Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

GIÓ GIAO MÙA

             Truyện ngắn của Nguyễn Hải Triều
                                    “…Gởi làng xưa mây trắng vắt ngang trời…”             
           Chiếc xe máy của hai má con đi men theo con đường nhỏ dọc bờ mương thủy lợi dẫn vào làng. Mấy người hàng xóm thấy Kim về, ai cũng cười vui. Thím Quyên vợ chú Sáu Biên đang múc nước ngoài giếng thì la to: “Anh Bốn ơi! Chim Sâu về thăm kìa!”.
           
             Thường khoảng mươi ngày lưng nửa tháng, sắp xếp ổn thỏa chuyện gia đình, con cái là Kim tranh thủ về thăm ba. Từ ngày mẹ mất, ba ở vậy một mình. Bàn thờ mẹ lúc nào cũng ấm hơi bởi những ngọn hương ba thắp hằng đêm. Ba chẳng chịu ở với mấy đứa con trai. Ông nói: “ Tau muốn ở một mình để dễ bề hương khói cho mẹ sắp bay, khỏi bận lòng con cái!”.
            Làng của Kim chỉ cách nhà chồng khoảng bốn năm cây số, hễ rảnh là vù xe máy chừng mươi phút thì tới nơi. Mỗi khi nhà có bữa mì Quảng, đúc bánh xèo, hoặc đi chợ mua được con cá, con tôm tươi, Kim đều sai thằng Cu, bé Thảo hoặc tự thân đem về biếu ông ngoại. Hồi mới làm dâu, lạ nước lạ cái. Ở nhà chồng được vài ba bữa, nhớ nhà, Kim lại bắt chồng lọc cọc xe đạp đèo về thăm mẹ. Có lần giận nhau, đùng đùng nửa ngày, Kim bỏ chồng khăn gói chạy một mạch về nhà cha mẹ. Báo đời anh chồng trẻ của Kim phải thất náy đi tìm táo tác. Chạy về nhà vợ thì thấy Kim đang dưới bếp đúc bánh xèo, miệng cười toe toét như không có chuyện chi xảy ra. Anh chồng cũng phải chín bỏ làm mười, xuống nước xin lỗi vợ, xin phép ba mẹ để “rước nàng về dinh”. Chừ đã hơn bốn mươi, sắp làm sui thiên hạ rồi. Ấy vậy mà mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, Kim cứ tủm tỉm cười một mình.
            Trong mấy anh em, chỉ hai đứa con gái là Kim và Thùy thì thường xuyên hay chạy về xem ba sống thế nào. Các ông con trai lại thi thoảng lúc có lúc không. Mỗi lần về thăm, ngoài việc dọn dẹp nhà cửa bề bộn. Nấu cho ba chén canh rau, hoặc làm món cá đồng kho lấm, (cái món ngày mẹ còn sống thường xuyên kho cho cả nhà ăn, ai cũng thích). Xong việc, Kim sang nhà ông nội hay hàng xóm để thăm chơi, hoặc ra  mé đồi sau vườn nhà hái ổi; những cây ổi núi mọc hoang thấp lè tè nhưng trái thì to, vị ngọt lịm, thơm lừng. Nhiều năm rồi mà vẫn cứ xanh um, cành luôn trĩu trái. Đôi khi Kim lại thích ngồi một mình bên góc sân để nhặt nhạnh từng kỷ niệm của tuổi hoa niên ngọt ngào, êm ái nhưng cũng đầy gian khó, truân chuyên. Và trong chuổi dài ký ức ấy, hình bóng của Tín, một người bạn hàng xóm lớn tuổi đã ảnh hưởng không nhỏ trong tâm thức, tình cảm của Kim những ngày niên thiếu.
***
Chim Sâu, Chim Sẻ ( tên gọi của Kim và Thùy hồi nhỏ) lẽo đẽo theo ba mẹ từ Hòa Khánh dọn nhà về quê sau giải phóng. Ngày ấy, qua lời kể của ba mẹ, Sâu chỉ mang máng tưởng tượng đến một vùng quê xa xăm nắng bụi mưa bùn mà chưa một lần Sâu được về thăm.
            Những ngày đầu chân ướt chân ráo, gia đình Sâu được họ hàng làng xóm giúp đỡ. Ông nội, các cô chú, anh chị em ra tận đầu thôn để khiêng vác hành lý, đồ đạc của ba mẹ và anh chị em Sâu. Mọi người giúp ba mẹ phát dọn vườn tược, dựng nhà trên nền đất cũ. Những ngày tháng sau đó, cuộc sống từng bước được ổn định. Cả gia đình hòa nhập với họ hàng, xóm giềng trong tình yêu thương đong đầy. Rồi chị em Sâu đi học. Lớp học ngay ở đầu làng, gần vườn nhà ông nội, nơi có nhiều ổi, bòng, quít, cam…mà cây nào cây nấy cứ đến mùa là sum suê hoa trái.
            Tuổi hoa niên của chị em chim Sẻ, chim Sâu đi qua thật êm đềm, mặc dù những tháng ngày ấy trên các làng quê, người dân sống rất cơ cực. Ba Sâu làm nghề thợ mộc. Mẹ thì bươn chải biền bãi với miếng vườn thửa ruộng. Càng lớn lên, chị em Sâu càng thấu hiểu nỗi cực nhọc của những người thân và càng thấy yêu thương hơn. Có những đêm, sau khi học bài,  chui vô mùng nhưng chưa ngủ. Bên ngọn đèn dầu tù mù, Sâu thấy bóng mẹ đổ dài theo chiều liếp phên tre. Mẹ thức đan áo len cho chị em Sâu, sợ mùa lạnh con cái không đủ ấm. Mẹ còn đan áo, đan khăn để bán kiếm thêm tiền trang trải cuộc mưu sinh cùng ba. Mẹ làm quần quật từ tờ mờ sáng đến tối mịt mà chẳng chịu nghỉ tay. Một bữa, giật mình giữa giấc chiêm bao, Sâu ngạc nhiên khi thấy mẹ, sau khi bỏ mùng cho con cái, sè sẹ đi về phía chái bếp, đặt bàn chân mình lên hòn đá mài thật lâu trước khi đi ngủ. Sau này lớn lên, Sâu mới biết mẹ làm như vậy là để cho vết chai sạn dưới bàn chân đỡ đau. Bàn chân bươn chải của bà mẹ quê một đời dầm mưa dải nắng. Sâu nhớ mẹ có mái tóc thật dài và xanh mượt. Cứ mỗi lần chải mẹ phải đứng trên giường để tóc khỏi bết ra đất. Khi ra đồng, mẹ bới tóc thành cái búi thật to sau gáy, để lộ khoảng cổ trắng ngần. Quê ngoại Sâu ở bên sông. Mẹ bảo “con gái lớn lên trên đất Ba châu thì tóc dài da trắng!”.
            Rồi chuyện mẹ gặp ba như một sự sắp xếp của tạo hóa. Mẹ kể, lần ấy ông ngoại rước nhóm thợ mộc của làng Bình Cư bên sông qua sửa ngôi nhà ở ba gian của mình. Lần đầu tiên gặp người thanh niên vừa khéo tay, siêng năng, ít nói; lại kéo đàn nhị nghe đến mê hồn. Bỗng nhiên mẹ linh cảm rằng hình như mình sinh ra là để thuộc về con người này. Năm ấy mẹ mười tám tuổi, giỏi giang, nết na. Đám trai làng nhiều người để ý nhưng mẹ lại chẳng chọn được anh nào. Vậy mà khi gặp ba thì như duyên tiền định!
            Cưới nhau được vài năm, mẹ sinh anh Hai. Bom đạn khốc liệt. Cả nhà tản cư ra Hòa khánh. Chim Sẻ, Chim Sâu và cả thằng Trung, nhúm rau thai đều chôn ở xứ người. Trong ký ức thời thơ ấu của Sâu vẫn nhớ như in, có những đêm ba ngồi trên chiếc chỏng tre bên gốc cây vú sữa trước sân nhà, kéo nhị và uống rượu một mình. Tiếng đàn của ba thánh thót chảy vào đêm vắng nghe miên man một nỗi u hoài về thân phận, về kiếp người; mỗi ngày qua đi bởi nợ áo cơm. Từ khi mẹ mất, chị em Sâu và xóm giềng không còn được nghe tiếng đàn nhị của ba nữa. Cây đàn treo trang trọng bên góc bàn thờ như một chứng nhân. Bụi thời gian phủ đầy màu u uẩn nhớ thương và hoài niệm. Những năm tháng sau đó, cứ cách vài ba buổi chiều, không kéo nhị nữa nhưng ba vẫn một mình ngồi trên chiếc chõng tre nơi gốc cây vú sữa bên góc vườn. Đôi mắt ráo hoảnh, mỏi trông về phía xa xăm như ngóng tìm một hình ảnh thân thuộc đã ra đi biền biệt. Mỗi lần như thế, nhìn chiếc bóng xiêu xiêu trong nắng chiều sấp tắt, chị em Sâu và cả bà con lối xóm ai thấy cũng xót lòng và càng thương ba hơn.
            Những ngày đầu từ Hòa Khánh về quê, chị em Sâu chẳng biết chơi với ai. Vào lớp học thì ngồi co rúm một chỗ, đơn độc, sợ sệt vì nhìn đâu cũng lạ. Mỗi buổi học xong, hai chị em dắt nhau đi một mạch lặng lẽ về nhà vì sợ mấy đứa hàng xóm ăn hiếp. Là chị em sinh đôi nhưng Sâu gầy còm, ốm yếu. Sẻ mạnh mẻ, cứng rắn hơn nên luôn phải như người bảo vệ cho chị mình. Một bữa, sau khi tan học. Vừa dắt nhau ra khỏi cổng trường thì bị một nhóm học trò cùng lứa trong làng chặn đường. Đứa sờ tóc Sâu, đứa bẹo má Sẻ. Chúng gây sự tìm cớ để bắt nạt hai chị em. Sau này Sâu mới biết đứa cầm đầu là con bé tên Gái, con bà Thôi ở xóm Miếu. Chúng vây quanh chị em Sâu, còn hai đứa thì ngồi thụp xuống đất, ôm lấy nhau, co rúm lại như chiếc lá ngủ ngày gặp gió, trông thật tội nghiệp. Con Gái kéo áo Sâu nói với cả bọn: “ Hai đứa hắn là dân Đà Nẵng đó bay!”. Một giọng cười hi hí, rồi nói: “Con nít mà cũng để tóc dài à? Bôi cho nó miếng đất bùn để biết mùi nhà quê đi!”. Trước khi chúng kịp làm cái việc đáng ghét ấy, thì anh Tín xuất hiện như một vị cứu tinh. Chúng ù té bỏ chạy hết. Anh Tín đưa chị em Sâu về nhà. Hôm ấy vì sợ quá, Sâu khiếp như người mất hồn; còn Sẻ thì cứ im ỉm, lầm lì, môi bặm lại mà nước mắt thì không có một giọt.
            Anh Tín không cha mẹ, gốc tích. Hàng xóm kể rằng, cô Lụa xin anh ở ngoài cô nhi viện về nuôi vì cô không có con. Tín hơn chị em Sâu chừng ba tuổi nhưng trông anh già dặn, từng trải như một thanh niên. Da ngăm đen, tóc xoăn, làm việc chi cũng giỏi. Nhà cô lụa nuôi hai con trâu cày đều được anh chăn dắt, cắt cỏ. Tuổi còn nhỏ nhưng công việc nhà anh một tay anh cán đáng. Tính tình lại hiền như đất nên hàng xóm ai cũng khen ngoan, “thằng nhỏ trông vậy mà có nghĩa”. Hồi ấy trong nhà Sâu chỉ có anh Hai là lớn, học trên lớp. Anh thường xuyên đọc sách truyện phiêu lưu của các nhà văn viết về tuổi thiếu nhi. Đọc được truyện mô hay, anh kể cho chị em Sâu nghe. Trí tưởng tượng của Sâu phong phú lắm. Ai cũng bảo Sâu là cô bé đa cảm, đa sầu, hay buồn vu vơ, mai sau dễ thành nhà thơ, nhà văn cũng nên. Chẳng hiểu từ khi gặp anh Tín, Sâu cứ mường tượng anh như các nhân vật Thằng Vũ, Thằng Côn trong truyện Duyên Anh đến thế. Sâu quý mến anh, xem anh là thần tượng. Từ đó, suốt chiều dài quảng đời tuổi hoa niên của chị em Sâu đều không thiếu bóng dáng của anh Tín. Những buổi chiều rủ nhau đi đào dế ngoài biền. Anh Tín đào, Sẻ đổ nước vô hang cho dế chui lên. Bắt được một con là anh xâu vào dọc dài đưa cho Sâu cầm lon ton chạy theo sau. Lần bắt dế nào anh cũng nhường phần nhiều cho chị em Sâu. Buổi trưa nắng chang chang, đánh trâu ra bến sông mẹp nước. Ngang qua nhà anh gọi: “Sẻ, Sâu ơi!”. Thế là đang làm chi cũng bỏ, hai đứa ngó trước ngó sau rồi chạy ù ra ngỏ. Anh kéo đứa trước đứa sau ngồi trên lưng trâu lững thững ra bến sông. Anh cho trâu mẹp nước,  rồi xách ná đi bắn chim. Chị em Sâu thì tập bơi, ngụp lặn thỏa thuê một hồi, rồi anh lại  kéo hai đứa lên lưng trâu chở về nhà.
            Mùa gió nồm, anh Tín dẫn hai chị em ra bãi cỏ đầu làng thả diều. Chiếc diều của anh bao giờ cũng bay cao hơn diều bọn con Gái, thằng Đen… Mỗi lần như vậy, chúng nó nhìn Sẻ, Sâu với ánh mắt ghen tị mà chẵng làm chi được. Rồi có những bữa nghỉ học, đi lấy củi trên ngọn đồi sau nhà. Anh vừa đốn, vừa bó cho cả hai đứa. Anh như một vị thần hộ mệnh, bao giờ cũng chở che, bênh vực, giúp đỡ hai chị em, gắn bó mật thiết như người trong nhà. Trong mắt Sâu, Tín là một người hùng.
            Anh Tín chết vào một buổi chiều tháng Mười. Hôm ấy trời không mưa. Chị em Sâu nghe tin khi đang học trên trường xã. Sâu sững sờ tự hỏi, chẳng lẽ đây là sự thật sao? Hai đứa vội vàng xin phép cô giáo bươn bả chạy về làng. Người ta vừa khiêng xác anh Tín đặt trên chiếc chỏng tre giữa nhà. Cô Lụa ngất xỉu phải cấp cứu mấy lần. Hàng xóm người chạy ra kẻ chạy vào lo đám ma cho anh. Sâu nhớ mình đã khóc thật nhiều nhưng không dám chạy đến nơi để nhìn mặt anh lần cuối. Chính điều này cũng đã làm cho Sâu cảm thấy mình có lỗi với anh đến tận bây giờ. Anh chết do đạp phải một trái mìn còn sót lại trong chiến tranh khi leo lên đồi tìm con trâu đi lạc. Anh chết, cả làng đều khóc. Thương tiếc một đứa trẻ siêng năng, tốt bụng, hiền như đất mà mệnh trời lại chẳng công bằng.
            Rồi thời gian cứ trôi vùn vụt. Thoáng chốc đã đi qua thời con gái của Kim và Thùy, hai con Chim Sâu, Chim Sẻ ngày xưa trên mảnh đất quê hiền hòa, đong đầy những ký ức tuổi hoa niên. Những đêm trăng gánh nước giếng làng; những chiều bến sông giặt áo;…và bàn tay ấm nồng run run vụng về cấm nắm của người con trai làng bên e ấp mối tình đầu…tất cả chỉ còn trong kỷ niệm êm đềm.
            Từ cái ngày mẹ thành khói biếc mây ngàn. cứ mỗi lần về thăm nhà, ngồi một mình, vẳng nghe âm thanh từ ký ức xưa xa vọng về, là Kim nhớ như in lời mẹ dạy con gái: “ Lớn lên khi lấy chồng, con nên chọn đứa ở phía xuôi dòng nước chảy thì cuộc sống mới thuận buồm xuôi gió! Lấy người miệt trên thì sẽ sống cơ cực lắm đó!”. Nghe lời mẹ, mấy anh bạn trai cùng làng, cùng lớp ở xã trên ngấp nghé làm quen mà Kim thèm để ý! Bé Thùy hay chọc Kim khi nói với mẹ: “ Bạn chị Kim tối nào cũng đến cả đám, dựng xe đạp làm mấy cây chè tàu nhà mình mọc không nổi mẹ à!”. Sau này khi đã về nhà chồng; có lần hạnh phúc sóng gió, Kim chạy về nhà khóc với mẹ rằng, dứt khoát phải ly hôn vì anh chồng đổ đốn, mải mê cờ bạc, rượu chè chẳng chịu làm ăn, còn thường xuyên đánh chửi vợ con. Nghe xong, mẹ an ủi dỗ dành con gái và khuyên rằng: “ Mèo lành ai nỡ cắt tai, gái ngoan chồng để khoe tài mà chi! Thôi ráng chịu, qua đêm trời lại sáng. Phải tìm cách cảm hóa, nó thấy sai rồi nó sửa. Con bỏ nó, thiên hạ cũng cười mình con à!” Những lời mẹ dạy mà Kim cứ ngỡ như mới hôm qua.
                                              ***
            - Má ơi! Coi lên thắp hương nhà cậu Tín rồi về để chiều mất!
            Tiếng bé Thảo gọi từ trong nhà làm tắt ngang dòng chảy ký ức của Kim.
            - Ừ, con lấy cái xách cho má. Nhớ nhắc ngoại uống thuốcđó nghe!
            Chờ bé Thảo ra, hai má con dắt nhau đi vô nhà cô Lụa ở xóm giữa làng. Nắng chiều đổ nghiêng. Bóng họ chảy thành vệt dài trên đường. Gió nồm lất phất lay động hàng cau nhà ông nội đang trổ hoa. Tiếng bầy chim sáo lưu vong lãnh lót trên đồi. Giật mình Kim nghĩ: “ Quê ơi! Có lẽ đã bắt đầu  những ngọn gió giao mùa!”.
                                                                       Tháng 10.2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét