Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

ĐỘI VĂN NGHỆ LỘC BÌNH SAU NGÀY THƯỢNG ĐỨC GIẢI PHÓNG


                                                                               Nguyễn Hải Triều

Một tháng sau ngày Thượng Đức được giải phóng, mặc dù chiến sự đang diễn ra rất khốc liệt giữa bộ đội Sư đoàn 304 và Quân đoàn dù Sài Gòn trên điểm cao 1062 ròng rã từng ngày từng đêm, tháng này sang tháng khác. Nhưng dưới sự động viên của Chính quyền Cách mạng, nhân dân từ các vùng sơ tán ở ngã sông Con như Làng Hiệp, Bồ Lô Bền; ngã sông Cái từ hướng Đầu Gò, Ba Tớt, Đồng Chàm…họ lần lượt trở về làng khai hoang vỡ hóa, tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, góp phần cải thiện đời sống, chống chọi bệnh tật, gian khó, đạn bom trong những ngày đầu khi quê hương vừa thoát khỏi ách kìm kẹp của quân thù.

Về làng. Ban đầu chỉ những người trụ cột lao động trong gia đình, rồi đến phụ nữ, thiếu niên, trẻ nhỏ… rồi cả nhà cùng về. Làng xóm lại nhộn nhịp trở lại, dù rằng là sự nhộn nhịp của thời chiến. Ban tự quản thôn, các đoàn thể  phụ nữ, nông hội, thanh niên…tổ chức sinh hoạt; đội du kích thôn, xã canh gác giữ làng, phục vụ chiến trường khiêng thương tải đạn.
Đội văn nghệ xã Lộc Bình được thành lập trong thời điểm này. Với yêu cầu phục vụ nhân dân trên lĩnh vực tinh thần và để tuyên truyền vận động bà con yên tâm sản xuất, chiến đấu; chú Lê Văn Thọ, trưởng ban Thông tin của xã tuyển chọn một số anh chị em thanh niên, du kích có năng khiếu văn nghệ từ các thôn để thành lập đội văn nghệ của xã. Một cuộc họp được tổ chức tại cơ quan thôn Đại An lúc bấy giờ, có các anh chị như: Anh Chưởng, anh Đề, chị Thủy, chị Anh, anh Bôn, chị Nhồng, chị Tứ, Đông, Lâm, Triều,… tất cả chúng tôi khoảng trên dưới mười lăm người, ít nhiều có năng khiếu ca hát, kịch. Chú Thọ quán triệt nhiệm vụ, lên chương trình và đưa ra kế hoạch tập luyện để phục vụ nhân dân. Anh em chúng tôi lúc bấy giờ mỗi người đã có một nhiệm vụ cụ thể, người làm xã đội, du kích, giáo viên, đoàn Thanh niên, lao động sản xuất…Tham gia đội văn nghệ là việc thêm nên phải tranh thủ. Chú Thọ mời anh Nguyễn Thế Thục về dạy các làn điệu dân ca khu Năm cho đội. Nắm bắt được kiến thức, tính cách của các làn điệu, tôi bắt tay vào viết vở kịch Trương Đình Nam và tranh thủ triển khai phân vai tập luyện. Được sự giúp đỡ của các anh trong Ban tuyên huấn của Sư đoàn 304 (đơn vị đang tác chiến ở  cao điểm 1062), chúng tôi được hướng dẫn tập các ca khúc cách mạng. Các bài hát như: Đoàn Vệ quốc quân, Đêm trăng Cha Lo, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Sẵn sàng bắn…trở thành những tiết mục “tủ” của đội chúng tôi. Các chị Tứ, Anh, Thủy có năng khiếu múa thì “biên đạo” những vũ khúc “cây nhà lá vườn”. Sau khoảng nửa tháng tập luyện, chúng tôi đã có trong tay một chương trình văn nghệ tương đối hoàn chỉnh để phục vụ bà con trong xã.
Đội văn nghệ diễn “mở hàng” vài đêm và được bà con hoan nghênh thì cũng vừa lúc Đà nẵng được giải phóng. Một số anh em thanh niên Thượng Đức từ Đà Nẵng về quê nhân dịp này cũng tham gia vào đội văn nghệ. Các anh: Nguyễn Lãnh, Nguyễn Đạo, Quách Anh Thư, chị Miền ở thôn Hà Dục Tây; anh Huỳnh Văn Em, chị Kim Chi ở thôn Hà Tân, Trương Phước, Trương Nghĩa,…ở Tịnh Đông Tây được bổ sung vào đội văn nghệ làm cho đội thêm phong phú về tài năng, nhân lực.
Kể từ hôm ấy, đội văn nghệ Lộc Bình không ngừng duy trì nền nếp sinh hoạt tập dượt và biểu diễn phục vụ. Do hoàn cảnh thiếu thốn nhiều thứ, anh em chúng tôi tập trung sáng kiến chế tạo nhạc cụ làm nhạc đệm cho các bài hát, như làm đàn bass bằng cal xăng ; bộ trống, samball bằng những vật liệu tự tạo như mâm đồng, thùng đạn sắt…; hệ thống âm thanh micro treo được các anh Trần Ngộ, Trà Quang Cán tận dụng từ các đồ dùng điện cơ phế thải chế tạo lại; không có điện thắp sáng, anh em sử dụng bình ăc- quy được sạc từ  các máy bơm thủy lợi và cả đèn gió đốt bằng cây nứa, lốp xe đạp hư… ấy vậy mà khi biểu diễn bao giờ cũng được bà con khen ngợi, hoan nghênh.
Có những kỷ niệm một thời của đội văn nghệ mà những người trong cuộc chúng tôi luôn nhớ. Mỗi khi diễn vở kịch dân ca  kể về Trương Đình Nam, người chủ tịch xã Lộc Bình anh dũng bất khuất trước kẻ thù đến hơi thở cuối cùng. Vở kịch có những cảnh diễn trữ tình như đoạn anh Nam từ giã người yêu đi thoát ly bên bờ sông Trúc Hà thơ mộng; cảnh anh Nam bị giặc bắt ở Ba Khe; đặc biệt đoạn diễn khó nhất là cảnh anh bị tra tấn dã man. Tôi là người đóng vai Trương Đình Nam, mỗi lần đến đoạn diễn ấy là phải chấp nhận cho các diễn viên vai phản diện tra tấn trên sân khấu như thật thì khán giả mới xúc động được. Chấp nhận như vậy nên sau mỗi lẫn biểu diễn là mặt mày, mình mẫy của tôi đều bầm tím trước “đòn thù” của tên Chi khu trưởng và đám cận vệ của hắn. Diễn xong vở kịch, chị Kim Chi vừa khóc, vừa lấy hộp dầu cù là xoa khắp các vết thương trên người tôi, miệng cứ lẩm bẩm: “Diễn kịch chứ đâu phải thiệt mà đánh hắn như ri, vài ba lần nữa chắc hắn chết mất!”. Rồi chị lại khóc hu hu. Còn tôi, ráng chịu đau, lại động viên chị: “Em chịu được mà! Như ri khán giả mới tin chứ chị!”.
Có một lần, đang diễn ở sân thôn Thạnh Đại, cũng đoạn  giặc đang tra tấn anh Nam. Anh đang quằn quại trên vũng máu thì bỗng từ dưới khán giả, hàng chục viên gạch đá to như nắm tay vun vút bay lên sân khấu nhằm vào các diễn viên đóng vai sĩ quan ngụy. Hoảng quá, anh Phạm Sáu, phó chủ tịch xã Lộc Bình lúc bấy giờ phải bước ra giữa sân khấu và tuyên bố: “Bà con lưu ý! Đây chỉ là diễn văn nghệ chứ không phải thật, mong ba con kiềm chế để tránh gây tai nạn, thương vong cho anh em diễn viên!”. Khán giả nghe vậy mới dừng ném đá, tình hình trật tự mới ổn định lại. Lần ấy, anh em đội văn nghệ hú hồn, sau này nghĩ lại anh em mới hiểu, khi diễn, đạo cụ là súng thật, quần áo thật, chuyện thật, sự kiện lại vừa xảy ra vài năm ở ngay trên mảnh đất này thì làm sao khán giả lại không nhập tâm, không căm thù được chứ!
Đó là chuyện bi hùng, và cũng có chuyện khôi hài nữa chứ! Lần diễn ở sân trường Lộc Bắc, vở kịch đến hồi kết, đoạn viên Chi khu phó (Trương Phước đóng vai) chạy ra thấy thiếu tá Chi khu trưởng (do anh Phan Khắc Chưởng đóng vai) nằm chết. Đoạn này, đúng trong kịch bản thì  Chi khu phó thốt lên: “Trời! Sao thiếu tá nằm chết ở đây?”, nhưng vì do mất bình tĩnh, quên kịch bản, nên Phước thốt lên một câu gọn tưng: “Trời! Sao thằng Chưởng lại nằm chết ở đây?”. Đang theo dõi vở kịch đến hồi hấp dẫn, khán giả lại nghe câu thoại như vậy, ai cũng cười ồ…một cách sảng khoái. Họ thông cảm cho đội văn nghệ xã nhà, anh em diễn viên mình đều là nghiệp dư cả mà!
Ai đó từng nói, thời gian luôn chảy, chỉ có cuộc đời là dừng lại. Bốn mươi năm, ngần ấy ngày tháng quả là quá dài đối với mỗi đời người. Có một câu nói trong một cuốn phim nổi tiếng: “ Chiến tranh có thể đến rồi đi, nhưng những người lính của chúng tôi là bất tử!”. Tôi không ví von, không tô vẽ để ngợi ca, cường điệu về những ngày tháng chúng tôi từng sống, từng là thành viên trong đội văn nghệ Lộc Bình khi Thượng Đức giải phóng, mà chỉ kể lại để được nhớ về một thời tuổi trẻ cống hiến.
Nhưng tôi tin rằng, trong mỗi chúng ta, chuyện kể ấy như mới hôm qua…và tôi lại ước rằng, từ lần kỷ niệm bốn mươi năm này, nếu vài năm, đội văn nghệ có một ngày họp mặt?...

                                                     Quê nhà, tháng 7/2014



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét