Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

ĐIỀU THÚ VỊ TỪ MỘT CÂU HÁT RU

                          Nguyễn Hải Triều

            Tôi cũng như bao đứa trẻ được sinh ra từ một vùng quê bên sông Vu Gia. Quê tôi ngày xưa còn nghèo lắm, nhưng chúng tôi lại được may mắn lớn lên trong tiếng ru hời dìu dặt của mẹ, của bà. Tôi thuộc rất nhiều những câu hát ru xưa và chúng đã đi vào máu thịt, nhân cách, tâm hồn, cuộc đời của chính mình tự lúc nào chẳng biết. Chỉ hiểu rằng những lời ru ấy luôn chắp cánh cho chúng ta bay cao, bay xa với bao nhiêu tình yêu thương dạt dào về quê hương, về cội nguồn; làm hành trang ta bước đi trên những nẻo đường phong trần gió bụi.
Người ta bảo rằng tự xa xưa, lúc ru con, có khi người hát muốn giải bày tâm trạng của riêng mình, gởi gắm tình cảm vào câu hát ru bằng bao lời yêu thương nồng thắm, hoặc than thân trách phận. Nhưng cũng có những trường hợp đơn giản, chỉ mượn giai điệu dặt dìu của câu hát để đưa nôi cho trẻ thơ đi vào giấc ngủ, cứ "ầu ơ... con ngủ cho say", còn nội hàm câu hát thì nhiều khi không để ý, chỉ cần suông vần, nghe êm tai là được. Từ thực tế đó, nên mỗi khi hát ru con, các mẹ, các bà thường vận dụng nhiều câu ca dao, câu hò, điệu lý dân ca thuộc lòng của địa phương mình, phổ biến là những câu hát hò khoan nhân ngãi, hoặc những câu hát xạo dí dỏm, tinh nghịch... lấy lời hát đặt vào giai điệu ầu ơ là có thể đưa trẻ thơ vào giấc ngủ ngọt ngào.
            Ba với ba là sáu
            Sáu với bảy mười ba
            Bạn nói với ta không thiệt không thà
            Như cây đủng đỉnh trên già dưới non
            Bạn nói với ta rằng bạn chưa vợ chưa con
            Chừ ai kêu ai hú trên non tê bạn tề
            Bạn nói với mình rằng bạn chưa có hiền thê
            Chớ hiền thê mô đứng đó, bạn bỏ lời thề lại cho ai?!...
            Mới chỉ nghe qua khổ thơ trên, có lẽ nhiều người trong chúng ta ai cũng hiểu đây không phải là một đoạn thơ hiện đại của một tác giả nổi tiếng đăng trên một tờ báo nào đó. Đoạn thơ chính là lời từ một câu hát ru xưa truyền lại. Ngày ấy, ở lứa tuổi mười lăm mười sáu, mỗi chiều khi đi học về, nghe tiếng mẹ ru em trên chiếc chỏng tre trước sân. Tay mẹ nhè nhẹ phất phơ cái quạt mo cau, giọng mẹ cất lên ngọt ngào: " Ầu ơ... ba với ba là sáu, sáu với bảy mười ba! Bạn nói với ta không thiệt không thà, như cây đủng đỉnh trên già dưới non..."Nghe sao mà tha thiết vô cùng. Câu hát mẹ từng đã ru tôi, ấy thế mà khi đã lớn, mỗi lần đi học hoặc đi đâu đó về, đứng nghe mẹ hát ru em là tôi cứ ngẩng người như mới thưởng thức lần đầu vậy. Lời của câu ru thì được chải chuốt bóng bẩy; ý tứ mộc mạc nhưng sâu sắc, trách móc người con trai không thật lòng, đã có vợ rồi còn để cho người con gái đặt niềm tin vào tình yêu, khi hiểu ra thì lỡ làng duyên phận. Thêm vào đó tiếng ru của mẹ tôi lại dặt dìu trầm bổng đến nao lòng. Bọn trẻ đều chóng vánh đi vào giấc ngủ khi nghe lời mẹ ru.
            Mãi gần đây, hơn mấy chục năm sau, một lần về thăm quê, tôi được mẹ tiết lộ ý tứ của câu hát nêu trên. Thật bất ngờ mà chỉ có những người trong cuộc thời bấy giờ mới có thể hiểu ra chân giá trị của nó. Mẹ tôi bảo rằng, đó không phải là một câu hát nhân ngãi trữ tình than thân trách phận, mà là một câu hò khoan bông lơng theo kiểu hát "xạo". Câu hát xạo đa phần dùng hình thức "ý tại ngôn ngoại", thường mượn sự việc nầy để diễn đạt nội dung kia, hay còn gọi là "nói bóng nói gió" để trêu ghẹo, hoặc đả kích đối tượng cùng hát với mình khi không hợp tình hợp ý. Từ nội dung giải thích của mẹ đầy thuyết phục, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên bái phục thế hệ người xưa, những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng tài hoa, bác học. Xin hãy cùng tôi thử lần lượt đi qua ý tứ của từng câu hát để thấy được sự thâm thúy, ý vị của nó.
            Ba với ba là sáu
            Sáu với bảy mười ba
            Bạn nói với ta không thiệt không thà
            Như cây đủng đỉnh trên già dưới non...
            Thường trong cuộc sống, nhiều khi người ta hay đo giá trị của sự việc đúng sai, thật giả bằng các phép tính cộng, trừ; ví von cho chắc chắn như  "đinh đóng cột" để diễn đạt, biểu lộ một lời hứa hẹn, giao ước, một niềm tin trong các mối quan hệ, như tình yêu chẳng hạn. Ở đây, ta hiểu rằng, sau khi đã phát hiện ra sự việc, bằng cách ví von, cô gái đã đổ hết mọi tội lỗi cho người con trai, rằng anh là kẻ dối trá lọc lừa, không thiệt thà, chân thật, không giữ đúng lời thệ ước trong tình cảm với cô ta. Ba với ba không phải là sáu, sáu với bảy không phải mười ba nữa rồi. Mọi việc không thuận theo lẽ tự nhiên mà là một nghịch lý, nghịch lý như cây đủng đỉnh mọc trên núi xa kia. Đủng đỉnh là một loại cây thân nước như cây cau mọc ở các vùng đồi núi. Trái đủng đỉnh có vị đắng, chát. Người ta thường hái trái đủng đỉnh để ăn trầu thay cho cau. Điều rất lạ là khi cây ra trái thì buồng non ở dưới gốc còn buồng già lại ở trên ngọn. Trong hoàn cảnh này, cô gái ví người con trai đối với mình không thật thà, đi ngược lại với lẽ tự nhiên như cây đủng đỉnh " trên già dưới non". Mà đã dối trá thì không thể tha thứ! Nhưng dối trá điều gì?
            Bạn nói với ta rằng, bạn chưa vợ chưa con
            Chừ ai kêu ai hú trên non tê bạn tề?
            Bạn nói với mình rằng bạn chưa có hiền thê
            Chớ hiền thê mô đứng đó, bạn bỏ lời thề lại cho ai?
            Tới đây, nội dung cuộc đối thoại lại chuyển sang một khía cạnh khác mà chẳng có ai có thể ngờ tới được. Không trách móc bằng ngôn ngữ bóng bẩy, chan chứa giận hờn: "Bạn không thương ta nữa thời thôi/ bao nhiêu nhân ngãi bạn bồi cho ta!"; hoặc vấn vương lưu luyến: " Bạn về dưới nớ, về luôn/ để khăn chéo lại lụy tuôn ta chùi!''; hoặc: " Sông có khúc lở khúc bồi/ khúc mô lở thì lở tuốt, khúc mô bồi, bồi luôn!", mà lại là một câu trách móc có tính cụ thể và đưa ra chứng cứ hẳn hoi rằng, chuyện anh nói với tôi rằng anh chưa vợ là sự dối trá! Vợ anh bằng xương bằng thịt đang réo gọi anh ở một nơi có địa chỉ hẳn hoi: "Bạn nói với ta rằng bạn chưa vợ chưa con/ chừ ai kêu ai hú trên non tê bạn tề?". Thực tế những lời thề non hẹn biển trước đây của người con trai đều là thật lòng mình với tình cảm muốn xe tơ kết tóc, gá nghĩa vàng đá trăm năm với người mình yêu, nhưng cô gái có lẽ đã có duyên phận rồi nên từ chối bằng cách đổ lỗi cho anh ta không thật lòng với mình. Nhưng ngẫm lại câu hát thì càng thấy có điều sâu xa, cay độc hơn:   "chừ ai kêu ai hú trên non tê bạn tề?". Ai kêu, ai hú? Mà kêu hú tận trên non kia! Có một câu hát: " Má ơ đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?"; Cái âm thanh kêu, hú ở tận trên núi non xa xôi, tận miền hoang dã đìu hiu sương khói kia, nơi con "chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh" kia, thì chỉ có khỉ vượn chứ làm chi có người? Tới đây ta mới thấy được sự đáo để  trong cách dụng ngôn của cô gái. Câu chữ bóng bẩy nhưng hàm chứa một ý tứ sâu xa, người nghe khó ngờ tới được. " Thuyền em mũi phụng lá loan/ đưa người tiến sĩ chớ hạng chàng em không đưa", Lời nói đã giải bày cho người con trai hiểu rằng: Tôi không ưng anh, vì anh không xứng với tôi, không "môn đăng hộ đối". Anh chỉ ưng được những thứ như khỉ với vượn ở trên núi mà thôi.
            Không chỉ dừng lại ở đây, để chắc chắn hơn quan điểm của mình, cô còn khẳng định tình cảm bằng cách bồi thêm hai câu cuối cùng cũng không kém phần gai gốc:  "Bạn nói với mình rằng bạn chưa có hiền thê/ Chớ hiền thê mô đứng đó, bạn bỏ lời thề lại cho ai?". Ta hãy tưởng tượng ra không gian của cuộc hát hò khoan hôm ấy, chỉ có đôi bên lời qua tiếng lại ở trước sân của một ngôi nhà trên một vùng quê. Ngoài người hát, người xem, không còn ai ngoài heo, chó, lợn, gà... lẩn quẩn quanh vườn, quanh sân. Chẳng lẽ cô gái lại tiếp tục gán ép rằng "hiền thê" đang đứng đó của chàng trai lại là những thứ "lục súc" qua lại trước mắt, " hiền thê mô đứng đó?...". Nếu vậy thì chẳng còn gì để diễn tả cho cách dụng ngôn quá ư hiểm, có phần "độc khẩu" một cách "cạn tàu ráo mán" của cô gái.
            Chẳng biết khi ấy, người con trai kia có được câu trả lời nào không để khắc chế, gỡ rối cho câu hát rất giàu tính trừu tượng, vô cùng thú vị mà chẳng mấy thân thiện kia. Nhưng dù sao đi nữa, thế hệ chúng ta bây giờ nghe lại sẽ không có nhận xét nào ngoài hai tiếng "bái phục". Hơn thế nữa những câu hát ấy cũng đã từng là lời ru ngọt ngào trên quê tôi cho mãi đến bây giờ!

                                              Tháng 4.2010/  N.H.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét