Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

MÙA BẮT CÁ BỘNG

              Nguyễn Hải Triều


Làng tôi nằm dọc theo triền sông Vu Gia. Khác với bờ bên kia là Đại Hồng, xứ đất ba châu quanh năm chỉ trồng bắp, dâu, thuốc lá... Bên nầy người dân quê chủ yếu mưu sinh bằng cái nghề "chân lấm tay bùn", sớm hôm cuốc cày cấy gieo nhọc nhằn trên những ruộng lúa nước. Chỉ cần bước ra khỏi làng là gặp ruộng. Ruộng ở rìa làng tôi người ta đặt tên là "Lung Ngõ". Ruộng bên kia đường cái quan là ruộng "su" (sâu), và phải kể đến những thửa ruộng cò bay thẳng cánh giáp từ Bàu Miếu, Gò Cấm chạy miết tận chân núi xa tít của Hóc Tộc, Hóc Lầy, Thái Sơn...

Thuở ấy, những chuyện tháng năm hai sương một nắng là của người lớn. Lũ trẻ chúng tôi ngày ngày chỉ biết một buổi đi học ở trường, thời gian còn lại thì phụ giúp mẹ cha cắt cỏ, chăn thả trâu bò, vui chơi những trò lội ruộng trẻ thơ nơi đồng bãi quê nhà mưa bùn nắng bụi. Nào là rủ nhau tát đìa dọc Bàu Miếu, bắt cá cạn khi gặt lúa tháng ba; thỏa thích dò mà(*) bắt lươn, đặt trúm, đặt lờ trên đồng tháng mười;...Nhưng nhớ nhất trong ký ức tôi vẫn như in những mùa bắt cá bộng.
Người dân quê tôi thường có câu nói cửa miệng: "Ông tha bà lại không tha, mần chi cũng lụt hăm ba tháng mười...". Sau khi nếm trải đầy đủ những cơn lũ lụt, bão giông của đất trời liên miên giáng xuống từ đầu tháng chín đến cuối tháng mười. Đầu tháng mười một âm lịch,  mọi người làng trên xóm dưới mới bắt đầu ra đồng chuẩn bị cho vụ đông xuân. Tất thảy bề bộn bao nhiêu là công chuyện: Nào cày cho ải đất, rồi lên rò bắt mạ, phát bờ, cuốc góc ruộng, bừa, bộng, ban ghình... trước khi cấy lúa. Cả quê tôi từ làng ra đồng ngập trong không khí của ngày hội khai mùa, tiếng cười nói, tiếng hát hò râm ran, xao động.
Năm nào cũng vậy, trước khi thời điểm xuống mùa, ông nội tôi ra biền chặt một gốc tre thật già đem về. Ông cặm cụi nêm cho chặt lại chiếc ách trâu, cái cày, cái bừa, bộng... Ông còn dặn cha tôi và bác Ba phải lo chu đáo cỏ rơm cho trâu bò kéo cày để chúng đủ sức phục vụ mùa màng. Lũ trẻ chúng tôi thì háo hức chờ những ngày đi bắt cá bộng. Lúc ông nội đang làm việc, tôi lăng xăng lại chỗ ông làm, nhờ bện sửa lại cái nơm, cái giỏ vịt đựng cá cho thật chắc để theo cha và bác Ba ra đồng trong những ngày tới.
Cứ mỗi lần lụt nguồn tràn về là cánh đồng quê tôi lênh láng nước. Nước ngập vào tận thôn xóm, làng mạc, nhà cửa,... có khi ngâm đến hai ba ngày mới chịu rút. Lũ lụt về, những đàn cá đủ các loài từ trên nguồn trôi xuống sông rồi theo nước vào đồng để sinh sản. Nước rút ra nhanh, chúng ở lại trên đồng. Cá núp quanh các gốc rạ, dọc bờ mương, bờ rộc, trên những đám ruộng đầy bùn non, nước lúp xúp cổ chân. Đến thời điểm xuống mùa vở đất, Cha tôi và những người lớn cày xong một lượt, sau đó thì bừa cho nhuyễn đất, rồi điều khiển trâu bò kéo bộng để khỏa đất thật bằng phẳng trở lại trước khi cấy. Đây chính là lúc lũ trẻ chúng tôi, và cả người lớn nữa theo sau những cái bộng dạt nước ra để bắt cá.
Người ta bảo rằng "dễ như bắt cá bộng" quả không sai tí nào. Nước lênh láng. Những con cá trên ruộng không nơi ẩn thoát chạy tứ tán, gặp đâu chui đó. Sau khi đất bị xới bởi cày và bừa, cá bị sục lâu trong nước bùn ngộp thở nên tìm nơi để thoát thân. Khi con trâu kéo chiếc bộng đi qua đi lại, lũ cá dạt sang hai bên rồi lừ đừ nổi trên mặt nước bùn. Lúc đó, hễ thấy con nào lóc qua là lũ chúng tôi lấy nơm đón trước đầu sấn xuống, cá nằm gọn trong nơm, chỉ cần thò tay vào miệng nơm lôi ra bỏ vào giỏ cài ở thắt lưng. Đứa nào không có nơm thì dùng tay bắt bộ. Có khi lấy rổ sảo để xúc, cũng hiệu quả  đáng kể. Những con cá trê, cá tràu, cá giếc, cá rô mề, đôi khi gặp cả cá trôi, cá gáy. Rồi nào lươn, cua đồng, những con tôm to bằng ngón tay, những con dế cơm cụt cánh nổi đầy trên mặt ruộng. Lũ chúng tôi chỉ cần lượm bỏ đầy vào giỏ, vào vịt, bộng... Hết đám ruộng nầy, cả bọn lại lăng xăng tràn qua đám khác. Cứ thế từ sáng đến trưa, quần áo, mình mẩy đứa nào cũng bê bết bùn đất từ đầu đến chân, không tài nào nhịn rõ mặt. Tiếng la hét, cười đùa, gọi nhau í ới xao động cả góc đồng. Cho đến khi mặt trời lên gần đứng bóng, cha tôi, bác Ba cùng những người khác mở trâu cho chúng ăn cỏ thì bọn trẻ chúng tôi mới kéo nhau ra bến nước ở Bàu Miếu tắm gội, bơi đập cho trôi hết đất bùn bám trên người, tiếng la hét cười đùa làm náo nhiệt, ầm ỉ khúc sông quê.
Cá bộng bắt được, đem về chia ra để nhà ăn một phần, còn lại đem biếu cho hàng xóm chứ không bán. Mẹ tôi là người có tài chế biến các món ăn cá đồng, mà những món ấy mãi đến bây chừ, dù có đi đâu cuối đất cùng trời tôi cũng chẳng thể nào quên hương vị của nó.
Đầu tiên là món cá đồng kho lấm. Mẹ tôi lựa những con cá rô mề to bằng ba, bốn ngón tay, cá trê đồng vàng ươm mỡ, những con cá tràu bằng ngón chân cái người lớn; rồi tôm, cua,...tất cả đều làm sạch vảy ruột, ướp ít gia vị như tiêu, ớt, hành củ... Khi gia vị đã thấm đều, mẹ bắc chảo dầu phụng lên bếp khử cho đến khi nó thơm, loại dầu ăn được ép từ những trái đậu phụng do chính nhà tôi trồng lấy. Sau đó đổ cá và chảo dầu đảo thật đều. Khi cá vừa thấm dầu, bà lấy hủ mắm cái loại một gởi mua từ Hội An về, chắt ra, gạn lấy nước rưới đều lên mặt cá đang sôi trên chảo, sau đó để riu riu lửa cho đến khi chảo cá đồng khô quánh lại thì nhắc xuống. Tiết trời tháng mười se lạnh, trả cá đồng kho lấm quyện hương vị ngan ngát mùa quê ấy, ăn cơm chỉ thấy ngon chứ không biết no. Có khi mẹ lựa những con cá rô "hột mít", cá cấn, cá mại...làm sạch, ướp kỹ, rồi kho với lá nghệ xắt nhỏ như thuốc cứa được rải đều lên mặt trả cá được rim đều. Món cá đồng kho lá nghệ là đặc sản của quê tôi. Chưa kể đến món cá tràu nấu óm, cá rô nướng dầm mắm tỏi, hay là món lươn đùm chưng cách thủy. Mẹ tôi bắt những con lươn to bằng ngón tay bỏ vào thau, sau đó bỏ muối hoặc tro vào để lươn quẩy sạch nhớt. Mẹ dùng một sợi lạt giang, cho vào bụng lươn khoèo tất cả lòng ruột ra ngoài rồi rửa sạch. Ướp gia vị vào lươn, trong đó có tiêu, ớt, hành thơm, dầu phụng và rất nhiều nghệ tươi được giã nát. Sau đó lấy lá chuối sứ hơ lửa cho mềm đi, bọc lại cùng với nếp và đậu xanh, bỏ vô nồi chưng cách thủy đến khi lươn chín. Món lươn đùm khi vừa nhắc trên bếp xuống, mở ra, khói bốc nghi ngút, mùi thơm của nó lan tỏa khắp nhà, ai đã nếm thử một lần thì chẳng bao giờ có thể quên được cái mùi vị thơm lựng, ngan ngát hương đồng gió nội của nó. Quê tôi ngày ấy còn nghèo khó lắm, nếu có được bát lươn đùm cho người đau ốm, hoặc người già để bồi bổ sức khỏe thì quý vô cùng.
Tuy cá đồng chế biến được nhiều món ngon đến vậy, nhưng đối với bọn trẻ chúng tôi, khoái khẩu nhất vẫn là món cua đồng rang muối. Mẹ tôi lựa những con cua tối trăng màu tím quạnh, càng khỏe, yếm lớn bỏ riêng ra, sau đó lặt yếm, rửa sạch rồi để thật khô. Khi dầu trên chảo vừa chín tới khử hành bốc mùi thơm, mẹ thả những con cua vào chảo và rang giòn với muối và ít gia vị. Lúc con cua chín, thân của nó chuyển sang màu gạch đỏ lựng, thấm dầu và muối trăng trắng phủ bên ngoài. Ăn vào nghe vị nó thơm giòn, béo ngậy. Cái món này mẹ thường ưu tiên cho anh em chúng tôi. Nếu ăn không hết, bỏ vào bọc lá, sáng hôm sau ra đồng thả trâu, ngồi ăn tiếp với lũ chúng bạn. Ôi, cái mùi vị cua đồng rang muối ấy cứ lẩn quẩn quanh tôi mãi đến tận bây giờ, có khi cả trong những giấc chiêm bao.
Đã nhiều năm qua rồi, quê tôi không còn những buổi đi bắt cá bộng như ngày xưa nữa. Quê bây giờ cũng khác nhiều. Nhà cửa, đường sá, làng xóm đều đổi thay, to đẹp hơn. Những khoảnh ruộng dành để cày cấy hẹp đi, nhường chỗ cho khu dân cư mới, nhà máy, khu công nghiệp thay vào. Quanh quanh nào nhà máy cao su, nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gạch tuy-nen, sản xuất ván ép... Dẫu biết rằng công nghiệp hóa đem lại no cơm ấm áo cho làng quê là điều đáng mừng, nhưng cộng vào đó vẫn có những tác động tiêu cực về mặt chất thải nhà máy gây ảnh hưởng đến môi trường. Chưa kể đến các loại thuốc bảo vệ thực vật, đồ kích điện để bắt cá... tất cả những yếu tố trên, cá  tôm không còn nhiều trên đồng quê tôi nữa.
Bây giờ, những mùa bắt cá bộng trên quê tôi chỉ còn trong ký ức!...

                              Tháng 11.2009
                                                          N.H.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét