Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

NHỮNG KÝ ỨC LẤP LÁNH


bodoi.jpg
Bút ký:
NHỮNG KÝ ỨC LẤP LÁNH…
Nguyễn Hải Triều

Một thời gian rất dài, những người lính tình nguyện Việt Nam từng bày biện cả tuổi thanh xuân, máu xương nơi nước bạn để giúp một dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng. Đồng đội chúng tôi, rất nhiều người nằm lại vĩnh viễn, người trở về với thương tích đầy mình; với những ký ức  lấp lánh một thời trận mạc. Và thời ấy cho mãi đến bây chừ, chúng tôi hay kể về chúng tôi trong những lẫn gặp nhau với biết bao nhiêu kỷ niệm còn tươi rói như mới hôm qua.
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12;  ngày Truyền thống Trung đoàn, hay kỷ niệm ngày nhập ngũ… là ở nhà một đồng đội nào đó, chúng tồi lại gặp nhau và  những câu chuyện vẫn mãi như một điệp khúc của bài ca bất tử cứ vang ngân giai điệu khúc quân hành trận mạc…

1. "Chuyến phà chao nghiêng ghềnh thác/ “Tống biệt hành” thầm thì khúc ca…"
Tôi vốn thích thơ Thâm Tâm, ông nổi tiếng với nhiều bài thơ hay trong chuyện tình "Hai sắc hoa ti gôn", nhiều bài thơ mang khí phách "bi tráng sa trường" như "Tống biệt hành" của ông. Ngày đi bộ đội, tôi ghi hai câu thơ của ông trên vách cơ quan trước khi ra trận : "…Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch/ ta hát hoài câu nhất khứ hề… ". Hơn bốn năm mặc áo lính với những lần ra đi và trở lại, "Cái ngày sương gió xa xăm/ dấu chân là sóng lặng câm con đường" ấy, những mùa chiến dịch lửa đạn ngút trời. Có biết bao nhiêu là kỷ niệm khó quên, nhưng lấp lánh trong ký ức đời lính chúng tôi luôn là những chuyến phà qua sông Mê – kông của bao mùa chiến dịch.
Tôi nhớ lần đơn vị tham gia chiến dịch mùa khô năm 1984, giải phóng Ngã Ba Biên (Lào-Kampuchia-Thái Lan), nơi có nhiều cứ điểm quân thù đang co cụm lại. Sau nhiều ngày hành quân, đoàn xe chúng tôi đã vượt qua hàng ngàn cây số vào đất bạn đến thị xã Stung – treng.
Buổi chiều, hoàng hôn sắp tắt phía núi xa vời. Cả đoàn quân dừng lại bên này sông chờ tối qua phà tiếp tục chặng đường còn lại để vào mùa chiến dịch lớn. Lúc tôi ngồi trên chiếc xe Jin 130 đang nhìn quanh mục kích cảnh lạ xứ người (bên này sông còn là hậu phương, qua bên kia mới là chiến trường), thì bỗng nghe có tiếng gọi: "Anh Hai! Anh Hai!...". Quay nhìn về phía tiếng kêu, tôi nhận ra đứa em trai của mình: Thằng Rân, em ruột tôi. Sao nó lại ở đây, giữa nơi chiến địa máu lửa này? Tôi nhảy từ trên xe xuống ôm chầm lấy nó trước bao nhiêu đôi mắt ngạc nhiên của đồng đội quanh mình. "Rân ơi! Răng em cũng …?". "Em vừa qua đây được ba tháng anh Hai à! Em ở Tiểu đoàn thông tin của Quân khu! Em nghe tin Trung đoàn Ba Gia sắp qua, đoán có anh Hai nên đợi từ sáng đến chừ, mong được gặp anh, rồi còn về đi mua thuốc rê để đi chiến dịch". Đã hơn hai năm, tôi bặt tin gia đình. Đâu nghĩ thằng em tôi cũng đi bộ đội. Nó ôm tôi. Bàn tay gầy guộc của nó sờ lên mặt, lên tóc tôi; sờ lên bộ quần áo trận suốt mấy ngày bết bám bụi đường đỏ quạnh, súng đạn quanh người. Nó sụt sùi hỏi tôi câu đầu vấp câu cuối: "Anh Hai có sốt rét không mà ốm dữ rứa?". Rồi nó khóc rưng rức. Thương đứa em, tôi cố nén cảm xúc để nó khỏi buồn nhưng nước mắt cứ trào ra không kìm lại được! Hai anh em tôi khóc. Đồng đội ngỡ ngàng…Đại đội trưởng của tôi trải tấm ni lông ra lòng đường, mở mấy phong lương khô, chúng tôi ngồi lại bên nhau. Thằng Rân kể chuyện quê nhà trước khi nó đi. Tôi được biết nơi quê xa vẫn vậy. Mẹ và mấy đứa em bình yên là tôi mừng rồi. Nó nói mẹ nhớ anh nên già đi nhiều lắm. Nỗi nhớ quê lại quay quắt trong tôi…Rồi nó đi về lại đơn vị trước khi những chuyến phà đưa chúng tôi qua sông. Nhìn cái bóng liêu xiêu của thằng em trai thoắt đi thoắt ngoảnh lại nhìn mình. Tôi thương nó quá! Chẳng biết ngày mai giữa chiến trường mờ mịt khói đạn này, em tôi, đồng đội tôi ai biết sẽ ra sao?... Đêm ấy, những chuyến phà đưa chúng tôi vượt sông qua Chép, Tha La…xuyên Lào, Mường Muông, Mường Khoỏng băng về nơi lửa đạn ngút trời.
Suốt mùa chiến dịch với hàng chục trận đánh, chúng tôi rút quân về hậu cứ bên bờ Mê - kông chờ ngày về nước. Thằng em tôi ngày nào cũng đi dọc bờ sông tìm tôi suốt mười ngày trời. Anh em gặp lại mới nghe nó kể rằng đơn vị nó xong chiến dịch về trước thì ngày nào nó cũng đến Trạm phẩu tiền phương ở Stung treng, gặp ai cũng cứ hỏi một câu: " Đồng hương ơi! Có ai là Nguyễn Hải Triều, lính Trung đoàn Ba Gia đưa về đây không? Anh ấy là anh trai tôi đó!". Nhờ trời, tôi vẫn về gặp nó trong sự bình yên…Sau đó, khi Binh đoàn 52 rút quân, tôi về nước. Ba năm sau, nó xong nhiệm vụ ở đất bạn trở về, để gia đình tôi đoàn tụ trong niềm vui của mẹ già, quê xứ.
2. Núi
Đêm tấn công vào Cứ điểm X1, bọn tàn quân Pôn-pôt cùng đường chống trả quyết liệt. Bọn chúng cho xe quân sự gắn súng ĐKZ và 12 ly 7 chạy dọc chiến tuyến điên cuồng bắn vào đội hình quân ta. Thương vong nhiều nhưng với quyết tâm tiêu diệt kẻ thù, Trung đoàn đưa quân chi viện và dội lửa vào cứ điểm để tiêu diệt chúng. Sáng hôm sau, trong cảnh hoang tàn của trận địa sau trận đánh kinh hoàng. Đội hình Đại đội chúng tôi xông lên chiếm lĩnh trận địa. Trong ánh sáng lờ mờ buối sáng giữa rừng, trong ánh lửa lập lòa của những căn nhà, công sự đang cháy, chúng tôi nghe có tiếng trẻ con khóc thét. Tạo, chiến sĩ trinh sát đi trong đội hình đại đội phát hiện một đứa bé trai khoảng chín, mười tuổi đang ngồi co rúm bên ngôi nhà sàn đang cháy. Anh xông lại bồng đứa bé ra ngoài và báo cáo lên chỉ huy đại đội, lên Ban chỉ huy Trung đoàn.  Lệnh từ Trung đoàn xuống, bằng mọi giá phải bảo vệ đứa bé dù bất cứ hoàn cảnh nào không được để nó thương vong. Thế là bắt đầu từ hôm đó, suốt cả mùa chiến dịch, trên đường hành quân, trong đội hình tác chiến của đại đội lại có thêm một chú bé con mà trách nhiệm chúng tôi phải chăm sóc, bảo vệ. Những ngày đầu, thắng bé rất sợ mấy chú bộ đội nên rất khó gần. Chúng tôi tìm cách gây tình cảm. Tạo là người chịu khó nhất, anh lùng sục vào những căn nhà cháy của dân tìm quần áo cho nó mặc. Ngôn ngữ bất đồng, nói với nhau điều gì phải ra hiệu bằng điệu bộ. Gặp địch đánh nhau, chúng tôi bố trí người đưa nó đến vị trí an toàn nhất để bảo vệ, Đêm ngủ, móc võng, Tạo là người ôm nó vào lòng nằm chung một võng. Lâu dần, tình cảm của những người lính Việt Nam cũng cảm hóa được nó. Anh em chúng tôi bày nó những từ ngữ thông dụng để giao tiếp. Đặt tên cho nó là thằng Núi. Bày cho nó hát bài "như có Bác Hồ…", nó hát lớ lớ nghe rất vui tai. Suốt chặng đường hành quân nhiều ngày dù mang vác nặng, đường dốc gập ghềnh, chúng tôi thay phiên nhau cõng Núi trên lưng suốt mùa chiến dịch. Núi tuy nhỏ nhưng có tài bắt cá suối đến lạ kỳ. Dừng quân nơi đâu có suối nước, loáng một cái nó biến đi, một lúc đem về cả mấy xâu dọc nào cá trằn, cá tràu chó, cá xanh… cả đại đội ăn không hết. Thế rồi cũng đến ngày giao nó lại cho đơn vị bạn khi chúng tôi kết thúc mùa chiến dịch. Hôm giao nó cho một đơn vị  Quân giải phóng nhân dân Kampuchia, nó không chịu rời đi mà cứ ôm chầm lấy Tạo và Hoàng. Nó khóc thật to, ánh mắt như cầu cứu chúng tôi. Cái ánh mắt ấy nhiều chục năm sau vẫn cứ đau đáu, xoay xoáy trong từng giấc ngủ của tôi và đồng đội mỗi khi nhớ về thời máu lửa ấy. Còn riêng với Núi, thằng bé Kampuchia năm nào, nếu còn sống, chắc em cũng đã vào tuổi gần bốn mươi. Chúng tôi luôn mong trên đất nước Kampuchia tự do bây giờ, em đang đường hoàng sống bình yên, hạnh phúc.
3. Những ký ức lấp lánh:
Bạn tôi là Trà Văn Châu, chiến sĩ thông tin tiểu đoàn 1, cựu chiến binh Trung đoàn Ba Gia. Ngày nhập ngũ, Châu vừa tròn mười tám tuổi. Cái tuổi ăn tuổi lớn. Đi chiến dịch, bọn hắn như những búp măng tơ, vô tư nói cười, vô tư trận mạc. Hắn đi lính sau tôi hai năm nên mãi đến năm tám bảy, tám tám mới ra quân. Mấy chục năm về lại đời thường, nợ áo cơm oằn vai, bon chen với cuộc đời. Cái thuở "Mịt mờ khoảng trời viễn xứ/ Rừng xưa đồng đội đâu rồi/ Nhớ mảnh vá trên vai áo lính/ Chiều biên cương khuất lẫn sương trôi…" dần dà đi vào dĩ vảng. Ấy vậy mà với Châu lại khác. Gần hai mươi năm trở lại đây, ngoài những cuộc hội ngộ đồng hương, đồng đội, Hắn là người tỉ mẫn tìm kiếm những kỷ vật chiến trường làm thành bộ sưu tập vô giá, lưu giữ bày biện trong một góc phòng để cho bạn bè, đồng đội đến chiêm nghiệm mà nhớ, mà hoài niệm về ký ức một thời thanh xuân máu lửa. Phòng trưng bày của Châu chúng tôi thường gọi là nơi có "những ký ức lấp lánh". Từ chiếc ruột tượng đựng gạo của một người đồng đội đem về ngày ra quân làm kỷ vật chiến trường, đến cái áo trấn thủ của  thằng bạn hy sinh trong trận Ngã Ba Biên; chiếc bi đông đựng nước, mũ tai bèo, đôi dép cao su, cuốn sổ nhật ký của bạn bè; những lá thư nát nhàu vết thời gian, những chiếc nịt đạn quân trang, dao lê, tăng, võng… có đến hàng trăm kỷ vật như thế, vô giá biết chừng nào! Tôi đặt cho hắn cái biệt danh là "người đi ăn mày ký ức".
Lại sắp đến ngày 22/12, năm này chúng tôi dự định sẽ họp mặt tại nhà Trà Văn Châu (số 148, đường Tô Hiệu, thành phố Đà Nẵng), những "ký ức lấp lánh" sẽ lại hiển hiện trong mỗi chúng tôi để nhớ về một thời "Tuổi hai mươi nơi biên thùy dậy đất/ Bè bạn bây giờ quay quắt một thời trai…".

                                                                     Tháng 11/2017







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét