Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

CHUYỆN CÂU HÁT XƯA

                  Nguyễn Hải Triều


            Tôi được sinh ra từ một làng quê phía tây Đại Lộc, Quảng Nam. Nơi ấy có con nước Vu Gia quanh năm cần mẫn về xuôi, có vườn trái loòng boong vàng mọng cả mùa thu, như nhà thơ Huỳnh Minh Tâm viết: “ Cắn một miếng nhớ em bảy tám mùa vàng”.
            Trái loòng boong trong tròn ngoài méo
            Trái thầu dầu trong héo ngoài tươi
            Thương em ít nói hay cười
            Ôm duyên mà đợi chín mười con trăng…
            Tuổi thơ tôi được tắm mát nơi bến sông quê. Tâm hồn tôi được tắm mát từ những lời ru êm đềm của mẹ, của bà; mà đa phần những lời hát ấy là các câu ca dao, hò khoan có được của vùng đất, con người xứ tôi từ xa xưa truyền lại. Để rồi khi lớn khôn, tôi đã thuộc làu những câu hát ấy tự lúc nào chẳng biết. Thuộc một cách tự nhiên như nó đã có sẵn trong máu thịt của tôi; máu thịt mà cha mẹ, sông suối, đồng bãi, làng mạc, rạ rơm, khoai sắn đã chắt lọc cho tôi nên vóc, nên hình; nên tình yêu, cuộc đời.
            Tôi nghe mẹ kể lại rằng, ngày còn nhỏ, bà hay được ngoại tôi dẫn đi xem những đêm hát hò khoan của nam thanh nữ tú trong làng. Nhờ được xem, được nghe nhiều lần nên mẹ tôi thuộc rất nhiều câu hát. Bà bảo bây giờ những người hát hay, hát giỏi ngày ấy đều chết cả rồi, vài ba người còn sống thì đã già yếu, không còn đủ minh mẫn để nhớ lại những câu hát xưa. Riêng mẹ biết tôi là người đam mê sưu tầm hò khoan, nên mỗi lần về quê thì thường kể tôi nghe hoặc đọc cho tôi chép những câu hát mà bà bất chợt nhớ lại.
            Hò khoan trên quê tôi là những câu hát đối giao duyên để trai gái bày tỏ tâm tình, gởi gắm nỗi niềm; đôi khi trêu ghẹo cợt đùa cho thêm sắc màu cuộc sống. Lúc thì hát trên biền dâu, nương bắp, trên chuyến đò ngang, hay giữa đồng lúa mùa cấy, mùa gặt. Đôi khi mượn cảnh để tỏ tình, than thân trách phận; nào là:
            Thương tằm ngữa áo bọc dâu
            Tưởng tằm có nghĩa hay đâu bạc tình!
            Hay:
            Anh về cuốc đất trồng cau
            Cho em trồng ké dây trầu một bên
            Nhưng phong phú nhất vẫn là những cuộc hát có hẹn trước giữa trai gái trong làng, hoặc làng này đến hát với làng khác nhân một buổi đập bắp, lặt đậu, có khi những đêm trăng sáng vụ mùa rảnh rang.
            Nếu trong tuồng cổ hay kịch dân ca, khi hát phải có lớp, có làn điệu; diễn giải những mâu thuẫn, xung đột…thì mỗi cuộc hò khoan cũng có nguyên tắc, bài bản riêng của nó.
            Đầu tiên, khi đến địa điểm đã được hẹn trước, đôi bên nam nữ chào nhau bằng những câu hát mở đầu. Có rất nhiều câu hát “chào” tinh tế, ý nhị, lịch sự:
            Vô đây bớ bạn vô đây
            Trầu cau ta đãi ghế mây bạn ngồi…
            …Tối trời em chẳng biết chào ai
            Chào chung một tiếng sáng mai hãy nhìn!
            Rồi để cho không khí vui vẻ, thân thiện, có người lại chào theo kiểu bông lơng:
            Vô đây bớ bạn vô đây
            Cau trầu bát ngọc mâm xây trên bàn
            Tội chi đứng sá ngồi đàng
            Muối sương sa hạt lụy nhỏ cảm thương hàn ai nuôi?!..
            Sau khi chào hỏi để biết nhau rồi, họ ăn trầu hút thuốc, hỏi thăm và trổ tài bằng những câu hát đố. Hát đố có nhiều cách, nhiều ý tứ vô cùng phong phú. Khi thì đố chữ, nghĩa, sự vật, đố nói lái kiểu đảo ngữ Quảng Nam…để thử tài thông minh ứng xử. Câu khó mà trả lời được thì nễ phục nhau, gây sự cảm mến tâm tình; còn nếu trả lời chưa được thì hát “hẹn”, hát khất lại hôm sau, ví như có những câu hát đố:
            Tiếng đồn cô Bốn hát hay
            Hỏi xem cô Bốn cối xay có mấy niềng?
            Bên nữ trả lời:
            Cối xay có hai mươi bốn cái niềng
            Em hỏi lại anh thử ông kiềng có mấy chân?
            Và nếu câu đố khó quá, người ta lại vận dụng một cách linh hoạt bằng một câu đố khác thay cho câu trả lời:
            Em bậu ơi! Em đố chi đố ngặt đố nghèo
            Hỏi em có biết con mèo có mấy lông?
            Và bên nam lại được trả lời bằng câu hát sau:
            Anh về tát cạn biển đông
            Đến đây ta nói có mấy lông con mèo…
            Tùy theo sự thông minh và mức độ linh hoạt của người hát mà họ có những câu đố, cách đố khác nhau. Nhiều khi trả lời sai ý tứ hoặc không trả lời được thì diễn biến của cuộc hát sẽ bằng những câu hát “xạo” để chọc ghẹo. Hát xạo thường là mượn hình ảnh này để nói sự việc kia, ý tứ đôi khi dung tục nhưng dí dõm, thông minh. Nếu cuộc chơi dẫn đến hát xạo là đổ vỡ, mất vui, cay cú hơn thua. Như trong hoàn cảnh sau đây, từ một ý là chiếc thuyền thôi, bên nam hỏi:
            Thuyền em bán mấy anh mua cho
            Đem về làm đò chở khách vảng lai!
            Gặp câu hát tỏ vẻ xem thường nữ giới như vậy, cô gái đốp chát lại ngay:
            Thuyền em đúng giá ba ngàn
            Không tin anh thử đội về làng anh coi!
            Với câu hát ý tứ sắc sảo và rất hiểm như thế, bên nam đành “tắt tiếng ca”. Chờ có vậy, bên nữ hát bồi:
            Thuyền em mũi phượng lá loan
            Đưa người tiến sĩ chứ hạng chàng em không đưa!
            Phe bên nam nghe vậy mới kịp lấy lại bình tỉnh, hát luôn một câu:
            Hôm nay đông khách em làm dày
            Ngày mai vắng khách ăn mày em cũng đưa!
            Thường khi đến độ tình cảm như vậy, phải có một người đứng ra can ngăn cho bớt căng thẳng:
            Chuồn chuồn đậu ngọn mía mưng
            Thơm tho ai biết ngát lừng ai hay
            Chuồn chuồn đậu ngọn roi cày
            Cô mô hát xạo tôi quất quay mòng mòng…
            Cuộc hát sẽ trở lại không khí vui vẻ ban đầu và tiếp tục các phần hát mới như hát hỏi thăm, hát“kết”:
            Người dưng ơi hởi người dưng
            Hát chi thì hát chớ đừng hát kết duyên!
            Hát kết là những câu hát nhân ngãi chan chứa tình cảm ngọt ngào. Người ta phân ra từng cặp để hát. Thường câu hát nhân ngãi có bài bản sẵn, độ ví von cao, đậm đà chân chất, ước hẹn một tình cảm đằm thắm, chân thành:
            Ví dầu cổ cắt đầu bêu
            Đi ngang qua ngõ cũng kêu ớ chàng
            Hai tay em cầm bốn lượng vàng
            Phụ mẫu biểu bỏ thì em bỏ chứ ngãi chàng em không
            Ví dầu đan rọ thả sông
            Trôi lên trôi xuống thiếp cũng không bỏ chàng
            Ví dầu tới huyện tới quan
            Lỗi em thì em chịu, lỗi chàng em xin…
            Đôi khi trong câu hát họ lại thầm trách móc người thương:
            Qua cầu cầu yếu ta nương
            Chầu rày biết bạn không thương ta rồi
            Bạn không thương ta nữa thì thôi
            Bao nhiêu nhân ngãi bạn bồi cho ta…
            Cuộc hò khoan đến đoạn nhân ngãi là đã chín muồi. Sau đó người ta còn hát “hẹn”, hát “chia” và trao nhau miếng trầu, điếu thuốc làm vui, ước vọng những ngày tới tốt đẹp.
            Viết bài này khi mùa xuân đã về trên quê tôi. Mỗi lần về quê, tôi lại mong được mẹ đọc cho nghe một vài câu hát xưa mà bà mới nhớ ra, với tôi là điều vô cùng quý giá. Chao ôi! Sẽ có vô số câu hát hay của ngày xưa truyền lại để thế hệ chúng ta gìn giữ, bảo lưu và phát huy. Hãy gìn giữ  nó như một báu vật để phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng; Giá trị sẽ mãi mãi trường tồn trong kho tàng văn hóa dân gian của quê tôi, của cả miền, cả nước.

            Nhưng để có được những câu hát xưa và gìn giữ, bảo lưu nó; trách nhiệm này không chỉ của riêng ai!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét