Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

NHỮNG BẾN CHỢ VÀ CHUYỆN VỀ MỘT GÁNH HÁT…

            Nguyễn Hải Triều 
           
 
           Những năm đầu của thế kỷ 20, và có thể trước đó nhiều thập kỷ. Khi đường bộ chưa đóng vai trò chủ yếu làm huyết mạch giao thông nối liền quê xứ giữa các miền ngược xuôi thì đò giang sông nước luôn là nhịp nối bến bờ và tình yêu giữa nguồn và biển.
            Sông dài cá lội biệt tăm
            Người dưng có nghĩa mấy năm em cũng chờ.
            Dọc các triền sông Vu Gia, Thu Bồn…về Đại Lộc, người ta hình thành nên những bến đổ cho khách thương hồ giao lưu, trao đổi hàng hóa với dân bản địa. Tên các chợ Phú Thuận, Bến Dầu, Phú Đa, Phường Rạnh… ngã sông Thu; hay Gia Cốc, Phường Đông, Hà Nha, Bãi Trầu, Hội Khách…miệt Vu Gia đều tấp nập, sầm uất người mua kẻ bán. Các thương lái từ Hội An, Vĩnh Điện, Cửa Hàn…men theo dòng chảy của các con sông.
         Họ đi trên những chiếc ghe bầu, căng buồm ngược nguồn, mang theo nào vải vóc mỹ miều, mắm cá, tôm khô biển; các sản phẩm sành sứ,…bằng những chuyến đi lưng mười ngày, nửa tháng, ghé hết chợ này đến chợ khác dọc sông. Rồi sau đó mua lại của người bản địa nhiều thổ sản miệt nguồn như: trầu lá, loòng boong, dầu rái, trái cây, các loại gỗ quý…đem về cung cấp cho miền xuôi phố thị; và có khi mang về cả những mối tình thầm kín, những lời thề hẹn.
            Rồi khi đã có những bãi chợ đông vui, ngựa xe tấp nập. Đời sống con người được phong phú, thì hội hè, lễ tết. Để cho đến bây giờ, vẫn còn ngân vọng trong chúng ta những dấu ấn không phai mờ về tên gọi một thời của mỗi vùng đất, mỗi làng quê…
            NHỮNG BẾN SÔNG CHỢ SỚM, CHỢ CHIỀU…
            Từ nhiều nguồn tư liệu lịch sử đáng tin cậy, và qua những di chỉ để lại của người xưa đã cho thấy: Lưu vực vùng đất dọc hạ lưu sông Vu Gia ngày xưa có phải là một trong những chiếc nôi văn hoá - giáo dục của cha ông ta, từ cái thời “mang gươm đi mở cõi”? Khi còn là phên giậu biên cương phía Nam của người Đại Việt. Những tên đất, tên làng: Cựu Thị (chợ xưa), La Vân, Lâm Yên, Phường Đông, Gia Cốc,… mỗi tên gọi kèm theo những câu chuyện kể, những giai thoại về một vùng quê ven sông sầm uất thuyền bè, hàng hoá của những thương nhân, miền biển, những người Minh Hương,… tụ tập về đây buôn bán, giao thương.
            Dọc theo sông Vu Gia rẽ về ngã Đại Lộc, qua Gò Nổi đến đất Giao Thủy tằm tơ. Ngược dòng chừng mươi cây số sẽ đến chợ Phường Đông (Đại Phong). Chợ nằm bên bến sông. Người ta kể rằng chợ Phường Đông có từ hằng trăm năm tuổi. Những người cao tuổi nhất làng Mỹ Hảo cũng nói rằng, khi họ sinh  ra thì bãi chợ cũng đã có rồi. Ngày ấy bến sông thuyền bè tấp nập đông vui. Sở dĩ gọi là chợ Phường Đông vì tất cả thương lái đem hàng hóa đến đây trao đổi đều là người miệt xuôi, có cả người Tàu từ phía đông ngược thuyền buồm ghé bến. Chợ Phường Đông là trung tâm giao thương của cả vùng tây nam Đại Lộc thời bấy giờ. Từ đây, các thương khách men theo những con đường bộ, dùng ngựa thồ chở hàng hóa, sản vật cung cấp cho cư dân các vùng phía tây thượng nguồn Vu Gia như Lộc Thượng, An Điềm, Bãi Trầu, Hội Khách; hay đi qua Truông Chẹt rẽ về An chánh, Bến Dầu, Phú Đa, Phường Rạnh…  xa tít tắp giáp với sông Thu. Chợ Phường Đông còn nằm sát ngay bên làng trống Lâm Yên, một làng nghề lâu đời. Nơi cung cấp các loại trống nhạc, trống hội đi khắp bắc nam. “Trống Lâm Yên – Chiêng Phước Kiều” là câu nói ví von để ca ngợi hai làng nghề nổi tiếng của Quảng Nam: Làng trống Lâm Yên (Đại Minh – Đại Lộc) và làng chiêng Phước Kiều (Điện Phương – Điện Bàn).
            Qua chợ Phường Đông, ngược thuyền về phía tây, ta đến đầu nguồn Vu Gia, vùng tiếp giáp giữa hai miền Kinh – Thượng. Gặp những tên đất Bãi Trầu, Hội Khách, nghe bao câu chuyện thú vị về những cuộc gặp gỡ, trao đổi buôn bán giữa người dân tộc thiểu số và khách miền xuôi. Thường thì chừng năm bảy bữa, nửa tháng, những cư dân miền núi gùi những gùi trầu lá, cùng với các sản vật núi rừng khác đi bộ cả ngày đường đến đây bán cho thương lái người kinh, và đổi lấy muối, mắm, gạo, …các thức tiêu dùng thường ngày. Các thương lái sau khi trao đổi hàng hóa với người Thượng, đem những thuyền buôn đầy ắp lâm sản từ Bãi Trầu – Hội khách về ghé bến Hà Nha – Lam Phụng, nơi thị tứ đông vui, hội hè nhộn nhịp trên bến dưới thuyền trước khi xuôi mái chèo lui về phố thị, mang theo bao chuyện trên nguồn dưới biển “Gió nam thổi xuống lò vôi/ Ai đem tin cho bạn ta có đôi bạn buồn/ Dời chưn bước xuống ghe buôn/ Sóng bao nhiêu dợn dạ chàng buồn bấy nhiêu…”.
            Ngã rẽ lên sông Thu cũng đông vui không kém. Các thuyền buôn ghé chợ Phú Thuận (Đại Thắng), rồi đến Bến Dầu (Đại Thạnh), một trung tâm giao thương có từ rất sớm của vùng đất  này.
            Theo gợi ý của một vài người bạn, tôi về Đại Thạnh tìm hiểu cội nguồn phát tích của chợ Bến Dầu. Ông Trần Cẩm, năm nay đã ngoài chín mươi tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông cho biết khi ông chín, mười tuổi, mẹ ông đã dẫn ông đi chợ Bến Dầu. Theo ông, chợ ngày ấy cũng đã rất đông người đi lại mua bán xôn xao một vùng sông nước. Người ta hái chè từ An Bằng gánh xuống; chở dầu rái từ Thọ Lâm, Hữu Niên, Tây An, Khe Tân qua. Những chiếc ghe dợi* xuôi từ nguồn xuống nhiều loại gỗ quý như: kiền kiền, lim, xoay, gõ, trai…để rồi từ chợ Bến Dầu này, các thương lái lấy hàng, lâm sản chở về tận Cửa Đợi, Cửa Hàn,… Trước khi lên thuyền mát mái, còn nhắn lại câu thương câu nhớ với cô gái bản xứ rằng: “Anh về ba bữa anh lên/ Em đừng úp mặt vô phên khóc thầm!...”.
            Cũng theo ông Trần Cẩm, người nội tổ của ông có tên úy là Xã Cẩn, làm lý trưởng vùng Bến Dầu thời ấy. Chính ông Xã Cẩn là người sáng lập ra bến chợ này. Như vậy, tính về thời gian, chợ Bến Dầu đã tồn tại trên một thế kỷ có dư. Ông còn kể rằng, ngày ấy chợ đông buổi sáng thì buổi chiều cách đó không xa, phía cuối làng Phú Hanh, một bãi chợ khác có tên Bàu Toa cũng nườm nượp người qua lại bán buôn.  Bàu Toa có một gánh hát tuồng nổi tiếng một thời. Gánh hát đã tồn tại hơn một phần tư thế kỷ. Đi lưu diễn nhiều nơi, có khi ra đến tận kinh đô Huế. Từ gánh hát này đã đào tạo những lớp nghệ sĩ tài danh, có tên tuổi trong sự nghiệp nghệ thuật hát bội của đất nước.
            …GÁNH HÁT BỘI "BÀU TOA" VÀ CHUYỆN HÁT TUỒNG NHƯ CỔ TÍCH!
            Theo lời kể của các vị cao niên làng Phú Hanh (Đại Thạnh), gánh hát tuồng Bàu Toa có từ năm 1927, do ông Bốn Quản (Nguyễn Nho Quản), cha của nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Nho Túy sáng lập. Ông Bốn Quản vốn là một kép hát lành nghề**. Sau khi mãn nhiệm tại Huế, năm 1919, Ông bốn Quản về quê và lập nên gánh hát Bàu Toa. Ngày ấy, trên cả vùng Đại Lộc, từ việc hình thành nên những trục giao thương đường thủy sầm uất. Người tứ xứ đến, đi các vùng chợ quán như: Hà Nha, Lam Phụng, Phường Đông, Bến Dầu, Phú Thuận…Để tạo điều kiện hội hè, vui chơi, người ta lập nên những “trường hát” làm nơi biểu diễn cho các nghệ sĩ tuồng của gánh hát Bàu Toa phục vụ công chúng. Gánh hát đã đi lưu diễn nhiều nơi trên đất Đại Lộc như: Đại Thạnh, Đại Tân, Đại Đồng, Lộc Thượng, Đại Minh, Đại Thắng… và nhiều lần ra đến kinh đô Huế biểu diễn cho “ngài ngự” (***).
            Trong suốt hai mươi bảy năm tồn tại, gánh tuồng Bàu Toa đã đào tạo nhiều nghệ sĩ xuất sắc từng làm rạng danh trên sân khấu tuồng Việt Nam, trong đó có những tên tuổi lớn, mà tiêu biểu là nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Nho Túy (Đội Tảo). Ông là con trai của ông Bốn Quản. Ngoài học ở cha mình, Nguyễn Nho Tuý còn theo học trường tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và trở nên nổi tiếng. Ông đóng được kép mà còn đóng được cả đào; hát hay, múa đẹp. Khán giả thời bấy giờ tặng ông danh hiệu “Con rồng trên sân khấu”. Bằng nghệ thuật đi hia điêu luyện có một không hai, ông đã diễn tả sinh động bao nhiêu tâm trạng khác nhau trong các lớp tuồng: Có lúc đau khổ ly biệt ( Đổng Kim Lân), khi tình yêu xao động (Đào Phi Phụng - Địch Thanh), hoặc uất hận dâng trào (Hoàng Phi Hổ)…Ông là một trong “ ngũ mỹ” ( Năm diễn viên tuồng xuất sắc của miền Trung từ đầu thế kỷ này). Những vai tuồng hay nhất của ông, nửa thế kỷ qua chưa ai sánh kịp. Ngoài Nguyễn Nho Túy, gánh tuồng Bàu Toa còn có những học trò là “kép” diễn xuất sắc như: Năm Thiều, Tư Bửu, Sáu Lai, Phó Phẩm, hề Doan…các “đào” diễn tài danh như: Bà Xã Tăng (em gái nghệ sĩ Đội Tảo), bà Dấn, bà Bảy Phòng, bà Loan, bà Hậu…tất cả những nghệ nhân ấy bây giờ đã quá vãng, nhưng họ cũng đã để lại cho cuộc đời nhiều giai thoại, nhiều dấu ấn đáng nhớ về một thời vang bóng trên quê xứ Đại lộc thân yêu.
            Người ta con kể rằng, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, vào năm 1946, một số nghệ sĩ của gánh tuồng Bàu Toa tham gia kháng chiến trong đoàn văn công Khu V đã đem tiếng hát, lời ca, bộ diễn phục vụ chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Pháp, và vẫn lấy tên đoàn hát là Bàu Toa. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, một số nghệ sĩ như Đội Tảo, Tư Bửu, Nguyễn Lai, Nguyễn Phẩm…tập kết ra Bắc và đã có những đóng góp lớn cho nghệ thuật sân khấu tuồng Việt Nam.
            NÊN CHĂNG CÒN CÓ NHỮNG ĐIỀU…
            Đất và người là vậy đó. Những dòng sông bây giờ vẫn chảy như tự ngàn xưa, dù không còn trong xanh mà đỏ ngầu hoài niệm về một thời. Đường sá đã thênh thang hơn thành huyết mạch đem văn minh về đến bao vùng quê xưa từng hiu hắt đói nghèo. Từ lâu đã vắng những cánh buồm đổ bến, đã không còn nghe câu hát: “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non em gởi xuống cá chuồn anh gởi lên…”tràn đầy đau đáu nhớ mong. Tôi đi trên con đường cái quan chạy dọc làng Phú Hanh ra đến chợ Bến Dầu trong một chiều nắng mà ngỗn ngang bao điều suy nghĩ. Từ lâu, các nhà nghiên cứu khoa học, nghệ thuật hay các ngành chức năng đã tìm tòi, sưu tra, lập hồ sơ đề nghị Nhà Nước công nhận nhiều di chỉ, sự kiện lịch sử-văn hóa của nhiều vùng đất, tên người để đời sau cháu con học biết, nhớ về mà  sống cho đẹp đời, đẹp đất. Vậy thì gánh hát Bàu Toa và những nghệ sĩ tài danh một thời đã từng có trên đất Phú hanh, Đại Thạnh, mà câu chuyện kể lung linh như cổ tích kia cũng đáng để công nhận là một di tích Văn Hóa của đất và người Quảng nam lắm chứ!
            Chẳng biết những suy nghĩ của tôi có quá lắm không? ./.

                                    N.H.T.
----------------------------------------------------------
        Chú thích: 
  * Chuyên chở (phương ngữ).
  ** Trong tác phẩm  “Năm mươi lăm năm trên sân khấu tuồng” do Vụ Văn Hoá Quần Chúng xuất bản năm 1968, nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy kể rằng: “ Cha tôi là một kép hát cũng vào loại lành nghề, vì vậy bị vua quan Nhà Nguyễn bắt ở lính. Đó là một thứ lính hết sức lạ đời. Loại lính nầy chỉ có việc hát tuồng mua vui cho bọn chúng hội hè, yến ẩm…”.
  ***  Vua đến xem hát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét