Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

MÙA QUÊ SẮN BẮP MỘT THỜI

kmk.jpg
MÙA QUÊ MỘT THỜI SẮN BẮP…
                                                     Tạp bút Nguyễn Hải Triều

Một bận theo người bạn thân về thăm Hội An. Chiều tàn trên bến sông Hoài. Phố xá nghiêng nghiêng mái nhà cổ hoang liêu những nếp gấp hoài niệm. Bất chợt vang lên tiếng rao: “Ai bắp nướng đây!”, “Ai sắn luộc không?...”. Biết. Trong không gian của phố cổ được tái hiện lại thuở xa xưa, sắn bắp người ta rao bán, dành cho thực khách làm món ăn vặt vui miệng lúc nhàn nhã dạo phố, nhưng nghe đâu rất đắt, mười ngàn chỉ được vài khúc sắn cỏn con. Chẳng bõ cho thời xa xưa trên vùng đất nắng bụi mưa bùn quê tôi, sắn bắp là thứ lương thực không thể thiếu làm nên dáng vóc hình hài, làm nên sự sống cho mỗi cuộc đời của thời gian nan khổ cực mà mỗi khi nhắc đến thì ai cũng không thể nào quên được.

TỪ BAO NƯƠNG SẮN QUANH ĐỒI…
 Những nhà văn, nhà thơ, những người có chút tâm hồn lãng mạn thường gọi quê tôi bằng cái tên rất hình tượng: “Thung lũng xanh”. Quả đúng như vậy, nơi có hai con sông bao bọc làng mạc, nơi có xung quanh là những dãy đồi núi trùng điệp che chắn, nhìn xa như một lòng chảo. Trước giải phóng, người dân quê tôi ngoài việc canh tác lúa trên cánh đồng làng làm nguồn lương thực chính, nhưng những bữa cơm vẫn không được tròn trịa vì thất bát mùa màng. Để có đủ lương thực sống, họ còn phải cày xới trên những rẻo đất khô để trồng các loại hoa màu phụ như bắp, đậu, khoai, mè…và không thể thiếu cây sắn quanh biền bãi quê tôi.
Sắn là loại cây dễ trồng, dễ chăm bón và thường cho năng suất cao. Ngày ấy sắn được trồng trên các vạt đất nhỏ ngoài cồn bãi, dọc biền, cả trong vườn nhà, cả trước sân. Loại sắn canh nông củ to, vỏ lụa màu hồng, nhiều tinh bột; sắn mì tuy củ nhỏ, vỏ lụa xanh, nhưng lại dẻo thơm ăn một củ nhớ đời. Đồng lúa mùa màng thua hạt thì còn có khoai sắn phụ vào cho bữa ăn từng nhà được no đủ, đầy đặn.
Từ sắn củ, người dân quê tôi biết chế biến thành nhiều món độc đáo trong các bữa ăn. Nào sắn nấu (luộc), canh sắn, sắn quết với đậu phộng dẻo thơm, sắn làm bánh tráng để cuốn với rau muống cá nục; sắn xắt phơi khô “ghế” vào cơm (thời đói nghèo đôi khi lát sắn khô phải cỏng năm mười hạt cơm). Rồi bột sắn làm bánh “bẹp bẹp” hấp chín với nhưn đậu;…Sắn! những tháng ngày quê tôi nhà nhà không thể thiếu trong mỗi bữa ăn.
Ngày mới vừa giải phóng (năm 1974), hàng mấy chục ngàn dân phải tản cư lên núi Đông Giang, Tây Giang để tránh bom đạn. Ẩn náu trên vùng núi non hiểm trở gần một năm trời. Chống chọi với bệnh tật, đói cơm, lạt muối. Mặc dù được Chính quyền Cách mạng cung cấp lương thực hằng ngày với tiêu chuẩn một lon gạo cho mỗi người lớn, trẻ nít thì nửa lon. Nhưng rồi nguồn lương thực ấy cũng cạn kiệt dần. Mấy chục ngàn người quê tôi lại phải bám víu vào sắn để tồn tại. Được hàng trăm hec-ta sắn của người dân bản địa hỗ trợ, bà con sống nhờ sắn mỗi ngày để lấy sức mà tăng gia sản xuất tự cung tự cấp đợi ngày giải phóng toàn miền Nam để được về làng cũ. Cả quê tôi ngày ấy nếu không có những củ sắn nghĩa tình kia thì liệu có thể chống chọi được chăng mà tồn tại trong cái khốc liệt, nghiệt ngã của chiến tranh? Rồi khi về lại làng cũ, để lo cho cái ăn mỗi ngày, người dân quê tôi lại phải vào các triền đồi giáp ranh phát rẫy trồng sắn. Thuở ấy nhà nào cũng có rẫy sắn, nhiều thì đến vài ba héc-ta, nhà ít cũng lưng vài sào. Có sắn là không thể bị chết đói.
Nhưng đau đáu một nỗi nhớ trong tôi là những củ sắn lùi un lửa rơm đồng chiều thời chăn trâu trên biền bãi quê nhà những ngày đông giá lạnh đến cắt da thịt. Miệng thổi phù phù, tay phủi phủi tàn tro rơm rạ bám quanh củ sắn. Mặt đứa nào cũng đầy vết lọ nhìn đến tức cười. Mùi sắn nướng ngày ấy cứ lẩn khuất trong từng ngóc ngách hoài niệm tuổi thơ để rồi dù có đi đâu, xa mấy cũng nhắc nhở những bước chân viễn du luôn biết lối để quay về cố xứ.
…ĐẾN NHỮNG MÙA BẮP SAI TRÁI
Thời đại bây giờ người ta nuôi trẻ bằng nhiều loại sữa cao cấp, bằng  nhiều nguồn thực phẩm quý hiếm; đã vậy mà các bậc cha mẹ trẻ lại thường cứ lo lắng về chiều cao, bệnh tật, trí thông minh của con mình! Tôi hay nói với con cái, rằng thịt da xương óc của những người thế hệ của ba sống trên quê xứ này được nuôi dưỡng bằng sắn khoai bắp đậu đó! Ngoài sắn, cây bắp trên quê tôi cũng gần gủi, thân thiết với đời sống con người. Ngày xưa, dọc quanh những bãi làng như Đồng An, Bàu Cá Gáy,…quanh năm xanh xanh những mùa bắp bạt ngàn. Dân quê tôi chuộng giống bắp tẻ, tuy nhỏ trái nhưng hạt đều và ăn có vị ngọt, thơm, đậm đà. Tôi nhớ, bọn trẻ chúng tôi khi đến mùa, chiều chiều giong trâu trên những bãi cỏ đầu làng, mỗi đứa buộc một dây lạt vào lưng rồi chui vào giữa biền bắp; khi trở ra thì đứa nào cũng cài trên thắt lưng chừng mươi trái bắp non. Tất cả tập hợp lại, nhóm lửa giữa đồng nướng bắp. Bắp nướng nguyên vỏ trên lửa ngọn, đợi khi chúng cháy sém lớp bao ngoài thì lấy que hất ra, bóc hết bao để còn trái bắp non chín như nấu thơm phưng phức, ngọt hết chỗ nói. Đứa nào cũng thổi phù phù mà cạp tới ê cả răng, đầy cả bụng mà miệng vẫn cứ muốn ăn tiếp.
Đến mùa thu hoạch, bắp bẻ về phơi đầy sân, vàng quanh xóm, quanh làng. Người ta chọn những trái bắp non đem “sát” (lấy dao gọt những hột bắp vừa kính váng đỏ), sau đó đem xay, ép nước cho vào các chén sành chưng cách thủy. Món nước bắp chưng độc đáo mùi quê kiểng, nhớ đời. Bắp non còn đem nướng lửa than phết mắm cái; bắp nấu để nguyên vỏ luộc chín ăn dần suốt ngày ghiền hơn cả cơm. Đôi khi nấu chín rồi đem phơi, khi ăn nướng lại gọi là món bắp “trụng”.  Những trái bắp già phơi khô, đập lấy hạt bỏ vào trong các ghè dự trữ.. Bắp hột đem xay trộn với gạo làm lương thực ăn quanh năm. Bột bắp đem nấu quấy đều, bỏ chút vôi sau đó đổ ra mâm thành món bột bắp. Thời đói kém, món bột bắp đôi khi là chủ đạo trong nhà, ai từng sống trên quê tôi ngày ấy thảy đều ghi nhớ.
NHỮNG VỒNG KHOAI LANG XANH KÝ ỨC…
Quê tôi có câu thành ngữ: “Nhất khoai đầu vồng, nhì có chồng Khánh Vân”. Khánh Vân là một làng nghề ở xã Đại Cường. Trai Khánh Vân làm nghề thợ hồ, nghề nghiệp ổn định, làm ra nhiều của cải. Con gái lấy chồng về Khánh Vân thì được sống sung sướng, giàu có nên ai cũng ao ước. Người ta có câu ví như vậy cũng nói rằng khoai đầu vồng thường lớn củ và nhiều. Quê tôi ngày ấy ngoài sắn bắp, khoai lang cũng được trồng nhiều và được “trọng dụng” ngang với những loại lương thực khác. Khoai lang là loại dây củ vốn dễ trồng, ngắn ngày và dễ đạt năng suất cao. Dây khoai làm rau luộc, nấu canh; củ khoai làm lương thực thay cơm đắp đổi những ngày “thóc cao gạo kém”. Củ khoai có thể chế biến nhiều món như: Khoai nấu, khoai nướng, khoai trụng, khoai chà…còn có thể xắt lát phơi khô “ghể độn” vào cơm như sắn. Xanh xanh trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn mãi ngút mắt những vồng khoai lang dọc các biền bãi quê làng.
Đã mấy chục năm đi qua của đời người. Quê bây giờ lên phố đông vui. Những bữa cơm độn sắn khoai đã thành cổ tích. Đâu đó từ thẳm sâu vời vợi của ký ức, trong tôi cứ vang ngân một dòng hoài niệm khôn nguôi về những năm tháng khốn khó một thời. Đang miên man dòng hồi tưởng, tôi giật mình trở lại với hiện thực. Hội An phố cổ lúc chiều tà. Tiếng rao bên kia đường vọng lại: “Ai sắn luộc không!” , “Ai bắp nướng đây!” nghe xao xác đến chạnh lòng…

                                               Quê nhà, tháng 5/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét