Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

GIẤC MƠ TRỖI RỘ KHÚC TÌNH CA MUÔN ĐỜI

            Nguyễn Hải Triều
            (Cảm nhận từ bài thơ “Ba mươi năm”,
            trong tập” Ước mơ gởi phía chân trời” của Nguyên Âm).


            Ba mươi năm ta gặp lại em
            Vẫn nét thư sinh duyên dáng ngày nào
            Em nhớ thuở học trò phố Hội
            Ta vụng về đến mức ngây ngô

            Ba mươi năm trước ta còn quá trẻ
            Vùng đam mê ở chốn thị thành
            Ta cắp sách cùng em chung lối
            Đến bây chừ nỗi nhớ vẫn tươi xanh

            Ba mươi năm qua thời con gái
            Người con trai tóc đã điểm sương
            Cái buổi chung trường sao quên được
            Sông suối tình ta góp với đại dương

            Ba mươi năm cuộc đời dâu bể
            Tình tang thương ai không nếm một lần?
            Em lận đận mưu sinh trần thế
            Ta độc hành mơ mộng công danh

            Ba mươi năm sau ta về với đất
            Em lang thang ở dải Ngân Hà
            Xin nguyện cùng nhau một lần hóa kiếp
            Ta: độc bình. Và em: một nhành hoa…
                                              (“Ba mươi năm”- Nguyên Âm)

            Đời người trên cõi tạm trăm năm là hữu hạn. Nói trăm năm nhưng có mấy ai sống được trăm năm? Và suốt chuỗi dài những ngày tháng đi qua trong thế giới địa đàng đầy thất tình, lục dục; có biết bao nhiêu chuyện buồn vui, trắc ẩn, phiêu linh, phiêu du, phiêu bồng, phiền não hay hạnh phúc , …chảy qua từng số phận, như dòng nước tự ngọn nguồn muôn thuở, muôn đời xuôi về biển cả mông mênh. Những mảnh hồn khu trú chốn địa đàng cứ trôi dạt về đâu? Để rồi một ngày nào đó, người ta chợt nhận ra trong tiềm thức mình, trong bề bộn áo cơm đời thường, lắng đọng bao nỗi nhớ, hoài niệm, hoài ức mà mới đó, mới đây hình như trong ta đã là thành quách, tượng đài!
            Đọc bài thơ “Ba mươi năm”, trong tập “Ước mơ gởi phía chân trời” của Nguyên Âm; tôi gặp sự đồng cảm với tác giả về ký ức xa xăm mà anh đã trải qua. Một câu chuyện tình buồn. Bài thơ cổ tích một mối tình học trò đã trùng khơi xa lắc xa lơ ấy, âm âm trong chuổi dài kỷ niệm của đời người.
            Bắt đầu từ bất chợt một ngày sau ba mươi năm anh gặp lại cố nhân:
            Ba mươi năm ta gặp lại em
            Vẫn nét thư sinh duyên dáng ngày nào
            Em nhớ thuở học trò phố Hội
            Ta vụng về đến mức ngây ngô… 
            Ba mươi năm so với dòng chảy của vũ trụ bao la thì chỉ như một cái chớp mắt, có thể ví bằng phép thuật của Tôn Ngộ Không khi niệm chú Cân Đẩu Vân băng qua nghìn trùng mây núi; nhưng với thời gian hữu hạn “trăm năm” thì quả không ngắn tí nào! Từng ấy tháng ngày cũng đủ để trong tâm thức con người hình thành nên những lâu đài kỷ niệm; xanh cổ kính lớp rêu phong về miền ký ức, niềm vui, nỗi buồn, nuối tiếc, hoài niệm, nhân tình thế thái…, để ta có thể nhớ lại tháng ngày thật êm đềm đã đi qua trong cuộc đời: “Ba mươi năm ta gặp lại em/ vẫn nét thư sinh duyên dáng ngày nào…”. Với chừng ấy thời gian, chừng ấy mùa năm trong cõi vô thường hữu hạn, đáng lẽ ra mọi điều đã vật đổi sao dời! Em cũng phải đổi thay theo kiếp đời cơm áo, theo cỗi cằn nhân thế như quy luật sinh lão bệnh tử muôn thu! Vậy mà trong miền hoài ức của Nguyên Âm, cô gái ấy vẫn như một tượng đài kiêu sa, khảm cẩn vào tiềm thức ba mươi năm, lấp lánh mớ kỷ niệm, để rồi “em nhớ thuở học trò phố Hội/ ta vụng về đến mức ngây ngô…”. Nhà thơ như bất chợt gặp lại hình ảnh của “người muôn năm cũ” ẩn hiện trong góc khuất tâm hồn. Để rồi nghe đâu đây, những tháng ngày biệt giã quê nhà, hẻm trần chân đất, từ nguồn xuống biển, mang theo giấc mơ chữ nghĩa với đời, hát khúc lãng du;  để rồi một bữa, nhà thơ gặp cô nữ sinh cố quận, nghe trong thanh âm xưa có tiếng guốc em va vào ký ức, còn ta như dại khờ đến mức ngây ngô!
            Ba mươi năm trước ta còn quá trẻ
            Vùng đam mê ở chốn thị thành
            Ta cắp sách cùng em chung lối
            Đến bây chừ nỗi nhớ vẫn tươi xanh…  
            Người con trai nhà quê ấy còn quá trẻ, quá ngờ nghệch. Tuổi trẻ thường nông nổi trong cuộc sống, nông nổi trong tình yêu mới lớn trên vùng đam mê ở chốn thị thành. Một ngày ba mươi năm chạm mặt những lối mòn rêu phong, anh nhớ lại với biết bao nuối tiếc, và sự nuối tiếc ấy vẫn tươi nguyên ký ức, tươi xanh yêu thương, tươi rói nỗi niềm.
            Hoài niệm về hình bóng cũ càng của một mối tình xưa xăm, Nguyễn Bính trong bài “Hoa và rượu” đã có những câu thơ: “Từ ấy lâu rồi bặt tin nhau/ Nhà Nhi không biết chuyển đi đâu/ Phần tôi trời bắt làm thi sĩ/ Mẹ chết khi chưa kịp bạc đầu...”. Thời gian chia mặt cách lòng đã tạo ra cho mỗi cuộc đời những biến cố khôn lường “sao dời vật đổi”! Không biết em về đâu trong cõi nhớ mông mênh? Còn ta trời bắt làm thi sĩ ôm câu thơ đi dọc nhân gian tha thẩn hát khúc phiêu linh cố xứ, phiêu bồng kiếp đời trôi nổi, bon chen. Với Nguyên Âm, nỗi nhớ đã âm ỉ và chảy tràn thành sông suối tình yêu xuôi về biển cả:
            Ba mươi năm qua thời con gái
            Người con trai tóc đã điểm sương
            Cái buổi chung trường sao quên được
            Sông suối tình ta góp với đại dương
            Sau ba mươi năm em đã qua thời con gái, có nhớ quên chuyện tình xưa? Có nhớ những buổi chung đường hai bóng cùng về trên con phố dài quen thân ngày ấy? Nghe tiếng kinh mõ chùa Ông, ngắm sen Khổng Miếu; hay lang thang dọc Cửa Đại mùa gió phiêu bồng,… để trong hồn thức lên khúc hoài niệm tuổi học trò chung chinh những nếp gấp quá khứ. Để rồi bây giờ ta tóc điểm sương và tự hỏi đã bao năm ta và em biệt phố xứ người?
            Ba mươi năm cuộc đời dâu bể
            Tình tang thương ai không nếm một lần?
            Em lận đận mưu sinh trần thế
            Ta độc hành mơ mộng công danh
            “Thương hải biến vi tang điền”. Mọi hoàn cảnh đều phù hợp với quy luật hợp tan, đổi thay của trời đất. Ngày gặp nhau biển hóa nương dâu, để lại trong lòng cố nhân những tiếc nuối, ngậm ngùi với hoài niệm “tình tang thương ai không nếm một lần”. Trong suốt chặng đường dài ba mươi năm đằng đẳng ấy, có biết bao nhiêu cuộc đời, biết bao nhiêu số phận “lận đận mưu sinh trần thế” hay trên bước đường “độc hành mơ mộng công danh” đầy gian khó, nghiệt ngã; để rồi, giật mình “bao nhiêu năm làm kiếp con người/ chợt một chiều tóc trắng như vôi” (Trịnh Công Sơn).
            Trăm năm? Năm mươi năm? Hoặc giả ba mươi năm…đều là con số chỉ thời gian có tính quy ước về quá khứ, để một con người từ gã thư sinh nhà quê ngờ nghệch thành người đàn ông tóc điểm sương, bụi bặm, phong trần với thời cuộc. Ngày gặp lại người xưa thì mọi lẽ đời trong kiếp phù sinh đã được an bài. Ai cũng có những góc khuất, số phận riêng rẽ và đôi khi chẳng mấy bằng lòng với chính bản ngã thân phận mình. Có còn chăng chỉ là những giấc mơ, những hoài niệm và ước vọng theo quy luật muôn thu:
            Ba mươi năm sau ta về với đất
            Em lang thang ở dải Ngân Hà
            Xin nguyện cùng nhau một lần hóa kiếp
            Ta: độc bình. Và em: một nhành hoa…
            Ai đó đã từng nói: “ khi con người bắt đầu những bước chân chập chững tập đi, đó cũng là những bước đầu tiên của cuộc hành trình về cõi chết”. Ngẫm lại chẳng sai tí nào. Ai cũng về với đất, với cát bụi phù vân, phiêu diêu nơi cuối dải Ngân Hà và chẳng biết trước được điều gì trong cõi mông mênh viễn phương viễn vọng ấy. Chợt nghĩ về những năm tháng còn lại của ba mươi năm sau, Nguyên Âm đã phác thảo nên một hình ảnh thật nên thơ nơi cõi vĩnh hằng bằng khổ thơ cuối đầy thuyết phục. Khi ta về với đất và em đâu đó ở dải Ngân Hà; dù đã từng xa xôi vạn dặm; dù đã từng cách chia; nhưng ta sẽ vượt qua cả cái chết để mãi mãi thành một tượng đài vĩnh cửu, thành một hình ảnh đẹp xứng đáng với tình yêu muôn thu muôn thuở: ta – độc bình. Và em – một nhành hoa…
            Một sự gắn kết đầy nhân văn, đẹp như một giấc mơ trỗi rộ khúc tình ca muôn đời!
            Tháng 4/2013 -  N.H.T. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét