Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

THƯƠNG TẰM NGỮA ÁO BỌC DÂU

                         Nguyễn Hải Triều 

Quê tôi từ xa xưa người dân với nghề nông chân lấm, tay bùn, một đời bám ruộng mà sống, họ bình dị, chân thật, thủy chung không ước vọng xa vời:
Ai ơi chớ phụ nghề nông
Đồng cao ruộng tháo ra công cấy cày
Chân bùn tay lấm càng hay
Có khi vất vả, có ngày phong lưu
Và ngoài ruộng lúa, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng được phát triển từ bao đời, được xem như nghề truyền thống.

Ai về Hà Dục thì về
Thấy nong tằm chín khó bề bỏ đi
Hà Dục là một làng của xã Đại Lãnh ngày nay.
Nằm dọc dọc theo triền hai con sông lớn Vu Gia và Thu Bồn nên thơ, quê tôi được thiên phú cho hai nguồn phù sa màu mỡ, hằng năm từ thượng nguồn trôi về không chỉ bồi đắp cho những cánh đồng lúa phì nhiêu mà còn làm xanh thêm những bãi bắp, nương dâu ven sông bốn mùa tươi tốt. Những nà dâu bát ngát ấy là nguồn sống vô tận cho những nòng tằm.
Con tằm Đại Lộc xe tơ
Bãi dâu Đại Lộc lờ mờ bên sông
Hỡi cô buôn thị bán hồng
Đi qua Đại Lộc thấy tằm nong mà thèm.
Người ta thường nói: "Làm ruộng ăn cơm nằm- nuôi tằm ăn cơm đứng". Qua câu tục ngữ trên, để biết rằng cái nghề nuôi tằm tuy không cực nhọc như làm ruộng cũng vô cùng vất vả, bận rộn. Nhưng nghề nghiệp nào, hoàn cảnh nào cũng đều tạo ra hứng thú riêng cho họ, trong công việc đã cho họ nỗi vui, niềm say mê và cả tình yêu ngọt ngào:
Một nong tằm là năm nong kén
một nong kén là chín nén tơ
Sáng sáng, chiều chiều, những cô gái, những chàng trai mang oi, mang giỏ đi hái dâu để tằm ăn no, cho tằm chóng lớn. Giữa cồn dâu bạt ngàn cây lá, tay họ thoăn thoắt hái, trong tiếng gió xào xạc lay động, là tiếng cười khúc khích của các cô thôn nữ, tiếng hát giao duyên của đôi bên giải bày tâm sự lòng mình:
Chiều chiều mang gió hái dâu
Hái dâu không hái, hái câu ân tình
Tình yêu bắt nguồn từ lao động- từ cảm thông, cái tâm sự thầm thương trộm nhớ ấy được bộc lộ qua câu hát rất đỗi mộc mạc nhưng thắm đượm nghĩa tình: "Hái dâu- Hái câu ân tình". Sao mà đậm đà da diết đến vậy. Câu ân tình ấy cô gái muốn được nghe, được thấy như công việc hái dâu hằng ngày cho nong tằm chín, cho cái kén xe tơ. Họ đã phải lòng nhau, nhưng còn e  ngại nhiều điều, sợ cha mẹ rầy la, bạn bè dị nghị, lòng rối như tơ vò; mà rối tơ thì gỡ chứ rối lòng làm sao gỡ được.
Rúi tơ rúi chỉ gỡ xong
Rúi đầu có lược, rúi lòng khó phân
Dè dặt, thầm kín, chín chắn là tính cách đáng yêu của người thôn nữ. Những buổi hái dâu họ thăm dò nhau, khi chàng trai hỏi:
Ở bên ni sông kêu vói bên tê sông
Tằm con mấy mủng bạn hái dâu đầy nong bạn tề?
Và chàng trai được trả lời cũng bằng một câu hỏi rất khéo léo, ý nhị. Nội dung câu hỏi như để trả lời, lại như thăm dò. Cô gái không muốn từ chối tình cảm của chàng trai, nhưng đã gói ghém tâm sự, nêu lên cái khó của hoàn cảnh.
Tằm nhà chục mủng ăn ba
Dâu gần bạn không hái, bạn hái dâu xa cho tốn tiền?
Câu trả lời tinh tế, thông minh lại đấy ắp sự cảm mến. Dâu đây là để nuôi tằm, nhưng câu hát đã ám chỉ cho chàng trai hiểu rằng anh nên cưới vợ gần cho đỡ tốn, chứ em thì xa cách một dòng sông, phải kêu vói mới tới được. Còn chàng trai khi thương thì:
Thương em không quản gần xa
Mấy sông cũng lội mấy nà cũng băng
Thế là họ chờ có dịp để gặp nhau, để hứa hẹn; và đây, khi nghe người thương lâm bệnh, cô gái đánh liều nói dối cha mẹ rằng con đi hái dâu, nhưng:
Giả đò mang giỏ hái dâu
Ghé vô thăm bậu nhức đầu khá chưa
Chưa khá ta băng đồng chi sá
Bẻ một nồi lá vô xông
Phải chi nên điệu vợ chồng
Đổ mồ hôi ta chặm, ngọn gió lồng ta che.
Trong hoàn cảnh xã hội phong kiến, nền tảng đạo đức Nho giáo với những chuẩn mực còn khắc khe, nặng nề. Người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới. Nhưng tình yêu mãnh liệt đã giúp cho cô vượt qua hàng rào lễ giáo để đến với người mình yêu, quả thật đáng quý, đáng trân trọng. Họ thể hiện tình yêu thủy chung trong sáng tuyệt vời. Và trong tình yêu đó họ đã mượn sự gắn bó giữa lá dâu, con tằm như một lời thề ước:
Đôi ta như thể con tằm
Cùng ăn một lá cùng nằm một nong
Thế nhưng cuộc đời không phẳng lặng như mặt nước hồ mùa thu. Số phận tình yêu của họ còn ảnh hưởng bởi môn đăng hộ đối và nhiều định kiến hẹp hòi. Người phụ nữ bị trói buộc vào những quan niệm " cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", "thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu", Cô gái phải cay đắng thốt lên:
Phận em là phận con tằm
Sinh ra phải chịu hằng trăm nẽo đường
Yêu thương một người mà phải sống chung với một người khác là bi kịch của những cuộc tình. Người phụ nữ đã ví mình như phận con tằm, sinh ra phải chịu hằng trăm nẽo đường, rút ruột mình để nhả tơ cho đời, nhớ nhung một thuở gắn bó nghĩa tình với lá dâu.
Đã sinh ra kiếp con tằm
Không vương tơ nữa cũng phải nằm với tơ
Riêng chàng trai, khi mối tình tan vỡ, bất bình sự phân biệt của xã hội, của gia đình hai bên đòi hỏi môn đăng hộ đối, anh ta lại còn hờn trách người yêu mình bội bạc. Đã không giữ trọn lời thề, quên bao kỷ niệm êm đềm của những ngày gần nhau, của những chiều hái dâu chung bên cồn quê lộng gió. Chàng ví người mình thương như con tằm bạc nghĩa:
Thương tằm ngữa áo bọc dâu
Tưởng tằm có nghĩa hay đâu bạc tình
Nhưng chàng trai có hiểu cho rằng, tan vỡ ấy đâu phải do cô gái mà do bao hoàn cảnh trái ngang khác.Rồi họ chia tay nhau trong nuối tiếc của một đời người.

Chúng ta có một kho tàng văn học dân gian vô giá. Mỗi vùng quê đều có sắc thái độc đáo riêng. Trong bài viết nhỏ nầy, chỉ nói về tình yêu lứa đôi qua hình ảnh "lá dâu - nong tằm" mà những thế hệ trước chúng ta đã sáng tạo ra trong đời sống tinh thần của họ và lưu truyền lại. Tất nhiên, nnội dung không được đầy đủ, còn rất nhiều hạn hẹp, khiếm khuyết; có thể chỉ như một giọt nước nhỏ nhoi so với biển cả bao la. Thiết nghĩ, trong tiến trình chấn hưng văn hoá dân tộc, việc sưu tầm vốn văn học dân gian của một vùng đất, hoặc từng khía cạnh nội dung tế nhị của nó cũng cần được chú ý khai thác,để làm phong phú thêm đời sống tinh thầncho chúng ta hôm nay và cả muôn đời con cháu mai sau./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét