Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

BÀI "KHÚC HÁT BẠN BÈ"

       Ngô Hà Phương - bình bài thơ
                           "KHÚC HÁT BẠN BÈ" của Nguyễn Hải Triều


KHÚC HÁT BẠN BÈ
                                     Nguyễn Hải Triều
Điều chưa kể với em
Tôi mắc nợ cánh rừng hai mươi tuổi
Mây vá trời xanh chiến hào mịt bụi
Cơn sốt vàng da xối xả mưa rừng
Buổi lên đường mắt mẹ rưng rưng
Đâu đó xa xăm tôi quẩn quanh tìm kiếm
Nỗi nhớ hoang sơ siết vòng kỷ niệm
Thương tích vầng trăng sau trận đánh năm nào
Bữa ngược phía rừng bản Khẻm bản Beo
Đêm quân đi qua Mường Muông, Mường Khoỏng
Cánh võng nghiêng cầu vồng phía biển
Đợi gió nồm lên đỡ nhớ quê nhà
Bao điều thôi em cứ lạ xa
Nợ nần tôi nhiều năm tóc bạc
Cỏ mộ bạn bao mùa nắng mưa múa hát
Để ngọt cho em xanh lá phần đời
Trăm năm sông về trùng khơi
Và còn lại cánh rừng hai mươi tuổi
Ba lô oằn lưng thời mưa ngàn gió núi
Nặng cả đời tôi để được nhớ bạn bè...


Gần 30 năm vui chạy với đời, ai cũng cố xóa bỏ dần đi cái cục quá khứ sần sùi, nặng ì gieo neo, mất mát để sớm đến đắm mình trong khu vườn địa đàng đầy hoa sắc khoe tươi. Thế mà lại có một gã làm thơ áo lính, lẩn thẩn Nguyễn Hải Triều đứng ngẩng cổ giữa đất trời Đại Lộc quê anh, cất cao "Khúc hát bạn bè":
"Điều chưa kể với em
Tôi mắc nợ cánh rừng hai mươi tuổi"
Món nợ ấp ủ bao nhiêu năm trong lòng, lật qua, xếp lại, trào trộn, đè nén, rồi cũng đến lúc đủ chín. Không giữ nổi, nó phải bùng lên thành một tiếng kêu dâng trào.
"Hai mươi tuổi" là tuổi trẻ, sức trẻ "cánh rừng" là đại ngàn, đại quân. "Cánh rừng hai mươi tuổi" mà nhân vật chủ thể bài thơ mắc nợ phải chăng là một lớp đời mà theo anh để có được những kỳ tích vô song in chữ vàng lên lịch sử, họ phải gánh chịu vô vàn gian lao, khổ ải.
Nỗi khổ ải người lính chịu đựng khi quần nhau với giặc:
"Cây níu trời xanh, chiến hào mịt bụi
Cơn  sốt vàng da, xối xả mưa rừng"
Lên trên nỗi gian khổ ấy là nỗi nhớ thương da diết về gia đình, về mẹ:
"Buổi lên đường mắt mẹ rưng rưng
Đâu đó, xa xăm tôi quẩn quanh tìm kiếm
Nỗi nhớ hoang sơ siết vòng kỷ niệm
Thương tích vầng trăng sau trận đánh năm nào"
Câu chữ rất hợp tâm trạng người lính rừng. "Nỗi nhớ hoang dại vừa rừng sâu, vừa trẻ con vừa bản năng, vừa nhân bản "thương tích vầng trăng" là có đau mà không có khuyết mòn. Lòng người lính, người con bao giờ mà chẳng đầy !
Rải rác trên con đường ngút ngàn cây lá, đá, mây, đâu đó ẩn hiện những bản, những mường càng làm bùng cháy lên một nỗi nhớ quê da diết. Tình cảm thiêng liêng, nhiệm vụ trước mắt, người lính thi sĩ Nguyễn Hải Triều đã dung hợp một cách hài hòa trong hai câu thơ rất duyên:
"Cánh võng nghiêng cầu vồng phía biển
Đợi gió nồm lên đỡ nhớ quê"
Tôn Ngộ Không có "cân đẩu vân", ta - máy bay, điện thoại, chắc gì đã đến với quê được nhanh, được khắp, được sâu như người lính về quê bằng "cầu vồng" này. Tình yêu quê làm ngây ngất câu chữ ! Lẽ thường ta nói "Nghe gió nồm lên thấy nhớ quê". Ơ đây Nguyễn Hải Triều lại nói "Đợi gió nồm lên đỡ nhớ quê". Bởi nỗi nhớ quê của người lính rừng như một dòng lửa âm ỉ trong mạch ngầm tâm não nên mỗi khi thấy gió nồm lên là nó bùng cháy dữ dội ngay. Thế mới "đã cái nhớ" chứ ! Nhưng "Sầu đong càng lắc càng đầy" (Kiều). Sau cái "đỡ nhớ" ấy chắc gì đã "đỡ nhớ" như Nguyễn Hải Triều lầm tưởng đâu mà "đợi". Phải cần có những cái "tưởng lầm" như thế thì con chữ mới mọc cánh được.
Những điều mà người lính chịu đựng so ra còn quá ít. Anh viết đâu phải để kể công, chẳng qua là để thể hiện lòng biết ơn với người đi trước. Cái điều hay nhất trong bài thơ đã bắt đầu ló dạng. Sự hy sinh to tát của người lính là để "Vì nước, vì dân". Các em hãy cứ yên tâm học tập, làm ăn, dựng xây, hưởng thụ đi ! Học tập, làm ăn, dựng xây là nghĩa vị với đời; với hiện tại, tương lai, đó là sự cống hiến, với quá khứ, đó là sự đền ơn đầy ý nghĩa và trách nhiệm. Nợ nần gì đó ta có anh trắng tóc vui lòng gánh chịu:
"Bao điều, thôi em cứ lạ xa
Nợ nần, tôi nhiều năm tóc bạc
Cỏ mộ bạn hơn mươi mùa nắng mưa múa hát
Để ngọt cho em, xanh lá phần đời"
Phải nói, khổ thơ thứ năm này cực hay. Nó tóm được cái thần của bài thơ. Thật sự là cả một vẻ đẹp về hình hài ngôn ngữ lẫn hồn vía của tình người. Đặc biệt câu thứ tư, với các từ "ngọt", "xanh lá", "phần đời" (không phải cho đời) thật mềm mại, trắng trẻo, uyển chuyển, tuyệt đẹp chẳng khác nào một ánh mắt thỏa nguyện đang dịu dàng trìu mến nhìn em, nhìn đời trong vui say, hạnh phúc.
Thời gian, thời gian như "Con sông xuôi về trùng khơi". Kia, lớp bụi xanh mờ luôn chực phủ lấp và xóa vết mọi vật. Nhưng dưới đôi mắt Trần Tử Ngang, nhân vật trữ tình của ta vẫn mồn một thấy "Cánh rừng hai mươi tuổi, Ba lô oằn lưng thời mưa ngàn gió núi".
Tình nghĩa vẫn là tình nghĩa. đền ơn vạn lần vẫn không sao thấy đủ nếu thiếu đi những tấm lòng đầy nghĩa,nặng tình:
"Nặng cả đời tôi
                   để được nhớ bạn bè".
Chao ôi ! Nỗi nhớ bạn bè, lòng biết ơn người đi trước cứ theo từng con chữ mà xoáy sâu vào lòng ta.
Cảm ơn nhà thơ áo lính, quê dâu Nguyễn Hải Triều đã bạc tóc với đời, cất lên một "Khúc hát bạn bè" thật da diết mà vô cùng ấm áp, thật tình nghĩa mà lại đầy trách nhiệm, đủ sức thấm vào lòng người, thấm vào lòng ta vậy.
                                                                                                            N.H.P


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét