Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

TẾT GIỮA MÙA CHIẾN DỊCH


bd1.jpg
Bút ký:
TẾT GIỮA MÙA CHIẾN DỊCH
Nguyễn Hải Triều

Tết. Thường thì người ta hay thực hiện câu cửa miệng "ôn cố tri tân", hay nhớ về chuyện cũ, chuyện đã qua trong cuộc đời để chiêm nghiệm, rồi nghĩ đến những điều cần làm của năm mới, cho tương lai, cho với những ước vọng tốt đẹp. Tôi cũng có thói quen ấy, nhưng mỗi khi tết về, những hồi ức cũ của một thời quá vảng cứ choáng ngợp trong ký ức tôi giữa không gian minh mông giao thời. Những kỷ niệm khắc khảm trong đoạn đời của năm tháng thanh xuân một thời trận mạc: những cái tết xa nhà, xa quê nơi đất khách quê người, trong đó nhớ nhất, một cái tết giữa mùa chiến dịch…
1. Đường hành quân vào trận…
Chúng tôi bắt đầu hành quân trên những chiếc xe Jin 130. Cả Trung đoàn rời đất mẹ để bắt đầu Chiến dịch mùa khô năm 1984 vào độ cuối tháng Mười Một. Tiết trời se lạnh, làn gió đông phập phù  thổi rát mặt những chiến binh trên đường ra trận. "…ra đi khắp nơi xa vời/ gió bốn phương kìa gió bốn phương ào ào cuốn lá rơi…" (Đoàn lữ nhạc-Đỗ Nhuận). Gần một tuần xuyên rừng trên những con đường không tên tuổi, cheo leo đèo dốc, ổ gà, mìn chông, bom pháo… đi qua những chuyến phà ngang sông bềnh bồng trên dòng Mê-kông, Sê-kông mênh mang bèo nước và sóng "…Chuyến phà chao nghiêng ghềnh thác/ Tống biệt hành thầm thì khúc ca!". Những địa danh: Stung-treng, Chép, Tha-la, Chom-kơ-san, Tà-ben…đội hình Trung đoàn dọc theo đường biên giới qua Lào: Mường Muông, Pắc-xế, Bản Khẻm, Bản Beo…vào chiến dịch giải phóng Ngã Ba Biên , một cứ điểm lớn của tàn quân Khơ-me đỏ. Đường ra trận giữa thời khắc cuối năm như chảy trong mỗi người lính trẻ chúng tôi những cảm xúc khó tả. Phía trước là con đường đầy chông gai, nguy hiểm đến sự sống còn của cuộc đời, sẽ là vô số trận chiến đấu khốc liệt một mất một còn. Nhìn những khuôn mặt trẻ măng tuổi đôi mươi "áo bạc giày thô", chiến y đỏ quạnh bụi đường bây giờ, tôi mường tượng ai trong số chúng tôi sẽ là người nằm lại, sẽ vĩnh viễn không về nơi đất mẹ thân yêu? Đồng đội tôi thì cứ vô tư cười, vô tư nghĩ ngợi…Còn sau lưng chúng tôi, quay quắt con đường cầu vồng phía biển ấy, trong góc khuất tâm hồn của từng người lính tình nguyện là hình bóng quê nhà. Nơi ấy có một miền đất thân yêu, cây đa, bến nước, dòng sông; có người mẹ quê đang khắc khoải trông chờ ngày đứa con trai trở lại. Mẹ tôi có lẽ đang đồng cạn đồng sâu cấy hái mùa màng; những đứa em còn nhỏ dại đang một buổi đi học, một buổi chăn bò cắt cỏ lấy công điểm Hợp tác xã; quê nghèo mái nhà liêu xiêu. Chợt nhớ vách phên ngày tôi đi chưa kịp nẹp lại trước những cơn gió mùa…nhưng dù sao, trời đất cũng sắp vào mùa tết, chắc sẽ âm ấm những niềm vui. Trên đường hành quân lần này, tôi gặp được thằng em ruột của mình ở Stung-treng, nó sắp ra trận như tôi. Tôi biết được ít thông tin về gia đình nên cũng yên tâm phần nào.
Chúng tôi bắt đầu chiến dịch, nổ súng tấn công vào cứ điểm quân địch vào ngày cuối của tháng Mười Một năm đó. Những trận đánh kéo dài, những đêm tiền nhập, xung phong ồn ả máu lửa và bom đạn. Những mật danh như Z1, 555, Ngã Ba Biên, nơi kẻ thù ra sức cố thủ, còn chúng tôi thì bằng mọi giá phải chiếm lĩnh. Ròng rã nhiều ngày chiến đấu, đường tiến quân dài theo các cứ điểm, bè bạn nhiều đứa đã nằm lại, cuối cùng, căn cứ của bọn tàn quân cũng bị những đợt tiến công của đơn vị chúng tôi mở toang, Ngã Ba Biên được quân tình nguyện Việt Nam làm chủ và giao cho bộ đội Quân giải phóng Nhân dân Kampuchia tiếp quản.
2. Tết giữa mùa chiến dịch…
Hai mươi tháng chạp âm lịch, chúng tôi được lệnh rút đội hình chiến đấu về Bản Beo, cách nơi xảy ra trận đánh 5 cây số để "đón tết quê nhà" trước khi tiếp tục nhiệm vụ còn lại của Chiến dịch.
Cả Trung đoàn lui về đóng quân trên một khoảnh rừng rộng, bằng phẳng nơi Ngã Ba Biên. Ở đây toàn những cây le và khộp già "…có khoảng trời rất xanh thuở ấy/ cánh võng nghiêng chiều rừng khộp rừng le/ thương tóc mẹ mưa ngàn muối bể/ để câu thơ chảy giữa bạn bè…". Khoảnh rừng mà cách đó mấy ngày còn tiếng súng nổ, còn mìn bãi pháo bầy. Gọi là đón tết nhưng giữa chiến trường, những người lính chúng tôi chẳng có gì ngoài súng đạn, lương khô, gạo sấy, thịt hộp…và bộ quần áo trận đã rách bươm nhiều tuần chưa được thay, "giày vét gót áo sờn vai …". Chúng tôi được Hậu cần Trung đoàn cấp xuống Đại đội mỗi người 2 lạng thịt heo, 4 cây kẹo Nuga, 5 điếu thuốc Apsara để đón giao thừa (kẹo và thuốc lá là quà quê hương của Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng gởi tặng). Tết lính nơi chiến trường là thế.
Đội hình Đại đội tôi nằm gần một hố nước to bên con suối. Hôm hai chín tết, thấy có nhiếu cá, đại đội trưởng Hùng huy động cả đại đội tập trung tát hố nước lấy cá cải thiện. Anh em hồ hỡi làm ngay. Tôi nhớ hôm ấy, sau khi tát hố nước sắp cạn, chúng tôi bắt được rất nhiều cá, đầy cả mấy thùng đạn, nào cá tràu, cá trằn, cá xanh…có con to bằng cả bắp tay. Đang đứng trên một "tảng đá" bên mép hố chỉ huy anh em bắt cá, bỗng nhiên anh Hùng ngã nhào rồi la to lên: "Hòn đá hắn cựa quậy làm tớ ngã các cậu ơi!". Anh em chạy lại vừa đỡ đại đội trưởng dậy, cả người anh bê bết bùn từ đầu đến chân, chỉ còn hàm răng là chớp chớp nụ cười. Vừa lật hòn đá lên, đồng đội tôi đều té ngữa. Té ra không phải hòn đá mà là một con ba ba khổng lồ có đường kính dài hơn nửa mét. Trời đất! Anh em tôi chưa từng thấy con ba ba nào to đến vậy!
Đón Giao thừa, ngoài khẩu phần ăn, chúng tôi còn có cá suối, thịt ba ba, một ít rượu thốt nốt Đại đội trưởng mang từ Hậu cần Trung đoàn về. Dưới táng cây rừng, dưới những tấm tăng dã chiến; trên những chiếc võng, quây quần bên nhau, râm ran chuyện trời chuyện đất, chuyện đánh nhau; chúng tôi kể về kỷ niệm quê nhà, đọc những lá thư của các em học sinh từ Việt Nam gởi qua nhân "mùa xuân chiến sĩ", cả những lá thư của gia đình đã cũ ra cũ rich hằng năm trời đã nát nhàu chữ, giấy…đến thâu đêm suốt sáng mới lăn ra ngủ lấy sức cho những ngày gian nan sắp tới.
3. Hành quân giữa mùa xuân…
Tối mùng ba tết, chúng tôi được lệnh hành quân. Lần này là Cứ điểm 581, nằm sâu trong đất địch hàng mấy chục cây số đường chim bay. Mùng ba, mùng bốn, mùng năm…ban ngày dừng quân trú ẩn dưới những táng lá rừng, ban đêm mài gót, mò mẫm trên những con đường mòn không dấu, "…cái thời sương gió xa xăm/ dấu chân là sóng lặng câm con đường…". Trời tối như mực, chúng tôi người phía sau gắn những nắm mùn có lân tinh bắt sáng vào lưng người trước mặt mới thấy dấu mà đi. Nhìn đoàn quân chập chờn trong sương khuya lạnh rừng biên mà thấy thương đồng đội. Những mật khẩu truyền lại: "Bí mật, cảnh giác hai bên!", "vị trí nơi suối lấy nước đã khô, tiết kiệm nước uống!", "dừng lại, nghỉ tại chỗ!"… Chúng tôi phải băng qua những vách núi dựng đứng của dãy Đăng-rếch (tiếng Kh'me gọi là "Đòn gánh"). Vách núi cao vòi vọi, lính công binh phải dựng hai chiếc thang bằng cây gác từ đất lên đỉnh những hòn đá lớn để chúng tôi qua. Mùng Tám tháng Giêng…thằng bạn thầm thì vào tai tôi: "Hồi chưa đi lính, ngày này mình con đi thăm tết đây! Bây giờ ở quê nhà, con bồ mình chắc cặp thằng khác rồi!".
Tám ngày hành quân, cuối cùng đơn vị cũng đến vị trí tập kết rồi  triển khai đội hình chiến đấu. Trận phục kích kéo dài năm ngày, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và được lệnh rút quân. Năm ngày nhưng có biết bao là chuyện: Tôi đưa thương binh về sau lọt vào giữa bãi mìn. Khi thoát ra được, trái mìn KP2 được đồng đội gỡ đi chỉ còn cách chân tôi nửa mét, hú hồn! Suốt mùa chiến dịch lần này, tôi mất Thuận và Đài, hai thằng bạn cùng quê. Tôi nhớ, đêm thứ nhất của trận đánh, Thuận bò lại cạnh tôi và nói: "Anh còn gạo sấy đưa em vài gói, em hết rồi!". Tôi đưa hắn 2 gói gạo rồi hắn chạy theo tiểu đội. Khoảng mười phút sau, anh em đưa hắn trở xuống trên chiếc võng đầm đìa máu. Thuận hy sinh. Hai gói gạo sấy nằm chỏng chơ vô cảm trong chiếc sọt đạn của Thuận. Địch vây tứ phía. Không có đường ra, phải đến hai ngày sau, đơn vị mới đưa được Thuận ra phía sau rồi chuyển về Nghĩa trang "Xa Em". " Ngày bạn tôi không về/ Trái mìn KP2 băm nát đôi chân/ Máu cầu vồng đỉnh chốt/ Cỏ rừng biên lá úa quàng thân/ Bè bạn nương đêm vượt vòng vây/ Vượt cơn khát cháy khô về lại cứ Trung đoàn…/ Đâu đó cách xa hơn ngàn cây số/ Phố xa thênh thang biển cả sóng vui/Có một nơi bình yên chim hót/ Em chẳng biết cứ mải mê ca hát/ Sân vườn nhà ai/ Vô tư tiếng guitar bập bùng…".
Chúng tôi rút quân về hậu cứ vào những ngày cuối tháng Giêng. Nắng đã ấm lên nhiều. Cũng phải xuống bằng những chiếc thang chông chênh, cũng phải đi qua những con đường không dấu. Không ai trong chúng tôi kịp nghĩ về tết suốt cả mùa chiến dịch. Đường hành quân đi ngang qua những cánh rừng biên cương có nhiều ngọn đồi hàng trăm cây mai cổ thụ đang nở rộ hoa bay vàng rực, mới sực nhớ ra rằng trời đất vẫn còn nồng nàn hương xuân. Rồi chúng tôi về Stung-treng. Giữa tháng Ba năm ấy, những người lính tình nguyện trong đội hình Binh đoàn 52 rút quân về nước. Tôi nhớ khi ấy, tiết trời quê mẹ vẫn còn Xuân.

Quê nhà, tháng 11/2017






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét