Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

GIẤC MƠ ĐỜI BẤT TẬN VÀ BÓNG DÁNG KHÓI RẠ MÙA GIÓ NỔI

                     Liêu Thái


             KHÓI
            Nguyễn Hải Triều

Những sợi khói nấp sau giấc mơ
bay dọc cánh đồng ký ức
sợi khói lấm lem
thơm mùi rơm khô cỏ mục
em ra đồng bàn chân xướt gió lá non…


Ruộng bãi chiêm bao
loanh quanh thả sợi nắng vàng
xa xăm em với ngày xưa cũ
cha gánh nhọc nhằn lội qua mưa bão
mẹ gieo ngọt ngào
tìm mùa ngậm sữa chờ sương.

Bến có đợi  người
ai nợ mấy mùa trăng?
nỗi nhớ còn không
những chú trâu già tuổi buồn như đất?
ngày mùa đi khuất theo bụi cát
để tôi tìm về gọi em chim Sẻ chim Sâu!…

Tiếng nghé ơ… cọ mây gió bạc đầu
khói rạ đồng chiều lơ ngơ cò trắng
bay qua mùa tôi qua tận cùng năm tháng
cay mắt xa xăm
mỏi ngày
đợi chín giấc mơ quê!

     Đọc thơ Nguyễn Hải Triều, bập vào người đọc cái cảm giác từ đầu tiên mịt mùng khởi sự ngu ngơ đến thanh tân tố mệnh lạnh lùng chung cục cà rem tan, hà rầm gió bụi muộn màng… dạ thưa…! Đọc kiểu gì, bắt đầu từ đâu cũng thấy cái chất quê mùa ngai ngái khói rạ đồng quê, cái lơ mơ của một kẻ hành giả ngồi chiêm nghiệm cùng giấc mơ đời bất tận trong buổi hoàng hôn thế sự, trong buổi lập thể ngôn lời xa xăm ký ức…
Những sợi khói nấp sau giấc mơ
bay dọc cánh đồng ký ức
sợi khói lấm lem
thơm mùi rơm khô cỏ mục
em ra đồng bàn chân xướt gió lá non…
Đã nhiều lần, không biết rủi hay may, hên hay xui nhưng cứ đọc vào thơ anh, tôi liền bắt gặp ngay hình ảnh khói rạ, cánh cò, cỏ mục, triền sông quê, mùi thơm cỏ mục, lá non… Những hình ảnh ấy, trong một nghĩa nào đó, xét theo góc độ phân tâm học, nó là vết cứa tâm hồn, là dấu khảm của tâm linh, vết rạn trải nhiệm tuổi thơ mà ở đó, nếu trải nghiệm ấy kết hợp với chủng tử riêng trong một cơ địa trong lành, nó sẽ cô đọng thành thi ca, nếu ngược lại, đó sẽ là hiện thân của dã tâm và man rợ… Rất may, vết cứa nơi linh thức Nguyễn Hải Triều là một vết lành tính, nó nghiễm nhiên hóa hiện thành thơ. Và, không những thơ thuần túy chợt đến chợt đi mà đó là thơ xuyên suốt, bền bỉ, ám ngộn tuổi đời và thời gian.
Ruộng bãi chiêm bao
loanh quanh thả sợi nắng vàng
xa xăm em với ngày xưa cũ
cha gánh nhọc nhằn lội qua mưa bão
mẹ gieo ngọt ngào
tìm mùa ngậm sữa chờ sương.
     Thi ca, sự chín muồi và độ căng nội hàm của chữ, dù nói như thế nào, nó vẫn phụ thuộc vào nội năng và trải nghiệm cá nhân. Trong trường hợp nôi năng sung mãn nhưng thiếu trải nghiệm, tác phẩm sẽ xuất hiện sự bứt phá thái quá, náo động, thậm chí hoang tưởng về giá trị cá thể, rơi vào ảo tưởng thiên tài… Và ngược lại, trải nghiệm sâu sắc, có độ chín về thời gian trong cuộc chơi chữ nghĩa nhưng thiếu nội năng, sẽ dẫn đến sự sáo mòn, trống rỗng và lặp lại, lối mòn vô thức… Trong một trường hợp khác, độ chín trải nghiệm và nội năng đủ để bùng vỡ, qua thời gian, câu chữ sẽ chín và cái nhìn nội tâm sẽ phát sáng theo chiều kích đốn ngộ của Thiền tông hoặc mặc khải của sáng thế giáo. Và theo chiều hướng này, cách nhìn cuộc đời mỗi lúc trở nên lung linh, huyền ảo, ẩn mật dựa trên ngôn ngữ đậm chất siêu thực và hoang ám chiêm bao. Một giấc chiêm bao đã quay về với xa xăm em với ngày xưa cũ/ cha gánh nhọc nhằn lội qua mưa bão/ mẹ gieo ngọt ngào/ tìm mùa ngậm sữa chờ sương… Nơi ruộng bãi chiêm bao…!
               Bến có đợi  người
               ai nợ mấy mùa trăng?
              nỗi nhớ còn không
những chú trâu già tuổi buồn như đất?
ngày mùa đi khuất theo bụi cát
để tôi tìm về gọi em chim Sẻ chim Sâu!…
      Cũng trên cảm thức này, căn cội, khởi sơ của tâm linh được định vị bởi một dấu ấn nào đó trong vô thức và trong quá trình phát sáng của huệ năng, những biểu tượng được “lập trình”  tuổi thơ sẽ dần dần quay về một cách không định dạng. Những dấu ấn này sẽ ám ảnh người nghệ sĩ cho đến lúc nhắm mắt, tắt thở… Và, trong quá trình sống, lập ngôn, nó hiện hữu như một ấn chứng định mệnh,bến đợi, nỗi nhớ, nẻo bụi cát và những em chim Sẻ, chim Sâu… là hiện thân của dấu ấn tuổi thơ, của buổi nguyên sơ đón nhận những hình hài cuộc đời ban cho, để rồi đeo mang, nâng niu, hờn giận, thương yêu, vui buồn hạnh ngộ cùng nó qua từng bước thăng trầm trên mặt đất hoang vu mà cà chớn đáng yêu này!
Tiếng nghé ơ… cọ mây gió bạc đầu
khói rạ đồng chiều lơ ngơ cò trắng
bay qua mùa tôi qua tận cùng năm tháng
cay mắt xa xăm
mỏi ngày
đợi chín giấc mơ quê!

     Âm thanh và hình ảnh, đâu là cái có trước? Với thi ca, cách đặt câu hỏi như vậy sẽ rơi vào hai trạng thái: khùng hoặc không biết gì về thơ. Nhưng nghiệt nỗi những câu thơ giá trị thường cho người đọc câu hỏi này. Bởi thứ âm thanh ẩn náu trong dòng phức cảm từ cứ luôn thách đố cả người viết và người đọc về sự hiện hữu, chẳng khác nào một công án Thiền. Nhưng bất khả tư nghì, hỏi để mà hỏi, khùng để mà khùng và trả lời để mà không trả lời gì cả, mặc dù nó vẫn đề huể bất khả giấu giếm.

      Tiếng nghé ơ đầy mộng mị chiêm bao cọ mây bạc đầu trong buổi đồng chiều khói rạ lơ ngơ cò trắng bay qua mùa tôi qua tận cùng năm tháng cứ như một câu hỏi Nhân Sư truyền thuyết thách đố người nghệ sĩ tìm và tìm, tìm cái gì, tìm điều gì thì không rõ, nhưng càng nghe, càng cảm lại càng muốn tìm, tìm vào tận cốt tủy của mình nhưng bất khả giải và chung cục bằng con mắt cay nhìn về xa xăm, mỏi thời gian – mỏi ngày đợi chín giấc mơ quê.

      Đến đây, ngườii đọc lại thêm một câu hỏi khác: Giấc mơ quê là giấc mơ gì? Có giấc mơ quê ắt hẳn có giấc mơ thành phố? Và có cả giấc mơ ngoại ô? Thưa là có, nhưng nó như thế nào, giống và khác những giấc mơ kia như thế nào, thì hãy để cho chính nó trả lời với nó. Nó sẽ chẳng bao giờ trả lời thật thà với ngay cả chính nó đấy. Bởi nó đang đợi… chín!
       Thưa rằng nói nữa là sai!(*)
       Đọc thơ Nguyễn Hải Triều, dù đứng trên phương diện nào, cũng có thể nói rằng, mình đã bắt gặp một thi sĩ rất quê mùa, nhưng là một kiểu anh nhà quê ưa chải tóc, ưa xức một tí nước hoa để chạy ra cổng làng gặp mấy chị em thôn làng mà liếc mắt, đưa mày mấy cái rồi lại quay về nằm ngắm trăng mà ngẫm nghĩ sự đời. Một sự đời thơm mùi khói rạ, mân mấn hoàng hôn và rầm rì điệu chảy của sông. Một dòng sông chảy qua linh hồn mùa gió chướng cùng những cánh buồm thoắt ẩn thoắt hiện trong khói trời mênh mông… giữa tâm hồn thi sĩ!
      Chú thích: (*) Trích câu thơ trong thi phẩm Chào nguyên xuân của cố thi sĩ Bùi Giáng: Thưa rằng nói nữa là sai/ Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét