Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

MÙA BỨT ĐÓT

                             
 MÙA BỨT ĐÓT
                                                                     Nguyễn Hải Triều

Về quê tôi vào những ngày này, ai cũng thấy tâm hồn như rộng mở, con đường êm êm màu nhựa đen hoặc bê tông lấp lóa thênh thang thỏa nỗi lòng quê xứ. Đã qua rồi những tháng ngày lầy lội mưa đông, trắc trở lại qua với ổ trâu, ổ gà. Đường sá bây giờ hun hút xe, người. Đường băng qua cánh đồng xanh um với những chân ruộng lúa đã lên đòng trông đến mát mắt. Và nếu ai đó có để ý, sẽ thấy dọc đường, người ta phơi đầy những bông đót được hái từ trăm ngọn đồi quê. Cây đót là thứ nguyên liệu để người ta làm chổi quét nhà. Chổi đót quê tôi mỗi mùa về được vào Nam ra Bắc cung cấp cho cả nước; có khi xuất khẩu sang tận Trung Quốc, Miến Điện… Nhìn những bông đót phơi trải hai bên đường từ trên cầu Quan Âm, Đường Cái Quẹo, Đại Quang, đến Ba Khe, Hà Dục…tôi lại nhớ về cái thời thơ ấu trên miền quê nghèo, kham khổ nhưng cũng đầy ắp những kỷ niệm êm đềm.

Quê tôi, một xứ sở trung du theo đúng nghĩa của nó. Làng mạc ven sông với những lũy tre dày bao bọc. Tiếp chân làng là đồng ruộng, biền bãi, rồi đến núi đồi. Núi đồi trập trùng, chỉ mọc toàn những cây thấp lè tè như: rang, mua, sim, lau lách, cỏ dại... nhưng nhiều nhất vẫn là những cây đót. Lũ trẻ chúng tôi thời ấy, có đứa nào lại không rành rỏi đến từng ngóc ngách của những ngọn đồi quê: Hóc Nhà Gà, Gò Mũi Mác, Hóc Tộc, Bằng Ông, Gò Ngang... nơi nào nhiều sim, nhiều đót.
Tuổi thơ chúng tôi đi qua những tháng ngày đầy gian khó nhưng cũng rất thơ mộng trên miền quê quanh năm mưa bùn, nắng bụi. Quê nghèo, cuộc sống con người kham khổ, chỉ biết làm ăn lam lũ. Cái thời bom đạn ấy, bọn trẻ chúng tôi vừa đi học, vừa phụ giúp cha mẹ lo chuyện đồng áng, áo cơm... một buổi đến trường, một buổi chăn trâu, cắt cỏ nên da dẻ đứa nào cũng đen sạm, mốc thếch, khét lẹt mùi sương nắng.
Hằng ngày, chẳng kể ngày nắng hay mưa; ngoài thời gian đến lớp, chúng tôi thường rủ nhau dong trâu, bò chăn thả trên những bãi cỏ xanh dọc triền đồi; thời tiết hanh khô thì phân công nhau, đứa lo chăn dắt, đứa cởi trần ngụp lặn dưới mấy đìa ao quanh Bàu Miếu bắt cua, cá, ốc bươu... rồi thì hun lửa đốt phân trâu bò khô; được con nào, nướng liền con đó. Cái hương vị cá đồng nướng phân bò khô ngày ấy cứ thơm lựng trong mỗi chúng tôi cho mãi đến tận bây giờ. Có lúc trời mưa lạnh, bọn trẻ chúng tôi thường tụm năm, tụm bảy dưới gốc cây gáo, đốt lửa hơ tay cho ấm, cái lạnh gió bấc mùa đông lất phất mưa phùn và những tiếng xít xoa của bạn bè vẫn se sắt mãi trong từng ngóc ngách ký ức cuộc đời tôi. Và một trong những kỷ niệm lẩn quẩn, quay quắt đến ngọt ngào nơi bến bờ tuổi thơ vẫn là những mùa đi bứt đót, vấn chổi.
Mùa bứt đót thường bắt đầu sau tết Nguyên Đán, khoảng mồng Năm, mồng Sáu tháng Giêng, và kéo dài đến hết tháng Hai, tháng Ba âm lịch, núi vẫn còn đót để bứt. Thời gian này, mùa vụ rảnh rỗi, dư âm ngày tết vẫn còn đâu đó quanh làng quanh xóm với những cuộc vui đón năm mới kéo dài. Sau tết, mọi người chuẩn bị cho những chuyến đi bứt đót của từng nhà như một lẽ đương nhiên, vì bứt đót về để làm chổi quanh năm không phải mua. Sống bằng nghề nông, với nếp kinh tế tự cung tự cấp thời ấy thì nhà nào chẳng vậy. Từ chiều hôm trước, ai cũng chuẩn bị cho mình cái dằng, cái rựa thật bén; rồi liên kết với nhau thành nhóm, hẹn giờ giấc hôm sau cùng lên núi đi bứt đót. Lũ trẻ nít chúng tôi cũng có nhóm bạn riêng. Để ngày mai đi núi, đêm ấy đố đứa nào ngủ được, cứ trằn trọc trông cho trời mau sáng.
Hôm sau,  mẹ tôi dậy thật sớm đâu lúc gà gáy đầu. Mẹ chuẩn bị cho hai cha con tôi chu đáo, mỗi người một gói cơm được bọc bằng lá chuối sứ và một ống tre đựng nước. Sau khi ăn sáng, cha tôi kiểm tra lại các vật dụng rựa, dằng…rồi cùng tôi đi ra đường công hương, con đường dẫn từ làng ra đường cái chính, ở đây đã có rất nhiều người trong xóm đứng đợi để cùng vào núi. Trời còn lờ mờ sương sớm, những bóng người thoăn thoắt bước đi. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng cười nói, chuyện trò râm ran xen lẫn tiếng chim hót, tiếng trâu bò ra đồng ồn ả cả một góc quê.
Người đi bứt đót “mở hàng” sáng hôm ấy của làng tôi, rồi những làng khác có đến cả trăm. Vào tới núi, người ta chia ra làm nhiều ngã khác nhau: Thanh niên trai tráng khỏe mạnh thì đi những ngách núi xa như Gò Ngang, Bằng Sim, Hóc Tộc, Hóc Lầy…; các cô, các chị phụ nữ thì bứt đót những nơi gần hơn như Gành Đá, Bằng Ông…; lũ trẻ chúng tôi loanh quanh Gò Hiu, Gò Mũi Mác. Đót là một loại cây rừng thân xốp như sậy, sặc; mọc từng bụi dày dọc các triền núi. Cây đót có lá to bằng bàn tay, dày và  sắc như dao. Khi bứt những bông đót, người ta phải mặc nhiều lớp quần áo bảo hộ, che chắn từ đầu đến chân; nếu không cẩn thận có thể bị những chiếc lá ấy cắt cứa thành thương tích nguy hiểm. Để bứt được nhiều đót, có người phải nằm đè lên bụi đót, túm từng lúm ngọn rồi dùng lưỡi dằng hoặc rựa để cắt. Cách làm này thu được nhiều bông đót nhưng cũng dễ bị lá đót cứa vào người. Cách thứ hai là cứ từ từ kéo từng ngọn đót xuống, một tay giữ bông đót, tay kia cầm chiếc lá trên cùng tước mạnh để lấy bông; tuy chậm nhưng chắc và an toàn hơn.
Trưa hôm ấy, khi đã lưng ôm đót bứt được, mọi người tập họp về một con suối có bóng cây mát rượi ven đồi. Ai cũng thấm mệt sau một buổi nắng nôi vật lộn với những bụi đót đầu mùa. Những gói cơm được mở ra thơm lựng, mọi người dùng rựa, dằng cắt thành từng lát như bánh tét. Cơm gói nấu gạo tám thơm ăn với muối mè ai đã ăn một lần thì nhớ đời. Ăn lát cơm gói, tu một hơi nước chè trong ống bươn, thưởng thức làn gió mát rượi từ cánh đồng ven núi thổi lên mà nghe trong lòng lâng lâng cái tình yêu quê kiểng; mọi mệt nhọc hầu như tan biến những đẩu đâu. Nghỉ ngơi một lúc, chúng tôi bắt đầu bó những bông đót thành lọn, trời nghiêng nắng chiều, từng đoàn người quày quảy trở về làng.
Đót đem về được trải phơi vài nắng trong vườn, trên các ngõ đường quê cho rụng hết những bụi bông để chỉ còn xương cành; sau đó bó thành từng bó cất trên gác dùng làm chổi quét nhà quanh năm. Quê tôi có tập quán làm chổi đót khác với những miền quê khác. Để làm một chiếc chổi, người ta tướt những nhành đót nhỏ bó thành mớ to bằng cổ chân; sau đó dùng sợi mây nước chắc, dẻo bện theo hình rẽ quạt trước khi tề cắt thật thẩm mỹ. Chổi đót khi quét nhà phải được cắm vào một chiếc cán dài khoảng một mét rưỡi bằng loại cây lụi đốn từ trên núi. Chổi đót quê tôi ngoài việc để quét nhà, đôi khi còn làm quà biếu họ hàng, bà con ở phố. Ai có về quê, khi ra lại phố thường thấy trong hành lý một vài cái chổi đót của làng xóm biếu tặng. Mẹ tôi ngày ấy rất giỏi bện chổi đót. Những khi túng thiếu, mẹ cũng thường bện vài chiếc chổi đem đi chợ bán rồi mua về con cá, con tôm để anh em chúng tôi có được bữa ăn ngon. Cũng có đôi khi đót quê tôi được các ghe buôn từ dưới xuôi lên thu mua chở về phía biển. Trên những chuyến ghe buôn, sản vật trên nguồn về xuôi không thể thiếu những chiếc chổi đót.
Vài chục năm trở lại đây, quê tôi vắng đi những buổi bứt đót, nó đã trở thành hoài niệm của bao người. Do nhu cầu cuộc sống, bao triền đồi quê tôi không còn cây đót nữa mà đã trở thành rẫy dứa, rừng cây, trang trại. Muốn có đót làm chổi quét nhà, người ta phải lấy từ những nơi xa xôi như Phước Sơn, Tây Giang…Những lần về thăm, bờ bãi nương đồi mỗi ngày một lạ lẫm. Cha từ lâu đã thành mây ngàn núi biếc, không còn đi bứt đót đồi quê.  Mẹ đã tuổi cao heo hút với thời gian không còn vấn chổi đem đi chợ bán đổi đồng tiền rau cá. Dù đã xa xăm, nhưng hình ảnh về bao mùa bứt đót, về những chiếc chổi mẹ bện cứ luôn hiển hiện; và làm sao tôi có thể quên vào buổi tối giao thừa mẹ dùng chiếc chổi quét đi những điều không may mắn để cầu mong một năm mới tốt lành, để rồi mãi cho đến bây giờ vẫn còn âm âm trong ký ức tôi, những mùa đót cũ!

                                                                      Quê nhà, tháng 5/2015






  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét