Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

NHỚ MÙA BẮT LƯƠN


                                                           Nguyễn Hải Triều


Quê tôi, mỗi  mùa nước lũ tràn về là dòng sông dâng lên  thành những trận lụt ngập đồng. Có năm, cả hàng chục lần nước dâng lên rồi rút đi. Cá, tôm, lươn,… các loài thủy sản từ trên nguồn trôi về trú ngụ những ngóc ngách của cánh đồng làng, trên khắp đìa, mương, ao, hồ…rồi sinh sôi nẫy nở, tạo nên nguồn thủy sản quý báu của trời đất ban tặng cho người dân quê tôi những ngày đông tháng giá. Ngoài việc bắt cá, tôm thành thú vui của người dân quê, tôi vẫn thấy thích thú nhất là nghề bắt lươn trên đồng, một loài thủy sản da trơn, có giá trị kinh tế cao, và cho đến bây giờ vẫn là đặc sản.


Từ những buổi đi câu lươn…
Lươn ở dọc các con khe, bờ sông hay ao, hồ, đìa…thường là những con lươn to, có khi to hơn cổ tay của người lớn. Để bắt những con lươn này người ta phải câu như câu cá vậy. Dụng cụ câu lươn chỉ đơn giản là một lưỡi câu thật sắc nối với một đoạn dây nhợ thật chắc, bền dài khoản tấc rưởi vào một thanh tay cầm bằng gỗ. Muốn câu lươn, bước đầu tiên là đi dò “mà” (hang). Khi phát hiện nơi con lươn đang ở, người đi câu thả lưỡi câu đã móc mồi sẵn vào hang. Lươn là loại động vật rất háu ăn. Khi thấy có mồi là đưa miệng đớp ngay và kéo vào. Cuộc dằn co căng thẳng giữa người câu và con lươn xảy ra ngay sau đó. Kéo ra kéo vào vài bận, cuối cùng chú lươn to vàng óng cũng năm gọn trong bộng vịt của người bắt lươn một cách thú vị.
Đến chuyện đi soi lươn…
Soi lươn vào ban đêm. Tầm khoảng bảy, tám giờ tối khi con lươn rời khỏi hang để đi kiếm ăn. Lươn bò ra khỏi hang, nằm bất động như ngủ để rình mồi dọc các bờ ruộng, bờ mương. Người đi soi lươn chỉ cần một cây đèn gió, một miếng thiếc đục lỗ xấp đôi như chiếc kẹp. Khi thấy lươn nằm bất động, người ta đưa miếng thiếc kẹp chặt thân con lươn và bỏ vào giỏ. Đi soi lươn đơn giản nhưng rất hiệu quả. Người dân quê tôi còn cho việc đi soi lươn là một thú vui không thể thiếu lúc nông nhàn.
Và nghề đặt ống trúm…
Gọi là nghề cũng đúng vì ở quê tôi có nhiều nhà cứ đến mùa bắt lươn, mọi thu nhập trong gia đình đều nhờ vào công việc này, đôi khi cuộc sống mưu sinh còn khá giả hơn so với nhiều công việc khác. Nhưng tôi lại thích gọi là thú vui, vì dù sao chuyện bắt lươn vẫn tạo cho mỗi người dân trên quê tôi những điều lý thú khó quên trong cuộc đời, trên quê hương ngàn thương trăm mến này.
Để có được những ống trúm vừa ý, hiệu quả cao khi đặt lươn, người ta chú tâm đầu tư công sức để làm ra nó. Đầu tiên là khâu chọn ống. Có thể lấy từ những cây tre trong vườn hoặc cây lồ ô trên núi. Lồ ô để làm ống trúm là loại lồ ô trên các gành đá cao, cây to, lóng dài. Được đốn và kết thành bè thả từ trên núi trôi về đến bến sông, sau đó kéo về nhà hong khô nhiều ngày trước khi cưa thành từng lóng để làm ống trúm. Ống có độ dài từ tám tấc đến một thước tây. Để cho ống nhẹ đi khi di chuyển, người ta dùng rựa gọt bớt lớp vỏ của thân ống để còn lại độ mỏng vừa phải. Mỗi lần gánh ống đi đặt, người sức khỏe bình thường có thể gánh đến cả trăm ống mà không thấy nặng nhọc tí nào. Sau khi gọt vỏ, dùi lỗ thông hơi phần đuôi của ống (lỗ thông hơi để khi lươn chui vào không bị chết vì ngạt thở). Khâu quan trong nhất là đan hom ống trúm. Hom được đan bằng nan tre vót thật trơn, thật mềm mại rồi được đan xoáy theo hình tròn của miệng ống trúm, làm sao đó khi  đặt trúm ngoài ruộng, con lươn chui vào được mà không thể chui ra. Để giữ hom trên miệng ống, người ta cài một cây ghim tre dài khoảng ba tấc. Ghim vừa giữ hom chắc trên miệng ống, vừa có chức năng găm ống trúm xuống ruộng khi đặt lươn ngoài đồng.
Ngày ấy, hầu hết tôi và bàn bè trong làng, đứa nào cũng sở hữu từ vài ba chục đến cả trăm ống trúm trong nhà. Buổi sáng đi học; đến trưa là lũ trẻ chúng tôi tranh thủ rủ nhau ra bờ sông đào trùn (giun đất) làm mồi đặt trúm. Những con trùn khoang cổ to  bằng ngón tay, những con trùn quắn đen thui đen thủi đều được bọn trẻ chúng tôi moi lượm đem về, giã nhỏ, quệt đều trên miệng hom ống trúm, rồi vào khoảng bốn, năm giờ chiều thì rủ nhau gánh ra đồng để đặt lươn. Đồng quê tôi rộng mênh mông, chiều nào cũng như ngày hội. Đứa nào có ít ống và muốn đặt ở gần thì ra Lung Ngõ, Đồng An…; xa thì gánh ra ruộng Su, Cửa Trại, có khi vô đến Hóc Tộc, Hóc Lầy…Để khỏi đặt nhầm với nhau, chúng tôi thỏa thuận chia từng lung ruộng cho từng đứa; rồi mạnh đứa nào đứa nấy tự chọn những “thế đẹp” dọc các bờ ruộng, đường cày, ven các đìa, ao…mà phục trúm và tin rằng ngày mai sẽ bắt được những chú lươn gộc. Để rồi những buổi tối ấy khi về nhà, trong cơn ngủ chập chờn, chiêm bao đến với chúng tôi là những giấc mơ “lươn cá quê mùa”.
Buổi sáng sớm. Cánh đồng lặng gió. Trời chưa sáng rõ mặt người thì đã nghe những tiếng gọi nhau i ới trên các ngõ làng.                                     Chúng tôi tranh thủ ra đồng dở ống trúm sớm để về còn đi học. Tụ tập tại ngã ba đường Công Hương, sau đó tỏa đi các ngõ đồng. Lỏm bỏm quanh các chân ruộng, tôi và lũ bạn lần lượt đi thu từng ống trúm đã đặt đêm qua. Tay kéo miệng trúm, súc nước rồi chúc xuống cho trôi hết những mồi trùn,  sạch hom; sau đó dựng đầu ống lên rồi rung lắc vài cái để nghe tiếng thịch thịch, chóe chóe của những con lươn rớt từ miệng ống xuống đáy ống. Ôi, cái âm thanh ấy nghe “đã đã” làm sao mà để biết rằng lươn to hay nhỏ, nhiều con hay ít con. Và thường thì mỗi bữa đặt như vậy, được từ một nửa đến hai phần ba số ống có lươn là kết quả lắm rồi.
Lươn đặt về được trút ra chiếc rổ gặt để giữa sân cho cả nhà xúm lại coi. Có ống lươn chỉ chui một con nhưng cũng có ống trúm chật nặng ì có đến năm bảy con lươn chui vào. Những con lươn đồng da vàng ngậy to bằng ngón tay cái người lớn nhìn thấy đã mắt; những con lươn đìa, rộc, mình đen thủi đen thui lớn gấp rưởi lươn đồng mới nhìn phát sợ; rồi cả những chú lươn choai choai đủ cỡ ngón tay…chúng lấn quấn bò qua lại quanh chiếc rỗ gặt cả nhà nhìn ai cũng thích.
Mẹ tôi phân ra từng loại lươn lớn nhỏ, sau đó bà cho vào chum để rộng (nhốt). Khi túng thiếu mẹ cũng hay đem đi bán để đắp đổi tiền chợ, nhưng thường thì mẹ để dành làm thực phẩm cho gia đình như nấu canh chuối, nấu cháo, làm mì…và đặc biệt là món lươn đùm cho cả nhà ăn.
Để làm món lươn đùm, mẹ tôi chọn những con lươn vàng ươm to bằng ngón tay trỏ cho vào soong, bỏ muối đậy vung để lươn quẫy cho sạch nhớt, sau đó rửa sạch. Mẹ dùng mấy sợi lạt giang thọc từ miệng vào bụng lươn quay quay mấy lần và kéo ra cho đi hết ruột, rồi trên mỗi miếng lá chuối sứ hơ mềm, mẹ  cho nếp, đậu xanh đã ngâm, vài ba con lươn đã ủ ướp gia vị; sau đó đùm lại, cột kín bằng lạt giang và đem chưn cách thủy trong một chiếc nồi to cho đến khi chín rục mới đem ra. Lươn chín, khi mở một đùm, mùi thơm của nó lan tỏa khắp nhà, cho dù có đi đâu, đi xa, đi lâu bao nhiêu, cũng khó nguôi quên cái mùi quê kiểng ấy!

Quê nhà, tháng 7/2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét