Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

CŨNG MAY CÒN CÓ DÒNG SÔNG NHỚ NGƯỜI

                                            Nguyễn Hữu Vĩnh 
                       Bữa về tôi gặp lại tôi
                       Trắng màu ký ức lở bồi … với sông.
                                                 (Bài lục bát gửi sông)           
Đọc "Lời ru lá cỏ", đầu tiên tôi chạm phải một sự đồng nhất giữa cái tôi của nhà thơ với dòng sông. Ấn tượng ấy trở thành sứ giả dẫn dắt tôi vào thế giới thơ Nguyễn Hải Triều, mở ra một  cõi lòng, một cõi thơ mênh mông sông nước.
 Nhặt lá ghi thơ thả xuôi dòng sông mẹ
 Gửi làng xưa mây trắng vắt ngang trời
                        (Nghe phôi pha)
            Với Nguyễn Hải Triều, sông đã kiến tạo nên một sắc điệu riêng cho thơ anh vừa dịu dàng vừa sâu lắng. Sông là thi ảnh, thi tứ, là cảm xúc, suy tư, là nhịp điệu, thể phách. Từ Rơm rạ mùa đến Lời ru lá cỏ, vui cũng như buồn, say cũng như tỉnh anh đều về tắm gội với sông: “Bữa về tao ngộ dòng sông/ Lở bồi nên vẫn rộng lòng nắng mưa” (Góc quê – Rơm rạ mùa), “Cạn/ Rót nhẹ tay thôi em/ Quê buông con gió thổi đầy/ Sông lơ mơ cánh buồm/ Lơ thơ bóng chiều/ ngất ngưỡng/ anh say” (Say)…
Đó là những con sông thực và hư, có tên và phiếm chỉ, cụ thể và trừu tượng, như: sông Vu Gia, sông Bung, sông Cái, sông Yên, sông Vàng, sông Tiên, sông ký ức, sông tuổi thơ, sông tôi…  Và, những con sông ấy trong thơ anh thường trôi chảy êm đềm trên nền nhịp lục bát nhẹ nhàng mà sâu lắng; chảy qua miền âu lo thổn thức, chảy qua cõi tin tưởng và hoài nghi, chảy qua triền lở bồi được mất, chảy trong lòng đa sự đa đoan…
            Nguyễn Hải Triều đến với sông như một sự ký thác nỗi lòng với người tri kỷ. Thơ anh không phải chỉ cho mình mà còn để cho người. Khát vọng đồng cảm ấy luôn thường trực trong anh để rồi bật lên thành tiếng: Bài lục bát gửi sông, Gửi một người, Câu gửi một dòng sông, …
            “Gửi” là một nhu cầu, như cầu giải bày của cái tôi cô đơn mong cùng ai thức ngủ.
            Sông trong thơ anh hóa thân thành nhiều gương mặt của cảm xúc và suy tư. Cái thực thể tự nhiên sống động ấy lại mang bao nhiêu rung cảm của con người. Trước hết, với anh, sông là một miền quê, một tình quê.  Tình anh với quê hương luôn gửi gắm vào sông. Đôi khi lạc bước quê nhà, sông là nhịp cầu về nơi cố quận:  “Khúc dạ hành đời sông di trú/ Giấc mơ xanh quê ấm một giọng cười”(Dấu con đường). Và có lúc về với sông thì ngược dòng tìm lại tuổi thơ: “Ngược sông về gặp chiêm bao/ Nợ nần chi nữa giấu vào đa mang” (Chuyện xưa), “Bữa tôi về trò chuyện với sông/ Gặp ngọn gió thuở trăng mười bảy tuổi”(Vu Gia – Rơm rạ mùa),… Sông trở thành cõi nhớ ăm ắp, mơn mởm kỷ niệm tuổi thơ. Cõi nhớ là đẹp nhưng mãi là quá khứ: “Tôi ngóng đợi khát vọng của cơn sóng xô bờ /Nhưng chỉ còn lại sự nuối tiếc mỏi mòn. Dòng sông kỷ niệm đã trôi xuôi”(Hương). Câu thơ chẳng phải là tâm trạng của Heraclit hơn hai ngàn năm trước đó sao?
            Có thể nói, phần lớn những vần thơ viết sông của anh mang những cảm thức về tình yêu và cuộc đời. Mênh mang như sóng nước, đẹp nhưng buồn, trĩu nặng trong thơ anh là những dòng sông mang tình yêu không bến đỗ. Đó là “Đêm con gái bến sông run bàn tay ấm/ có mối tình đầu tha hương” (Lời ru lá cỏ), là “Hôm em về phía …người ơi/ cái ngày con sáo hát lời sang sông” (Chuyện xưa), là “Ngày sông trôi mất câu thề/ Tròng trành gánh nhớ quảy về phù sa” (Lục bát nhớ),  “ Mỏi mòn thời gian dâu bể vô thường/ Bữa trăng ăn nằm cùng sông câu thề góa bụa” (Trăng), “Từ ngày sông chảy đôi dòng/ Em xa xôi quá đợi mong bến nào” (Lục bát đợi),…
            Những câu chuyện tình yêu cũng là câu chuyện cuộc đời miên man bất tận không hồi kết. Tình yêu cho anh mãn cảm nghiệm sinh trong cuộc đời bon chen được mất. Đọc Nguyễn Hải Triều, ta luôn bị trói vào mặc cảm “lở bồi” của sông. Ở đó, con sông mang căn phận đời người chảy ám muội trăng vàng, đìu hiu lau lách: “Bữa về tôi gặp lại tôi/ Trắng màu ký ức lở bồi … với sông”(Bài lục bát gửi sông), “ Dù sao sông đã lở bồi/ Câu thơ tôi viết/ Bẻ đôi/ Tặng người” (Gửi một người), “Nụ cười xuân thì trổ dòng trăng mật/ Dòng sông lở bồi trở khúc hoam ca” (Hương mùa) … Và có lúc, con sông dịu dàng và đau đớn ấy đổi lời cuồng nộ trước thói đời ám chướng hơn thua: “Anh lang thang theo dòng lũ/ Nghe chúng cãi nhau bằng những lời đục ngầu”(Thi khúc bão).
            Cảm hứng về cuộc đời với bao trải nghiệm bồng bềnh tóc trắng đã đẩy cảm xúc suy tư trong thơ anh đến bờ triết lý. Đó là cơ may anh tìm thấy sự cân bằng trước chòng chành quang gánh áo cơm. Con sông lặng im dạy người biết im lặng. Cơ hồ những lở bồi là nghiệp dĩ của đời sông, đời người. An nhiên của sông trước vô thường sóng gió, trùng trùng dâu bể là một công án hạnh ngộ lấp lánh nụ cười vô ngại
            Lưng chừng nắng với mênh mông
            Lặng im sông chảy mà không nói gì.
                                                (Bài lục bát gửi sông)

            Sóng vô thường xô nghiêng
            Ngày sông trở gió
            Đứng giữa thinh không
            Chấp tiếng sự đời
                                                (Nghe phôi pha)
            Bản chất con người là cô đơn nên con người cần chia sẽ. “Ai thức cùng ta? Ai ngủ cùng ta?”(Tiếng chuông – Ngọc Phước). Người làm thơ tức là đi tìm tri âm, tức là với tay ra vẫy ngoài vô tận, trong cõi xa lòng có những ai, tức là lắng nghe tiếng vỗ từ một bàn tay hay âm vọng từ cánh hoa hồng thả xuống bờ vực thẳm. Và cuối cùng, anh đối diện với câu hỏi mang tính bản thể thả giữa thinh không vô âm hồi vọng.
            Ta đỏ mắt phù sa chờ đợi
            Tự khi nào để em hiểu đời sông
                                                (Chùm thơ bốn câu 5)
            Bao nhiêu lần bãi bể nương dâu, sông vẫn sống trọn vẹn cuộc đời của nó. Trong cái tịch lặng của đêm sông vẫn một mực phù sa và vỗ sóng. Trong cái tĩnh lặng cõi lòng anh vẫn một mực tận tụy và yêu thương. Sông hay phiên bản của đời anh đã sống đẹp trọn cuộc đời mà hóa công ban tặng. Đó là cái bản thể nguyên khôi, nguyên vẹn đáng trân trọng trước biển cạn đá mòn.
            Thưa em từ thuở nguyên khôi
            Tôi xưa tôi lại là tôi bây giờ!
                                                (Gửi một người)
                    NHV, Quê nhà, tháng 2/ 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét