Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN

         Nguyễn Hải Triều
            1.
            Tôi gặp lại những người đồng đội cũ sau ba mươi năm, trong không gian đầm ấm, còn phảng phất chút dư vị đầu xuân của một năm mới vừa về trên miền quê nắng bụi mưa bùn nhưng cũng rất đổi thân yêu.
           
Những khuôn mặt thân yêu gần gũi, mới ngày nào còn măng tơ sức vóc tuổi xuân, vai súng vai đàn vượt ngàn trùng núi đồi vạn lý, làm nên những chiến công vang dội nơi đất bạn; thế mà bây giờ trên mái tóc không ít người đã phủ trắng màu sương; có người đã vĩnh viễn ra đi vì áo cơm, bệnh tật mà bạn bè cũng chỉ được nghe tin. Để thấy cuộc đời đi qua quá nhanh và biết bao biến đổi khôn lường.

            Chúng ta làm sao quên được những năm tháng khó quên, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong gian khó ngày đầu tiên khoát áo chiến binh về nơi đơn vị. Cái “rừng khợp rừng le” nơi chân đèo Mangzang  heo hút gió. Những cơn lạnh thấu xương mùa đông, cái nắng cháy khắc nghiệt mùa hạ, và một niềm đau đáu nỗi nhớ nhà. Ngày tháng gian khó ấy đã đào luyện cho chúng ta trở thành những người lính chiến của một đơn vị anh hùng: lính Ba Za, sư Hai. Sư đoàn anh hùng với nhiều chiến công lẫy lừng trong kháng chiến và trong bảo vệ tổ quốc mà mỗi lần nhắc đến phiên hiệu, là niềm tự hào cho mỗi chúng ta đã từng được sống, chiến đấu… và cũng là nỗi khiếp đảm của bất cứ kẻ thù nào khi chúng chạm vào những quả đấm thép. Cho đến thế hệ của chúng ta cũng đã không thẹn lòng với truyền thống oai hùng đó.

            Và cũng chỉ hình như mới đây thôi, chúng ta làm sao quên được những đêm vượt đường trên đoàn xe chập chùng ra trận, để lại sau lưng bao hình bóng thân yêu nơi quê nhà; chúng ta ra đi với niềm khát khao chiến thắng của tuổi trẻ với nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ tổ quốc quê hương.
            Rồi những tháng ngày nơi chiến trường đất bạn. Chiến dịch nối tiếp chiến dịch. Những đêm tiền nhập mở đường; những ngày hành quân trong cái nắng đổ lửa nơi rừng biên giới xa xôi. Nhường nhau gói gạo sấy, ngụm nước cầm hơi qua cơn khát cháy nghiệt ngã sinh tử. Những “cơn sốt vàng da xối xả mưa rừng”. Ai trong mỗi chúng ta có thể quên những lần vuốt mắt bạn bè sau mỗi trận đánh? Những cứ điểm, địa danh còn âm âm bước chân hành quân, ầm ào tiếng súng, tiếng bom mìn dậy đất:  547, Xa Em, Z1. 555, đồi Không Tên….thoáng qua trong ký ức những khuôn mặt bè bạn; người nằm lại không về: tên các đồng hương Thuận, Dũng, Đài…từng thân thiết và đã xa cách biết bao! Những câu thơ đau đáu về một thời quá vảng trong mỗi chúng ta: “Mịt mờ khoảng trời viễn xứ/ đường xưa đồng độ đâu rồi/ nhớ mảnh vá trên vai áo lính/ chiều biên cương khuất lẫn sương trôi/…bữa giấu tài hoa níu chân sương khói/ còn lại lời ru khép tuổi đôi mươi/ mượn gó rừng hát dùm câu hát mẹ/ ngủ đi bạn ngủ cho muồi…”, và: “Trở về bao năm sương pha màu tóc/ vớt trăng lên ngàn mây xa xăm/ hóa trầm hương bay về kỷ niệm/ gần lắm đâu đây phía ấy bạn tôi nằm…” (Phía ấy bạn tôi nằm – thơ Nguyễn Hải Triều). Và cả những bạn bè trở về nhưng không còn lành lặn…làm chúng ta có thể quên, phải không các đồng hương? Một đoạn đời thanh xuân đã để lại trong ta nhiều dấu ấn khó phai, những nỗi nhớ triền miên…chúng sẽ là hành trang, là vốn quý, mà theo tôi không phải ai cũng có được,  để chúng ta sống đẹp, sống có ý nghĩa đến hết cuộc đời.
            Gặp lại bạn bè trong không khí ấm áp thắm tình đồng đội, để cùng ôn lại những kỷ niệm xưa một thời thanh xuân từng sống hết mình trên bước đường phong trần mà mỗi chúng ta từng nếm trải với ý nghĩa cao đẹp. Mong rằng tất thảy hãy biết gìn giữ và trân trọng những kỷ niệm ấy như báu vật của đời mình. Thường xuyên liên lạc, chia sẻ mãi mãi  như những ngày chúng ta từng có nhau giữa hòn tên mũi đạn nơi chiến trường để cùng động viên nhau trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống. Niềm chia sẻ ấy sẽ là vĩnh cửu như những người thân thiết.
            2.
            Một người đồng đội cũ: Văn Bỉnh, là chiến sĩ thuộc đại đội 19, trung đoàn 1, ra quân năm 1987. Hiện sinh sống tại chân núi Bồ Bồ, thuộc xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
            Đồng hương Bỉnh của chúng ta đang bị một căn bệnh nan y hành hạ hơn một năm nay: khớp xương chậu của anh bị hoại tử. Anh không thể đi lại được phải nằm một chỗ. Là lao động chính với nghề thợ nề để nuôi ả gia đình một vợ ba con. Nay bệnh tật, gia đình anh đang lâm vào cảnh khó khăn cùng cực.
            Được biết, bệnh viện sẽ tiến hành phẩu thuật cho Bỉnh vào cuối tháng 3/2013 với chi phí được báo trước là 80 triệu đồng. Một số tiền khá lớn so với gia sản và mức thu nhập của gia đình anh trong cuộc sống hiện tại. Văn Bỉnh đang cần sự chia sẻ của cộng đồng và bạn bè, đồng đội, những người từng cùng anh vào sinh ra tử  nơi chiến trường năm xưa; từng chia ngọt sẻ bùi một thời gian khó.
            Mọi đóng góp xin liên hệ theo địa chỉ:
            -Nguyễn Hải Triều, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Số điện thoại: 0903.555.116.
            -Trà Văn Châu, 148- Tô Hiệu, thành phố Đà Nẵng. Số điện thoại: 0983841683.
            Rất mong nhận được những tình cảm của các đồng hương!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét