóa -Thông tin Quảng Nam, Văn hóa Quảng Nam - những giá trị đặc trưng, kỷ yếu hội thảo - 2001).
            Hành trình theo dọc con đường cái quan nước Việt, qua khỏi đèo Hải Vân, tiếng nói và giọng nói của người Việt đã thay đổi khá đột ngột. Và khi đã vượt qua khỏi ngọn đèo này, cách phát âm hầu như không còn mềm, khoảng cách giữa các âm thanh dãn ra về cách phân biệt giữa thanh này với thanh kia, việc phát âm vì thế mà mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn so với giọng nói ở phía bắc đèo Hải Vân.
            Một điều cho thấy nữa là vốn từ vựng mà người Quảng Nam sử dụng như: mi, tau, mô, tê, răng, rứa, chừ, ni, nớ, hè, chi… hoàn toàn giống cách nói của người Khu Bốn nói chung, Thừa Thiên - Huế nói riêng. Đồng thời với việc sử dug các từ vựng này. người Quảng cũng nói: mày, tao, ổng (ông ấy), bả (bà ấy), ảnh (anh ấy), chỉ (chị ấy), thế nào, ra sao, đằng kia, làm gì, vậy… như giọng nói từ Quảng Ngãi trở vô Nam. Có nghĩa là cùng một nơi, nhưng có người nói “mi đi mô rứa?”, nhưng cũng có thể hỏi “Mày đi đâu vậy?” đều được cả; nhưng không bao giờ nói: trển (trên ấy), trỏng (trong ấy), bển (bên ấy) như phương ngữ Nam. Đây cũng là những vấn đề mà các nhà nghiên cứu trên lĩnh vực phương ngữ tiếp tục giải mã. Về vị trí địa lý, Quảng Nam là vùng đất nằm chính giữa khoảng cách hai miền của đất nước. Vấn đề giao lưu văn hóa con người, vùng đất Quảng Nam được cân bằng cho hai phía, vào Nam hay ra Bắc. Có một điều đặc biệt nếu ta để ý: Kh  một người Quảng đi đến một địa phương khác, họ có thể nói giọng của địa phương đó như người bản xứ, nhưng người ở địa phương khác tới xứ Quảng không thể nói một cách chính xác giong Quảng Nam. Thực tình mà nói, việc phát âm của người Quảng hơi thô, người địa phương khác lần đầu nghe giọng Quảng bao giờ cũng hỏi lại cặn kẽ mới hiểu được. Khi nói, người Quảng ít phân biệt được dấu hỏi và ngã, nguyên âm /ao/ và /ô/, một số phụ âm cuối /n;ng/ và /t;c/... Bên cạnh những khiếm khuyết về cách phát âm như đã trình bày trên, phải nói  rằng, tiếng Quảng có lợi thế về phát âm các phụ âm. Tất cả các phụ âm trong tiếng Việt được người dân xứ Quảng phân biệt rõ ràng. Không dễ gì người  miền Bắc đọc rõ âm /tr/ và /s/, không dễ  gì người miền Tây Nam Bộ đọc rõ âm /r/... Tiếng Quảng thô, nhưng đã có một thời Quảng Nam được công nhận. Sách “Đại Nam nhất thống chí”, quyển 5 (tỉnh Quảng Nam), mục phong tục, có viết: “Chí như ngữ âm bình lượng, thị chư  tỉnh vi thích trung,  tuy kinh sư diệc dĩ Quảng Nam âm vi chính”, dịch: “Còn như tiếng nói thì bình dị rõ ràng, so với các tỉnh thì đây vừa thích trung, tuy kinh sư cũng lấy tiếng Quảng Nam làm chính” (theo PGS. Vương Hữu Lễ, tư liệu đã dẫn). Dẫu rằng tiếng Quảng Nam thô, nhưng khi xa quê, nếu bắt gặp đâu đó một giọng Quảng cũng da diết lắm chứ!
            Đối với Đại Lộc, nền tảng sử dụng các từ trong phương ngữ cũng chẳng khác gì mấy so với mặt bằng chung Quảng Nam. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện, đã phân tích và từng giới thiệu hiều trên các phương tiên thông tin đại chúng trong nhiều năm qua. Trong bài viết này, chỉ xin đưa ra một số điểm tương đối khác biệt trong cách dùng từ ngữ giao tiếp của người Đại Lộc, với hy vong có thể một chút bổ sung thêm vào kho tàng phương ngữ xứ Quảng  (nếu có thể) .
Một số phát hiện trong giao tiếp…
Đọc bài “Tự điển phương ngữ Quảng Nam” của Vũ Đức Sao Biển, những phát hiện của anh đã khá đầy đủ. Người viết bài này chỉ nêu một số từ bổ sung có xuất hiện ở Đại Lộc, ví như:
Lợt nhớt: Quá nhạt.
Dị òm: Mắc cỡ.
Ưng: Thương.
Xí nữa: Chút nữa.
Y nguy: Y nguyên.
Rượng: Ngứa nghề.
Mọc ngược: Mất nết.
Sít rịt: Khít với nhau không hở ra.
Trịt lít: Thấp. Cái mũi trịt lít.
Ngẳng: Chỉ sự nghịch ngợm.
Kỉnh: Biếu.
Làm phách: Lên mặt.
Giú: Giấu.
Củi: Tủ bếp.
Lủm: Chỉ hành động bốc vật gì đó bỏ vào miệng.
Kiết: Keo kiệt.
Loóng coóng: Láng mướt. Quần áo loóng coóng.
Ướt nhẹp: Ướt đẫm.
Giúng: Giống.
Mướt rượt: Rất mượt mà.
Trơn lu bạch tuột: Rất trơn.
Phỉnh: Dụ dỗ, gạ gẫm.
Ngọt xớt: Rất ngọt.
Một chặp: Một lát.
Trã: Tương tự như cái chão bằng đất để kho cá.
Hục, ục: Hố.
Ủm: Thu hết về mình. Ủm em.
Nói xảnh xảnh: Nói hỗn.
Gướm: Gớm.
Xanh ranh: Bên này bên nọ. Chỉ người không đứng đắn.
Nói lung: nói giỡn.
Hẹp tré: Hơi hẹp.
Máng, lia: Ném, vứt. “ Mi không nghe tau máng cục đá cái lổ óc bây chừ!”.
Hùng hinh, Gùng ghinh: Vật dụng đặt để không đúng nơi bằng phẳng.
Núm: Nắm. Núm tóc, núm đầu.
Chàng ràng: Nghĩa như làm kỳ đà cản mũi, không được việc chi cũng cứ lăng xăng.
Xòng xành: Qua lại làm hư việc. Nói đến người không ra gì.
Xí xọn: Nghĩa cũng như xòng xành. Chuyện không đáng cũng đặt miệng nói bậy.
Rạng: Lăng xăng mà không được việc chi hết. “Chàng ràng như cá quanh nơm/ Nhiều con anh rạng không biết đơm con nào!”.
Ngộ: Lạ. “Mặt cái thằng bữa ni ngộ ghê ta?”.
Ngụy, mị:  Cùng đồng nghĩa diễn tả sự lạ lẫm, không bình thường. Có câu chuyện vui sau đây: Vùng Đại Minh, Đại Thắng còn truyện miệng câu chuyện về tài ứng đối của Tú Quỳ, một nhà nho sống vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Có lần ông đến chơi nhà một vị quan tỉnh đã nghỉ hưu ở làng Gia Cốc xã Đại Minh. Đứng trước sân, nhìn giàn bí đỏ đang ra trái, vị quan ra vế đối: “ Ngụy, ngụy, bí ngô ra trái, ngụy? ( Lạ, lạ. bí đỏ ra trái, lạ?). Ẩn ý của câu đối, câu chữ vế đối vị quan muốn liệt kê một số tên nước thời liệt quốc phân trang bên Tàu (Ngụy, Ngô). Tú Quỳ nghe xong câu đối, đang suy nghĩ tìm cách trả lời thì bất ngờ thấy bà vợ ba của quan tỉnh xuất hiện ở của buồng, ông đọc ngay câu trả lời: “Tề, tề, Lỗ, Hán mọc lông, Tề!”. Quan tinh nghe qua biết Quỹ chơi xỏ nhưng cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì câu đối quá hay!
Một số từ ngữ tiếp theo…
Dài thượt: Dài quá khổ cho phép. “Cái lưng mi răng mà dài thượt rứa hè?
Tỉn: Hủ, bình. Dùng đựng mắm, dưa cải…(trài âm của từ “chỉnh”: Mưa như cầm chỉnh đổ”.
Su: Sâu. Cái giếng ni su ghê.
Mắc tịt: Đang nửa chừng việc chi đó phải dừng lại. Xấu hổ. 
To bành chát, bành tổ sư: To quá sức tưởng tượng. Quá khổ.
Nhạ: Nhái, bắt chước. “Cửi cha không bằng nhạ tiếng”.
Dứ: Nhứ, nhá, dá. Làm động tác giả như đánh.
Bảy đời dương: Từ lâu rồi.
Mặt chầm dầm: Vẻ mặt nặng nề, không vừa ý.
Dựa: Tựa. Ghế dựa.
Biểu: Bảo. Mi lại tau biểu đây!
Lớ quớ: Không lường trước sự việc. Lớ quớ coi chừng họ bắt đó.
Mái, ảng: Lu, chum, ghè đựng nước. Nhắc đến từ “mái” có chuyện vui: Anh chồng say rượu về nhà bị vợ chửi. Tức quá anh ta cầm búa chạy xuống nhà bếp định đạp mái nước cảnh cáo vợ. Thây vậy, bà vợ hoảng hốt la làng: “Hướ làng, thằng chồng tui say rượu về nhà chửi bới vợ con, chừ hắn còn định đập mái nữa đây. Hướ làng! Bà hàng xom nghe vậy cười toe toét nói với bà vợ: “Hắn đập mái thì mi sướng chớ mắc chi la làng hè? Vô duyên chưa!
Một số phương ngữ trong ca dao, hò khoan…
Rúi: Rối. “Rúi rúi chỉ gỡ xong/ Rúi đầu có lược rúi lòng khó phân…”.
Ké: Ráng thêm một bên, một chút. “Anh về cuốc đất trồng cau/ Cho em trồng dây trầu một bên”.
Nương: Tựa nhẹ nhàng.
Chầu rày, bận rày: Kể từ bữa nay, lúc này.
Thời thôi: Thì thôi.
Bồi: Bù đắp, bắt đền. “Qua cầu cầu yếu ta nương/ Chầu rày biết bạn hết thương ta rồi/ Bạn không thương ta nữa thời thôi/ Bao nhiêu nhân ngãi bạn bồi cho ta…”
Ví dầu: Ví dụ như. “Ví dầu cổ cắt đầu bêu/ Đi ngang qua ngõ cũng kêu ớ chàng…”
Dời chưn: Dời chân.
Dợn: Gợn. Gợn sóng.
Múi dây: Mối dây. “Gió nam thổi xuống lò vôi/ Ai đem tin cho bạn ta có đôi bạn buồn/ Dời chưn bước xuống ghe buôn/ Sóng bao nhiêu dợn dạ chàng buồn bấy nhiêu/ Cánh buồm gió thổi hiu hiu/ Nước mắt ra chàng chặm bốn múi dây lưng điều không khô…”.
Dằm: Có dấu.
Tuốt: Hết luôn.
“Con rắn đi đất bột còn dằm/ Mối sầu ta giữ mấy năm cho rồi/ Sông có khúc lở khúc bồi// Khúc mô lở lở tuốt khúc mô bồi bồi luôn…”.
Liệu bề: Tính được thì…
Đặng: Được.
Gầy ra: Sắp đặt ra. “Liệu bề đát đặng thời đan/ Đừng gầy ra bỏ đó thế gian họ cười…”.
Một số từ ngữ nằm trong phương ngữ Đại Lộc, (Có tránh sự lặp lại của những bài viết các tác giả  đã từng tham khảo) xin nêu lên chỉ như giọt nước nhỏ được hòa vào dòng chảy mênh mang của đôi bờ Vu Gia Thu Bồn, hy vọng được chung hòa ra biển lớn.
                                                                      Quê nhà, cuối thu 2014.
                                                                                                 N.H.T. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét