Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

ĐI DỌC TRIỀN SÔNG

               gs.jpg
ĐI DỌC TRIỀN SÔNG …
                           “Đi dọc triền sông
                             Nghe mênh mang bềnh bồng câu hát
                            Lời mẹ ngày xưa dịu ngọt
                            Ngó lên Hòn Kẻm đá dừng…"                                                      
                                                                Nguyễn Hải Triều

Đi trên những chiếc xe máy bon bon theo đường cái lớn, đưa chúng tôi một mạch qua cầu Giao Thủy, cây cầu nối đôi bờ Duy Xuyên – Đại Lộc; nối ước mơ, hiện thực của bao thế hệ người dân nơi đây. Trong tôi chợt mênh mang giai điệu của một bài hát cũ thời đi bộ đội: "Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta/ đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo/ đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo/ nhịp cầu nối những bờ vui…/ Anh vào bộ đội làm cầu treo qua suối/ anh bắc cầu phao qua khúc sông sâu/ anh nối nhớ thương bằng những nhịp cầu…". Chiếc cầu trong bài hát cũ, ngày xưa đã khắc khảm trong tôi và những người lính tình nguyện nơi chiến trường xa xứ nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ, nhớ em…và bao kỷ niệm ngọt ngào. Còn đi trên cây cầu hiện đại hôm nay, trong mỗi chúng tôi lại tràn lan một niềm cảm xúc khác. Cầu đã nối, chắp cánh cho quê xứ vươn tới những tầm cao no ấm đẹp giàu; nối những bãi bờ cách ngăn nhiều chục năm của một tình yêu mà cội nguồn là những câu hát ru xưa thấm đẫm tiếng lòng: “Ai về nhắn với bạn nguồn/ mít non em gởi xuống cá chuồn anh gởi lên…”.

Còn nhớ lần cuối tôi đi qua chuyến đò này trước khi cây cầu được thông xe cách đây cũng đã lâu. Hôm ấy, một ngày cuối mùa, con gió làm dập duyềnh ngọn sóng sông quê. Mây trắng bàng bạc cuối trời. Đò đi qua chớn nước rẻ đôi hai bờ trong đục. Những câu thơ lẩn khuất trong tôi: “…Từ phía nguồn mít non về xuôi/ Bên nớ Vân Ly mây chia Giao Thủy/ Gõ ván thuyền ca bài nhân ngãi/ Chín mùa tằm chín mùa nhớ nhau…” . Tôi thương sông phía bờ Vu Gia luôn đục ngầu màu đất, cứ chảy xuôi. Người ta nói nơi thượng nguồn bị ngăn nhiều tầng nhiều lớp để làm thủy điện; rồi tình trạng khai thác vàng trái phép, đào bới loang lỗ các ngách sông thì làm sao còn giữ được dòng trong? Phía Thu Bồn khác với Vu Gia còn giữ được dòng xanh mát rượi. Nhìn ngược lên những bến bờ xa tít tắp phía tây, nơi Duy Hòa, Duy Thu, Phú Đa bờ nam; Phú Thuận, Bến Dầu bờ bắc; chẳng biết con bến nào ngày xưa những chiếc ghe bầu ngược xuôi biển -  nguồn thường ghé lại, nhận ân tình của đất, của sông rồi ra đi mang theo câu hát kể chuyện biển nhớ nguồn: "anh về ba bữa anh lên/ em đừng úp mặt vô phên khóc thầm…", "anh về dưới nớ về luôn/ để khăn chéo lại lụy tuôn ta chùi…";  và con bến nào những năm kháng chiến máu lửa, có bà mẹ Đại Thắng, Duy Thu chèo thuyền đưa bộ đội sang sông giữa đêm mưa gió chập chùng, trong tiếng đạn pháo gầm rú trên đồn thù An Hòa, Đức Dục "Bến sông nào đêm ấy anh sang/ con thuyền nhỏ mẹ chèo trên sóng nước/ manh áo rách mẹ vá niềm mơ ước/ pha sương đêm tóc mẹ bạc thêm nhiều…".; và câu chuyện ấy được kể lại như huyền tích của thi ca.
Con đường thênh thang qua cầu Giao Thủy về phía Nam. Nơi đầu cầu Kiểm Lâm là những lối rẽ đi về nhiều hướng. Một lối lên thánh địa Mỹ Sơn, khu di tích với những cổ tháp ngàn năm, ẩn chứa biết bao câu chuyện sử thi, truyền thuyết; giai thoại về một vùng đất, con người nơi đây. Cầu bắc qua, ngoài việc giao thông đường bộ hai bờ sông Thu được thông suốt; người dân qua lại trao đổi hàng hóa; giao lưu văn hóa, thăm hỏi nhau dễ dàng, không còn trắc trở bởi những chuyến đò ngang, thì tuyến đường du lịch Đà Nẵng – Mỹ Sơn gần lại, thu hút một lượng khách đáng kể hằng năm đến với một địa chỉ văn hóa xứng tầm Di sản văn hóa thế giới trên đất Duy Xuyên.
Giao Thủy – Kiểm Lâm, qua Duy Hòa, quê hương của thi sĩ Bùi Giáng: “Hỏi quê rằng biển xanh dâu/ hỏi tên rằng mộng ban đầu đã xa/ Em về khoác áo mù sa/ xếp quần hương nhụy giữa tà huy bay…”. Qua La Tháp, Chiêm Sơn…mỗi tên núi tên làng như nhắc ta nhớ về những ngày xa xưa nhiều trăm năm trước, đâu dấu chân cha ông từng nếm mật nằm gai thời “mang gươm mở cõi”? Đâu tiếng vó ngựa, gươm khua của tháng năm đất, người là phên giậu biên thùy?
Chúng tôi men theo dọc triền sông ngược về phía thượng nguồn. Thu Bồn còn là dòng sông bây chừ có đôi bờ xôn xao lễ hội hằng năm khi mùa xuân về ngan ngát hương hoa: “Trăng rót đầy ghe lời sông triền miên/ Điệu hò chèo thuyền trôi về Cửa Đại/ Chờ lễ hội Bà người khoe áo mới/ Thu Bồn mênh mang không lời ...”. Lễ hội Bà Thu Bồn (còn gọi Bà Bô Bô), một nữ thần người Chăm được Việt hóa. Vùng đất từ xa xưa đã có sự giao thoa văn hóa Chăm Việt làm nên bản sắc riêng của đất và người đôi bờ sông Thu. Một bên Thu Bồn có lễ hội Bà Thu Bồn thì bên phía Vu Gia có lễ hội Bà Phường Chào. Hai lễ hội cách nhau chỉ mấy ngày và hình thức cúng tế  và phần hội gần giống nhau. Người ta còn truyền miệng rằng bà Thu Bồn (Bô Bô) và bà Phường Chào là hai chị em và sinh thời đều diệt ác cứu người, bốc thuốc chữa bệnh cho dân lành. Có câu ca trong dân gian: “Bô Bô nói với Phường Chào/ Xem tôi với chị bên nào hiền hơn”.
Dọc triền sông, con đường cái lớn thênh thang hướng về Trung Phước. Chúng tôi đi ngang qua Khu kỹ nghệ An Hòa. An Hòa trong chiến tranh thuộc quận Đức Dục của chính quyền cũ. Một thời bom pháo dậy trời. Nhiều chục năm nay đã đổi thay thành Khu kinh tế lớn với nhiều nhà máy hiện đại, nhiều khu sản xuất quy mô hàng hóa công nghiệp, gạch ngói. Lê Trâm, một thành viên trong nhóm ngoặc vô An Hòa lấy tư liệu về viết ký. Ba người còn lại từ từ chạy lên đèo Phường Rạnh.
Khoảng sáu tháng trước, nếu ai lên đây con đường này còn cam khó lắm. Đèo dốc hiểm trở, đá sỏi lăn lóc, xe cộ đi lại khó khăn. Thế mà bây chừ đường lớn đổ bê tông lên đồi xuống núi thênh thang trông sướng mắt. Khi anh em chúng tôi lên đèo Phường Rạnh, các anh công nhân điện còn đang bận rộn thi công đường dây cao thế mới dọc tuyến lộ lên đèo. Đường sá mới, rẫy nương chập chùng xanh tít tắp. Xa xa dòng sông Thu man mác, lờ mờ những mảng mây trắng cuối trời tây hun hút gió đại ngàn. Trước mắt chúng tôi là làng Phường Rạnh. "Bóng sông chùng chình bóng mây/ Một bữa đường xa ngày tôi Phường Rạnh/ Hun hút bụi bặm non ngàn/ Hun hút miền cổ tích/ Gió rát mặt phù du đợi chông chênh bờ sóng/ Làng bên kia sông mờ sương/ Làng bên này sông níu dựng vách phiêu bồng…".
Phường Rạnh - đây là tên một làng cũ, ngày nay là thôn Trung An của xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Không giống với bất cứ làng nào của tỉnh Quảng Nam, làng Phường Rạnh gồm cả hai bên sông, phía hữu ngạn là Phường Rạnh trên và bên kia là Phường Rạnh dưới. Gọi là trên với dưới nhưng hình thế đất đai, cư dân dàn ngang nhau dọc hai bên sông.
Người ta kể rằng: Khoảng cuối thế kỷ XVIII, một số nghệ nhân nghề làm đá ở miền xuôi thấy núi vùng này có loại đá thích hợp với nghề của họ bèn lên đây khai thác. Họ làm đá xây nhà, lát đường, ngõ và những vật dụng sinh hoạt như cối giã gạo, cối xay bột, cối đâm tiêu v.v. Ban đầu họ chỉ dựng lán trại sát sông Thu Bồn để ở làm việc. Có được sản phẩm, họ xuôi ghe về miền biển tiêu thụ. Dần dần, họ nhận thấy đất đai tốt tươi bèn khai khẩn thành ruộng cấy lúa; thành đất màu trồng đậu, khoai, sắn; thành nà ven sông trồng dâu, bắp.
Khi cuộc sống khá lên và ổn định, những lưu dân này lập thành làng tại quê hương mới. Làng được đặt tên "Phường Thạnh", có nghĩa là "Phường" của nghề thợ đá đã được "Thạnh vượng". Từ đó, người trong làng chỉ còn làm ruộng, trồng dâu, bắp, nuôi tằm..., bỏ hẳn nghề làm đá. Do tiếng lành đồn xa, người dân các nơi dần dần quy tụ về đây sinh cơ lập nghiệp. Rồi chẳng biết từ bao giờ, tên làng bị gọi trại đi chữ sau, Phường Thạnh thành Phường Rạnh. Lại cũng có câu chuyện kể rằng do ngày xưa có nhiều con trạnh (giống như rùa, ba ba) sinh sống nhiều nơi khúc sông này nên người ta đặt tên làng là Phường Trạnh rồi chuyển thành Phường Rạnh từ khi nào chẳng hay."…Em gói nụ cười vào mảnh hồn quê/ Giấc mơ bầy Trạnh khát trăng đêm hoang cổ tích/ Bóng con đò qua sông chao nghiêng/ Ai nhớ tiếng dầm khua quẫy nước/ Màu thời gian tô son lên môi/ Cho mùa trăng mùa em xa lắc dệt nên Phường…"
Chúng tôi qua chợ Trung Phước lên Đại Bường thì trời đã đứng bóng. Trung Phước, quê hương của nhà thơ Tường Linh: "…Ngoài ấy giờ đây mùa gió mùa/  Xiêu xiêu quán nhỏ bên đường trưa/  Vườn cau của mẹ hoa cau rụng/  Giọt sáng rơi dường giọt nước mưa…/  Nhà ta dựng lại trên nền cũ/  Một bức tường rêu kỷ niệm mờ/ Tường đứng mang linh hồn thuở trước/  Chở che hai mái lá bây giờ…/  Bóng mẹ vào ra lối ngõ quen/  Tóc sương dần xoá tóc màu đen/  Nhớ con xa nhẩm lời kinh nguyện/ Khuya nối nghìn khuya một ngọn đèn…" (Quê hương).
Qua cầu Cà Tang nhìn lên đỉnh núi sừng sững, cao ngất. Nhớ chuyện cách đây hơn mười năm, các em học trò qua sông trên chuyến đò định mệnh tang thương ấy mà nghe ray rứt lòng. Chừ có cầu cao vững chải, đường nối đôi bờ tràn ngập niềm vui đưa chúng tôi ngang qua mỏ than Nông Sơn ngoặc xuống Đại Bường (tôi vẫn thích gọi tên Đại Bường hơn Đại Bình, có cái chi đó quê kiểng, đậm đà cố xứ). Một làng quê đẹp như tranh vẽ. Những vườn cây san sát nối nhau sum suê xanh tốt, cây trái trĩu cành. Nào trụ, mảng cầu, lòong boong, sầu riêng… thơm nức một vùng quê. Những đoàn khách tham quan, dã ngoại vào ra tấp nập. Họ đến chút ít vì cây trái; cái chính là để biết, để hiểu về xứ đất, con người hiền hậu nơi đây. Kể cũng lạ. Người ta nói rằng: Trong suốt cả mấy chục năm chiến tranh, ở đâu cũng đầy dẫy bom đạn, chết chóc…nhưng Đại Bường thì vẫn cứ bình yên, hiền hòa bên dòng sông Thu mát trong không một trái bom, hòn đạn. Do khí hậu, thổ nhưỡng Đại Bường trồng được nhiều loại cây trái mà không nơi nào trồng được mới hay! "…Đại Bường/ Hôm tôi về trăng trổ nụ rằm/ đêm lấp đầy nhớ quên và em mắt nâu mắt ướt/ bàn tay đùa sông ghì siết bằng yên/ môi son đợi nhau thì thầm gương lược/ làng hát khúc trái chín/ mùa trụ đọt xanh trĩu cành ươm đầy hương tóc/ sầu riêng!...".
Chiều ấy, ngược đường Cà Tang lên làng Dùi Chiêng. Đường vắng, những hàng cây nghiêng bóng mát rợp cả lối đi quanh co thung xanh thung vàng, đến cầu treo bắc ngang sông Thu. Chợt nhớ mấy câu hò khoan mẹ hát tôi nghe đã rất lâu: "Tôi đây khách lạ xa đàng/ xuống đây hát đối biết nàng ở Dùi Chiêng/ Mai ngày tôi xuống Bình Yên/ thương mấy cô ở lại có chiêng không dùi/ về nhà lòng những ngậm ngùi/ nghĩ thương thân phận có dùi không chiêng/ Trăm lạy ông trời cho tôi trở lại chốn đào nguyên/ để có ta có bạn có chiêng có dùi…" mà bái phục trí tuệ hát đối của người xưa.
Chúng tôi xuống chiếc thuyền máy ngược sông lên Hòn Kẻm Đá Dừng. Phong cảnh hữu tình. Sông như nói với chúng tôi những huyền tích cổ xưa. Ngược nước. Nắng chiều vàng vọt thu. Đây đá Cổ Ngựa tung bờm chiến mã; Vũng Tăm sủi bọt trắng xóa; những vách đá dựng đứng meo mốc rêu phong bạc phếch màu thời gian; bầy khỉ rừng bò ra mép sông giỡn đùa cùng cây cỏ… Trên sông, ngược xuôi những chiếc thuyền đầy khách đi về ngắm cảnh rộn rả tiếng cười vui. Ừ, Hòn Kẽm Đá Dừng trong câu ca dao nổi tiếng của xứ Quảng là đây. Anh chàng chủ thuyền vui tính cứ đọc hoài câu: "Ba hang lấp lại thành gò/ sóng xô Cổ Ngựa gió lò Vũng Tăm…" nghe mà đã ruột!
Hòn Kẽm – Đá Dừng là nơi khởi đầu dòng sông với tên gọi Thu Bồn. Dòng sông như người mẹ giang tay ôm ấp cả một vùng đất thiêng liêng, đã viết nên những huyền thoại sử thi của đất Quảng. Đêm ấy, về lại làng cổ Đại Bường nghỉ chân, tôi lan man câu những thơ về Hòn Kẽm:
                                  …Đá dựng đá dừng cây hoang cỏ mọc
Cổ Ngựa tung bờm
Vũng Tăm gió lò hôn động
xa lắc mùa lên em níu áo thi nhân
chiều bảng lảng khói sương
đá trần truồng mỡn sóng
bật máu gót son mây trắng nõn thiên thần…
… Còn đâu mây trời xa vợi
còn đâu cỏ úa mùa hương em đã thu?
đầu nguồn Đá Dừng Hòn Kẻm
“sông dài cá lội biệt tăm…”
để chừ một tôi mê mải
đi tìm…

Tháng 10/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét