Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

LỤC BÁT VỚI NGUYỄN HẢI TRIỀU

            Huỳnh Minh Tâm


            Nhiều anh em văn nghệ đất Quảng biết Nguyễn Hải Triều là một "cây" chuyện tiếu lâm, hài hước, dí dỏm, và chắc hẳn đã nhiều lần nghe anh đọc "lục bát" kiểu : "mấy bà buôn bán chợ Cồn/ cái mình hắn mập cái tay hắn to", "xắn quần mà lội Thu Bồn/ cái chi cũng ướt cái đầu khô ran"... Tuy vậy, có lẽ ít ai biết Nguyễn Hải Triều còn là "nhà sưu tầm" ca dao lục bát tuyệt hay, tuyệt đỉnh (theo thiển ý người viết bài này vậy).

            Nhiều lần không biết vì sao, dòng chảy lục bát trong lòng tôi bị ngưng tắt trì trệ, nhịp điệu đáng yêu, ngọt xớt vậy, đằm thắm vậy bỗng chạy biến đâu mất, lòng tôi trống vắng làm sao. May thay, tôi tìm một quán cóc gặp Nguyễn Hải Triều để nghe anh đọc một vài đoạn lục bát, ca dao cho đỡ nhớ. Nguyễn Hải Triều đã say sưa, " tuý luý" đọc cho tôi nghe một số câu lục bát " chết người"
            Thương tằm ngửa áo bọc dâu
            Tưởng tằm có nghĩa hay đâu bạc tình
            Nỗi đau xé tâm hồn về sự tráo trở của nhân tình thế thái, niềm tin bị đánh cắp.
            Anh về cuốc đất trồng cau
            Cho em trồng ké dây trầu một bên
            Lòng can đảm và chân thật của các cô gái khi thổ lộ tình yêu.
            Đã sinh ra kiếp con tằm
            Không vương tơ nữa cũng nằm với tơ
            Nặng nợ nghĩa tình hay là tiêu cực với số phận ?
            Bạc tình chi rứa hỡi ai
            Non cao úp mặt đường dài quay lưng.
            Thói đời đáng xấu hổ!
            Ví dầu cổ cắt đầu bêu
            Đi ngang qua ngõ cũng kêu ớ chàng.
            Tình yêu nồng nàn, sâu đậm
            Hai tay cầm bốn lượng vàng
            Phụ mẫu biểu bỏ (em bỏ) ngãi chàng em không.
            Một tấm lòng son sắt
            Ví dầu đan rọ thả sông
            Trôi lên trôi xuống thiếp không bỏ chàng
            Ví dầu tới huyện tới quan
            Lỗi em em chịu lỗi chàng em xin
            Một lòng bao dung, cao cả.
            Giản dị mà sâu sắc, tình cảm nồng nàn, chân thật, không ngoa ngôn...cái hay của những câu lục bát, ca dao trên chắc hẳn rồi. Nhưng với cái "cốt cách" anh đọc, ám ảnh và say mê, chân thật và mến yêu, trân trọng như đang cầm giữ một báu vật làm tôi cũng bàng hoàng sửng sốt mà "khen lấy khen để". Có phải gan ruột máu thịt với ca dao vậy mà lục bát của Nguyễn Hải Triều cũng "mon men" tới cái phần sâu thẳm đặc sắc của nó. Anh có những câu lục bát thật hay, mặc dầu còn "nương" theo thi pháp ca dao "lâu đời" và nặng phần hoài niệm, thương cảm
            Nhả tơ tằm chịu mồ côi
            Thương nhành dâu héo một đời bên sông
            Thể hiện một tấm lòng lân mẫn, tha nhân rộng khắp
            Lục bát của Nguyễn Hải Triều là những câu thơ của tâm tình hiển nhiên đâu đó, qua lớp chảy thời gian bỗng ứa ra, một góc của quê nhà rơm rạ, một góc của ái tình nuối tiếc phù vân . " bữa về vượt cạn câu thơ/  lá trăng mềm rớt cuối bờ trời quê/ phù du thắp lửa đêm hè/ trót đa đoan để bộn bề tháng năm/ bữa về tao ngộ dòng sông/ lở bồi nên vẫn rộng lòng nắng mưa/ câu à ơi khuất lối xưa/ mẹ ngồi vá víu sớm trưa mỏi đời/ bữa về mờ nẻo sương rơi/ bới lên dâu bể gặp thời xa xăm/ muộn mằn chín một đời tằm/ vấp câu hát cũ tưởng trăm năm buồn/ ừ thôi em cứ ngọn nguồn/ lỡ làng tôi giữa sông thương lâu rồi/sóng xưa từng đã thề bồi/ rót ly rượu đắng đợi người góc quê". Những câu lạc bát với giai điệu thật đằm, tình cảm thật thắm thiết về mẹ và tuổi già, về em và lỡ làng giữa quê hương ngỡ như cũ càng, sương mờ trong mộng. Viết đến đây tôi lại nhớ Nguyễn Đức Dũng Điện Bàn, một người bạn của Nguyễn Hải Triều cũng có những câu thơ đau đáu về quê hương : "đã đành quê kiểng hút heo/ đã đành rơm rạ gieo neo phận người/ tháng năm khô cháy đất trời/ chưa quay lưng đã tháng mười bão giông", hay như là "về đây núi đứng sông ngồi/ đăm đăm phía cũ một tôi đắm đò/ phủi tay nửa bận giang hồ/ bỏ nhà xa lắc xa lơ với nghèo/ cho qua đi sự đổ liều/ nỗi quê cứ rót tràn chiều tha  phương/ ai ngờ mỏi cổ cố  hương/ trăm năm đã vụt mà sương mái đầu". Dường như ở lục bát, ta đễ dàng bắt gặp những dòng ký ức tiếc thương, những vô thường trường cửu đang bám đuổi khách giang hồ tha phương cầu thực ở chốn ta bà.
            Còn với Nguyễn Hải Triều thì: Tôi còn rơm rạ mùa quê/ thương sông con nước bộn bề phù sa/ ngẩn ngơ làn nắng tháng ba/ tiếng chim bìm bịp vừa xa vừa gần/ về nghe sóng kể mênh mang/ bến trăng quê một lỡ làng xa xôi/ bờ xưa đất cũ đã bồi/ nỗi niềm quê có đứng ngồi đợi nhau...Cau vàng vôi trắng trầu xanh/ ngày em búi tóc mà thành sơn khê...
            Những hình ảnh biến chuyển từ thực đến ảo, từ quá khứ đến vị lai, từ sầu đau số phận đến buồn lênh láng nhân quần đã tạo ra độ rung nhất định của câu thơ, gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc.
            Và rồi dường như cũng có một hơi thở phong sương trận mạc trong các câu lục bát của anh, bởi anh đã từng là lính chiến phong sương và giờ vẫn phong sương bụi bặm. Bởi phong sương bụi bặm nên tếu táo hóm hỉnh. Rồi cái giọng thơ đặc mùi quê, tình quê, đặc buồn rầu ly biệt:
            À ơi cùng với lời mưa
            Ru ta ngọn gió se sưa ngoài vườn
            Nẻo đời trăm mối tơ vương
            Vì nên ảo mộng vô thường thế thôi
            Nhả tơ tằm chịu mồ côi
            Thương nhành dâu héo một đời bên sông
            Ru em thân phận má hồng
            Ru ta còn có bão giông thác nguồn...

            Với những gì đã dẫn, có thể nói rằng, ca dao lục bát với Nguyễn Hải Triều là một báu vật thiêng liêng, mà cũng là một hơi ấm bao la bất tận để anh tìm về ngủ, nghỉ, suy tư trăn trở và làm thơ. Cũng bởi vì quá yêu mến vậy, cho nên lục bát của anh hay lặp các hình ảnh tơ tằm, rơm rạ, răng rứa lắm chi rất chi là ca dao, kể cả cấu tư các bài thơ, cách diễn đạt đôi lúc thấm chất của ca dao:"Trăng xưa vàng vỏ tóc mây/ dùng dằng chi lắm khuyết đầy để thôi/ tạ người mang đến cho tôi/ chút dư hương của một thời đã xa/ hồn trần ngọt khúc dân ca/ ai xui câu hát chim sa cá cùng.../ người về người ở bâng khuâng/ tôi và ly rượu nợ nần với trăng". Tôi có cảm nhận, giá như đề tài thơ anh mở rộng hơn, ngôn ngữ mới mẻ hơn, thơ có tính dự báo, triết luận, khái quát hơn thì bài thơ sẽ nâng lên một tầm cao mới. Thiển ý là vậy. Dẫu sao, với những gì mà Nguyễn Hải Triều đã học, đã đọc, đã viết về lục bát, ca dao, đã có những thành công nhất định và rất đáng trân trọng!
                 HMT

1 nhận xét:

  1. Đồng ý với HMT: "giá như đề tài thơ anh mở rộng hơn, ngôn ngữ mới mẻ hơn, thơ có tính dự báo, triết luận, khái quát hơn thì bài thơ sẽ nâng lên một tầm cao mới". Nhưng chỉ lo có một điều, khi đã được "nâng lên tầm cao mới", thơ đã biến thành THỚ và Nguyễn Hải Triều lại thành NGUYỄN HẢI TRIẾU, tào lao tam đế cụi mất thôi!

    Trả lờiXóa