Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

CHUYỆN TRẦU CAU

Nguyễn Hải Triều
Sự tích trầu cau trong cổ tích Việt Nam kể lại câu chuyện thương tâm của hai anh em sinh đôi mà kết thúc là một bi kịch đã cho đời sau một bài học quý giá về tình huynh, nghĩa đệ, về lòng thuỷ chung, son sắt của đạo vợ chồng.
Người Việt chúng ta có tục ăn trầu từ rất xa xưa, ăn trầu để cho răng chắc, ăn trầu để nhắc nhở mọi người học ở người xưa những đức tính cao đẹp như trong chuyện trầu cau; và hình ảnh quê hương bao đời không chỉ có "cây đa, bến nước, mái đình" mà còn có hàng cau tít tắp, dây trầu xanh um bu quanh cây vông hay trên các tường vôi ngôi nhà cổ, để chuyện trầu cau luôn là muôn thuở của làng quê.
        Trong đám cưới, hội hè, lễ tết, hay các lần hò hẹn của những cuộc hát hò khoan, kẻ gần, người xa, kẻ duyên người nợ... thì bao giờ cũng:
Miếng trầu là đầu câu chuyện
Quệt vôi em, quệt cả lời trăm năm.
Quan niệm người xưa, trầu cau là biểu trưng của sự gắn bó keo sơn, trăm năm bền vững trong tình yêu đôi lứa. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm đã từng giải bày:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt vôi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi.
Trầu cau là thứ lễ vật tất yếu của nhà trai đến với nhà gái trong các đám hỏi, đám cưới, tạo nên màu sắc đặc trưng trong phong tục tập quán của người Việt Nam. Thi sĩ Nguyễn Bính đã có những câu thơ hay như ca dao kể về trầu cau; khi hò hẹn với người yêu thì:
Xóm làng đã đỏ đèn đâu
Chờ em chừng dập miếng trầu em sang
Còn lúc người yêu đi lấy chồng:
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau...
Xin được miễn bàn đến những câu thơ của các thi nhân có tên tuổi. Chúng ta trở lại với kho tàng văn học dân gian để thấy rằng trong bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống, của tình yêu, cha ông chúng ta cũng đã mượn miếng trầu miếng cau để giải bày nỗi lòng.
Miếng trầu là cái cớ để gặp gỡ quen biết:
Khi xưa ai biết ai đâu
Chỉ vì miếng thuốc miếng trầu nên quen
Là câu chào hỏi mở đầu cho những cuộc hát hò khoan:
Vô đây bớ bạn vô đây
Trầu cau ta đãi ghế mây bạn ngồi
Và khi đã quen biết nhau, thầm yêu trộm nhớ, tình cờ gặp nhau một lần nào đó trên đường quê đêm trăng sáng, người con gái muốn giải bày nỗi lòng của mình qua việc mời trầu:
Sáng trăng sáng cả đôi bờ
Em đi gánh nước tình cờ gặp anh
Ra vườn bẻ trái cau xanh
Bửa ra tám miếng mời anh ăn trầu
Trầu em trầu thảm trầu sầu
Chính giữa trầu quế hai đầu trầu hương
Nỗi nhớ thương của người con gái với người mình yêu mà không có điều kiện để giải bày. Trong một xã hội mà thân phận người phụ nữ luôn bị thua thiệt nhiều điều bởi những chuẩn mực đạo đức khắt khe. Mượn miếng trầu, miếng cau để lý giải theo kiểu "ý tại ngôn ngoại" cũng là lẽ tự nhiên, đằng sau sự thảm sầu ấy là quế là hương, là ước vọng hạnh phúc. Đã thế cô gái còn muốn nói đến cái điều hơn thế nữa:
Trầu này ăn thật là say
Dù mặn dù lạt dù cay dù nồng
Dù không nên vợ nên chồng
Ăn năm bảy miếng cho thoả lòng nhớ mong.
Nói với chàng trai là thế, nhưng cô gái thì vẫn phải dè dặt, nhớ lời mẹ cha dặn dò để khỏi mang tiếng là không nên nết:
Thưa rằng cha mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người
Nếu ăn trầu người thì phải:
Ăn trầu phải mở trầu ra
Một là thuốc độc hai là mặn vôi
Đầu nguồn sông Vu Gia có một nhánh sông, người ta gọi là sông Bung. Dọc đôi bờ sông ấy ngày xưa có rất nhiều rừng trầu, còn về miệt phía Bắc có làng Đại Mỹ là nơi trồng cau; cau Đại Mỹ trái to, buồng dày và ăn rất giòn. Những lái buôn miền xuôi thường mua cau Đại Mỹ và trầu sông Bung để cung cấp cho các vùng dọc biển:
Trầu nguồn ở tận sông Bung
Chờ cau Đại Mỹ để cùng về xuôi
Ta cũng có thể thầm hiểu sự gắn kết cau trầu của hai nhánh sông như tình yêu đôi lứa cần có nhau để nên nghĩa đá vàng
Và rồi:
Bây giờ nàng lấy chồng đâu
Để anh đi thết trăm cau ngàn vàng
Trăm cau để thết họ hàng
Ngàn vàng để đổi giải oan lời thề...
Khi lời thề được "giải oan", cũng là lúc trọn vẹn niềm hạnh phúc:
Trai thanh cảnh gặp gái thanh cảnh
Như mâm trầu đầy gặp nhánh cau sai
Đó là chuyện của những cặp tình nhân thuận buồm xuôi gió, còn nếu trắc trở lương duyên, thì chuyện lứa đôi vẫn là ước vọng để có khi nào đó:
Anh về cuốc đất trồng cau
Cho em trồng ké dây trầu một bên
Rồi họ chia tay nhau:
Anh về em tiễn miếng trầu
Miếng thương miếng nhớ miếng sầu anh ơi...
Mỗi người ôm nỗi thương nhớ, đau sầu ấy về cõi riêng của cuộc đời mình, thầm trách cho số phận, cho tình duyên tan vỡ và từng đêm một mình với sự cô đơn trống trãi:
Có trầu có vỏ có vôi
Có chăn có chiếu không người nằm chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét