Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

MỘ CHỒNG NÀNG HỌ ĐẠM

dc.jpg
Truyện ngắn
                      MỘ CHỒNG NÀNG HỌ ĐẠM
Nguyễn Hải Triều
“Sè sè nắm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh…”
Nguyễn Du

1. Người ta kể rằng cách nay hàng vài thế kỷ, Ngũ Châu là một vùng quê không mấy trù phú, dân cư thưa thớt. Các cư dân từ phương Bắc vào đây sinh cơ lập nghiệp, sống chủ yếu bằng nghề nông. Đa phần quần tụ dọc hai bờ sông Nhự, Họ khai hoang vỡ hóa, biến nơi “con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh” thành một miền quê đông vui, êm ấm. Từ đây, một số dòng tộc dưới Hội An, Vĩnh Điện dù đã lập nghiệp lâu đời ở đó, nghe tiếng đất đai Ngũ Châu tốt tươi cũng vận động con cháu của mình lên định cư; trong số những người này có tổ tiên của họ Hán. Do chí khú, cần mẫn làm ăn, nhiều chục năm sau, dòng họ Hán đã trở thành một dòng họ lớn tăm tiếng của vùng đất năm tổng một làng. Trong số con cháu của họ Hán sau này có người cháu đích tôn là Hán Văn Tùng, lý trưởng làng Nhị.

Tùng sinh ra trong một gia đình dòng trưởng đời thứ ba tính từ khi ông tổ về khai nghiệp. Là con một nên luôn được nuông chiều. Ông bà, cha mẹ đều quyết tâm dốc hết tiền của, gia sản để cho Tùng ăn học đến nơi đến chốn. Mặc dù trời phú cho dáng dấp bề ngoài không được suông sẻ như người bình thường: mặt mày xấu xí, da tái, răng vẩu, vừa lùn lại vừa lé trông rất khó coi; tiếng nói thì the thé nửa nam nửa nữ; đứng xa ai nghe chất giọng ấy thì tưởng cô nào đang trò chuyện chứ không phải đàn ông. Bù lại, Tùng được cái tính chịu khó, siêng năng, hiếu động. Học hết trường làng, hắn được cha mẹ ưu ái đưa ra tận kinh đô Huế theo một quan ngài là bạn thân của ông nội kèm cặp, cho học trường Kinh rồi ở lại thi luôn, học thành thạo một nghề thợ rèn cơ khi rồi cho về quê lập nghiệp. Năm ấy, do mất mùa đói kém, quan lại nhũng nhiễu mất lòng dân nên giặc giã nổi lên khắp nơi. Cha Tùng bỏ làng theo một nhóm thảo khấu có tên là Đảng Cờ Vàng. Đảng Cờ Vàng thanh thế lừng lẫy. Quân Triều đình nhiều phen đánh dẹp nhưng không được. Ở quê nhà, xóm làng đều kiêng gia đình Tùng, nhờ tiền vàng cha gởi về, hắn có dịp ăn chơi, cái nghề thợ rèn cũng xếp một bên chẳng thèm đoái hoài. Người mẹ khuyên can nhiều lần cũng không chịu nghe. Cho đến một hôm, cả làng nhốn nháo. Cha của Tùng chết trong một trận huyết chiến với quân Triều đình. Người ta đưa xác ông ta về quê theo đường biển từ một nơi xa xôi. Hàng xóm kể lại, quan tài cha hắn được phủ một lá cờ màu vàng thật lớn. Lễ tang được tộc họ tổ chức không rình rang nhưng rất chu đáo. Tuy chống đối Triều đình nhưng xóm giềng cũng không ai dám bình phẩm điều gì vì họ sợ trả thù.
Sau khi cha qua đời ít lâu, nhờ mối quan hệ giao du rộng rãi, biết luồn cúi nhẫn nhục, Hán Văn Tùng chạy được một chân vào làm thư lại cho viên Lý trưởng của làng. Ở xứ Ngũ Châu bấy giờ, tìm được người miệng lưỡi, ăn nói có duyên, cộng với chút tài văn hay chữ tốt như hắn cũng là loại hiếm. Hắn biết lấy lòng cấp trên, hay lam hay làm, thường được lòng các ông Hương ông Lý nên ai cũng muốn cân nhắc hắn.
Đến tuổi lấy vợ, Tùng lân la qua làng Đông rồi quen với một cô thôn nữ đẹp người đẹp nết. Kể cũng lạ đời, chẳng biết anh ta có ngón nghề chi không mà dù hình dạng đàn ông dị tướng, hắn lại làm cho một cô gái giỏi giang, công dung ngôn hạnh nhất làng Đông phải lòng. Cuộc tình đang đà nồng thắm, hứa hẹn bao tốt đẹp. Nhưng do tính trăng hoa, Tùng quen thêm một cô gái khác. Được biết người con gái này là cháu gọi quan Tri huyện bằng cậu ruột, danh gia thế phiệt một vùng. Hắn tính toán, nếu lấy cô ta làm vợ thì con đường công danh sẽ thênh thang hơn. Hắn đột ngột bỏ tắt người yêu cũ, làm đám cưới với cô cháu gái quan tri huyện. Khi người em con ông chú ruột của Tùng vừa mãn hạn lính lệ trở về, hắn dẫn anh ta lên nhà cô người yêu cũ, mồi chài, mai mối. Thấy cô thôn nữ xinh đẹp, thằng em phải lòng ngay và không cần tìm hiểu, suy nghĩ. Từ đó, Trong lòng Hán Văn Tùng mừng thầm vì đã theo đúng ý đôi đường cả đôi. Cô người yêu bây giờ là em dâu, sau này chắc gì thoát khỏi tay hắn vì “tình cũ không rủ cũng tới”, miễn sao trong ấm ngoài êm là được! Hắn cười thầm. Chỉ tội nghiệp cho thằng em họ vốn thật thà, ngây ngô đã bị anh ta lừa mà không biết. Lại còn mang ơn lấy ơn để.
Được vợ có họ hàng với Tri huyện, Tùng như cá thêm vây, như hổ thêm cánh. Hắn tranh thủ giao du với lớp quan chức đương thời trong huyện. Có ông cậu vợ che đậy những thói hư tật xấu, những nết sống trái đời. Cái vết nhơ từ lý lịch có cha làm giặc lâu ngày rồi người ta cũng cho đi vào quên lãng. Một số người lớn tuổi, có uy tín trong làng nhiều lúc cũng muốn đem cái chuyện của hắn ra để kể với mọi người nhưng rồi họ lại thôi vì sợ uy của ông Tri huyện, hơi đâu chuốt vạ vào thân cho khổ. Trước khi nghỉ hưu, ông cậu vợ còn môi giới cho Tùng quen thân với một viên Tri Phủ trẻ đồng hương vừa lên nhậm chức. Cái thời mua quan bán tước phổ biến, nhờ viên Tri Phủ giúp đỡ, anh ta chạy được cái chức Lý trưởng của làng bằng ba trăm lạng bạc rồi nghiễm nhiên từ anh thư lại chuyên ghi chép sổ sách, hắn thành kẻ ăn trên ngồi trốc chẳng ai ngờ.
Làng Nhị có địa thế khá thuận lợi cho việc giao thương buôn bán; có sông Nhự trên bến dưới thuyền; có đồng lúa cò bay thẳng cánh, chợ búa tấp nập. Cư dân ở Làng Nhị ăn nên làm ra nên nơi đây được xem là trung tâm của cả huyện. Nhờ thế, so với các làng khác, chức Lý trưởng của làng Nhị còn to hơn cả Chánh Tổng đương thời. Từ khi lên nắm quyền, áp dụng lời dạy người xưa “lên voi thì nắm vố”, Hán Văn Tùng ưu ái với người mang ơn, nhưng cũng không nương tay với kẻ trước đây từng xem thường hắn. Có được uy quyền, Tùng mặc sức nhũng nhiễu không nễ nang ai cả. Những việc hắn làm dân làng đều biết nhưng không ai dám mở miệng phản đối vì sợ hắn. Đặc biệt từ khi lên nắm quyền Lý trưởng, Tùng càng để tâm chăm sóc kỹ hơn gia đình người em họ có vợ là người yêu cũ của hắn. Cất nhắc người em lên làm thư ký riêng để thể hiện sự quan tâm theo kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”. Thường xuyên giúp đỡ tiền bạc, quyền lợi cho cả vợ lẫn chồng, nhưng thực chất ai cũng hiểu cái nghĩa cử ấy chỉ là cái cớ để hắn có dịp lân la gần gũi với người tình cũ. Cô em dâu biết vậy nhưng cũng chẳng dám hé miệng nửa lời. Đôi lúc cô ta  nghĩ, thôi thì mình cứ giữ phận được chừng nào hay chừng nấy. Anh ta giúp đỡ lúc khó khăn là tốt, có mất mát chi đâu. Tuy vậy, miệng thế gian thì không đơn giản như cô nghĩ. Cả làng đều biết tính cách và cái ý đồ loạn luân của hắn, nhưng họ tế nhị không nói ra vì sợ mất lòng, chứ giấy thì làm sao có thể gói được lửa?

2. Rồi như cha ông thường nói: “cây kim trong bọc có ngày cũng lòi ra”; “oan gia ngõ cụt”. Một bữa, sau khi ăn nhậu với các vị chức sắc trong làng  nhân tiếp vị quan tỉnh về thăm quê. Hắn say. Hán Văn Tùng bắt đầu nhớ đến cô em dâu đang ở nhà một mình vì hình như hắn đã sai thằng em đi công việc ở đâu đó chưa về thì phải. Trong lúc đám nhậu còn đang say sưa chén chú chén anh, hắn lẻn ra ngoài và đi một mạch về nhà cô em dâu. Chân nam đá chân chiêu, Tùng lẻn đẩy cửa bước vào định giở trò đồi bại. Người đàn bà vắng chồng hoảng hốt chưa kịp phản ứng thì bị hắn bịt miệng không kêu được lấy một tiếng. Hắn vác tấm thân tròn lẳn của nàng ném lên chiếc phản gỗ, chắc mẫm là sẽ thực hiện được ý đồ đen tối loạn luân thì người chồng đột ngột xuất hiện. Thấy anh trai đang sàm sỡ với vợ mình. Cơn giận dữ dâng lên không kìm nén được. Người em quát: “Thì ra là mày? Từ lâu tau đã nghe người ta xì xầm nhưng tau không tin. Tau cho là lời đồn thổi vô căn cứ! Bây giờ thì mày hết chối, thằng anh loạn luân, đốn mạt!”. Sẵn con dao bầu đang dựng ở góc bếp, anh ta quơ lấy rồi thuận tay đâm một nhát thấu tim Hán Văn Tùng. Hắn ngã xuống, ộc ộc mấy tiếng, máu mũi, máu miệng trào ra lênh láng trên sàn rồi tắt thở trước sự hoảng loạn của cô em dâu tội nghiệp. Giết anh xong, người em bình tĩnh lấy giấy bút ngồi ghi hết diễn biến sự việc, kể tội Tùng bất chính, loạn luân. Đặt tờ giấy trên bàn, người chồng quơ vội ít quần áo, đồ đạt tùy thân, dắt vợ ra bến sông, xuôi ghe trốn biệt.
Sáng hôm sau, làng xóm phát hiện ra án mạng, họ báo quan. Người ta đọc tờ giấy và hiểu ngay được đầu đuôi câu chuyện. Họ chôn cất Lý trưởng của Làng Nhị một cách lặng lẽ. Dòng họ Hán xem đây là vết nhơ của gia tộc nên không đồng ý đưa xác hắn vào nghĩa địa chung mà chôn vội vàng ở rẻo đất ven đường. Nhiều chục năm sau, ngôi mộ Hán Văn Tùng, lý trưởng làng Nhị bỗng thành linh thiêng. Dân gian thêu dệt câu chuyện cho là anh ta chết chung quy cũng vì tình. Sau này nhiều cặp tình nhân thường đến lễ bái, cầu xin phúc phước lứa đôi. Họ xây một cái am nhỏ bên mộ; ngày rằm, mồng một đến thắp hương. Họ còn gọi ngôi mộ ấy là “mộ chồng nàng họ Đạm”, một nhân vật trong truyện Kiều của Nguyễn Du có cuộc đời hồng nhan nổi trôi bất hạnh.
Riêng vợ chồng người em biệt xứ từ đó. Không ai biết được họ đi đâu. Có người bảo họ vào tận miền cực nam lập nghiệp, sinh con đẻ cái và sống rất hạnh phúc; có người thì nói họ dắt nhau đến một nơi hoang vu, lâm cùng thủy tận như chuyện Tây Thi Phạm Lãi. Tất cả đều là chuyện đồn đoán.


                                                                                       N.H.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét