Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

NÚI


bodoi.jpgNguyễn Hải Triều














Truyện ngắn:
NÚI
                                           (Gởi đồng đội tôi,
những người lính một thời trận mạc)
1.
Anh Tương trở về sau bốn năm lăn lộn nơi chiến trường Kampuchia. Anh trở về không còn lành lặn. Một chân anh để lại trong trận đánh cuối cùng trước khi cởi áo lính. Nhận quyết định ra quân, đêm ấy tiểu đội được lệnh hành quân đi phục kích đánh địch. Anh báo chỉ huy cho mình được đánh trận cuối, và rồi anh bị thương trong lúc yểm trợ cho tiểu đội xung phong lên chiếm chốt. Một chân của anh bị mảnh đạn pháo băm nát, anh được đưa về tuyến sau. An dưỡng ở Trại thương binh nặng Quy Nhơn một thời gian rồi về quê. Anh nhủ, con người ai cũng có số, ai biết trước được điều chi?

Về quê. Liêu xiêu trên đôi nạng gỗ vào một buổi chiều phơ phớt nắng. Mới xa xứ mấy năm mà quê anh bây chừ cái chi cũng lạ. Đường bê-tông thẳng tắp, nhà cửa mọc lên bề thế, khá giả hơn nhiều so với ngày anh đi. Cái làng nhỏ chạy dọc theo dòng sông Cái quê anh với biết bao nhiêu kỷ niệm thời thơ bé. Mẹ và các em ra đón anh tận đầu mương thủy lợi. Anh gò lưng trên đôi nạng gỗ từng bước một về làng, ai nhìn cũng thương. Mẹ khóc. Các em của anh cũng khóc. Những giọt nước mắt của ngày gặp mặt. Xa xót và hạnh phúc!
Về. Những ngày đầu tiên anh sống trong sự tự ti, mặc cảm. Anh luôn nghĩ mình là người vô tích sự, tàn phế. Với tấm thân cụt què sẽ chẳng giúp được chi cho gia đình. Những tháng ngày đầu về làng anh chỉ biết sống trong sự hoài niệm về đồng đội, về chiến trường. Đêm ngủ anh nói mê sảng trong giấc chiêm bao nát nhàu máu lửa và chết chóc. Anh nhớ đồng đội của mình, nhớ tháng ngày “một đi không trở lại”. Anh uống rượu suốt ngày. Say, gây sự với người thân, làng xóm. Bạn bè, những người từng chung lung đấu cật với anh nghe tin họ tìm đến động viên, an ủi. Một thời gian sau, anh mới nguôi dần mặc cảm với đời và trở lại cuộc sống bình thường.
Anh Tương lấy vợ. Vợ anh là cô hàng xóm đẹp nết đẹp người. Chị Thanh (tên vợ anh), là cô gái từng thầm thương trộm nhớ từ ngày anh chưa đi bộ đội. Bạn bè trang lứa đã lên xe hoa hết mà chị vẫn quyết không lấy chồng để chờ đợi người nơi chiến trận. Anh về, thân thể thương tật, chị lại càng yêu hơn. Gia đình, bè bạn khuyên can nhưng chị vẫn không đổi lòng. Cưới nhau, họ sống hạnh phúc và có hai mặt con.
Trên miền quê nắng bụi mưa bùn ngày ấy hơn mười lăm năm, những đường cày liêu xiêu trên lung ruộng nhà của anh thương binh cụt chân; những luống cấy của người vợ đảm đang thương chồng tật nguyền đã cho họ niềm vui, hạnh phúc. Cuộc sống tuy đạm bạc nhưng họ luôn vừa lòng, không mưu cầu cao xa. Rồi mẹ anh Tương qua đời vì tuổi cao. Hai năm sau đó, chị Thanh phát hiện ra mình bị bệnh hiểm nghèo. Anh Tương dốc hết chút tiền dành dụm bao năm; rồi hàng xóm, bạn bè gom góp để anh có tiền lo chạy chữa cho vợ. Chị Thanh chết sau sáu tháng điều trị bệnh ung thư. Vượt qua nỗi đau tưởng chừng không thể vượt qua được, anh Tương một mình gà trống nuôi hai con cho đến ngày trưởng thành. Cũng mừng vì chúng nó đều không phụ công anh nuôi dạy. Những người đồng đội cũ cũng thường xuyên đến thăm anh dù đã thời gian đã mấy chục năm, thế sự biết bao nhiêu chuyện đổi dời…
2.
Hôm nay, giỗ chị Thanh. Buổi trưa cúng cơm, anh Tương mời xóm giềng và những chiến hữu đến dự. Xong tiệc, anh tiễn khách ra về, nhà trở lại vắng hiu.
Chiều. Ngồi trên chiếc giường tre trước sân, một mình pha ấm trà nóng, anh châm điếu thuốc, hớp ngụm trà nóng, anh để đầu óc nghĩ ngợi mông lung…Nghe tiếng con chó Mực sủa trước ngõ, nhìn ra, một người đàn ông tầm thước, nước da ngăm ngăm đen, khoảng ngoài bốn mươi, anh ta ruột rè đi vào. Gặp anh Tương, người đàn ông chậm rải hỏi bằng một giọng lơ lớ: “Bác, ơ chú, cho tôi hỏi thăm nhà của bộ đội Tương?...”. Nhìn người đàn ông lạ, linh cảm của anh Tương cho biết mình đã từng gặp con người này đâu đó trong cuộc đời, khuôn mặt anh ta trông quen lắm! Anh nói: “Mình là Tương đây! Còn bộ đội thì chuyện đã xa mấy chục năm rồi! Còn anh là...?”. Chờ nghe xong câu nói ấy, người đàn ông chạy tới ôm chầm lấy anh Tương, thổn thức. Vẫn cái giọng lơ lớ: “Ôi, bộ đội Tương. Không uổng công mấy chục năm chờ đợi, kiếm tìm, cháu đã tìm ra chú! Chú đã là một ông già rồi!”. Thốt lên câu ấy xong, người đàn ông khóc rưng rức trong sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của anh Tương, hồi lâu, như chờ cơn xúc cảm qua đi, anh ta nói: “Chú ơi, cháu là Ksor Mut, là Núi, là Núi của các chú bộ đội Việt Nam, của bộ đội Tương đây! Đã mấy chục năm rồi chú à!”. Nghe vậy, anh Tương cũng sững người: “Cháu là Núi, là Núi đây sao?”. Hai người cùng khóc. Những ký ức thời chiến trận lại hiện về trong anh…
Đêm tấn công vào cứ điểm X1, trong Chiến dịch mùa khô năm 1984, trận đánh diễn ra không được suông sẻ. Bọn tàn quân Pôn-pôt cùng đường, chống trả quyết liệt. Chúng cho xe quân sự gắn súng ĐKZ và 12 ly 7 chạy dọc chiến tuyến điên cuồng bắn vào đội hình quân ta. Tiểu đội của Tương hy sinh, bị thương, chỉ còn lại ba người. Thương vong nhiều nhưng với quyết tâm chiến thắng kẻ thù, Trung đoàn đưa quân chi viện và dội lửa vào cứ điểm để tiêu diệt chúng. Sáng hôm sau, trong cảnh hoang tàn của trận địa sau trận đánh kinh hoàng. Đội hình đại đội của  Tương xông lên chiếm lĩnh cứ điểm. Trong ánh lờ mờ buổi sáng giữa rừng, lập lòa ngọn lửa của mấy căn nhà, công sự đang cháy, những người lính Việt Nam nghe có tiếng trẻ con khóc thét. Tương phát hiện một đứa bé trai khoảng chín, mười tuổi bên ngôi nhà sàn đang đổ sụp. Thằng bé quần áo rách bươm, mặt mũi bê bết máu. Anh chạy lại bồng đứa bé ra ngoài và báo cáo lên chỉ huy đại đội, lên Trung đoàn.  Anh cởi phăng chiếc áo đang mặc trên người quàng lên thân thể co rúm vì sợ sệt, vì đói khát của nó. Lệnh từ Trung đoàn xuống, bằng mọi giá phải bảo vệ đứa bé dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được để nó thương vong. Thế là bắt đầu từ hôm đó, rồi suốt cả mùa chiến dịch, trên đường hành quân, trong đội hình tác chiến của đại đội lại có thêm một chú bé con mà trách nhiệm của đại đội phải chăm sóc, bảo vệ. Những ngày đầu, thằng bé sợ mấy chú bộ đội nên rất khó gần. Tương và đồng đội  tìm cách gây tình cảm. Anh là người chịu khó nhất, lùng sục vào những căn nhà cháy của dân tìm quần áo cho nó mặc; kiếm cái cho nó ăn. Ngôn ngữ bất đồng, nói với nhau điều gì phải ra hiệu bằng điệu bộ. Gặp địch, đánh nhau, đơn vị bố trí người đưa nó đến vị trí an toàn nhất để bảo vệ. Đêm ngủ, Tương là người ôm nó vào lòng nằm chung một võng. Lâu dần, tình cảm của những người lính Việt Nam cũng cảm hóa được chú bé Kampuchia. Anh em đặt tên nó là Núi, rồi bày những từ ngữ thông dụng để giao tiếp. Bày cho Núi hát bài "Như có Bác Hồ…", nó hát lớ lớ nghe rất vui tai. Suốt chặng đường hành quân nhiều ngày dù mang vác nặng, đường dốc gập ghềnh, Tương và anh em thay phiên nhau cõng Núi trên lưng suốt mùa chiến dịch. Núi tuy nhỏ nhưng có tài bắt cá đến lạ kỳ. Dừng quân nơi nào có suối nước, loáng một cái nó biến đi, một lúc đem về cả mấy xâu dọc nào cá trằn, cá tràu chó, cá xanh… cả đại đội ăn không hết. Thế rồi cũng đến ngày giao Núi lại cho đơn vị bạn khi Trung đoàn kết thúc mùa chiến dịch. Hôm bàn giao cho một đơn vị  Quân giải phóng nhân dân Kampuchia, thằng Núi không chịu rời đi mà cứ ôm chầm lấy Tương và Hoàng. Nó khóc thật to, ánh mắt như cầu cứu. Cái ánh mắt ấy nhiều chục năm sau vẫn cứ đau đáu, xoay xoáy trong từng giấc ngủ của Tương và đồng đội.
3.
“Sao chân của bộ đội Tương bị cụt? chú bị thương à?”. “Ừ, chú bị thương trong một trận đánh sau khi chia tay Núi. Chiến trường luôn nghiệt ngã cháu à! Chú còn được trở về vẫn hơn những người bạn của chú, họ nằm lại vĩnh viễn nơi trời xa xứ lạ… Mà sao?  Nguyên do nào mà Núi lại tìm ra được chú vậy?
Núi, người đàn ông có giọng nói lơ lớ ấy sau một hồi kìm nén cảm xúc, anh ta bình tỉnh kể cho anh Tương nghe cuộc đời của mình từ ngày chia tay các chú bộ đội Việt Nam. Anh được Chính quyền nhân dân Kamuchia đưa về hậu phương nuôi dưỡng, cho ăn học. Đất nước Kampuchia giải phóng được sống trong hòa bình, Ksor Mút (tên thật của Núi) được học hành đến nơi đến chốn. Anh hiện tại là giảng viên của một trường Đại học ở thành phố Stung-treng. Nhiều chục năm qua, anh luôn nhớ các chú bộ đội Việt Nam, những người từng cứu sống và cưu mang anh. Lần này, nhân đưa một đoàn sinh viên của trường qua Việt Nam học tập, anh quyết tâm tìm cho được những ân nhân của mình, dù thời gian đã rất lâu...  “Nhưng có manh mối nào đâu mà Núi lại tìm được đến chú hôm nay vậy?”. Ksor Mút run run mở chiếc ba lô hành lý của mình, anh lấy ra một chiếc áo lính đã cũ nhưng được gấp thẳng nếp đưa cho anh Tương. Cầm chiếc áo trận trên tay, anh chợt nhớ lại mọi điều. Ừ, buổi sáng hôm đó, anh đã cởi áo của mình khoát cho đứa bé này và bồng nó thoát ra khỏi vòng lửa đạn của trận đánh. Cảm động sao thằng bé vẫn giữ cho đến hôm nay, sau hơn ba chục năm trường…Theo lời Núi chỉ, anh thò tay vào túi ngực áo lấy ra một mảnh giấy đã ố vàng được bọc trong lớp ni-lon, là nét chữ của anh đây mà! Anh run run đọc: “Khi cần xin báo tin cho mẹ tôi, bà Phan Thị Phấn, thôn Đông Tây, xã Lộc Bình, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, Việt Nam.”. Trời đất ơi, thì ra là vậy! Ngày ấy, trước khi ra trận, những người lính, ai cũng phải ghi một dòng như thế, được bọc ni-lon bảo quản và để vào túi áo ngực, lỡ khi bị thương hoặc hy sinh, người sống biết mà phát hiện, mà liên hệ. Núi, thằng bé năm xưa vô tình có được chiếc áo và đã tìm ra anh Tương từ mảnh giấy này, quả là thần kỳ như chuyện cổ tích!
Chiều xuống. Bên kia đồng làng ánh nắng trải vàng đang nhạt dần phía núi xa. Trên chiếc chỏng tre trước sân nhà anh Tương, hai người đàn ông có hai quốc tịch khác nhau, sống cách xa nhau hàng ngàn cây số. Họ ngồi im lặng không nói điều gì nhưng từ trong tâm thức sâu thẳm của mỗi người đang ẩn chứa những niềm riêng. Một, đang cảm thấy hạnh phúc vì đã gặp được ân nhân cứu sống mình sau mấy chục năm xa cách; một, đang hoài niệm về khoảng trời thanh xuân đầy gió sóng với biết bao ký ức về bạn bè, đồng đội… Ký ức một thời trận mạc.

Quê nhà, tháng 9/2018



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét