Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

NGÔI MIẾU CỔ

          Truyện ngắn của Phan Minh Mẫn

Chẳng ai biết ngôi mộ cổ xóm tôi có từ lúc nào. Hỏi các cụ lớn tuổi trong làng các cụ đều bảo: Nó có từ thuở khai sinh lập địa của làng. Cũng như bao làng quê xưa, có làng là có Miếu, có Đình có nhà thờ Tộc...
Nhà thờ tộc họ thì riêng nhưng ngôi miếu xóm là của chung. So với nhà Tộc, Đình làng thì ngôi miếu cổ khiêm tốn nhỏ nhoi và cô quạnh hơn nhiều, nhưng nó lại là linh hồn của xóm, ẩn chứa nhiều điều kì bí thiêng liêng.
      Ngôi miếu cổ của xóm tôi nằm trên một vuông đất cao biệt lập cạnh ngã ba đường, xoay mặt về phía dòng sông, diện tích ngôi miếu chưa đến hai mươi mét vuông, nên ngôi miếu là tấm bình phong lọt thỏm trong bóng cây đa già sum suê cả ba người ôm không xuể. Nghe nói cây đa ấy được trồng từ khi lập miếu. Mái miếu được lợp bằng ngói âm dương, trên nóc có hai con rồng nổi chụm đầu vào nhau. Bây giờ thoáng nhìn qua ngôi miếu như đội trên đầu một đám cỏ lá um tùm. Chung quanh tường vôi loang lổ vết thời gian bám đền rong rêu và cây dương xỉ.
Khi tôi lên chín lên mười, mẹ tôi mỗi khi thay mới bình đựng vôi ăn trầu thường sai tôi đem "Ông bình vôi" cũ ra đặt trước bình phong miếu, sở dĩ mẹ tôi không sai anh hai tôi làm công việc ấy nữa, là vì có lần, thay vì đem đặt trước miếu anh hai tôi lén vất xuống  ruộng trước nhà. Trong một lần đi mò cỏ mẹ tôi mò được, nhận ra "Ông bình vôi" của nhà với chứng cứ rành rành hết đường chối cãi, anh hai tôi đành đưa đôi mắt đỏ hoe như cầu khẩn về phía mẹ tôi... Nhưng lần này mẹ tôi nhất quyết không chịu tha thứ cho cái trò chơi xúc phạm tâm linh như thế, bằng nện vào mông anh hai tôi mấy roi ra trò, cho chừa cái tội thất tín ấy. Từ đó mẹ tôi tín nhiệm giao tôi công việc này. Dù không được mẹ sai, nhưng như để chuộc lại lỗi lầm, mỗi lần tôi ôm "Ông bình vôi" cũ đi thì anh hai tôi lại đi theo "hộ tống". Nhưng chẳng riêng gì mẹ tôi, hình như tất cả các mẹ ở trỗng vẫn làm thế cả, nên đống bình vôi cũ chất chồng năm này qua năm khác như một nấm mồ.
Trước kia ngôi miếu cổ xóm tôi không biết ai là người thường xuyên chăm sóc khói hương, đến thời tôi thì có ông Bảy, bà con thường quen gọi là "Ông Bảy Miếu". Nghe nói ngày xưa trên đường di cư tìm nơi lập nghiệp, cả gia đình ông bị đắm đò chỉ còn mỗi mình ông sống sót. Ông được cả xóm thương tình cưu mang nên chẳng buồn đi đâu nữa, ngay cả quê hương ông cũng chẳng còn nhớ để về! Lớn lên ông lấy một người con gái trong xóm làm vợ. Ít năm sau vào một buổi trưa đứng bóng vợ trẻ của ông đã đánh rơi phận mình theo dòng nước. Ông chỉ còn nhìn thấy chiếc nón lá dật dờ trôi ở chỗ ông từng chết hụt năm xưa! Ngày ấy tóc ông hãy còn xanh lắm. Chẳng biết những người đàn bà góa bụa và lỡ lứa xóm tôi sợ cái "dớp" của gia đình ông, hay vì ông sợ nỗi oan khiên tìềm ẩn của cuộc đời, mà ông đành ở vậy một mình? Ông được giao hơn một sào đất hương hỏa để canh tác và chăm lo hương khói. Xóm giúp ông xây dựng một lều tranh cạnh miếu để ở. Rồi một ngày người ta thấy ông nằm chết hiền  từ trong căn lều ấy. Dân xóm tôi tập trung lo an táng ông một cách tử tế, có trống chiêng cờ phướn như mọi người chết trong xóm, trong làng, dù đám tang ông không có những vành khăn tang trắng. Ông sống cô độc nhưng chết thì không cô đơn. Ông còn có "một chốn đi về" đó là ngôi miếu cổ. Tôi vốn vẫn mơ hồ về cõi hư vô ấy! Nhưng lại rất đỗi tin vào sự an lòng nơi cõi tâm của những người đang sống đến tiễn đưa ông.
Hằng năm vào dịp thanh minh (cuối tháng ba âm lịch), sau khi các gia đình, dòng tộc đi tảo mộ ông bà tổ tiên, các cụ làng tôi tổ chức đi tu sửa hết thảy những nấm mồ vô chủ quanh trong xóm ngoài đồng... sau đó tổ chức cúng tế trang nghiêm tại miếu để tưởng niệm Ông Bà khai canh lập đất và cho những vong linh không người thờ tự ấy. Sau buổi cúng tế bao giờ cũng có bữa tiệc. Nói là "tiệc" cho ngơm chứ thực ra chỉ có thịt heo luộc, xôi, cháo. Xôi thịt thì đựng trong các rổ tre,cháo thì đựng trong các nồi đồng nồi đất. Các cụ, các bác thì ngồi trong và trước miếu được lót chiếu, ngồi xếp bằng tay phe phẩy quạt nan, tay cầm chung rượu nhỏ vừa nhâm nhi vừa bàn việc phải, việc không, việc mùa màng năm mới... Còn lũ trẻ chúng tôi thì ngồi chồm hổm quanh những chiếc nong tre lót lá chuối và... ăn quên thôi. Có thể nói là những bữa ăn ngon lành vô tư, khó quên nhất trong đời tôi.
***
Ngôi miếu cổ xóm tôi ẩn chứa nhiều thực hư. Mẹ tôi kể rằng: Ngày xưa trên cái cây đa râu ria xồm xoàm bên miếu, vào một đêm trăng huyền ảo một người thanh niên xóm ngoài chẳng hiểu vì sao... thòng cái sợi oan nghiệt treo mình dưới cột đa già! Không biết vì ngôi miếu và cây đa chịu sự hàm oan hay vì sao nữa mà cái cành đa treo vòng dây oan nghiệt kia sau này bị sét đánh gãy lìa? Và một góc ngôi miếu bị nứt nẻ. Câu chuyện ấy thực hư chẳng rõ, nhưng cành đa bị cụt đầu và chỗ tường vôi bị nứt giống như vết chân chim khổng lồ vẫn còn nguyên vết tích đến tận bây giờ.
Nhưng có hai sự việc tôi biết, vừa hư vừa thực. Phần hư là do người đời thêm thắt tưởng tượng, phần thật thì tôi được chứng kiến tận mắt. Năm mười sáu tuổi tôi thôi học vì không đủ sức đi bộ xuống trường huyện cách nhà hơn những hai mươi cây số. Trong lúc tôi đang theo mẹ cấy lúa ngoài đồng, chợt nghe cả đám người cấy nhốn nháo bàn tán chuyện anh Ba Hiếu con Ông Bảy Hân bị ma nhập, gia đình mang ra trói ở gốc cây đa bên miếu xóm... Trưa về tôi tò mò lén trốn mẹ đến xem. Đúng là anh Ba Hiếu bị cột ở gốc cây đa, trên mình chỉ mặc chiếc quần đùi, đầu tóc rũ rượi, mắt trợn trừng, sùi bọt mép... Cái đầu ngúc ngoắc là lưỡi như muốn liếm những con kiến đến chia phần trên đôi vai chắc nịch bóng láng mồ hôi. Thỉnh thoảng anh trân người gào thét như muốn bứt tung những vòng dây dừa to như những ngón tay cái quấn quanh người anh. Mỗi lần như thế lũ trẻ chúng tôi hốt hoảng lui dần chực bề bỏ chạy.
Bác Hân gái mang gáo nước đi về phía gốc đa và mếu máo vén vạt áo nâu lau khuôn mặt bèo nhèo nước lẫn mồ hôi của anh. Như chỉ chờ có thế anh gục đầu vào lòng mẹ... Đôi vai trần và vạc áo nâu rung lên theo tiếng nấc... Thời gian như ngừng lại trong sự im ắng đến lạ thường... Đột nhiên một cơn gió lạ ùa về làm chúi mũi những ngọn tre trước miếu, từng đám lá vàng khô và bụi đất mịt mù cuốn theo hình xoắn ốc chạy dài rồi mất hút về phía bờ sông. Tôi đưa tay dụi mắt, trông anh Ba Hiếu bây giờ khác hẳn. Anh hết nhìn mẹ rồi lại nhìn phía tôi (hình như anh còn nhận ra những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má của tôi?). Bằng ánh mắt của một đứa trẻ sau cơn mê ngủ vừa ngơ ngác, vừa tội nghiệp đến thương. Mọi người không hẹn cùng bước lại gốc đa, thường những trưa đứng bóng như đốt lửa thế này mọi người kiêng kỵ chẳng ai dám bén mảng đến nơi thờ miếu. Nhưng hôm nay lại ngoại lệ, mọi người xem ngôi miếu như một mái nhà thân thiết, và cây đa thiêng là bóng mát cuộc đời.
Khi tôi nhận ra những làn khói trắng lặn lờ trên mái miếu và mùi hương trầm thiêng liêng ngọt ngào, cùng lúc tôi chợt nghe đau điếng ở cánh tay. Ngước nhìn lên, thì ra, cha tôi đang dấm dứ ngọn roi tre... tôi luống cuống quay ra đường. Vừa bước vào nhà, nhìn thấy khuôn mặt say nắng và mái tóc chẳng còn ngôi thứ của tôi, mẹ tôi hiểu ra mọi điều, bèn mắng tôi một trận ra hồn: "Con gái gì mà chừng ấy tuổi đầu chẳng biết giữ thân, giữ nết ..." mà đúng thật, trong đám người đủ lứa ấy chỉ mình tôi là con gái lớn thôi.
Cái điều lạ! Chỉ hơn tuần sau anh Ba Hiếu lại gánh mía đi như chạy trước ngõ nhà tôi. Thấy tôi đứng nhìn, anh cười vứt cho tôi khúc mía thật to. Về sau câu chuyện của anh được suy luận đủ điều, có người hiểu theo khoa học cho là anh bị "rối loạn tâm thần", có người nặng về duy tâm cho là anh: "mang tội bất kính"- Do đêm tối anh không định hướng đã hướng mặt vào miếu mà... đi tiểu nên bị thần linh "quở "- có kẻ cho là anh bị: "ma quỷ nhập" đêm đến miếu thờ thần linh giải trừ... Sau lần đó mỗi khi gặp anh, anh vẫn vỗ đầu tôi mỉm cười thân thiện như mọi khi, trông anh chẳng có gì khác lạ nhưng sao vẫn khiến tôi ngờ ngợ thế nào! Nhưng rồi mùa đường năm sau, tôi ngóng hoài chẳng còn thấy gánh mía ngang ngõ nhà tôi nữa. Anh đã đi theo tiếng gọi quê hương cùng đoàn quân giải phóng. Và anh đã... nằm lại mãi mãi ở một nhánh rẽ của dòng sông cái quê tôi trước ngày tôi đi lấy chồng.
Câu chuyện ly kỳ về ngôi miếu cổ không chỉ có thể. Năm tôi 18 tuổi, vào cái đêm hôm trước ngày giỗ nội tôi. Mẹ sai tôi đi mời bác Hương Cả ở xóm trên luôn tiện mượn thêm bát đĩa. Mấy năm trước công việc nay là của hai anh tôi, nhưng hai anh tôi đã được ba mẹ gởi cho đi học nghề chụp hình chụp ảnh gì ở tận ngoài phố. Ở nhà chỉ còn mỗi thằng út, do mẹ tôi sinh mót nên nó mới vừa biết đánh vần con chữ chẳng sai được việc gì, nên trăm việc lặt vặt đều đặt trên vai tôi. Xách cái rỗ tre ra đầu ngõ trong ánh trăng suông tôi cảm thấy lành lạnh đôi vai khi đi qua con đường có hai hàng tre giao đầu nhau, lốm đốm những ánh trăng xuyên kẻ lá. Muốn dến nhà bác Hương phải đi ngang hông ngôi miếu cổ! Nhớ lời cha tôi bảo: " chẳng có ma quỷ gì mà sợ. Mà có ma quỷ cũng hiện thân của con người. Ở đời biết sống cho phải đạo với đời với người chẳng có gì mà phải sợ". Tôi tự trấn an mình: Sống phải đạo chẳng có gì phải sợ... Là con gái nhưng mỗi khi làng có tế lễ, gia đình có việc cúng quẩy tôi tham gia tốt mọi việc, từ gánh nước, dọn nhà, chụm lửa... Và mỗi khi bà con hàng xóm nhờ, tôi cũng chẳng bao giờ từ chối. Thế là tôi sống phải đạo chẳng có gì phải sợ! chẳng có gì phải sợ! ... Tôi vừa đi vừa niệm câu "thần chú" ấy cho đến khi qua hết lũy tre rẽ qua con đường một bên là ruộng lúa một bờ là bờ keo, có ánh đèn và tiếng cười cùng tiếng chó tranh ăn gầm gừ từ nhà ông Thủ Âm làm tôi bình tâm trở lại.
Khi đến cuối bờ keo vườn ông Thủ Âm. Từ cuối tầm mắt tôi nhận ra phía trước mặt cạnh ngôi miếu cổ thấp thoáng những đám người. Hình như các anh chị làng tôi đi xem hát tuồng tại sân vận động dưới xã. Mấy đêm nay thường nghe tiếng trống chầu thùng thùng từ nơi ấy tôi thèm đi với đám anh chị làng tôi lắm, nhưng chẳng đám xin. Hồi nhỏ cha mẹ tôi cứ bảo: "Con nít đi đâu có người dẫn mới được đi..." mà anh hai tôi mấy khi chịu dẫn tôi đi theo anh vào những đêm hội hè như thế! Khi tôi lớn như thế nay lại bảo: "Con gái lớn đem hôm mà đi xem hò... không hay...". Đường nào cha mẹ cũng có lý. Tôi chịu!
Đang mãi mê suy nghĩ miên man... Bỗng dưng những bóng người từ phía miếu trở nên toán loạn, tiếng gọi nhau thất thanh... Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì... Một bóng người tóc xổ tung vừa thở hồng hộc vừa chạy đâm sầm vào tôi, làm tôi bổ ngửa. Trong cơn mê thức tôi còn nghe tiếng gọi hãi hùng bên tai: "Bà con ơi!... Cứu... cứu.. thằng Bảy Út con ông Hương Tứ chết rồi ...chết ở truồng trong chòi tranh kia kìa, bà con ơi ..." Khi mở mắt ra thấy ba mẹ tôi ngồi bên cạnh, chung quanh còn có mấy người hàng xóm. Tôi không nằm bên bờ keo gần ngôi miếu cổ mà nằm trên chiếc gường tre quen thuộc của mình. Sau này tôi nghe kể lại: Người đâm sầm vào tôi hôm ấy là chị Hai Lể con chú Nghi ở cuối xóm. Người nằm chết trần truồng trong cái lều hoang cạnh miếu là anh Bảy Út con ông Hương Tứ ở làng bên. Và rồi biết bao nhiêu chuyện suy diễn bàn tán đủ điều chung quanh sự việc này. Nào là: Tại hai người dám cả gan rủ rê đến nơi thiêng liêng tình tự nên bị  "thần miếu" vặn cổ! Nào là bị cái " vong thòng lọng" ngày xưa ghen tức bóp họng. Nào là anh Bảy Út chết vì bị phong tình ... Tôi chẳng biết ma quỷ thánh thần nào mà đi bắt người? cũng chẳng hiểu bệnh chi chi. Câu chuyện chỉ có hai người biết, mà một người đã nằm dưới nấm mồ xanh, một người trở nên ngây ngây dại dại, tỉnh tỉnh, mê mê...
Từ đó thỉnh thoảng chị Hai Lể thường đi ngang ngỏ nhà tôi, tay lúc nào cũng cầm cành hoa dâm bụt vừa đi vừa thầm hát vu vơ, lúc đầu đám trẻ con còn hiếu kỳ còn chạy theo sau chị, dần dần chỉ còn mỗi chị cô đơn lang thanh quanh lũy tre làng. Và rồi vài tháng sau cả nhà chị đi di cư vào phương Nam. Từ đó chẳng bao giờ tôi gặp lại chị nữa.
Năm hai mươi mốt tuổi tôi đi lấy chồng bên kia sông. Trong một lần về thăm gia đình nghe mẹ tôi kể: Năm năm sau đúng vào ngày anh Bảy chết, chị Hai Lể trở về làng bồng theo đứa con nhỏ, mặt giống y chang anh Bảy Út. Đến chỗ căn lều hôm ngày xưa bên cạnh miếu thắp hương bái lạy đất trời ... rồi lặng lễ bồng con ra đi. Đó là lần cuối cùng người làng tôi nhìn thấy chị .
Giờ thì ngôi miếu cổ làng tôi đã chết! Bỏ lại cây đa già nua cô độc phơi mình trong mưa nắng thời gian.   

                                                                                                                     P.M.M.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét