Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

NHỚ NHỮNG THÚ QUÊ

tv.jpg
NHỚ NHỮNG THÚ QUÊ
                                                      Nguyễn Hải Triều

Đã hết tháng tám, bắt đầu qua tháng chín âm lịch rồi mà thời tiết cứ như mùa hè. Người ta nói “nắng tháng tám nám trái bưởi” quả chẳng ngoa tí nào! Cái nắng chát chúa. Trời xanh trong chẳng một gợn mây. Chỉ khác mùa hè là buổi sáng còn nghe chút se lạnh của tàn thu. Mấy năm trước, thời gian này là quê tôi triền miên bão gió, lũ lụt. Nước sông dâng cao tràn lên đồng, tràn vào làng xóm. Nhà cửa vườn tược ngập lụt cả mấy trận liền. Người dân quê tôi vốn quen rồi với nếp thời tiết hằng năm nên không lo lắng mà luôn có tâm thế chờ đợi, vì trong sự cực nhọc chống chọi thiên tai, họ cũng tìm ra những thú vui quê kiểng. Nước lên đồng thì đặt lờ, cất vó, thả lưới, giăng câu. Cứ sắp mùa lụt là nhà nào cũng chuẩn bị các thứ ngư cụ cần thiết cho những thú vui này.
Hai năm rồi quê tôi không biết lụt lội là gì. Cách đây mấy ngày, ngồi với thằng bạn cũ đang công tác trên Thủy điện A Vương, hắn cho biết các hồ chứa nước của tất cả các nhà máy đều đang cạn kiệt “đến đáy”. Mưa trận nào họ đều tranh thủ chứa chứ không có nước cho nhà máy vận hành. Nếu như vậy thì chắc năm này quê tôi cũng không có lụt nữa rồi. Không có lụt, sâu bọ sẽ phá hoại, mùa màng thất bát. Không có lụt, không có thú vui quê kiểng. Chao ôi, mặc sức mà ngồi nhớ…

Trước tiên là chuyện đi thả lưới mùa nước lụt.
Sau những ngày “mưa như trút nước”, làng tôi trở thành một ốc đảo. Nước sông Con, sông Cái đổ về, tràn lên đồng. Sau khi dọn đồ đạc trong nhà tránh lụt, cả làng tôi để trẻ con, phụ nữ và người già ở trên các chồ gác tránh lũ, còn lại thì kéo nhau ra đồng bắt cá với nhiều hình thức như: Đơm, nhá, đuộc, lờ, trủ, vó…Tôi theo cha ra đồng với những tay lưới bắt cá nước lên…
Để có những tay lưới tốt, thường cha tôi không mua ngoài chợ mà ông lên xóm vạn ghe trên đầu làng đặt nhờ chú Sâm đan giúp. Chú Sâm là thợ đan lưới cá có uy tín của xóm vạn và cũng là chỗ quen thân với cha. Lưới chú đan vừa bền chắc, vừa theo yêu cầu đặc thù của vùng nước thả, và nếu khi nào lưới bị rách, sẽ nhờ chú vá lại cho, thuận tiện vô cùng. Có nhiều loại lưới khác nhau tùy theo mực nước cạn sâu hay tùy theo loại cá mình đánh bắt: Lưới 1 để bắt cá rô, lưới 2 cá giếc, lưới 3 cá trôi, lưới 4 cá gáy và các loại cá lớn khác…
Mỗi năm khi nước về đồng, bà con làng xóm mỗi người một loại ngư cụ đi bắt cá. Dàn xếp chuyện nhà xong, cha đem mấy tay lưới ra trước sân, ông mang chiếc tơi che mưa, dùng cây sào tre và bó gọng trủ quảy mỗi đầu vài ba tay lưới, chiếc giỏ vịt đựng cá rồi gọi tôi đi theo cùng ông ra đồng thả lưới, kéo trủ. Đến nơi, cả cánh đồng trông như ngày hội. Từ Đồng An chạy dài đến Ruộng Su, chỗ nào cũng có người đi bắt cá. Nào cất vó, cất trủ ở những cửa nước tràn trên mương lớn; thả lờ, đuộc ở lung ruộng dọc mép làng. Lũ trẻ nhỏ bạn của tôi như thằng Lâm, thằng Liễu lăng xăng cầm mấy cái đuộc tìm ngõ nước hứng cá nhét, cá lưới…Cha dẫn tôi ra tận lung ruộng gần Bàu Miếu, nơi nước sông Con đang tràn vào đồng. Ông ngắm nghía một hồi lâu, tìm chỗ thích hợp rồi thả những tay lưới của mình dọc các bờ mương, bờ rộc quanh Bàu Miếu. Tôi cầm những tay lưới còn lại đi theo cha, lúc cần ông gọi nhờ cắm cây làm dấu; đưa tay lưới tiếp theo để cha khỏi phải lên bờ nhọc công. Thả lưới xong, cha con tôi lên bờ, ngồi dưới cây gáo cổ thụ sát bến Miếu trú mưa. Cha quấn điếu thuốc lá, bật lửa đốt hít một hơi dài rồi nói: “Chỗ nước này chắc chắn cha con mình không phí công đâu con à!”. Rồi cha dặn tôi ở lại canh chừng mấy tay lưới, con ông vác cần gọng ra góc đìa gần bàu, tìm nơi cất trủ. Trủ là loại ngư cụ gồm một mảnh lưới dày rộng khoảng sáu mét vuông được căng ra từ bốn chiếc gọng vót bằng gốc tre, đặt gần nơi nước chảy để hứng bắt cá ức nước khi chúng tràn lên đồng. Cá vào trủ thường là cá nhỏ như cá cấn, cá mại, cá rô, cá rầm…nhưng rất nhiều; mỗi mặt lưới cất lên đôi khi được cả bát lớn. Cá đứng trủ đem về kho lá nghệ thì ngon hết chê.
Kéo trủ được một lúc, cha tôi dừng lại lội qua đồng gỡ lưới. Tôi theo cha cầm chiếc giỏ vịt đựng cá. Không thể tả hết sự thích thú khi nhìn những chú cá đồng ức nước đang dính vào lưới của cha con tôi. Nào những chú cá rô mề, cá trê vàng rộm; cá tràu, cá giếc, cá gáy, cá trôi… hễ cha bắt được con cá nào là tôi nghiêng vịt cho cha bỏ vào, một chốc chưa hết hai phần lưới thì giỏ cá đã đầy. Cha biểu tôi đem về cho mẹ bỏ vào “rộng”  trong mái nước, rồi chạy ra cùng cha gỡ tiếp những tay lưới còn lại. Mùa lụt năm đó cha con tôi thu hoạch được khá nhiều cá. Có hôm, lưới ngâm qua đêm, đến sáng khi gỡ cá đến tay lưới cuối cùng thì không thấy lưới đâu. Cha con tôi ngạc nhiên, chẳng lẻ lưới của mình bị người ta lấy trộm? Đang phân vân thì tôi phát hiện giữa đám ruộng bỗng nhiên có tiếng động mạnh, một vệt nước hắt lên. Cha dặn tôi đứng trên bờ, còn ông lội ra xem thử. Hóa ra một con cá chiên (loại cá nước ngọt da trơn quý hiếm thường sống ở thượng nguồn) dài gần bảy tấc, nặng khoảng hơn hai mươi ký chẳng hiểu sao lại gói vào tay lưới một của cha tôi. Do nó càng vùng vẫy nhiều nên lưới càng cuộn lại không đường thoát. Cha tôi mừng quá, ông ôm nguyên tay lưới có cả con cá chiên về làng, tôi lăng xăng cầm giỏ vịt cá theo cha trong niềm vui khôn xiết.
Lần ấy, cá chiên mẹ tôi mổ thịt biếu hàng xóm mỗi nhà một lát cá ăn lấy thảo, còn lại mẹ làm một bữa mì quê cho cả nhà ăn. Ôi, ngon hết biết. Riêng cá đánh lưới, đứng trủ, mẹ “rộng” (nhốt) những con cá sống để ăn dần khỏi phải đi chợ. Đôi khi mẹ cũng bán kiếm ít tiền mua cho anh em chúng tôi đôi dép, tập vở học thay vì phải bán lúa như mọi khi. Cái thời gian khó ấy làm sao mà quên được.
***
Những lần bủa câu, cắm thỏ…
Nước lụt rút đi. Cá còn lại trên đồng; cá ở dưới các ao đìa quanh bàu, dưới các lung ruộng thấp cũng là điều kiện cho lũ trẻ chúng tôi giăng câu, cắm thỏ.
Ngày ấy, lũ chúng tôi, buổi sáng đi học, trưa về đào trùn làm mồi câu, chiều đi bủa. Đứa nào cũng sở hữu những đường câu, rổ câu ít thì ba bốn chục, còn nhiều thì hàng trăm lưỡi câu, hoặc vài ba mươi cần thỏ (cần câu cắm) để tận hưởng thú vui quê kiểng này.
Để có được đường câu vừa ý, lũ trẻ chúng tôi phải tìm những đoạn dây “dẹp” (một loại dây ni-lon bền chắc có diện to bằng ba ngó tay người lớn, dây này dùng để bó những kiện hàng của lính Mỹ thời ấy), đem về tháo ra từng sợi nhỏ nối dài ra rồi đánh xoăn lại gọi là “triên” câu. Cứ  khoảng một mét triên được cột một lưỡi câu nối với sợi cước dài tám tấc tây , sau đó cuộn lại trên một kẹp tre, hoặc một chiếc rổ tre được đan dày nan. Mỗi đường câu có khoảng từ ba bốn mươi lưỡi, có khi cả trăm lưỡi câu. Cần thỏ thì vót bằng tre gốc, cũng có thể lấy nhánh tược của cây tre già. Mỗi cần thỏ dài một mét rưỡi, phía ngọn có độ đàn hồi như cần câu, sau đó cột dây cước có lưỡi câu vào. Mồi cho câu bủa, căm thỏ là những con trùn (giun) khoang cổ. Trùn khoang cổ thường sống ở đất dưới các bụi chuối trong vườn, hoặc dọc triền sông. Mỗi con trùn được cắt ra thành ba, bốn miếng mồi câu. Nếu đường câu rổ thì móc mồi sẵn trước khi bủa, còn đường câu kẹp thì phải bủa trước rồi sau đó mới móc mồi vào lưỡi câu; cắm thỏ cũng vậy.
Chiều. Khoảng tầm ba, bốn giờ. Lũ trẻ chúng tôi cho trâu bò gặm cỏ dọc những lung đất hoang gần bàu Miếu, ruộng Su và bắt đầu ra đìa bủa câu, cắm thỏ. Những đường câu, cần thỏ được cắm chạy dọc đìa, dọc các thửa ruộng rộc với nhiều cây lát, chùm bèo là nơi lũ cá tràu, cá trê trú ngụ sau mùa lụt. Thả câu, móc mồi xong, cả bọn cùng kéo nhau lên bờ bàu, đốt lửa nướng ốc bươu ăn, ngồi đợi. Chiều xuống. Đi thay mồi những lưỡi câu bị cá con rỉa hết, bắt những con cá mắc câu sớm rồi đánh trâu bò về nhà. Đêm ấy, trong giấc ngủ của tuổi thơ, đứa nào mà chẳng chiêm bao thấy dây câu, cần thỏ của mình mắc đầy những con cá tràu, cá trê to, quẫy nước động cả góc đìa.
Buổi sáng, khi mặt trời chưa ló dạng, lũ chúng tôi đã có mặt nơi bờ đìa bủa câu chiều hôm trước. Trời se lạnh nhưng vẻ mặt đứa nào cũng trông hồ hỡi, phấn khích. Vai đứa nào cũng mang những chiếc “rộng” hoặc thắt lưng cột chiếc giỏ vịt to để đựng cá. Cả bọn lội xuống ruộng, rồi từ tốn phăng những dây câu của mình. Nhìn đường câu thẳng căng do cá mắc câu chèo kéo mà trong lòng đứa nào cũng thấp thỏm, nôn nao…Để bắt được một chú cá mắc câu, phải từ từ đưa tay phăng theo dây cước cho đến khi chạm được vào đầu con cá; nhẹ nhàng nương bàn tay nắm thật chặt phần đầu nó kéo lên khỏi mặt nước rồi cho vào giỏ vịt. Nếu lưỡi câu mắc sâu trong họng cá thì phải cắn đứt dây cước, lỡ sơ sẩy nắm không chặt cá sẽ vùng khỏi tay thì chỉ có đứng mà tiếc ngẩn ngơ thôi. Mỗi lần bủa câu, cắm thỏ, bọn trẻ chúng tôi bắt được rất nhiều cá. Những con cá tràu, cá trê to như bắp chân người lớn; những chú lươn đìa vàng ươm lớn ngang cán rựa, cán dằng sắp lớp đầy trong chiếc “rộng”, chiếc giỏ vịt nặng chình chịch. Rồi chúng tôi thu những đường câu, cần thỏ và tranh thủ chạy về nhà cho kịp giờ đi học. Và câu chuyện rôm rả trước giờ vào lớp của chúng tôi hôm ấy là những con cá tràu, cá trê vừa bủa câu bắt được đem ra khoe với bạn bè.
Những thú vui cá, nước, mùa, quê ngày xưa bây giờ chỉ còn là ký ức.

                                                                                Tháng 10/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét