Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

TẢN MẠN NHỮNG NẾP QUÊ XƯA

que1.jpg
TẢN MẠN NHỮNG NẾP QUÊ XƯA
                                                                       Nguyễn Hải Triều

Bạn bè cho tôi là người hay hoài cổ, hoài cổ đến cực đoan. Việc gì cũng đem chuyện xưa ra mà so sánh, bình phẩm; rồi có khi bài xích, phê phán chuyện nay, chuyện mai hậu. Lúc ngẫu hứng lại ráng gân cổ lên để “cãi chày cãi cối” cho tới khi “ra đầu ra đủa” để bảo vệ cho cái mà bây chừ thiên hạ xếp vào loại xưa rích, lỗi thời không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Đôi khi nhìn nhận lại, tôi thấy mình cũng có “bịnh” ấy thật.

Nhưng nói đi rồi cũng phải nói lại. Cuộc sống mỗi ngày luôn thay đổi, thay đổi đến chóng mặt. Cái gì lỗi thời thì ta bỏ. Đồng ý. Nhưng những cái hay cái đẹp trong nếp cổ xưa, trong phong tục tập quán mà mỗi khi bắt gặp, ta nhận ra được bản ngã; nhận ra được giá trị miên viễn của con người, của quê xứ mình thì làm sao lại để lãng quên chứ? Lãng quên hoặc bỏ đi sẽ chẳng còn là mình nữa, nhất là những việc lễ nghĩa, ứng xử trong cuộc sống đời thường.
Tôi có người bạn đã nghỉ hưu. Một lần gặp, anh ca thán: “ Tuần này mình nhận đến sáu cái thiệp mời đám cưới đấy ông ạ!”. Đám cưới là sự kiện đặc biệt của đời người. Người thân, họ hàng, bè bạn chia sẻ niềm vui trong ngày trọng đại này là điều cần thiết. Nhưng thời gian gần đây, thiên hạ đua nhau tổ chức đám cưới không còn theo những nếp xưa, mà đã biến tướng thành một hình thức sinh hoạt thực dụng có sự tính toán, làm mất đi cái nét văn hóa truyền thống của cha ông đến độ khó có thể chấp nhận. Người ta tổ chức đám cưới cho con cái, phát hành thiệp mời càng nhiều càng tốt. Quen biết trong một lần uống cà phê cũng mời, nợ nần cũng mời, biết tên là mời, có ông quan huyện tổ chức đám cưới con, đến Phòng Nội Vụ liên hệ lấy danh sách cán bộ, công chức để mời… Người dự đám cưới để phải không, để trả nợ, để nhờ vả chứ không phải để chia vui. Mời đám cưới mà như một chuyến làm ăn tính lỗ tính lời! Nhận thiệp cưới như nhận một cái giấy báo nợ thì làm sao mà vui cho được? Có người đãi đám cưới cho con mà tổ chức hai, ba xuất mới hết lượng khách đến dự. Người ta lợi dụng uy tín của mình để kiếm thu nhập. Ôi ngán ngẫm! Ông bạn hưu trí của tôi một tuần sáu cái thiệp, mỗi cái tính ba trăm ngàn, vị chi triệu tám. Lương hưu mỗi tháng ba bốn triệu. Đi đám cưới rồi còn đâu để sống chứ? Ta hãy nhìn lại, cứ trào lưu này, ai là người trong cuộc có thấy thẹn lòng!
Nhớ chuyện xưa: Quê tôi ngày ấy còn kham khổ lắm, nhưng tình làng nghĩa xóm luôn cứ đậm đà. Mỗi lần nhà ai đó muốn “lập đời” cho con cái, cả làng cả xóm đều vui và người ta thể hiện nghĩa cử chia sẻ niềm vui ấy bằng cả tấm lòng. Tôi nhớ có lần năm tôi lên mười, mười một. Nhà của ông Cừu bên xóm làm đám cưới cho người con trai đầu là chú Ngân. Trước đám cưới mấy ngày, buổi chiều, tôi đang chơi trước sân thì thấy chú Ngân qua nhà. Chú vào trong nhà gặp cha tôi. Tay chú bưng chiếc khay gỗ, trên khay là chai rượu và dĩa cau trầu. Chú rót rượu ra chiếc ly để sẵn trên khay rồi thưa với cha tôi: “Thưa anh Bốn! Ngày mồng Sáu tới, cha em lập đời cho em. Cha em biểu em qua mời anh chị và gia đình qua nhà em uống ly rượu mừng!”. Cha tôi vui vẻ nhận lời, rồi chú đi qua nhà hàng xóm khác. Cứ thế, cứ thế, từng nhà một. Chai rượu vẫn đầy, dĩa trầu cau vẫn xanh. Xanh tràn những câu mời đầy ắp lễ nghĩa, đầy ắp tình làng nghĩa xóm lan ra từ nhà này đến nhà khác. Để rồi đến ngày mùng Sáu, bà con xóm giềng tụ về nhà ông Cừu “nhóm họ” uống rượu mừng đám cưới chú Ngân. Tiệc cưới ngày ấy cũng khác bây giờ, chủ nhà tiếp khách cả ngày từ sáng đến chiều tối. Do bận rộn mùa màng, ai rảnh lúc nào thì đến lúc đó. Có được năm bảy người, thì nhà bếp bưng lên một mâm thức ăn. Tay khách dúi vào tay chủ, hoặc để lên bàn chiếc phong bì mộc mạc, kính cẩn thưa: “Thưa anh, anh lập đời cho cháu, tôi có chút quà…lấy thảo, mong anh nhận cho!”. Thức dọn cổ chỉ là dĩa heo luộc, dưa chuối, chén thịt rang mặn, bát canh chuối chát…những món ăn dân dã đượm chất quê để khách, chủ cùng uống ly rượu mừng. Thực khách trên bàn ngồi hỏi thăm nhau, họ kể chuyện làng chuyện xóm, chuyện hạnh phúc lứa đôi. Ôi, cái nếp quê xưa sao mà đẹp, mà ấm áp tình người đến vậy? Bây giờ kể lại như chuyện cổ tích. Đôi khi lớp trẻ bây chừ lại cho người kể có thần kinh không bình thường cũng nên?
Chẳng bù cho thời hiện đại bây giờ, đám cưới người ta in ấn rồi gởi cả ngàn cái thiệp hồng; mời đến nhà hàng sang trọng cả ngàn người; đặt cả ngàn xuất ăn “model Tây” đắt giá. Người đến dự đem theo phong bì bỏ vào thùng đựng quà cưới rồi lũ lượt ngồi vào bàn, “phần ai nấy biết”. Thân tình đâu không thấy, chỉ toàn người những người chưa từng gặp. Thực khách chẳng hỏi nhau được một câu xã giao. Chủ và khách cũng nhạt nhẽo không kém. Lễ nghi cưới hỏi qua quít sáo rỗng như diễn kịch. Ăn xong phần ai nấy đi. Cái tình thân, bằng hữu tâm giao, cái nghĩa xóm tình làng cũng biến đi theo những xuất ăn đắt giá, theo những phong bì mừng cưới mang dáng dấp nợ nần, ôi! Thời hiện đại sao mà ngán ngẫm!
Nếp quê xưa còn có bao nhiêu điều tốt đẹp đáng để gìn giữ, trân trọng. Tôi nhớ ngày ấy, nếu trong làng nhà ai đó có người vừa qua đời, cả làng cùng chung tay vào gánh vác để lo hậu sự, tang chế cho người chết. Lo bằng cả tấm lòng không một chút vụ lợi riêng tư. Người này kiếm gỗ đóng quan tài; kẻ lo việc khâm liệm, đào huyệt. Bên này cột đòn bè, người đi mời ông tổng, dân khiêng…xóm giềng thức cả đêm bên gia quyến người chết để an ủi, phụ giúp những việc cần làm khi tang gia bối rối không xử lý được. Họ hiểu sâu sắc câu “nghĩa tử là nghĩa tận”. Bây giờ việc tang cũng khác rồi. Mọi thứ đều từ dịch vụ. Có tiền là người ta thuê tất. Nhà giàu thì sang cả; nghèo cũng chạy theo cho đỡ miệng thế gian. Xóm giềng trở thành kẻ ngoài cuộc, bàng quan. Tình nghĩa xóm thôn theo đó cũng mờ nhạt dần.
Có thể kể ra đây biết bao nhiêu chuyện khác nữa, mà mỗi chuyện đều làm ta đau đáu hoài niệm để nghĩ về những nếp quê xưa. Ai còn nhớ trên quê tôi, những mùa lụt bão, thiên tai. Khi nước nguồn trôi về tràn ngập đồng bãi, xóm thôn. Xóm giềng gắn kết nhau, bất chấp nguy hiểm, bão gió cứu người. Nhà cháy, cứu người. Đau ốm trái gió trở trời, cùng chia sẻ gian nan. Tôi nhớ hoài, mỗi khi tết đến hoặc lễ lộc trong làng, từng nhà làm bánh, giết heo đều đủ đầy hàng xóm. Miếng cơm manh áo, hạt gạo đều thấm đẫm tình quê… Xóm tôi ngày ấy mỗi lần nghe có trộm, ai nấy đều gậy gộc dây thừng xông ra cùng khổ chủ bắt kẻ gian đem nộp nhà chức trách. Bây giờ, nhà nào cũng kín cổng như phố, phần ai nấy biết đến nhạt nhẻo. Trong nhà có chuyện thì họ bật máy điện thoại a lô nơi có dịch vụ taxi, xe bệnh viện, công an…tiếng “huớ làng” lâu rồi không còn nghe ai đó la lên trong đêm vắng nữa. Buồn! Tôi từng chứng kiến, có một lần một người phụ nữ đang đi trên đường, một chiếc xe máy quẹt vào người. Chị ngã ra đau đớn. Vậy mà trong số người đi ngang qua bấy giờ cũng có kẻ dững dưng không dừng lại để cứu giúp. Ôi cái tình người, cái nếp quê xưa đâu rồi? Phải chăng do cuộc sống quá hiện đại, mọi thứ đều thay đổi, đôi khi đã tạo ra một lớp người ích kỷ, hẹp hòi, chỉ biết có mình, trước nỗi đau tha nhân họ cũng vô cảm, dững dưng?
Đất nước phát triển theo trào lưu tiến hóa của xã hội là điều đáng mừng. Những phong trào xây dựng nông thôn mới, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy, được đưa vào các tiêu chí xây dựng để phát huy. Những nếp xưa đầy ắp bản sắc văn hóa quê nhà ta cần lưu giữ.
Tôi lại nói cái điều mà bạn bè thường cho tôi là bảo thủ, cực đoan mất rồi!

                                                 Quê nhà, tháng 7/2016



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét