Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

CÓ MỘT VÙNG ĐẤT

                                 Nguyễn Hải Triều
             
Mấy năm trước, lần đầu tiên nghe bài hát “Nhớ Vu Gia” của nhạc sĩ Huy Hùng viết về Đại Lộc, có đoạn: “Có phải không em Hà Nha mùa trẩy hội, để đôi bờ sợi nhớ sợi thương!...” . Tôi là người sống và gắn bó hơn nửa đời người với quê hương cố thổ nhưng chưa bao giờ nghe ai nói rằng Hà Nha (một địa danh thuộc xã Đại Đồng huyện Đại Lộc) hằng năm có lễ hội như trong bài hát. Tôi thầm nghĩ chắc tác giả đã nhầm chăng? Thế nhưng sau này, nhiều lần về quê nghe những người lớn tuổi kể lại, tôi mới biết được rằng, anh Huy Hùng đã đúng, không nhầm lẫn tí nào.
            Cách trung tâm huyện khoảng 10 cây số về phía tây, sát vách Động Hà Sống, một địa danh đã đi vào lịch sử, gắn với vùng Chín xã Sông Con từng là căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam thời Cần Vương; có một dải đất liên cư liên địa nằm dọc theo triền sông Vu gia thơ mộng là tên các làng: Hà Nha, Phụng Trì (tên cũ của làng Lam Phụng), Bàn Tân, rồi chạy vào Lộc phước, An Định dưới chân dãy núi xanh nhấp nhô huyền bí thuộc xã Đại Đồng. Xưa từng là miền trù phú, phồn hoa đô hội; là trung tâm buôn bán giao thương. Vùng đất của khách thương hồ xuôi ngược; nơi hàng năm, cư dân bản địa thường tổ chức lễ hội của năm làng vào mùng Sáu, mùng Bảy tháng Giêng để Cúng Truông và lễ bái miếu Bà Chúa Ngọc kéo dài đến ba ngày đêm, đông đảo khách thập phương tứ xứ về đây trẩy hội. Nơi đây còn là một trong những địa danh được cho là chiếc nôi của tuồng cổ Quảng Nam, và đặc biệt, vùng đất “địa linh” này từng sản sinh, nuôi dưỡng nhiều nhân tài kiệt xuất…
            MIỀN ĐẤT CỦA KHÁCH THƯƠNG HỒ XUÔI NGƯỢC…
            Hàng trăm năm trước, do địa thế hiểm trở, đường bộ chưa phải là huyết mạch giao thông chính nên việc đi lại, trao đổi, giao lưu giữa các vùng miền chủ yếu bằng đường thủy.  Những người già ở làng Lam Phụng nhớ lại: Thời ấy, dưới các bến dọc sông Vu Gia, thường xuyên tấp nập ghe thuyền của khách thương hồ từ tận vùng Hội An, Cửa Hàn, Vĩnh Điện ghé vào đây buôn bán. Bờ bên kia, đường lên Truông Chẹt đổ về An Chánh - Đá Mài, nơi có chợ Bến Dầu, cũng sầm uất không kém. Rẽ về phía đông là chợ Phường Đông, Phường Rạnh, Gia Cốc…trung tâm của vải vóc mỹ miều, ngựa xe tấp nập. Tất cả địa danh ấy kết nối thành những tuyến giao thương lại qua, năm này tháng nọ không ngớt người buôn kẻ bán,  làm cho khu vực Lam phụng - Hà Nha thành vùng thị tứ nhộn nhịp, đông vui.
                        Trầu nguồn ở tận sông Bung
                        Chờ cau Đại Mỹ để cùng về xuôi
            Lam Phụng trở thành bến trầu, bến trái(*) và các loại lâm sản khác như dầu rái, quế, mật ong…từ trên nguồn chở xuống. Các loại hàng hóa vải vóc, muối, dầu lửa, cá, mắm… từ phía xuôi chở lên để rồi nơi đây với cảnh sông nước hữu tình đã trở thành nơi trao đổi, hò hẹn, gặp gỡ, giao lưu của những người tứ xứ.
            TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN KỂ VỀ VÙNG ĐẤT HỘI HÈ…
            Ông Nguyễn Sáu, cư dân làng Lam Phụng cho biết, sinh thời cha ông đã từng kể cho ông nghe một câu chuyện khá thú vị, rằng:
            Trên đỉnh núi Phước Lộc – An Định hiện tại còn vết tích nhiều nền nhà, cột gỗ, mảnh vỡ của chum, ché,…được cho là nơi ở cũ của hai làng tộc người Cơ-tu từ hơn một thế kỷ trước. Họ sống trên núi cao, biệt lập; không tiếp xúc với người dưới đồng bằng. Từ chỗ không giao tiếp qua lại, nên việc hàng năm thường xảy ra những cuộc xung đột Kinh - Thượng là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân từ chuyện người Cơ-tu có tục “trả đầu”. Hằng năm, khi bắt đầu mùa rẫy, họ thường tập hợp dân làng thành từng nhóm hai, ba người. Họ mang theo vũ khí, rồi bí mật len lỏi xuống vùng núi giáp ranh các làng An Định, Phước Lộc, những nơi hiểm trở, vắng vẻ để mai phục, rồi tìm thời cơ đâm chết người. Hành sự xong, họ mang mũi lao có máu của người chết, băng rừng vượt suối chạy về làng làm lễ cúng tế trời đất (cúng Giàng), và tin rằng năm đó nương rẫy của họ sẽ được mùa. Tình thế bắt buộc cư dân các làng ven núi An Định, Hà Nha, Lam Phụng… phải thường xuyên rèn luyện võ nghệ phòng thân. Năm ấy, làng Hà Nha có người tên Võ Thạch, còn gọi là ông Thừa Tô, sức vóc hơn người lại giỏi võ. Một tay ông đã đánh lui nhiều nhóm “trả đầu” của hai làng người Thượng. Cũng chính ông, với tài trí và sự can đảm của mình, đã cảm hóa được họ. Ông đứng ra làm chủ để tộc người Cơ-tu và dân các làng An Định, Phước Lộc gặp nhau, dàn xếp mối bất hòa. Từ đó, hằng năm, cứ vào ngày mồng Bảy tháng Giêng, trong lễ hội cúng Đầu Truông, Kinh - Thượng lại như anh em một nhà, cùng uống chung ché rượu cần, cùng qua lại để trao đổi, mua bán hàng hóa. Cuộc sống êm ấm, thuận hòa kéo dài năm này tháng nọ, cho đến khi vì điều kiện địa lý, thổ nhưỡng và do theo tục du canh du cư, hai làng Cơ-tu dời đi nơi khác. Ông Võ Thạch sau này trở thành người bạn thân thiết, người đồng chí tín cẩn của chí sĩ Trần Cao Vân, những ngày Trần Cao Vân mặc áo nhà chùa, ẩn náu nơi Cổ Lâm tự, viết Trung Thiên Dịch, cùng đồng chí mưu sự cứu nước cứu nhà. Ông Võ Thạch đã gã  em gái là bà Võ Thị Quyên cho người bạn chiến đấu của mình. Những thời gian sau, với tài võ nghệ, ông trở thành trợ thủ đắc lực cho Trần Cao Vân trên con đường mưu cầu việc lớn.
            Những ngày diễn ra lễ hội Cúng Đầu Truông của các làng nơi chân núi An Định thật nhộn nhịp đông vui. Dưới sông thuyền bè tấp nập. Trên bờ,  trong các ngôi đình của năm làng, trong miếu Ngũ Hành thờ Bà Chúa Ngọc bên cạnh Suối Mơ nghi ngút khói hương, chen chân những người dân tứ xứ đến đây lễ bái, cầu lộc, cầu tài. Nghi thức tế lễ cũng khá độc đáo: Ngoài việc giết trâu bò, mổ heo làm vật hiến tế; trước đó, người ta còn chuẩn bị một loại nghi phẩm bằng những con chồn hương, chồn vòi, hoặc gà rừng còn sống và không bị thương tật. Chúng được nhốt vào trong những chiếc củi, chiếc lồng sơn phết thật đẹp để làm lễ vật cúng tế thần rừng. Cuộc tế lễ diễn ra trang trọng, thành kính. Các Hương chức trong các làng, áo dài, khăn xếp trịnh trọng. Dân làng đàn ông, trai tráng đều ăn bận chỉnh tề, có mặt ngay từ sáng sớm để phục vụ lễ hội và bái vọng thần thánh. Chiêng trống vang trời, khói hương nghi ngút, dàn nhạc bát âm ồn ả, tiếng tế lễ sang sảng một vùng núi non. Sau khi lễ tất, những linh vật tế thần được thả ra cho chúng trở về với thiên nhiên trong tiếng reo hò phấn chấn của dân làng. Sau phần lễ, mọi người lũ lượt kéo về làng mình tiếp tục tham gia hội hè, vui chơi Suốt ba ngày, cả vùng Hà Nha, An Định, Lộc phước, Lam Phụng tràn ngập trong không khí náo nhiệt, tưng bừng, khách thập phương vào ra tấp nập.
            …CHUYỆN  XEM HÁT VÀ CỔ TÍCH MỘT GÁNH TUỒNG…
            Theo lời ông Trần Hóa (**), nghệ nhân hát tuồng quê làng Hà Nha. Ông là em ruột của nghệ sĩ hát tuồng nổi tiếng Trần Bửu (Tư Bửu), người cùng một gánh tuồng với NSND Nguyễn Nho Túy (Đội Tảo), được mệnh danh là “con rồng trên sân khấu tuồng Việt nam”, kể lại: Ngày ấy, cứ đến kỳ hội hè là cả vùng Hà Nha náo nhiệt hẳn lên. Dưới sông thuyền bè tấp nập ra vào như cánh chuồn. Trên thuyền, nào là những thương khách ở xa từ miệt xuôi, trên nguồn. Họ lên bờ, xuống bãi như đô hội. Đêm đến, mờ ảo trong sương là những câu hò chèo thuyền, hò khoan mênh mang sông nước… Nhưng náo nhiệt nhất vẫn là những “Trường Hát Bội”. Ngày ấy, cứ vào dịp lễ hội, các phú hộ, địa chủ trong vùng thường bỏ tiền ra dựng rạp và rước nhiều gánh hát bội nổi tiếng về biểu diễn. Nào gánh hát của học trò Nguyễn Hiển Dĩnh ở Vĩnh Điện; gánh hát Bàu Toa trên Đại Thạnh…Những nghệ sĩ nổi tiếng như Ngô Thị Liễu, Tư Bửu, Đội Tảo… đều biểu diễn ở đây để phục vụ công chúng yêu hát bội. Những cuộc hát kéo dài hàng tháng trời, có khi gần hết cả mùa xuân. Cứ vừa chập tối là làng trên xóm dưới, người người gọi nhau í ới, đèn đuốc sáng trưng trên các ngã đường đổ về mấy trường hát ở Hà Nha, Phụng Trì. Các vở tuồng nổi tiếng như: Sơn Hậu, Ngũ hổ bình Liêu, Tiết Đinh San chinh Tây, Phàn Lê Huê, Tống Thái Tổ trảm Trịnh Ân, Lam Sơn tụ nghĩa… được các nghệ sĩ tuồng tài hoa của Đất Quảng biểu diễn, làm nức lòng người hâm mộ trên vùng đất phồn hoa đô hội một thời này.
            Cũng theo lời nghệ nhân Trần Hóa, rằng: Làng Phụng trì (Lam Phụng ngày nay), có một người phụ nữ  tên Ngô thị Liễu (còn gọi là bà Bang Nhãn), tài sắc vẹn toàn, nổi tiếng thơ phú hơn người, lại mê hát bội và hát hò khoan. Ngoài ba mươi tuổi, chồng mất sớm, bà ở góa nuôi bốn đứa con nhỏ. Thời ấy, một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết lại không chồng như bà, luôn là đích ngắm của các vị có quyền thế, chức sắc, “có tiền sinh tật” trong vùng. Không ít lần những hương, lý, chánh tổng, tri huyện sở tại đến nhà bà trổ tật bướm ong để trêu hoa, ghẹo nguyệt. Và bao nhiêu lần thì bấy nhiêu lượt bị bà dùng tài ứng đối chữ nghĩa của mình làm cho bẻ mặt “một đi không trở lại”. Từ câu chuyện lý thú về một con người có thật. Các nghệ sĩ hát bội của gánh hát tuồng Bàu Toa đã tập hợp trí tuệ, tài năng sáng tác nên tác phẩm tuồng “Nghêu Sò Ốc Hến” nổi tiếng để phục vụ công chúng. Vở tuồng đã trở thành tiếng cười của nhân dân chế giễu, đả kích bọn cường quyền thối nát  thời bấy giờ và tôn vinh những người phụ nữ biết đấu tranh vượt lên thân phận của mình. Vở tuồng “Nghêu Sò Ốc Hến” sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được các nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy, Trần Bửu, Ngô Thị Liễu…đoàn tuồng Liên khu V mang ra miền Bắc XHCN phục vụ,  được các nhà văn chuyển thể thành các tác phẩm chèo, kịch nói, phim… Vùng đất địa linh, hội hè một thời vang bóng, cũng là nơi khai sinh và nuôi dưỡng một gánh hát tuồng Bàu Toa nổi tiếng, những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng; sản sinh ra một tác phẩm văn học-nghệ thuật nổi tiếng cả nước, thật đáng tự hào lắm chứ!
            … VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BÂY GIỜ…
            Nằm trên trục đường 14B đi ngang qua Đại Lộc, thuận đường lên Bằng Am-Khe Lim, nơi đang triển khai dự án xây dựng một khu du lịch sinh thái tầm cở, với giá trị lên đến trên ngàn tỉ đồng.  Rẽ về bên kia sông là đường qua truông Chẹt đến  khu di tích Địa đạo Phú An, hồ chứa nước Khe Tân. Qua chợ Bến Dầu đến làng Cù Hanh, chiếc nôi của gánh hát Bàu Toa huyền thoại…là những điểm đến tiềm ẩn, nằm trong hệ thống du lịch Đại Lộc trong tương lai. Khu vực thị tứ Lam Phụng - An Định - Hà Nha có Suối Mơ đang là nơi được đầu tư để phát triển khu du lịch sinh thái. Nơi đây hằng năm từng có lễ hội  “Cúng Đầu Truông” và “ Bà Chúa Ngọc” vào mồng Sáu, mồng Bảy tháng Giêng thu  hút rất nhiều khách thập phương; có chùa Cổ Lâm và những câu chuyện kể về chí sĩ Trần Cao Vân. Trên vùng đất này, còn có biết bao nhiêu giai thoại lý thú về sự kiện lịch sử của quê hương và những thế hệ con người một thời vang bóng. Để kết thúc bài viết này, thiết nghĩ trong tương lai, các cơ quan, đơn vị có chức năng cần quan tâm đầu tư đúng mức để bảo lưu, gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần vốn có và phát triển thành khu du lịch phục vụ cộng đồng.
                                         Tháng 11.2011
                                                         N.H.T.
(*) Trái loòng boong.
(**) Nghệ nhân Trần Hóa vừa qua đời.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét