Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

KÝ ỨC MỘT THỜI




KÝ ỨC MỘT THỜI
Nguyễn Hải Triều

Lần nào về quê, dù bận bịu công việc đến bao nhiêu cũng phải tranh thủ ghé về nhà thằng em rễ một chút. Gấp gáp thì uống ly trà, vài ba câu hỏi thăm; còn thư thả thời gian thì anh em chén thù chén tạc, kể lể chuyện trên trời dưới biển, chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện kỷ niệm chiến trường của những tháng ngày máu lửa trận mạc…
Hắn là thằng em hàng xóm của tôi những ngày thơ ấu nơi làng quê nắng bụi mưa bùn. Vườn nhà tôi và hắn cách nhau một hàng rào bằng cây duối. Hàng duối ấy chắc được ông nội tôi và ông nội hắn trồng có lẽ từ thời còn trai trẻ kia.
Nhà tôi và hắn đều có hoàn cảnh giống nhau. Hai người mẹ đều trở thành góa phụ ngày quê tôi giải phóng năm 1974. Hai người đàn ông trụ cột của gia đình ra đi, hai người đàn bà gánh trên vai nợ áo cơm như con cò lặn lội bờ sông nuôi bầy con nheo nhóc vượt qua những tháng ngày đói khát gian nan tưởng chừng không thể vượt qua để cho chúng tôi khôn lớn.

Năm tôi hai mươi tuổi, hắn mười tám. Chiến tranh biên giới Tây Nam khốc liệt. Làng tôi ngày ấy, tất cả trai tráng đến tuổi đều ra trận theo tiếng gọi của non sông.  Năm 1980, Hảnh (tên của hắn) lên đường nhập ngũ. Một năm sau, tôi cũng khoát áo lính đồng ca khúc quân hành trận mạc.
Lần đầu tiên tôi gặp lại hắn ở chiến trường là vào mùa khô năm 1983, khi đơn vị tôi tham gia chiến dịch tấn công vào cứ điểm 547. Ngày ấy, giữa rừng cây bạt ngàn sát nách cứ điểm quân thù, sau nhiều ngày hành quân ròng rã từ hậu cứ; đoàn xe vừa dừng lại trước khi qua ngầm “Xa Em” thì tôi nhìn thấy hắn trong đám chiến sĩ của một đơn vị công binh đang chốt đường. Gặp hắn sau nhiều năm, da xanh xao màu sốt rét rừng, dáng dấp gầy đi nhiều bởi cái thiếu thốn, gian khó của đời lính, khẩu súng AK choàng ngang ngực.  Hai anh em ôm nhau, mừng mừng tủi tủi. Hắn không ngờ tôi là giáo viên mà cũng phải đi bộ đội (vì thời ấy ngành giáo dục được hoản nghĩa vụ quân sự). Tôi kể hắn nghe rằng, tôi đã chuyển qua ngành Văn hóa rồi nên mới trở thành bộ đội đây. Trước hôm đi có về quê gặp mẹ và xóm giềng, có gặp bác Ba (mẹ hắn) và mấy đứa em, mọi người vẫn khỏe. Hắn nói với tôi: “Khốc liệt lắm anh Hai ơi! Qua ngầm là không về được anh à! Anh phải hết sức cẩn thận, mìn ở đây như nấm!”. Rồi tôi lên xe theo đơn vị đi về phía tiếng súng nổ. Sau sáu tháng ròng rã mùa chiến dịch, giải phóng cứ điểm 547, đơn vị chúng tôi được lệnh rút về phía sau bổ sung quân. Tôi đi ngang qua nơi đơn vị thằng em hàng xóm đóng quân nhưng không gặp hắn.
Nửa năm sau, trên đường hành quân vào chiến dịch Ngã Ba Biên mùa khô năm 1984, khi tôi vừa đến Stung - treng thì gặp một chiếc xe Jin 130 đưa thương binh xuống. Trên chiếc võng cột chéo vào thùng xe phía sau là một thương binh bị nát cả hai chân do vướng mìn, máu nhuộm đỏ ướt cả chiếc võng. Đường ổ gà xốc xoáy, rung lắc. Ai nhìn cũng xót xa và nghĩ người thương binh ấy chắc sẽ không qua khỏi. Khi tới bờ bên này sông Mê – kông, chuẩn bị qua phà vào đất địch, tôi gặp thằng em ruột của mình cũng trên đường chiến dịch. Qua câu chuyện, em tôi mới kể người trên võng kia chính là Hảnh. Một trái mìn KP2 đã băm nát đôi chân hắn khi đi rà mìn cho đơn vị tôi hành quân. Thằng em tôi còn nói: “Chắc anh Hảnh chết thôi anh Hai à! Chịu đựng răng nổi với cặp chân đã dập nát, còn phải đi thật xa mới tới nơi cấp cứu”. Chiều hôm ấy, trong sắc màu bảng lảng hoàng hôn nơi “đất Tề” xa xôi, chúng tôi qua sông. Bến bờ hun hút gió sóng, bèo dạt. Một nơi bên này là bình yên, bên kia là súng nổ. Sóng Mê – kông cứ dập duyềnh, dập duyềnh như thân phận người. Thằng bạn tôi ném cây guitar về phía sóng cho nó trôi xuôi. Ra trận mà mang theo đờn địch chi cho nặng, trong khi cái bàn chải đánh răng cũng phải bẻ bớt cán cho gọn kia mà! “Ngày bạn tôi không về/ Sông Mê- kông lục bình tím ngắt/ Dập duềnh lối sóng đa đoan/ Em thì mờ tỏ cuối trời/ Mẹ lắt lay ngọn đèn/ Chuyến phà lấm lem/  Ném cây guitar heo hút phía sóng/ Mưa đêm…”.
Tám tháng của chiến dịch mùa khô năm ấy, Trung đoàn tôi xuyên rừng qua Lào lên Ngã Ba Biên, Cứ điểm 581,…những địa danh như Chăm – pa – xắc, Pắc – xế, Bản Khẻm, Bản Beo, Mường Muôn, Mường Khỏong…, những trận đánh ngút ngàn mưa bom và khói đạn, những người lính như chúng tôi không có thời gian để nghĩ về mình, để nhớ về quê hương, về những kỷ niệm của cuộc đời, về thân phận, trong đó có bao người yêu thương từng gặp trên đường ra trận như Hảnh và thằng em ruột tôi.
Binh đoàn 52 rút quân về nước vào tháng 3 năm 1985, hai tháng sau tôi ra quân, về lại cơ quan cũ.  Ngày về lại quê nhà sau gần năm năm khoát áo lính, vui buồn lẫn lộn “Im tiếng súng anh lại về với mẹ/ Bước như say trên cánh đồng chiều/ màu áo bạc cánh rừng săng lẻ/ Khuôn mặt gầy đã sạm màu rêu./ Người lính ấy có một thời để nhớ!...”(Thơ Tô Hoàn).
Hôm tôi về, mái tranh nghèo mẹ tôi vẫn liêu xiêu như ngày tôi ra đi. Mẹ đứng bên thềm cửa. Các em tôi vây quanh anh Hai nghe kể chuyện chiến trường. Rồi tôi nhìn lên mấy vách phên, líp cửa,  thấy những khuôn giấy màu cắt hình hoa, chim bồ câu còn mới như nhà vừa có đám cưới. Tôi hỏi mẹ: “Nhà mình vừa có đám cưới? Ai vậy mẹ?”. “Con Lung với thằng Hảnh chớ ai con. Nếu con về sớm nửa tháng thì được dự rồi!”. Tôi ngạc nhiên, té ra là vậy. Mịt mùng nơi chiến trường có được chút tin tức nào đâu. Ở bên ấy, thư từ nhiều khi cả năm mới tới. Có đứa về với đất sáu bảy tháng rồi, thư nhà mới tới thì làm sao biết được tin tức ở quê? Tôi đang định hỏi mẹ chúng nó đâu rồi, thì Lung, con em tôi đẩy chiếc xe lăn cùng chồng nó vào nhà mừng tôi vừa về. Anh em chúng tôi ôm nhau. Em tôi khóc; Hảnh khóc; tôi cũng khóc, những giọt nước mắt của ngày sum họp sau nhiều năm cách xa trong lo âu, chờ đợi mỏi mòn; trong nỗi vui ngày gặp mặt khó tả bằng lời. Qua lời Hảnh kể lại, tôi mới biết. Lần đó, Tiểu đoàn công binh của hắn chốt chặn cho đơn vị tôi hành quân lên Ngã Ba Biên. Buổi sáng tôi qua đúng lúc hắn vấp phải mìn trước đó vài giờ. Điều kiện chiến trường lúc ấy không thể chuyển thương binh bằng máy bay nên Hảnh phải di chuyển bằng xe trên con đường hơn chín mươi cây số để đến Trạm phẩu tiền phương cấp cứu. Đến nơi thì hắn như đã chết rồi. Ai cũng khâm phục cái nghị lực, ý chí phi thường của hắn quá vĩ đại mới sống sót. Vết thương làm Hảnh phải bị cắt đôi chân đến gần khớp háng. Về nước dưỡng thương một thời gian Hảnh về quê. Tôi còn biết, tình cảm của hắn và em gái tôi có từ trước khi hắn đi bộ đội bằng lời thề non hẹn biển. Ngày về, em tôi vẫn quyết định lấy hắn. Xóm giềng có người nói ra nói vào vì sợ em tôi sau này sẽ khổ với người chồng tàn phế. Họ có hiểu chiến tranh, sự hy sinh, mất mát của người lính như chúng tôi lớn lao biết chừng nào. Tôi thương em gái mình và đồng cảm với nó. Mẹ tôi cũng đồng ý với quyết định của con gái để chúng nó cưới nhau. Những năm tháng ấy quê tôi còn gian khó lắm, nhưng vợ chồng anh thương binh Hảnh vẫn sống vui vẻ hạnh phúc. Vợ làm nông, chạy chợ; chồng tật nguyền nhưng vẫn ngồi góc chợ mỗi sáng sửa khóa, bơm ga thêm vào đồng lương phụ cấp để nuôi con cái ăn học, nên người…cho đến bây chừ con cháu đề huề, đã trở thành ông bà nội, ngoại.
Hơn ba mươi năm rồi, bây giờ ai có về Đại Lãnh, Đại Lộc quê tôi, họ đều nghe đến tên anh thương binh Trà Quang Hảnh và gia đình. Một gia đình hạnh phúc. Con cái trưởng thành nên người, trên dưới hòa thuận, ấm êm. Riêng tôi, những lần về quê thăm mẹ, thăm em. Nơi góc vườn nho nhỏ của căn nhà tình nghĩa thằng em rể. Chúng tôi thường ngồi với nhau bằng tình cảm của những người đồng đội cũ. Những câu chuyện chiến trường tươi rói như mới hôm qua, để ôn lại ký ức một thời, một thời trận mạc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét