Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

QUÊ HƯƠNG VÀ KỶ NIỆM TRONG RƠM RẠ MÙA

           Huỳnh Minh Tâm
              (Nhân đọc tập thơ "Rơm Rạ Mùa" của Nguyễn Hải Triều -
                   Hội Văn học Nghệ thuật Quảng nam 10/2007).


            Quê hương và kỷ niệm là đề tài thường nhật và vĩnh hằng của thơ ca. Dẫu vậy, viết được keo dính, đậm đặc, mê say như Nguyễn Hải Triều trong Rơm Rạ Mùa thì không mấy cây bút có thể làm được. Bụi bặm, cũ kỹ, mộc mạc cộng với sự rung cảm nhạy bén về ngôn từ và hình ảnh, Nguyễn Hải Triều gợi một dòng lãng mạn thơ ca nào đó tưởng chừng như biến mất:
            Cau vàng vôi trắng trầu xanh
            Ngày em búi tóc mà thành sơn khê
            Tôi còn rơm rạ mùa quê
            Nhớ cô hàng xóm ghé về bữa xưa
                                      (Rơm rạ mùa)

            Có thể khẳng định ngay, rằng đó là những câu thơ tuyệt hay, đẹp, một giọng lục bát đã chín và rất Quảng Nam - Bùi Giáng. Quê hương sâu đằm, một tình yêu bất tuyệt về trai gái, một tình yêu cũ xưa như đất mẹ:"Cha thân phận cánh đồng rơm rạ/ gồng gánh sông sâu nắng gió bãi cồn/ quê nội bốn mùa bàn chân cỏ lách/ khói lấm bùn sông gội cả hoàng hôn... ( Quê nội)". Hay ở bài Giêng hai, ta bắt gặp những câu thơ tài hoa, nõn non về rạch chớp thời gian xanh mướt:
            Nguyên sơ cỏ non mời em về thay áo
            Lẫn khuất ngàn mây ủ nắng cuối trời
            Lạnh thấu xương lùa đàn chim di trú
            Cây già giêng hai chồi biếc nhíu mắt cười...
            Kỷ niệm là hình ảnh còn lại trong ký ức sau khi thời gian biến mất, và quê hương với những bóng râm: Quê nội, Nhớ cha, Góc quê, Thu Bồn, Sông Yên, Đêm sông Bung, Thạnh Mỹ...đã dằn xé, thôi thúc Nguyễn Hải Triều viết về quê hương, viết cho đẹp, viết trong một cảm thức suy tôn, huyền hoặc và mơ mộng. Viết dường như để tạo dựng nên một hình ảnh quê hương mới mẻ, hoặc "trả nợ ân tình" về công lao dưỡng dục?
            Nợ nần dòng sông
            Câu thơ chưa viết
            Em thì xa lắc mênh mông
            Chưa đi hết
            Con đường viễn xứ
            Nợ mẹ lời ru bông lúa trĩu đồng
                                         ( Mùa hoa gạo đỏ)
            Thơ của Nguyễn Hải triều nổi cộm xúc cảm, say sưa, hoan lạc và nhịp nhàng. Giai điệu thơ tươm tất, đầy, tính nhạc cao.
            Em thức giấc chưa đời xanh lá biếc
            Đỏng đảnh chồi non mỏng cánh mai sương
            Từng sợi gió vút ngày lên mây trắng
            Nắng lung linh hương ngan ngát ngõ đường.
                                               (Cảm thức xuân)
            Một đề tài cũng hay gặp trong tập thơ là hình ảnh bạn bè, đồng đội cùng chiến hào những năm tháng chiến trận. Mùi thuốc súng, tiếng đạn nổ xé trời, nỗi nhớ quê, nhớ mẹ, sự ám ảnh cái chết và biệt ly, nỗi đau thương mất mát... đã được nhà thơ Nguyễn Hải Triều lật đi, lật lại với tâm trạng ray rức, ưu tư,... và anh đã có một số bài thành công như: Khúc hát bạn bè, Những cơn mưa, Bạn tôi, Phía ấy bạn tôi nằm:
            Điều chưa kể với em
            Tôi mắc nợ cánh rừng hai mươi tuổi
            Mây vá trời xanh chiến hào mịt bụi
            Cơn sốt vàng da xối xả mưa rừng...
                                        ( khúc hát bạn bè)
            Tuy tác giả đã cố gắng diễn đạt một cách trong suốt, mới mẻ về quê hương, kỷ niệm và những cội nguồn về tình yêu lãng đãng tạo nên cuộc sống và thơ ca. Bạn đọc vẫn có cảm nhận thơ Nguyễn Hải Triều đôi lúc hay lặp về giai điệu, hình ảnh; đề tài có khi còn hạn hẹp, tứ chưa sắc sảo, một số bài thơ còn dài dòng, nội dung tư tưởng lan man. Dẫu sao với tập đầu tay, anh chọn lựa khá kỹ, nhất quán về bút pháp và đề tài, tập thơ Rơm Rạ Mùa đã đánh dấu sự hiện diện một gương mặt thơ Quảng Nam có tầm, dám "chơi" với thứ nghệ thuật mỏng manh và rối rắm. Cả những dự định sáng tác của anh cũng thật lớn lao, bền bỉ. Thiết nghĩ, nội lực ở anh làm bàn đọc gần xa vô cùng hy vọng.
                                                                        Huỳnh Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét