Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

HÁT XẠO

HÁT XẠO - BIỂU HIỆN TRÍ THÔNG MINH
TRONG HÒ KHOAN ỨNG ĐÁP QUẢNG NAM
                                   Nguyễn Hải Triều

            Hò khoan đối đáp Quảng Nam là một hình thức hát giao duyên nam nữ của người xưa. Các cuộc hát hò khoan là dịp để trai gái tìm hiểu, quen biết, cảm mến nhau hoặc giải bày tâm trạng. Đã có nhiều bài viết, nhiều công trình của các nhà nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian giới thiệu, đánh giá sâu sắc loại hình này trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm quảng bá, bảo lưu những giá trị văn hóa phong phú, đa dạng từng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của vùng đất, con người Quảng Nam qua nhiều thế hệ.
            Trong phạm vi của một bài viết nhỏ, xin nói về một thể loại hò khoan có ý tứ sâu sắc, thâm thúy, dí dỏm, giàu tính văn học mà các nghệ nhân xưa thi tài ứng đối với nhau qua một số giai thoại sưu tầm được.
            Chuồn chuồn đậu ngọn roi cày
            Cô mô hát xạo tôi quất quay mòng mòng.
            Câu hát xạo đa phần dùng hình thức "ý tại ngôn ngoại", thường mượn sự việc nầy để diễn đạt nội dung kia, hay còn gọi là "nói bóng nói gió" để trêu ghẹo, hoặc đả kích đối tượng cùng hát với mình khi không hợp tình hợp ý. Ở một trường hợp, khi bên nam hát:
            Trên sơn dưới thủy, bạn giữ kỹ làm gì
            Tiền thân hậu phúc, kiếm chút ấu nhi mà bồng.
            Cái ý "trên núi dưới nước", anh con trai ám chỉ "vốn liếng" quý giá của người phụ nữ đang tuổi thanh xuân. Nếu không làm phúc "biếu tặng" cho anh ta mà bỏ đi thì phí quá. Cứ cho anh ta sở hữu thì sẽ con cái bầy đàn, sẽ hạnh phúc dài lâu. Thế nhưng, chàng trai được đáp lại ngay bằng một câu hát cũng dí dỏm, sâu sắc không kém, mà có phần độc địa hơn, như một đòn trả nặng cân:
            Trên sơn dưới thủy, ta có giữ kỹ cũng ra đám đất bằng
            Mai sau bạn có chết thì lập cái lăng mà thờ!
            Ở một trường hợp khác, trong lúc hai bên nam nữ đang giải bày những câu hát nhân ngãi hợp ý hợp tình thì có một anh chàng ở ngoài xen vào một câu hát "giành" làm"kỳ đà cản mũi":
            Nơi mô cũng biển rộng sông dài
            Lưới ta đang bủa sao bạn lấy chài bạn vãi lên?
            Thấy vậy, cô gái "chiếu" anh ta ngay bằng một câu đáo để:
            Gió đưa trái bí rợ, hụ hợ trái bầu già
            Chị em mình xúm đẩy con kỳ đà nó ra sân!
            Anh con trai chờ có vậy, trả miếng:
            Gió đưa trái bí rợ, hụ hợ trái bầu khô
            Đó em đẩy, đây anh cũng đẩy thử nó vô chừng nào!
            Ta không thể tưởng được trí thông minh, sự tài tình ứng đối vừa nhanh, vừa hóm hĩnh của chàng trai.
            Người ta kể rằng, trong kháng chiến chống Pháp, Tí Sé - Dùi Chiêng, Trung Phước huyện Quế Sơn là vùng tự do. Dân  dưới xuôi thường tản cư về đây để tránh bom đạn. Một hôm tại nhà ông điền chủ giàu có đang lảy bắp, rất đông người. Ông chủ thách với các anh thanh niên, nếu ai hát được một câu hát ghẹo các cô mà có được bốn lần từ Dùi-Chiêng thì ông sẽ thưởng cho ba chục trái bắp. Đám người giúp việc im lặng một lúc thì có một anh chàng đứng lên xin hát và anh hát ngay:
            Tôi đây khách lạ xa đàng
            Tới đây hát đối biết nàng ở Dùi Chiêng
            Mai ngày tôi trở lại Bình Yên
            Thương mấy cô ở lại có chiêng mà không dùi
            Về nhà lòng những ngậm ngùi
            Nghĩ thương thân phận có dùi mà không chiêng
            Trăm lạy ông trời cho tôi trở lại chốn đào nguyên
            Để có ta, có bạn, có chiêng, có dùi...
            Nghe xong câu hát vừa hay, vừa thông minh, linh hoạt; đám đông vô cùng cảm phục, được một trận cười hả hê. Còn ông chủ thì khen lấy khen để, gọi người nhà đem ngay ba chục trái bắp thật to để thưởng công cho anh thanh niên.
            Ngày xưa, thường trong các cuộc hát hò khoan, khi gặp nhau, đầu tiên đôi bên hátchào để hỏi thăm quê quán, hoàn cảnh..., sau đó họ thử tài bằng những câu hát đố, rồi háthẹn, hát nhân ngãi. Hát xạo là để trêu ghẹo, chọc tức; đôi khi ngôn ngữ đốp chát một cách không khoan nhượng nhằm giành phần hơn với mục đích thể hiện tài trí của mình hơn đối thủ. Có đôi lúc trong cuộc hò khi nghe đối phương hát mà mình không trả lời được thì hẹn lại hôm sau:
            Câu hỏi của cô hắn vừa khó lại vừa dài
            Thôi thì cứ để lại đến mai tôi trả lời...
            Sau đó thì về tìm thầy, nhờ chỉ giáo rồi đến đêm mai trả lời cho bằng được. Còn nếu không trả lời được thì ăn không ngon, ngủ không yên. Thầy ở đây thường là các nhà nho, thầy đồ có trình độ, thông thạo chữ nghĩa, văn chương.
            Người ta không chỉ hát hò khoan trong những đêm trăng thanh gió mát ở sân đình, mà có thể là một điểm lao động tập thể, trên đồng ruộng, trên biền dâu xanh thắm, cả khi trên một chuyến đò ngang để thử tài ứng đáp giữa các đấng mày râu và gái thuyền quyên...
            Có lần, từ một chuyến đò qua sông, nhìn trên đò có nhiều thư sinh tuấn tú. Sóng nước sinh tình, cô lái đò cất giọng:
            Thiếp đưa chàng một nắm bắp rang
            Chàng kiếm nơi mô tỉa được thiếp theo chàng về không?
            Quả là một câu đố hắc búa, khó trả lời vì bắp đã rang chín rồi làm sao mà tỉa mọc được! Ấy vậy mà vẫn có một khách nam nhi đứng trên đò trả lời ngay:
            Em chết ba năm rồi sống dậy đi lấy chồng
            Bắp rang anh tỉa mọc tràn đồng cho em coi!
            Cái điều phi lý không thể có trong cuộc đời, người chết thì làm sao sống dậy, như bắp rang thì không làm giống được . Một câu trả lời vừa nhanh lại rất thông minh. Cô gái chưa kịp kính nể thì một anh khác lại bắt nhịp trả lời theo một ý khác lém lĩnh, độc địa hơn:
            Em cứ về tìm nơi mô mưa ba năm không ướt, nắng chín tháng chẳng khô
            Sợ em không cho qua tỉa, chớ qua tỉa vô hắn mọc liền!
            Thật tài tình. Cô lái đò không ngờ rằng mình lại gặp đúng cao thủ. Nhưng vốn là người nổi tiếng hát hay, đối giỏi, chưa từng chiến bại, nên cô trấn tĩnh lại và hát một câu tiếp theo với mục đích loại đối thủ ra khỏi cuộc chơi đang hồi gay cấn:
            Con cúi đầu lạy bác bác ơi
            Bác về tìm nơi mô xứng lứa vừa đôi mà bác hò...
            Nếu là một người yếu bóng vía, thiếu bản lĩnh, khi nghe cô gái hát như vậy chắc sẽ im lặng ra khỏi cuộc hát vì bị người ta đuổi khéo một. Một ông già không thể hát đối với một cô gái xứng tuổi con cháu mình. Thế nhưng anh ta bình tĩnh hát trả:
            Qua đi hỏi mười ông thầy bói tám ông thầy giò
            Ông mô ổng cũng biểu qua về hò với em!
            Không còn lời để khen tặng sự ứng đối linh hoạt của người con trai trên chuyến đò ngang ấy. Cô gái nghe vậy, cũng không vừa, cô ra chiêu cuối cùng:
            Con cúi đầu lạy bác, bác ơi
            Bác đừng thấy chuối thấy xôi mà bác thèm!
            Ta không cần phân tích, diễn giải cũng hiểu được rằng đây là ngón đòn cuối cùng cô gái tung ra để buộc anh chàng kia phải im tiếng. Liếc nhìn con đò cũng sắp cập bến, thôi thì cũng nên kết thúc cuộc hò và cũng phải để lại một điều gì đó ấn tượng cho mọi người trên thuyền và cho cả cô lái, anh thản nhiên hát câu cuối cùng:
            Dẫu gì thì qua cũng lớn hơn em
            Qua lú qua lẫn nên qua thèm của tơ...
            Hát xạo trong hò khoan đối đáp quả là những câu hát hay cả ý tứ lẫn cách diễn đạt câu chữ, thể hiện sự khôn khéo của người dự cuộc chơi. Câu hát đôi khi hàm chứa những ẩn ý dung tục, trêu ghẹo đối phương nhưng được biểu đạt bằng ngôn từ trong sáng. Sự thông minh của người kiến tại là biết cách vận dụng những hình ảnh bóng gió, những ẩn tình vào câu hát để buộc người nghe phải nghĩ và hình dung theo kiểu "ý tại ngôn ngoại" một cách lý thú và giàu hình tượng.
            Đại Lộc-Quảng Nam là nơi trồng nhiều tre, tre quanh làng, tre trong vườn, tre dọc bờ sông...do vậy nghề đan đát cũng rất phát triển. Những vật dụng như: nong, nia, thúng, mủng, dừng, sàng...vốn không thể thiếu trong đời sống thường ngày của người dân nơi đây. Từ đó,  trong các cuộc hò khoan, đôi bên nam nữ hay lấy hình ảnh đan đát để vận dụng vào câu hát nhằm trêu ghẹo nhau bằng các câu hát xạo. Khi bên nữ hát đả kích một đấng mày râu nào đó:
            Liệu bề đát được thì đan
            Đừng gầy ra bỏ đó thế gian họ cười!
            Người con trai không cần suy nghĩ lâu, đáp lại ngay:
            Các cô ơi, tôi không phải trai hư
            Tôi đát được, tôi đan được, tôi lận chừ cho cô coi
            Lận rồi tôi "chặt cột" hẳn hoi
            Ở trên tôi rấn xuống ở ngoài tôi đè vô
            Nói ra sợ mất lòng mấy cô
            Ngó trong cái mủng chỗ mô tôi cũng dùi...
            Với cách vận dụng kiểu nói lái Quảng Nam và các động từ mạnh mẽ đầy hình tượng như: lận, chặt, cột, rấn, đè...để miêu tả toàn bộ các thao tác của việc đan mủng nhưng lại bắt người nghe phải suy diễn sang một hình ảnh khác không kém phần thú vị bằng trí tưởng tượng phong phú của họ.

            Không thể kể hết ra đây những câu hát loại nầy đang tồn tại trong kho tàng văn nghệ dân gian đất Quảng. Chỉ biết rằng các thế hệ trước chúng ta đã quá thông minh, tài giỏi trong việc sáng tạo ra những câu hò khoan để biểu đạt ý tứ của mình bằng trí tuệ tuyệt vời. Điều chắc chắn rằng giá trị của nó sẽ vĩnh hằng trong đời sống tinh thần của thế hệ chúng ta hôm nay. Rất cần sự bảo lưu, gìn giữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét