Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

PHÙ SA TRÔI VÀ CĂN PHẬN

PHÙ SA TRÔI VÀ CĂN PHẬN -
GIẤC SUY TƯ ÁM RẠNG NGÔN TỪ "QUÊ ƠI"
               Trần Văn


Lẫn khuất đâu đó nơi xó xỉnh tâm hồn, có một miền quê rơm rạ, đất đồng ải phù, triền đồi gấp rẻo, mưa nhàu nắng đổ, thảng thốt tiếng chim âm ỉ ruộng cày, khói chiều ngút mắt, dậy hương tuổi thơ...Miền quê ấy như một thiên đường xa ngái ẩn chứa ước mơ, ngập ngộn kỷ niệm, nhắc nhủ và réo gọi tĩnh thức sau cánh cửa thời gian lắm vui buồn, hạnh phúc cũng như phiền muộn, ưu tư ... Một miền quê đã hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn ta biết yêu thương, biết giận hờn, biết cười, khóc, biết ngưỡng nhìn, biết nâng niu nỗi buồn như một tri ân giữa phù trầm dâu bể ...

Đường cày xoắn vòng úp mặt suy tư
Đất bệ tháng ba cơm áo
Nứt nẻ mùa màng ngực cha đón bão
Ruộng quê nhuốm phèn gió thở phía trăng lên
Cha thân phận cánh đồng rơm rạ
Gồng gánh sông sâu nắng gió bãi cồn
Quê nội bốn mùa bàn chân cỏ lách
Khói lấm bùn sông gội cả hoàng hôn
Đường làng hắt hiu chân vạc
Cha gánh lo toan đi giữa cuộc đời
Rồi một bữa gập ghềnh sương thu và gió
Sông quê mình chỉ có phù sa trôi
Ngày mẹ về với cô đơn và sóng
Va đập nỗi đau biển lộng thác gào
Quê nội buồn thiu trăn trở
Lũ trẻ chăn bò ngơ ngác đồng dao
Mấy mươi năm sim chín Bằng Sim
Cỏ ướt mưa giăng mắt ngút
Con cá rô quẫy mùa nước lụt
Lượm trái ầu ơ ... chim nhớ bãi đồng
Quê nội chừ
ai hát
      ở bên sông.
(Quê ơi - Nguyễn Hải Triều)
Không siêu thực, không lãng mạn, không dụng ngôn cầu kỳ, câu thơ nhẹ nhàng rơi trên mặt giấy; dẫn dắt người đọc vào thế giới của những ký ức, ngùi ngùi sắc âm, hình thể, phập phồng hơi thở đời sống của "đường cày xoắn vòng úp mặt suy tư" mở ra chân trời đất bệ tháng ba cơm áo - đường chân trời rạng màu, ước mơ và cơ cực, hy vọng và đạm nhiên, đường chân trời liu phiu vết tích nỗi niềm nức nẻ mùa màng ngực cha đón bão / ruộng quê nhuốm phèn gió thở phía trăng lên ... Đường chân trời thao thức giữa xứ miền lặng im, suy tưởng, ngậm ngùi.
Cha thân phận cánh đồng rơm rạ
Gồng gánh sông sâu nắng gió bãi cồn
Quê nội bốn mùa bàn chân cỏ lách
Khói lấm bùn sông gội cả hoàng hôn
Lại những cánh đồng cùng cha thân phận! Dường như bức tranh ký ức quê của người thơ không vẽ bằng màu nước, không vẽ bằng gam sáng, không vẽ bằng mô-típ đồng dao tươi tắn mà thay vào đó là những nét bột màu trầm khói rạ, trầm phù sa bãi biền, trầm bốn mùa nắng mưa chao chát, trầm nỗi buồn của đứa trẻ yêu quê. Lạy trời! Vì đứa bé quá đỗi yêu quê nội nên nó sớm nhận ra nỗi buồn trong từng thớ đất, đường cày, nên nó sớm nhìn thấy tiếng thở dài của quê nghèo trong lồng ngực cha nứt nẻ mùa màng đón gió bão, nên nó sớm đau đáu nỗi niềm khói lấm hoàng hôn trên mặt người âu lo.
Đường làng hắt hiu chân vạc
Cha gánh lo toan đi giữa cuộc đời
Rồi một bữa gập ghềnh sương thu và gió
Sông quê mình chỉ có phù sa trôi
Đứa bé thở dài trong ký ức người lớn, người lớn bùi ngùi trong giấc mơ đứa bé. Giấc mơ rạng nứt bàng hoàng không hiểu vì đâu! Vì cha gánh lo toan đi giữa cuộc đời? Vì thân phận cánh đồng rơm rạ? Vì quê nội bốn mùa bàn chân cỏ lách? Vì đường làng hắc hiu chân vạc? Hay vì một bữa gập ghềnh sương thu và gió? Vì sông quê mình chỉ có phù sa trôi?
Có đôi khi con người chọn sự bộc bạch cụ thể sẽ vơi đi ít nhiều chua xót. Nhưng cũng có những điều muốn giải bày mà không biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu để làm gì, bắt đầu như thế nào ... Cuối cùng lắng cặn, cô đúc thành hoài niệm bi trắc riêng tư. Sông quê mình chỉ có phù sa trôi - Dường như tự sâu lắng dưới đời sống phù sa, sông quê, những thân phận đang ca hát, đang vui đùa cùng cuộc chơi vừa trôi và hiến dâng về biển cả của loài cát bụi?! Dường như nép mình dưới câu chữ là dòng chảy của những tháng ngày cơ cực, là dòng chảy của những dáng dấp, gương mặt thân quen, là dòng chảy của những sợi tóc nhuốm màu thời gian, nhân tình là dòng trôi của căn phận phù sa?!
Ngày mẹ về với cô đơn và sóng
Va đập nỗi đau biển lộng thác gào
Quê nội buồn thiu trăn trở
Lũ trẻ chăn bò ngơ ngác đồng dao
Sự nung nén cảm xúc, sự hong khô nỗi buồn trên câu chữ vẫn không giấu được cảm giác vỡ oà của tứ thơ, của dòng ý niệm bùng toả. Hình ảnh người mẹ đón nhận nỗi cô đơn, đón nhận nỗi đau biển lộng thác gào trước cuộc áo cơm nhì nhằng điêu linh va đập, hình ảnh quê nội buồn thiu và lũ trẻ chăn bò ngơ ngác đồng dao như một thứ men ngấm ngầm cay, ngấm ngầm làm chảy nước mắt, ngấm ngầm cào xé, ngấm ngầm lưu chất nỗi buồn và tình yêu - một tình yêu được ủ ấm bởi niềm trăn trở ... để rồi oà vỡ trong câu chuyện đời tư.
Mấy mươi năm sim chín Bằng Sim
Cỏ ướt mưa giăng mắt ngút
Con cá rô quẫy mùa nước lụt
Lượm trái ầu ơ ... chim nhớ bãi đồng
Quê nội chừ
         ai hát
              ở bên sông.
Mấy mươi năm? Hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm, một đời người? cũng có thể là vậy! nhưng cũng có thể mấy mươi năm chỉ là con số khế ước tâm linh. Con số ấy chảy dài theo đời người, loang toả khắp bãi biền, đồi nương giữa tâm hồn, ươm mùa sim chín mọng mùa ký ức; màu của quạnh quẽ ao đồng, nguồn trôi nước lũ, cá rô quẫy đuôi, tuổi thơ quẫy đập cánh chim nghe lời ru hiển hiện tái rụng ven đường ... Thương nhớ miền quê xa xôi ... Miền tâm trạng!
Có thể nói, bằng lối viết mộc mạc, dung dị, đậm chất tự sự, không cố gắng lắc léo thủ pháp để làm mới áo chữ nghĩa. Viết thư là trò chuyện, một kiểu trò chuyện với chính mình trên cấu trúc dẫn chuyện có nhạc tính và giàu chất suy tư để làm nên cái duyên của Quê ơi. Chính điều này đã vô hình trung tạo chỗ đứng trong lòng người đọc. Có chỗ đứng bởi mỗi người đều có riêng mình một miền quê. Một miền quê vừa thân thương, cũ kỹ, quạnh quẽ, vừa xa ngái, nồng nàn hơi thở đương đại và thấm đẫm nỗi nhân sinh. Đã có một miền quê như vậy trong ký ức mỗi người!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét