Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

VẪN MỘT GÃ RƠM RẠ MÙA THAO THỨC GIÓ THỜI GIAN

                                       Trần Văn 

          Ngọn gió ký ức thổi vào thân phận thổi vào thời gian
          Khói rạ  tháng bảy tháng ba mờ cay mắt nắng
          Đường ra bến sông xiêu vẹo những mái nhà
          Cơn mưa giông và câu đồng dao cong vòng nhớ quên ... 
          Tôi về  rồng rắn khúc hát mình với ta
          Lở  bồi đời sông. Đêm bờ  xa sậy lau cởi trần bão táp

          Thương sóng lênh đênh sinh ra chịu đời xô  lệch
          Em mộng du qua vàng bóng trăng xưa qua những nỗi niềm... 
          Hư  thực một đời biền bãi  bóng chim
          Mùa cũng đã xưa đỏ màu quay quắt
          Cỏ  non xanh trắng cánh diều câu thơ  vừa nhặt
          Em thơm phức hương chiều tím nõn hoàng hôn 
          Tôi trở  về cùng tôi dại khôn
          Gặp trò  chơi trốn tìm ụ rơm sau nhà  tiếng cười giòn tan cơn gió
          Ngóc ngách những lối mòn lặng câm sương khói
          Rối bời chân dung em suối tóc chảy phiêu bồng 
          Sẽ  là năm cùng tháng tận trời  đất cội nguồn
          Của giấc mơ  đêm trăng tròn cỏ xanh và  cát bụi 
          Long lanh hạt sương mai tiếng gà  trưa vọng vào đá núi
          Tôi với bây giờ  ôm câu mẹ...
                                                          quê ơi! ...
           
                                                                       Tháng 7.2009 
          (Trở  về - Nguyễn Hải Triều)
 
Tôi đọc thơ  của anh cũng nhiều, viết về anh đôi lần, và  có thể nói lần nào tôi cũng cố gắng tìm ra một nét gì đó mới trong thơ anh. Đương nhiên là mỗi bài thơ đều có mạch cảm xúc riêng, có phức cảm, đề tài, góc nhìn riêng biệt, không giống nhau. Duy, chỉ có điều người thơ trong anh thì chưa có gì thay đổi, mặc dù đôi khi bắt gặp những bài thơ có cấu trúc mới, mang hơi hướm Hậu hiện đại, mang dáng dấp Tân hình thức... Nhưng đó chỉ là lớp vỏ ngôn ngữ khoác lên một tâm hồn nặng với mùi khói rạ, nặng với mùi đất đồng, hương lúa hương cau hương bưởi hương nhài... Đôi khi, tôi phải bật cười vì nhận ra rằng anh có duyên với dòng thơ đồng quê, dòng thơ trữ tình, đụng đến đồng quê và trữ tình thì thơ anh mới thoát xác, mới tròn trịa, bay bổng, không bị gượng gạo. Một tâm hồn của lục bát, trữ tình như anh mà làm thơ theo dòng Tân hình thức chẳng khác nào một gã nhà quê chân lấm tay bùn, mặt đen nhẻm, rắn chắc, vạm vỡ, u nần lại chơi một bộ áo quần hip hop, giày bảy màu đèn chớp nháy, nón lua tua, gương đen, ống quần cắt lõm chõm lòi da... Và có lẽ chính vì vậy mà tôi luôn yêu mến nét mộc, đồng dã trong thơ anh. Trở về - bài thơ được sáng tác theo thể tự do (dòng Hiện đại chứ không phải Hậu hiện đại, thể loại Tự do chứ không phải Tân hình thức!) vào tháng 7 năm 2009 - sau một quá trình dài chạy đuổi bắt với cái mới. Bài thơ như một thông điệp trở về với chính người thơ, trở về với chính hệ luỵ thơ đã ăn lặm vào máu thịt mình.  
          Ngọn gió  ký ức thổi vào thân phận thổi vào thời gian
          Khói rạ  tháng bảy tháng ba mờ cay mắt nắng
          Đường ra bến sông xiêu vẹo những mái nhà
          Cơn mưa giông và  câu đồng dao cong vòng nhớ  quên ... 
Vẫn những hình ảnh ngọn gió kí ức, khói rạ tháng bảy, đường ra bến sông, câu đồng dao cong vòng nhớ quên... Nhưng câu thơ lại thấy mới. Mới vì nỗi buồn chỉ có tên gọi chung nhưng không có nỗi buồn nào giống nỗi buồn nào, nếu như những bài thơ trước chứa chất tâm hồn của một đứa trẻ nhớ quê nội xa ngái, nhớ những bữa cơm đạm bạc, nhớ cái nghèo thấm thía thịt da, nhớ cánh đồng len mùa đường cày úp mặt... thì bây giờ nỗi buồn đã đi xa hơn, đi từ chủ thể đến tha nhân, đi từ chút riêng đến cộng đồng, đến những căn phận đôi khi làm ta phải bật thốt: "khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu!"* - đường ra bến sông xiêu vẹo những mái nhà... Những ai từng sống với thiên tai, bão lũ, từng nếm cảnh màn trời chiếu đất, từng chứng kiến nỗi mất mát sẽ thấm hơn khi đọc câu này. Và sẽ thấy cuộc đời đáng sống, đáng yêu biết nhường bao! 
          Hư  thực một đời biền bãi bóng chim
          Mùa cũng đã xưa đỏ màu quay quắt
          Cỏ  non xanh trắng cánh diều câu thơ  vừa nhặt
          Em thơm phức hương chiều tím nõn hoàng hôn 
Cái huyễn ngã, cái phù du trong cuộc chơi sinh tồn được anh phác hoạ bằng gam màu đa phức, nóng - lạnh, rực - liễm... và sắc độ gấp khúc. Bức tranh đa chiều kích của khổ thơ lột tả nỗi hư thực của kí ức xanh non, của tình yêu thuần khiết lại có độ giật và tính kịch khiến cho người đọc bắt gặp cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối một hoài niệm xa xôi nào đấy đã mất dấu theo thời gian. Có một tình yêu, một thiên đường vừa tan biến sau một giấc mơ... em thơm phức hương chiều tím nõn hoàng hôn.  
          Tôi trở  về cùng tôi dại khôn
          Gặp trò  chơi trốn tìm ụ rơm sau nhà  tiếng cười giòn tan cơn gió
          Ngóc ngách những lối mòn lặng câm sương khói
          Rối bời chân dung em suối tóc chảy phiêu bồng
 
Sống là một cuộc chơi với dại - khôn, được -  mất, sáng suốt - mù loà... Và trên bước đường hoạn lộ, trong cuộc dấn áo cơm, trong trò  chơi tình, những thắng thua, được mất luôn đeo đẳng, qui con người vào ẩn số của trái bóng lăn tròn. Vấn đề là thái độ của người trong cuộc, ở đây người đọc lại bắt gặp một cái nhìn anh nhi, một chút hờn mát của hài nhi tóc bạc - tôi trở về cùng tôi dại khôn - nghe có vẻ oán trách lắm, giận lắm! Nhưng trong chốc lát thôi đã bắt gặp trò chơi trốn tìm ụ rơm sau nhà tiếng cười giòn tan cơn gió... Nhưng rồi lại chỉ trong thoáng chốc vài sát na sau đã gặp... rối bời chân dung em suối tóc chảy phiêu bồng. Có thể nói rằng gã rơm rạ mùa này khá ư nhạy cảm, nội tâm của anh ta luôn mâu thuẫn, dằn vặt, trăn trở, trối yêu và chịu đau! 
          Sẽ  là năm cùng tháng tận trời  đất cội nguồn
          Của giấc mơ  đêm trăng tròn cỏ xanh và  cát bụi 
          Long lanh hạt sương mai tiếng gà  trưa vọng vào đá núi
          Tôi với bây giờ  ôm câu mẹ...
                                                          quê ơi! ... 
Khổ cuối của bài thơ thể hiện khá rõ nét tính nghịch ngợm trong ngôn ngữ, trong lựa chọn kĩ thuật lập ngôn của anh. Tứ thơ của Nguyễn Hải Triều phần lớn không hát triển thuận chiều, tròn trịa mà thường là "đá giò lái" quay ngược một trăm tám mươi độ. Nếu như ở câu đầu của khổ đầu, người đọc bắt gặp lời bạch thoại, dẫn nhập về một chân trời kí ức thì câu đầu của khổ cuối lại mang tính triết luận, phức cảm và hoài niệm bị triệt tiêu tối đa nhường phần cho cái nhìn phổ quát, cái nhìn đậm màu nhân sinh. Và cái nhìn đó được gói gém trong thứ tình cảm hết sức dung dị, mộc mạc nhưng có tính vĩnh hằng - tôi với bây giờ ôm câu mẹ... quê ơi!... Hai chữ "quê ơi!" sẽ nói thay anh, nói thay độc giả được rất nhiều! 
Có thể  nói, trong một chừng mực nào đấy, đọc thơ của một tác giả không thú vị bằng đọc đặc trưng thơ của anh ta, đọc đặc trưng cũng không thú  vị bằng đọc con người thơ, đọc con người thơ sẽ thú vị hơn nếu kết nối, hiệp thông giữa anh ta và cái đặc trưng ấy trên tinh thần nắm bắt yếu tính ngôn ngữ đã được kí thác, hoá hiện vào thơ bằng chính bản ngã và khát vọng của người nghệ sĩ. Với tôi, Nguyễn Hải Triều mãi mãi là một gã rơm rạ mùa tha thiết sống, tha thiết yêu, tha thiết đau và cả tha thiết nhận nỗi đau về mình rồi thai nghén thành những vần thơ mộc mà sâu! Và, mỗi câu thơ là một cuộc trở về. 

- Chú thích: *Kahil Gilbran.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét