Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

ĐỌC "ĐI THI CÙNG CON"

ĐỌC "ĐI THI CÙNG CON" - BÚT PHÁP GIẢN DỊ TRUYỀN THỐNG
VÀ MÔNG LUNG HIỆN ĐẠI
           Huỳnh Minh Tâm

                     GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ Đại Lộc, Quảng Nam            
Đọc nhan đề bài thơ “ Đi thi cùng con” rõ ràng, minh bạch quá, dễ làm bạn đọc liên tưởng một bài thơ dễ dãi, “ xoàng”, hoặc sắp nghe một chuyện kể đơn giản thường gặp. Phải chăng tác giả Nguyễn Giúp đã “ cố ý”, “ giỏi”, tinh tế ở chỗ lựa chọn như vậy, một đề tài hết sức đơn giản, giản dị để “ phô diễn” bút lực của mình ? Cái hay của bài thơ là cách viết, cách diễn đạt, cách bố trí, sắp xếp các hình tượng mới lạ để gây ấn tượng, lan toả trong lòng bạn đọc ?

            Xong mùa cha đưa con lên phố
            Thênh thang với mùa thi Trường con đầu xanh
            Trường cha đầu bạc
            Cái nhập đề của bài thơ cho ta cảm nhận được sự chân thành, nét nhẹ nhàng, lung linh tâm hồn của nhà thơ, đồng thời cũng đã dấy lên một cách suy nghĩ mới lạ, cách lập tứ mới. Hình ảnh “ trường con đầu xanh/ trường cha đầu bạc” chân thực nhưng cũng lấm láp bụi đời trường đời. 
            Những đường viền không giới hạn
            Mọc ra cánh đồng bằng sự cắt tỉa hút mắt
            Xoè bàn tay đủ năm đủ mười mà khô queo khô quắt
            Không quen ngón chân bị nhốt
            Cha rất đau với con đường này
            Nội dung khổ thơ đã bung rộng ra, cửa thơ đã mở, mông lung hiện đại. Dường như tác giả cũng không làm chủ được ngòi bút tả thực về hình ảnh, cảnh tượng mùa thi, mà đã chuyển sang độc thoại nội tâm lúc nào không hay biết. Bởi chăng trước bao nhiêu ồn ào náo nhiệt của thực
tại, của đời sống làm choáng ngợp tâm hồn mẫn cảm của một “ lão nông dân”, tâm hồn nhà thơ như “ tím tái”, muốn “ rúc” vào cái vỏ bọc của “nội tâm”, chiêm nghiệm lại các giá trị, để chào đón hết sức khó khăn, nghiệt ngã những giá trị mới. 
            Cha dắt con đi đường đời
            Con dắt cha đi đường phố
            Buộc chặt rồi nhưng vẫn cứ sợ gian manh
            Bước nguệch ngoạc vẽ chân dung đôi bóng
            Một già một trẻ một nơi sinh
            Những câu thơ giản dị truyền thống mà âm vang. Câu thơ “ một già một trẻ một nơi sinh” mang âm hưỏng của Đường thi, mênh mang trầm tư về sự sinh ra, sự già đi, sự chết và sự nối tiếp. Ở đấy có “ chất triết lý” ý vị, sâu sắc, là một vòng tròn khép kín, bóng dáng “ thuyết luân hồi
Phật giáo”.
            Sự cần mẫn nắng mưa có làm nên quê xứ
            Mà sao cha lại thấy nhớ nhà
            Thèm cái rựa chặt đứt sợi dây
            Thèm cái bừa thu gom ngọn cỏ
            Thích cởi trần và đốt lửa
            Bát nước chè xanh một hơi thuốc
            Có cảm giác riêng tư, “ kịch thơ” đã lên đỉnh điểm của những mâu thuẫn, câu thơ gào thét về nhân bản và tự do, về đám đông và nỗi cô đơn. các động từ “ chặt đứt, thu gom”, các hình ảnh cởi trần đốt lửa, bát nước chè xanh một hơi thuốc” thật dứt khoát, mạnh mẽ, ấn tượng, gợi một đời sống, một phong cách sống phóng khoáng, tự do, một lối sống dân dã, mộc mạc nhưng mãnh liệt tình đời, tình người, tình quê. Cái sống động của bài thơ là cái sống động của cuộc đời. Cái sống động của cuộc đời là tự do tự tại, là sống hết cái trù phú trù mật của “trời” cho, là “ đổ đốn điêu ngoa” cái sợ hãi, cái phù du, cái thấp hèn.
            Cha thèm một đời cha sống nữa cho con
            Khăn gói ngày đi mẹ gởi theo dăm đồng
            Tiền này bày cuộc vui
            Tiền này bày xe ngựa
            Ôi mùa thi rợp những cánh chuồn
            Vui lắm những thanh âm trải dài màu mùi phố xá
            Một lần đi hai giấc mơ
            Khổ thơ (và cũng như bài thơ) đan xen bút pháp giản dị truyền thống và mông lung hiện đại. Hình ảnh chận thực, tả thực, nhưng gợi ý mỉa mai, nhọc nhằng, lo toan. Thơ không phải kể một câu chuyện đi thi. Thơ là cảm xúc của tâm hồn ngân rung trước hiện thực xô bồ của đời sống, là giấc mơ của con sông rác rưởi, là tiếng thảng thốt của nội tâm trước đời sống đã khúc xạ qua lăng kính của thi nhân. 
            Cho con một đời ngập tràn huyên náo
            Cha quay lại ruộng vườn tĩnh lặng
            Chỉ tiếng ve mới giục được lòng
            Quen với thung sâu ngại gì cày cuốc
            Chỉ lần này ngực cha trống đánh sau trống trường điểm thi
            Này con đừng sợ
            Ở đây không kẻ gian
            Ở đây họ đang tìm người giỏi

            Ở đây là mai sau
            Ở đây con được quyền kiêu hãnh
            Ở đây có cha đứng đợi
            Đọc đến đây, tôi có cảm nhận, thơ đã làm đầy đủ, quá sức đầy đủ chức năng thiêng liêng của nó, là cứu giúp, là chiếc phao để nâng đỡ con người vượt qua nỗi sợ hãi và cô đơn. Đọan thơ này của Nguyễn Giúp tột mực dịu dàng, nhỏ nhẹ, tột mực nhân ái thương yêu. Và dường như nó cũng khai thị một bí mật tình yêu cuộc sống nào đó thật giản dị, thật bình lặng bình an.

            Thiển nghĩ, những điều tôi vừa viết ra trên đây không là gì cả, như vừa vẽ ra vài cánh hoa của một đoá hoa, của bài thơ “ đi thi cùng con” của Nguyễn Giúp. Bởi những điều dễ hiểu của thơ ca truyền thống và những điều khó hiểu của thơ ca hiện đại, đôi khi nói ra bằng lời thì không phải là “ đạo thơ” nữa, nói về hương thơm không bao giờ là “hương thơm” của đoá hoa. Rất hy vọng bạn đọc sẽ tiếp cận bài thơ với những ý tưởng mới lạ hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét