Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

KHÚC RU QUÊ SẦU GÓA PHỤ…

            Nguyễn Hải Triều
             
          
            “Quê ơi mùa hoa gạo đỏ
            Trăng xưa một nửa cuối trời
            Con sóng vỗ mạn đò bến cũ
            Gốc cây già hoa gạo rơi…”
            Cái làng quê vươn dài theo khúc quanh của dòng sông Con chảy ra Ba Bến một thời dậy sóng kỷ niệm tuổi thơ tôi. Những năm tháng khó quên ấy có  cây gạo đầu làng làm chứng. Nơi gốc cây với táng lá tròn sum suê nghiêng nghiêng về phía bờ sông, cũng đã từng là nơi tôi và lũ bạn sau giờ tan trường, rủ nhau tụm năm tụm bảy chơi đá bò, u mọi, bịt mắt bắt dê...rồi lao ra bến nước Hà Tân ngụp lặn cho “thỏa chí tang bồng”. Ôi, những chiều hè của tuổi hoa niên đẹp như bài thơ nhưng cũng đầy gió sóng…

            Ai về bến cũ Bàu Làng
            Nhìn cây gạo đỏ bên dòng sông xanh…
            Ai đi xa đó nhớ thương
            Nhớ cây gạo đỏ đầu đường làng ta…
                                             (Cây gạo đầu làng-Tạ Thị Quế)
                                                 ***
            Một người bạn đã từng nói với tôi rằng: “Đã làm người, anh là ai, rất nổi tiếng hay chỉ là một kẻ bình thường, không quan trọng! Chỉ biết trong cuộc đời của anh, có dịp nào đó được may mắn viết hoặc ngợi ca về mẹ của chúng ta thì anh đã là người vĩ đại rồi!”. Nhớ lại câu nói ấy, và bây giờ được đọc những bài thơ của nữ sĩ Tạ thị Quế qua tập thơ “Cây gạo đầu làng”, tôi mới nhận ra rằng, nó còn vĩ đại hơn gấp bao nhiêu lần lời nói của bạn tôi, khi cảm nhận những câu thơ của chính người mẹ viết về thân phận mình, viết cho cuộc đời , cho con cái với những khúc ru quê sầu góa phụ:
            Mưa thu tí tách bên tai
            Giật mình thức giấc, mưa ngoài mái hiên…
            …Mưa rơi giọt nhớ giọt thương
            Cung đàn lỗi nhịp, vấn vương dây buồn (Mưa thu).
            Người ta bảo rằng, cuộc đời sinh ra ai cũng có số. Trăm ngã đường đi để đến một nơi cuối cùng giống nhau. Cuộc hành hương mê cung cõi địa đàng lại có người đi tới bằng những bước chân giàu sang, hạnh phúc, sung sướng; có người đi về trong sự nghèo đói, bất hạnh, nghiệt ngã…Diễn trên cái sân khấu cuộc đời vô thường để cho ta nhận ra, để cho ta thấy rằng lắm kẻ chỉ biết yêu thương mình mà bất nghĩa, vô tình với tha nhân; rồi cũng có người vì yêu tha nhân mà quên luôn chính bản thân mình! Với người Mẹ Tạ Thị Quế trong đời thực, bằng chính nghị lực của mình, bà đã vượt qua mọi bão giông số phận, “trọn nghĩa tào khang” với gia đình chồng, hy sinh tất cả cho con cái, một mình buôn gánh bán bưng, bươn chải  như thân cò lặn lội bờ sông, vượt trên mọi sự đố kỵ hèn kém để sống và… nuôi bầy con nheo nhóc ăn học thành người. Khi viết những câu thơ về cuộc đời đầy chông gai mình từng trải qua;  tác giả  dẫn dắt ta bắt đầu cuộc phiêu lưu vào một thế giới riêng biệt đầy nội tâm, vô vàn trắc ẩn. Những dòng cảm xúc chan chứa chảy tràn về thân phận của người đàn bà góa bụa nghiệt ngã lênh đênh như lục bình trôi: Chiến tranh gây những đoạn trường/ Để người góa phụ bẽ bàng bể dâu (Mưa thu). Mùa thu ấy, cảnh héo hon/ Mất cha, đàn trẻ tuổi còn ấu thơ/ Em thành góa bụa ai  ngờ/ Đôi vai từ đó xác xơ gánh bùn…(Sầu góa phụ).
            Với quê xứ, trong bà lấp lánh một niềm yêu thương chẳng thể phai mờ, như con sông quê bốn mùa sóng vỗ đong đầy biết bao nhiêu kỷ niệm; có Khe Đồng, Khe Đảo và những gánh củi nghiêng chiều qua truông đổi gạo, những buổi chợ quê “con tép cũng gầy”, như máu thịt bà rứt ruột cho con cái, như lời hát đưa nôi bà từng ru chúng, cứ à ơi …dìu dặt thắt lòng, để rồi con sông quê vẫn chảy trong tiềm thức của bao người xa xứ:
            Ru ai sông mãi ngân nga
            Say sưa điệp khúc câu ca muôn lời
            Sông Vu sóng vỗ à ơi
            Bờ ôm núi đá ngàn đời nghĩa sâu
            Xanh trời, xanh nước một màu
            Sông quê thắm đượm cồn dâu lúa đồng
            Tình tràn sông nước mênh mông
            Sông quê gói trọn nỗi lòng người quê   (Sông quê).
            Thơ của Tạ Thị Quế  còn miên man ký ức của bà với những người thân trong gia đình. Nỗi nhớ về người em trai liệt sĩ đã hy sinh: Rồi ngày vui đến tràn đầy/ Nước nhà giải phóng, sum vầy mọi nơi/ Tưởng là sẽ gặp em tôi/ Đón em về để chung vui gia đình/ Nào hay em đã hy sinh/ Trong Nam, ngoài Bắc lưu linh chốn nào ?(Em tôi đã về). Về người cha đã khuất : Cha ra đi để lại sự tiếc thương/ Của bà con chòm xóm, láng giềng/ Những tháng ngày thân thương gần gũi/ Vẫn còn đây trong ký ức mọi người (Tiễn cha).
            Thơ ca có lời hát riêng không giống với bất kỳ lời hát nào trong cuộc sống này. “Cây gạo đầu làng”theo tôi, nó như những dòng nhật ký bằng thơ mà tác giả đã kể chuyện về mình. Như một khúc hát về thân phận người đàn bà, về bổn phận người vợ của quê xứ Vọng Phu, người mẹ của những đứa con mà tấm lòng luôn bao la như biển trời non nước. Thơ là nhụy của cuộc sống, mà cuộc sống thì muôn hình muôn vẻ. Mọi điều khẳng định có tính chủ quan đều là khập khiểng. Lời giãi bày trong bài viết này xin được như khúc mở đầu để tìm nên sự đồng cảm cho rất nhiều tâm trạng những người yêu thơ để nói về bài ca thân phận khúc ru quê sầu góa phụ của một đời người!
                                      Quê nhà, mùa hoa gạo đỏ

                                                                                N.H.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét