Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

NGÀY MÙA

              Tạp bút Nguyễn Hải Triều


Mỗi năm, vào những ngày chớm đông, khi ngọn gió chuyển mùa se lạnh thổi về, quê tôi thường gọi là những cơn gió bấc. Trời vẫn xanh, bàng bạc mây, nhưng cái lạnh thì đôi khi thấu cả xương da. Những ngày này, quê tôi vừa trải qua nhiều trận lũ lụt dữ dằn . Ruộng quanh làng sình lầy sềnh sệch bùn non, rạ mùa cũ trơ gốc chờ cày ải để gieo cấy vụ mới. Làng tôi, ngoài ruộng lúa hai mùa, còn có rất nhiều lung đất khô ba châu  để trồng các loại nông sản khác. Lúc biền bãi dọc hai bờ sông Vu Gia vừa khô mặt lớp bùn non của trận lụt cuối cùng trong năm. Mặt đất đang lú nhú mầm cỏ và những cội dâu già trơ gốc. Không gian thoang thoảng mùi cỏ mục ngai ngái quyện gió đồng thì làng tôi cũng bắt đầu vào mùa gieo cải, trồng thuốc lá, ớt, đậu... trên bãi biền ba châu những ngày đông về se sắt gió.

Để có được cái không gian rộn rả reo vui mùa màng ấy, mọi người phải lo sắp xếp công việc chuẩn bị cho mùa vụ từ rất sớm. Sớm hơn cả thời gian những trận lụt tràn về quê tôi nữa kia. Nhà nào cũng tập trung lo con giống, phân tro, đất ải trước đó cả hàng tháng trời. Tôi nhớ ngày ấy, mẹ tôi xới vạt đất bên hè nhà, rồi rải hạt giống thuốc lá, ớt, đôi khi cả bầu, bí ...để cho chúng nẩy mầm. Khi cây con lên độ vài phân tây, mẹ tôi chằm những chiếc bầu bằng lá chuối sứ, cho đất cát pha vào và cấy cây thuốc con, ớt con lên, xếp vào các trành nan đã được ông nội đan bằng tre trước đó nhiều ngày. Cha tôi ra vườn đốn những cây tre  thật già và thẳng, rồi cùng ông nội làm thành một chiếc giàn lớn có nhiều tầng để đặt các trành cây con, tránh bị nước ngập khi trời lụt và che mưa nắng. Hằng ngày phai thường xuyên chăm sóc bằng tưới phân hoá học và nước cho cây con phát triển.
Những ngày cuối tháng mười một âm lịch, trời se se ngọn gió giao mùa. Mới gà gáy giữa, khi ấy khoảng ba bốn giờ sáng mà làng tôi đã thức dậy, ồn ả, nhộn nhịp cả rồi. Tiếng ơi ới gọi nhau vang vọng quanh khắp nẽo đường làng. Trời chưa sáng đất mà đã thấy người lớn vác cày bừa, trẻ con giong trâu bò háo hức ra biền, ra minh xới đất, cày ải, bộng bừa để vào mùa vụ. Xưa kia không có những vùng chuyên canh như bây giờ nên tùy theo cách tính toán của từng nhà, dân làng tôi có thể trồng nhiều loại hoa màu khác nhau như bắp, đậu xanh, đậu phụng, thuốc lá... hoặc các loại rau quả gồm dưa gan, cải, hành ...để tiêu thụ vào dịp tết nguyên đán. Tiếng là hoa màu nhưng chỉ là sản phẩm phụ, vì người dân làng tôi quanh năm chủ yếu sản xuất lúa là chính. Trên vùng quê nắng bụi mưa bùn ngày ấy, nợ áo cơm luôn là điều khó nhọc của mỗi đời người.
Sáng sớm, tôi theo cha mẹ và những người hàng xóm ra đồng. Tôi dắt trâu đi trước, không quên cột chiếc giỏ vịt thường dùng để bắt cá bộng vào thắt lưng, rồi ới thằng Giải, thằng Liễu cùng đi cho có bạn. Trời mờ mờ sáng chưa tỏ mặt người. Tiếng người gọi nhau, tiếng va chạm lịch kịch của các loại nông cụ, rồi tiếng nghé ọ vênh vang xao động cả một vùng quê. Cha tôi vát cày, bác Ba quảy bộng. Mẹ tôi, bác Bảy Gái thì gánh những trành thuốc con. Phân tro đã được chuyển ra đồng từ mấy ngày hôm trước. Không khí náo nức, rạo rực vào mùa nhộn nhịp khuấy động không gian buổi bình minh một góc quê yên ả.
Những hạt sương sớm long lanh mắt cỏ. Nhìn bao quát cả cánh đồng làng tôi sáng hôm ấy như bức tranh ngày hội. Mọi người kẻ cày cuốc, người bừa bộng. chỗ này mố lỗ bỏ phân, chỗ kia xới trồng con giống. Thật vui, thật nhộn nhịp. Cha tôi cho trâu giăng những đường cày, hết đám này sang đám khác. Lưỡi cày xốc đất đến đâu, tôi và lũ bạn đi theo sau tranh thủ lượm bắt những con sùng đất vàng ươm, to bằng ngón tay cái người lớn, lặt phần đuôi cho sạch phân rồi bỏ vào giỏ. Những con sùng đất ngây ngấy mỡ vàng nằm dưới đất cát pha sau mùa lụt là đặc sản của quê tôi. Mỗi người mỗi việc. Bác tôi thì lo việc bừa cho sạch cỏ rồi bộng cho tơi đất ra. Mẹ tôi và những người phụ nữ khác thì mố lỗ trồng cây cho kịp vì để trời nắng lên thì cây con sẽ héo, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
Vừa xong những đường cày cuối cùng, cha mở trâu giao cho tôi dắt đi ăn cỏ, cũng vừa lúc lũ trẻ chúng tôi tụm lại phía cuối biền gần bến sông. Đứa quơ rác, củi và cả phân trâu khô hun lên, đứa kiếm dọc tre xiên những con sùng đất vừa bắt được đem nướng. Rồi hơ những bàn tay khô gầy đen đủi trên ngọn khói đồng âm ấm cho đỡ cơn rét cóng giữa tiết tháng chạp se sắt của tuổi thơ nghèo khó trên miền quê nắng bụi mưa bùn. Cái màu da ngầy ngậy vàng và mùi thơm hương đồng cỏ nội từ những con sùng nướng, ai đó đã cắn một miếng là chắc sẽ nhớ cả một đời, dù có đi cùng trời cuối đất.
Cánh đồng làng quê tôi từ buổi sáng hôm ấy chỉ mấy ngày sau là trông khác hẳn đi. Những đám đậu, luống ớt con lên xanh, những hàng thuốc lá thẳng tắp, mướt rượt nhìn đến mát mắt mát lòng. Xa trông như thảm lụa xanh mờ quấn lấy chân làng tôi như tà áo dài thướt tha của cô gái đương thì.
Đậu, ớt, các loại rau màu, người ta chăm đến kỳ thu hoạch. Riêng cây thuốc lá thì việc xử lý có vẻ phức tạp công phu hơn. Thuốc lá trồng được khoảng một tháng, người ta bắt đầu hái lứa lá đầu tiên gọi là thuốc chưn, rồi thời gian sau là thuốc ống, thuốc nách, cuối cùng là thuốc cơi, còn gọi là thuốc ngọn. Trong các loại lá thuốc hái về, thuốc nách là loại có lá to nhất, chiều dài phải đến trên bốn mươi phân. Loại lá nhỏ là thuốc cơi vì đã cuối mùa. Thuốc lá được thu hoạch theo lứa. Người ta ra đồng bẻ lá thuốc rồi chất vào  giỏ tre lớn gánh về đổ đầy ra giữa nhà, sau đó xâu vào các dọc nan bằng cây giang, một loại cây cùng họ tre nứa nhưng rất dẻo và chắc được đốn từ trên núi đem về hong trên dàn bếp nhiều ngày cho thật khô. Không khí các buổi xâu thuốc ở quê tôi cũng vui đáo để. Một nhà bẻ thuốc về thì cả xóm cùng đến xâu. Hết nhà nầy đến nhà khác. Vừa xâu thuốc, vừa chuyện trò, đôi khi còn hát hò khoan đối đáp nam nữ. Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy cũng lăng xăng quanh những nhà đang xâu thuốc, ngồi xâu thì ít mà tò mò xem người lớn  hát đối đáp thì nhiều. Những câu hò khoan được nghe các cô các chú làng tôi hát lên ngày ấy, cho mãi đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in trong ký ức của mình.
Thuốc lá xâu vào dọc giang, tuỳ theo từng loại mà có cách khác nhau. Thuốc chưn, thuốc cơi được xâu dày vì lá nhỏ. Thuốc ống, thuốc nách thì phải xâu thật sưa ra, mỗi lá cách nhau cả phân tây vì do lá thuốc lớn. Những xâu thuốc được đem treo trên mái nhà hoặc các trại tranh, tre dựng ở ngoài vườn cho đến khi thật khô, lá thuốc chuyển qua màu nâu vàng mới được đem xuống lấy hơi đất cho mềm đi và vuốt xếp cẩn thận. Cứ sáu xâu thuốc được xếp thành một xấp, hai mươi xấp được xếp thành một bó. Bó thuốc phải ép phẳng phiu cho thật thẳng thớm rồi bó lại bằng mo cau, buộc chặt với những sợi mây nước dẻo quạnh và chắc chắn. Quê tôi ngày xưa cau được trồng rất nhiều. Đến mùa trổ hoa, hương thơm ngan ngát đường làng. Cau trái khi dầy buồng được khách thương hồ các nơi đến mua. Bọn trẻ con chúng tôi những đêm trăng sáng thường chơi trò cởi ngựa tàu cau nhộn nhịp đường quê, rồi gom các tàu cau ấy đem về để dành cho việc bó thuốc lá. Ông nội tôi bảo rằng chỉ có mo cau mới giữ lâu được cho lá thuốc không lạt đi mùi thơm của nó.
Vào những ngày của tháng ba, tháng tư năm sau, bến sông ở làng tôi chật ních những ghe buôn từ Hội An, Vĩnh Điện lên để trao đổi hàng hoá. Họ đem đến nào vải vóc, mắm cá từ miệt biển cung cấp cho người dân quê tôi và mua các loại nông sản như lúa gạo, cau, dừa, ớt khô, đậu bắp...Và hiển nhiên không thể thiếu những bó thuốc lá, một loại nông sản đặc biệt để đem về chế biến thành phẩm trong các nhà máy thuốc lá ngoài thành phố xa xôi nào đó mà tuổi thơ tôi ngày ấy mang máng tưởng tượng ra.
Đã lâu lắm rồi, cũng có thể do xu thế của xã hội ít nhu cầu. Mặc khác, người ta chuyển đổi cây trồng để có lợi hơn về kinh tế. Đồng bãi quê tôi không còn trồng nhiều những cây thuốc lá nữa. Mỗi lần về thăm quê, ghé lên biền bãi cũ, vui vì quê đã đổi thay vươn tới đẹp giàu. Nhưng trong tôi vẫn âm âm dòng ký ức, hoài niệm về những ngày mùa đã cũ, đã rất xa xưa!...

                                                                                           Đông 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét