Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

TẾT QUÊ

                                                               Tản văn Nguyễn Hải Triều
                                 "Dù ai buồn khổ tới đâu
                                  Trong ba ngày tết giải sầu làm vui..."
                                                             (Ca dao)
Khi những cơn mưa dai dẳng cuối mùa không còn làm tình làm tội trên  vùng đất sương sa, nắng bụi, mưa bùn của quê tôi. Khi ngọn gió tàn đông se se lạnh bắt đầu trở giấc giao mùa. Thời vụ cũng đã xong xuôi, chồi xanh mạ non trên đồng nhú đọng giọt sương buổi sớm. Màu nắng vàng ươm rực những tia vui trong mắt người lớn khi đã tạm qua đi những lo toan đời thường cơm áo; rực sáng trong mắt trẻ thơ hồn nhiên say mê tô vẽ khung trời thần tiên... tất cả gợi lên bao háo hức về một mùa Xuân thắm tươi hoa trái, niềm vui, hạnh phúc dâng tràn... Như một điều hiển nhiên, chẳng ai bảo ai, già trẻ gái trai quê tôi, họ gác lại bao bận rộn nông tang cố hữu và bắt đầu nghĩ đến những công việc tới, chuẩn bị cho đón tết Nguyên đán đầu năm.

Trong tâm thức họ, từ bao đời nay, đầu năm là sự hội tụ, giao thoa giữa đất trời, con người với vạn vật, thần linh... nên rất thiêng liêng. Sự cộng cảm lan toả trong từng ngóc ngách tâm hồn. Từ đó, việc tổ chức đón tết trong mỗi gia đình tất thảy phải có sự chuẩn bị công phu và rất sớm.
Người ta quan niệm đầu năm cái gì cũng mới. Trước tiên là phải sửa sang lại nhà cửa cho sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Nhà gạch thì quét vôi mới. Lau chùi đồ đạc, vật dụng trong nhà như bàn, ghế, tủ, giường...cho mới. Trang trí lại bàn thờ. Đèn đồng, lư hương được đánh bóng sáng trưng. Mọi gia đình đều lo  mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ trong ba ngày tết. Lũ trẻ háo hức khoe với nhau những bộ quần áo mới may. Nhà nào có trâu bò thì lo đi cắt cỏ dự trữ để những ngày tết khỏi bận rộn việc chăn dắt. Không khí chuẩn bị đón tết thật náo nhiệt, hân hoan.
Trước hết nói về hoa trái ngày mùa: Vốn là vùng đất thuần nông. Cuộc sống lam lũ. Nhà cửa vườn tược đều theo một nếp quê với phương châm "cây nhà lá vườn" tự cung tự cấp. Vườn ở quê tôi ngày ấy ngoài hoa lợi quanh năm, trái chín đầy cành rau xanh mượt luống. Thường nhà ai cũng trồng ít nhất một cây mai để làm cảnh và trang trí vào dịp tết. Có nhiều cây mai già cội đến gần trăm tuổi mà vẫn cứ ra hoa đều đặn mỗi dịp xuân về. Người ta chăm sóc những cây mai thật công phu; tính ngày suốt lá để đúng vào dịp tết thì hoa nở rộ vàng. Ngày tết, nhà nào cũng có một cành mai trang trí đặt cạnh bàn tiếp khách. Mai vàng trong nhà, trong vườn, hoa cải vàng trước sân, cúc vàng trong các chậu sứ ở hiên nhà, ...cùng các loài hoa khác thi nhau đua nở thăng hoa ngày tết ở quê tôi trong nắng vàng rực mùa xuân.
Trước đó nhiều tháng, nhà nào cũng chuẩn bị tự nuôi cho gia đình mình một con heo cỏ, (còn gọi là heo lang hoặc heo ta). Nếu nghèo khó thì có thể hai, ba, bốn nhà chung "đậu đùi" một con. Heo cỏ không to nhưng thịt nhiều nạc và rất ngọt. Khi xào nấu thành các món ăn thơm phưng phức, ăn miếng nhớ đời. Vào khoảng hai mươi tám tháng Chạp, ngay từ buổi sáng sớm, người ta đã nghe rộ lên tiếng heo kêu eng éc vang động cả một góc quê. Rồi tiếng người đi lại nói cười râm ran làng trên xóm dưới . Nhà nào cũng làm thịt heo để cúng tất niên và rước ông bà. Đây là tập quán không thể thiếu ở quê tôi cho đến bây giờ. Thịt heo làm xong, người ta lấy đầu và nọng heo đem luộc cùng với mỗi bộ phận cơ thể con heo một miếng tượng trưng, sau đó cho lên mâm lễ cùng với hoa, quả, cây trái để cúng tạ trời đất, thánh thần, thổ địa... đã phù hộ cho gia đình được một năm mưa thuận gió hoà. Thịt heo còn lại được cắt rả ra từng khổ lớn, ướp gia vị, sau đó lấy mo cau khô bó lại thật chặt đem treo đầu giàn bếp, hoặc muối vào trong các hủ sành, cùng với các thức khác như cá, gà, vịt, bánh trái để tiếp khách và ăn dần trong những ngày tết, có khi ra Giêng, Hai.
Vào sáng ngày hai mươi chín hoặc ba mươi tháng Chạp, mọi nhà đều làm lễ cúng rước ông bà về cùng ăn tết trong gia đình. Đây là một tập quán thể hiện sự tôn kính cội nguồn, xoá đi khoảng cách giữa người sống và người đã khuất, thể hiện đạo hiếu nghĩa của cháu con, làm phong phú đời sống tâm linh. Sau ba ngày tết, đến sáng hoặc chiều mồng bốn tháng Giêng, từng nhà mới làm mâm cơm cúng đưa ông bà. Có nhiều gia đình tương đối khấm khá, người ta còn "giữ chân" tổ tiên lại đến mồng chín hoặc mồng mười.
Ngoài việc chuẩn bị hoa trái, thịt, cá cho ngày tết; các món khác như bánh, mứt cũng là thành phần hết sức quan trọng cho việc ăn tết ở quê tôi. Từ những ngày cuối tháng Chạp, trong nhà, ngoài vườn, hoặc dọc trên các con đường làng, người ta nhóm rất nhiều bếp lửa lưu động để rang nếp vỏ, nếp gạo làm bánh nổ, bánh in... năm bảy nhà rang chung một bếp, mùi thơm lừng cả xóm cả thôn, tiếng nổ lốp bốp nghe đến vui tai làm cho lòng người thêm rạo rực nghĩ về những ngày tết ấm cúng.
Nhân đây, xin kể lại một chi tiết khá thú vị: không biết là từ bao giờ, quê tôi lại có tập quán chưng cây chuối sứ con trên bàn thờ của những người phụ nữ vừa qua đời và trên bàn thờ tổ tiên trong ngày tết như một loại cây cảnh. Hồi còn nhỏ, có lần tôi thắc mắc thì được ông nội giải thích rằng cây chuối sứ là biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng. Chuối sứ khi trổ buồng, bắp của nó cong quắp vào thân, như mắt của người mẹ nhìn xuống đàn con nhỏ. Những giống chuối khác không có như vậy. Cây chuối sứ khi trồng chậm ra buồng nhưng lại rất kinh tế: Chuối con, bắp chuối sau lúc đã trổ hết buồng và kể cả trái chuối khi còn non thì được người ta xắt mỏng ăn sống với rau xanh; thân chuối làm thức ăn cho heo; buồng chuối chín phơi khô dầm rượu chữa bệnh đau lưng; lá chuối dùng để gói các loại bánh nếp trong ngày tết. Có phải đó cũng là lý do mà từ lâu quê tôi người ta trồng rất nhiều chuối sứ? 
Những ngày giáp tết, mọi người thay nhau đi đốn lá chuối sứ ngoài vườn trải dọc các ngõ làng hay trong sân nhà. Cùng với lá dong  khi phơi héo đi cho khỏi rách để gói các loại bánh làm bằng gạo nếp như: bánh tét, bánh rò, bánh ú, bánh ít, bánh tổ...thôi thì đủ các loại bánh, tuỳ theo khả năng kinh tế của từng gia đình mà làm nhiều hay ít, nhưng nhà nào cũng có. Nhà này gói bánh thì cả xóm cùng tập trung lại để gói cho nhanh, sau đó lại đi sang nhà khác, cứ thế cho đến bao giờ xong hết cả xóm mới thôi. Người lớn ngồi gói bánh, râm ran kể chuyện xóm làng, kinh nghiệm sống, thời vụ mùa màng, việc đón tết và bao chuyện trên nguồn dưới biển... đôi khi ngẫu hứng, còn hát hò khoan đối đáp nghe thật vui tai. Lũ trẻ con chúng tôi khi ấy cũng làm ra vẻ bận rộn không kém. Nào rủ nhau lấy cọng chuối sứ ghép thành các khẩu súng liên thanh, cỡi ngựa tàu cau chia phe đánh trận giả. Rồi lăng xăng vô nơi người lớn đang gói bánh, bốc chỗ này tí nếp, chỗ kia chút nhưn đậu xanh, thịt mỡ để tự gói cho mình những chiếc bánh ú, bánh rò... méo mó, ngộ nghĩnh với ý định là sẽ gởi vào nồi bánh của mẹ nấu trong đêm giao thừa đón tết.
Tôi nhớ có những lần, trong đêm giao thừa, các thành viên trong gia đình vây quanh bếp lửa hồng. Không gian yên ả, ấm cúng. Nồi bánh tết đang nấu nước sôi sùng sục, toả nhiệt âm ấm làm giảm đi không khí se lạnh của đêm tàn đông. Ông tôi ngồi trên bàn sắp xếp giấy mực để viết câu đối tết. Cha tôi sửa sang lại bàn thờ, đốt hương đèn chuẩn bị đón giao thừa. Mẹ tôi và các em bên nồi bánh. Tôi vừa mài mực cho ông, vừa lo để ý thử mấy chiếc bánh ú mình tự gói khi chiều gởi mẹ cho vào nồi đã chín chưa? Không gian đầm ấm đến lạ kỳ. Rồi thời khắc giao thừa đến. Mọi người vào bàn thờ thắp hương khấn vái ông bà, giải bày những ao ước đầu năm, mong được phù hộ cho khoẻ mạnh, bình yên. Anh em chúng tôi đến mừng tuổi ông nội, mừng tuổi cha mẹ và được nhận những bao tiền mới lì xì. Mọi người nói với nhau bằng những lời chúc tốt đẹp.
Quê tôi cho đến bây giờ vẫn còn tục lệ xông đất. Nhiều gia đình vẫn còn tin rằng người nào hợp tuổi vào nhà sáng mồng một thì cả năm gia đình ấy sẽ làm ăn phát đạt. Còn nếu người vào nhà đầu tiên nặng vía thì năm ấy họ làm ăn chẳng ra chi. Mẹ dặn chúng tôi không được đến sớm nhà hàng xóm cũng vì quan niệm ấy.
Tờ mờ sáng mồng một, việc trước tiên là nhà nào cũng có nhiều người vào núi để thắp hương phần mộ ông bà. Dọc những nghĩa trang ven đồi đông vui và rực rỡ sắc màu tết nhứt. Có người ở tận dưới phố cũng chạy xe máy chở con cái về quê viếng mộ ông bà. Tiếng gọi nhau, cười nói, chào hỏi, chúc tụng, rôm rả, náo nhiệt thật vui vẻ. Sau đó thì lũ lượt kéo nhau về làng để thăm viếng, chúc tết xóm giềng, bà con họ hàng và tham gia các trò vui chơi ngày tết.
Năm nào cũng vậy, cứ đến tết là làng tôi tổ chức bài chòi ở sân nhà Hội. Ai cũng ham đến chơi để nghe ông hiệu hô hát, nhiều khi chơi cả ngày mà không biết chán, nên từ xưa đã có câu ca: "Rủ nhau xem hát bài chòi, để cho con khóc đến lòi rún ra...".
Không khí nhộn nhịp kéo dài suốt từ mồng một đến mồng ba, mồng bốn tết. Rồi đến cả mồng chín, mồng mười bằng những cuộc đua ghe, xem hát bội, hát dân ca hay các giải thể thao, văn nghệ nồng ấm tình làng nghĩa xóm; trước khi bắt đầu vào những công việc mùa màng nặng nhọc của một năm tiếp theo.
Đã lâu rồi. Có lẽ từ khi đời sống người dân ở quê tôi được khấm khá hơn lên nhờ xu thế đô thị hóa nông thôn. Đường bê tông thẳng băng, láng bóng từ làng trên ngõ dưới. Nhà xây nhiều tầng, xe đời mới xênh xang...Mỗi lần tết đến, nếu muốn bánh trái thịt thà... chỉ cần bỏ tiền ra mua ở chợ là bao nhiêu cũng có. Dần dần người ta quên đi cái nếp quê đầm ấm, dân dã thấm đẫm tình làng nghĩa xóm xưa kia mỗi bận xuân về.
Đâu rồi những mùa tết cũ?!.
                          Cuối đông 2009.

                                                                N.H.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét