Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

CÁI ĐẸP CỦA GIẤC MƠ VÀ TỰ DO

                                       Huỳnh Minh Tâm

Cuộc sống của mỗi người riêng biệt kỳ lạ, tuyệt vời đến mức chúng ta  ngỡ đã hiểu, đã đào sâu, sâu đến mức…dường như chúng ta lại biết rất ít về đối tượng- chính ta hoặc những người thân yêu, gần gũi, và chính đây là cội nguồn của thi ca ?  Thi ca kết duyên với cái chưa biết, khó dò, những giấc mơ và tự do. “Lưng chừng nắng với mênh mông/ lặng im sông chảy mà không nói gì/ hình như lau cũng gầy đi/ lơ thơ tóc muối người đi sông buồn/ tháng năm chớp bể mưa nguồn/ mây còn trắng để trời buông nắng ngàn” (Bài lục bát gửi sông). 

Đọc thơ nguyễn Hải Triều là đọc, là thọc, là vén những giấc mơ ngọt ngào và đắng đót, mơ mộng và chân thực của một tâm hồn đa cảm, đa đoan, nhưng cũng vô cùng gây cấn, gây hấn. Chính vậy nên thơ anh đầy đặn, tràn trề tựa dòng sông Vu Gia của quê hương anh chảy suốt bốn mùa không ngừng nghỉ, không khô cạn, chảy như một lẽ hiển nhiên, chảy cho đỏ au phù sa, chảy cho lên xuân hai bờ cây trái. “Buồng cau đỏ mắt/ đợi người/ lơ thơ thốt/ tiếng trái rơi/ động hồ…” (Quán chiều). “Dễ chi đâu năm lần bảy lửa/ khi đường đời vạn nẻo gai chông/ ngoảnh bước đi về dùng dằng cố xứ/ bỏ lại mình con rong ruổi đất Sài Gòn” (Viết cho con trai) - chất giọng cổ điển nhưng tình thơ có lửa.
Nét đẹp tự do trong thơ Nguyễn Hải Triều là nét đẹp của cách nói, cách nhìn cuộc đời của anh ( cũng là đời sống thường nhật của anh vậy). Dường như anh “ít ý tứ”, ít “nói vòng vo”, mà bập ngay vào sự kiện, bỗ bã, đã đời : “Chếnh choáng với đời đôi chén rượu/ ta còn lưng túi mấy câu thơ/ nợ áo cơm đi cầm bớt tuổi/ nên tóc xanh sớm bạc đến bây giờ” (Chùm thơ bốn câu 7). Hai câu cuối “ nở” một hình ảnh đẹp, cách tư duy “ hóm”, có chất “tráng sĩ hề”, gợi một chút “phong trần” của thơ Quang Dũng. Cảm thức này còn trải dài trên hành trình thơ của anh, ở cái linh diệu óng ánh của một khổ thơ hay : “Lúng liếng mắt cười trẻ mành đỏ/ nhạc rung hồn lãng phách lưng trời/ ai ủ ngày lên gót hài chinh chiến/ Ghé quán bên đường “mùa em thơm nếp xôi” (Qua Mai Châu nhớ Quang Dũng). Các từ ngữ “ lúng liếng”, “ trẻ mành”,“lãng phách”, “ủ ngày” đã tạo dựng nên một bức phá trong thơ anh.
Những ký ức của Nguyễn Hải Triều vô cùng rạng rỡ, thế nên lục bát của anh chín đằm, thắm thiết (dẫu có ray rứt xiết bao cũng là xiết bao thắm thiết!). Khi đọc tập “Lời ru lá cỏ” này, tôi hy vọng bạn đọc cũng rất ấn tượng với lục bát của anh đẫm luyến láy, hình tượng gần gũi ca dao. “Em về tơ tưởng mùa sang/ đìu hiu sương khói ngỡ ngàng thu xưa/ ừ thôi để ướt cơn mưa/ ướt câu lục bát trắng mùa đợi trông” (Lục bát nhớ). Rồi gặp những giấc mơ ngổn ngang (ngảng ngôn mà rạo rực).“Ngược sông về gặp chiêm bao/ nợ nần chi nữa giấu vào đa mang/ câu thơ gửi cánh chim ngàn/ yêu thương khéo bọc ngổn ngang tình đời” (Chuyện xưa).
Bài viết ngắn này không có tham vọng khai mở một nghìn cánh cửa để đi vào một ngôi đền thơ, mà chỉ xem là những khắc họa ít ỏi, những dấu ấn của riêng tư người viết, như vài ngọn gió thoảng qua vòm lá xanh tươi, vỡ tung vài giọt sương sớm. “Lời ru lá cỏ” vẫn miên man đâu đấy, lất phất đâu kia, những dòng thơ vẫn lấp lánh chờ người yêu thơ hòa điệu thổi gió về cuộc sống giàu cái đẹp.

                                    Đại Lộc, ngày 14 tháng 2 năm 2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét